Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, Hưng Đạo Vương trở thành vị tướng trụ cột của nhà Trần, người có công lớn nhất, ông cũng quy tụ được rất nhiều viên tướng tài năng lúc đó, điển hình có thể kể đến là Phạm Ngũ Lão.

Phạm Ngũ Lão: Từ người nông dân thành danh tướng, con rể Hưng Đạo Vương
(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Câu chuyện Phạm Ngũ Lão đan sọt ven đường được diện kiến Hưng Đạo Vương thì ai cũng biết, đương thời danh tiếng của ông chỉ xếp sau Hưng Đạo Vương và là một trong những danh tướng trong sử Việt. Theo gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của danh tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh. (Xem bài: Cuộc nội chiến bi hùng năm 979 ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc)

Trở thành con rể của Hưng Đạo Vương

Tương truyền sau khi đưa Phạm Ngũ Lão về triều, Hưng Đạo Vương liền tiến cử lên vua để ông giữ chức chỉ huy cấm vệ quân. Nhưng cấm vệ quân là quân tinh nhuệ, vì thế các tướng quân cấm vệ cần là những người rất thiện chiến. Cấm vệ quân biết Phạm Ngũ Lão là tay xuất thân nông dân, chỉ nhờ Hưng Đạo Vương tiến cử, hoàn cảnh gặp mặt lúc đang đan sọt, nên họ không phục, bèn tâu với vua Trần xin được tổ chức đấu võ.

Phạm Ngũ Lão có thể đấu với vài chục người, khiến đám vệ sĩ đều bái phục và chịu tài. Con gái Hưng Đạo Vương là Anh Nguyên quận chúa cũng cảm mến Phạm Ngũ Lão và được cha đồng ý cho kết hôn.

Trong hai cuộc chiến chống quân Nguyên Mông (1285 và 1288-1289) Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công vang dội, góp phần đánh bại đội quân hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới.

Cuộc chiến chống quân Nguyên Mông kết thúc, Phạm Ngũ Lão liên tục được thăng chức:

  • Năm 1290 ông được vua Trần Nhân Tông giao cho quản lĩnh quân Thánh Dực.
  • Năm 1294 Phạm Ngũ Lão lập công lớn khi đánh Ai Lao, được ban Kim Phù (tức binh phù bằng vàng).
  • Năm 1297 Phạm Ngũ Lão lại lập công lớn khi đánh Ai Lao, được ban Vân Phù (tức binh phù có khắc chạm hình mây).
  • Năm 1298 ông được phong làm Kim Ngô Hữu Vệ Đại tướng quân.
  • Năm 1301 ông được phong làm Thân Vệ Đại tướng quân và được ban quy phù (tức binh phù có chạm hình rùa).
  • Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được phong làm Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu.

Phạm Ngũ Lão còn nổi tiếng vì có tài phá tượng binh. Ông có thể một mình xông vào trận voi của Ai Lao mà làm rối trận.

Cách phá tượng binh độc đáo của Phạm Ngũ Lão

Thời nhà Trần, phía nam là Chiêm Thành, phía tây là Ai Lao, hai nước này thường đưa quân cướp phá vùng biên giới với Đại Việt. Phạm Ngũ Lão 3 lần đánh Ai Lao và thắng lớn; 2 lần tiến binh sang Chiêm Thành khiến Đế Chí phải xin hàng, Đế Năng phải chạy trốn đến Java (Indonesia).

Khi Ai Lao xâm lấn Đại Việt thì họ có đội tượng binh rất mạnh. Để đối phó với tượng binh Ai Lao, Phạm Ngũ Lão có cách phá trận rất độc đáo.

Sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ chép rằng:

“Về sau, nước Ai Lao vào ăn cướp, đem voi bày trận xông vào, không ai chống được. Ông được lệnh đem quân đi đánh. Ông sai chặt gốc tre vạt nhọn, dài độ vài thước, chất cả bên đường, rồi vẫy cho quan quân lui lại, một mình xông vào đánh nhau với giặc. Giặc thả voi ra đuổi. Ông cứ xông vào lấy những đoạn tre ở bên đường đâm vào móng chân voi. Voi đau phải lui. Trận giặc đại loạn. Quan quân xông vào đánh vỡ tan”.

Còn sách “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Áng ghi lại rằng:

“Bấy giờ, tù trưởng Ai Lao đem hơn một vạn con voi kéo sang cướp phá các trấn Hoan, Diễn; đi đến đâu thì quân bộ, quân kỵ của ta đều phải vỡ chạy. Triều đình sai ông đi đánh. Ông truyền cho những dân ngoài biên, làng nào cũng phải chặt những khúc tre dài 5, 6 thước, để tích sẵn đấy. Khi gặp giặc, ông xua quân đứng lùi lại, một mình đi chân không vào, vớ những khúc tre mà đánh vào chân voi. Voi đau, kêu rống lên rồi chạy tán loạn. Quân Ai Lao đương đêm phải trốn”.

Vì sao Phạm Ngũ Lão biết điểm yếu này để khuất phục đội tượng binh hơn vạn voi? Tương truyền thủa hàn vi, Phạm Ngũ Lão từng chăn voi cho vua Lào, nhờ một thời nuôi và huấn luyện voi mà ông hiểu đặc tính con vật này. Sách “Thuyết Trần – Sử nhà Trần” của Trần Xuân Sinh thì kể chuyện này theo cách khác:

“Khi Ngũ Lão còn hàn vi, xin với mẹ đi tìm kế lập công danh, ở trong nước chưa có dịp, bèn sang ở chăn voi cho vua Lào. Ngũ Lão cầm lá cờ đỏ dạy voi, tùy theo hiệu cờ phất thì voi tiến, thoái hoặc quỳ xuống hết. Về sau quân Lào sang cướp vùng Thanh Nghệ, có các đội tượng binh xung kích rất lợi hại. Ngũ Lão phụng mệnh đi đánh. Người Lào thúc voi xông vào trận, Ngũ Lão mới phất cờ, đàn voi trông thấy, quen theo thói cũ, cứ tuân lệnh ông phục cả xuống. Vì thế thắng được quân Lào dễ dàng”.

Ngày 1/11/1320, Phạm Ngũ Lão mất, thọ 66 tuổi, vua Trần Minh Tông thương tiếc, nghỉ chầu đến 5 ngày.

Tại làng quê của Phạm Ngũ Lão, người dân xã Phù Ủng dựng bàn thờ ngay trên nền nhà cũ của ông. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: