Phạm Phú Thứ sống vào thời kỳ nhà Nguyễn suy vi. Ông là người có nhiều quan điểm canh tân đổi mới đất nước, ứng phó phương Tây, tiếc rằng các đề xuất thay đổi của ông không được Triều đình chấp thuận. Suốt cuộc đời ông là vị quan chính trực, nói thẳng, thậm chí phê bình cả Vua mà không sợ hãi. Dẫu bị giáng chức nhiều lần, ông vẫn không nản chí, vẫn kiên trì điều mình tâm niệm là đúng đắn.

Phạm Phú Thứ (1821-1882), hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên, người xã Đông Bàn, huyện Diên Phước, nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông nổi tiếng học giỏi, làm quan đại thần qua hai đời vua Thiệu Trị và Tự Đức.

Phạm Phú Thứ là một đại thần triều nhà Nguyễn
Phạm Phú Thứ. (Ảnh: Jacques-Philippe Potteau, Manhhai, Flickr, CC BY-NC 2.0)

Xuất thân

Tổ 5 đời trước họ Phạm Phú vốn là nhà Nho họ Đoàn ở ngoài bắc, chuyển đến Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đổi tên thành họ Phạm Phú. Dòng họ Phạm Phú có tiếng nghề nông đức hạnh, thương người nghèo khó. Họ Phạm trải qua các đời, dù có gốc nhà Nho, người làm quan văn, người làm quan võ, nhưng chưa có ai đỗ đại khoa.

Đến đời ông Phạm Phú Sung là người làm ruộng ở làng, kết hôn với bà Phạm Thị Cẩm người làng Trừng Giang cùng huyện. Bà Cẩm vốn là con một thầy đồ, gia đình bà có người là danh sĩ.

Năm 1821, hai vợ chồng sinh hạ được người con trai, đặt tên là Phạm Hào, đến tuổi đi học thì lấy tên là Thứ (恕), nghĩa là rộng lượng.

Phạm Thứ học rất thông minh, xem một lần là nhớ, lại ham học nên đến năm 12 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng.

Đỗ đầu các kỳ thi

Năm 1842, Triều đình mở khoa thi, Phạm Thứ 21 tuổi đi thi Hương và đỗ đầu tức Giải nguyên. Năm sau, ông lại tiếp tục đỗ đầu tức Hội nguyên. Vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình, ông nằm trong 3 người đỗ cao nhất tức Tiến sĩ cập đệ (nhưng không nêu rõ cụ thể thứ mấy).

Vua Thiệu Trị đổi tên cho ông là Phạm Phú Thứ (范富庶), chữ Thứ do Vua đặt (庶) mang ý nghĩa “đông đúc”, khác với chữ Thứ (恕) tên cũ của ông có nghĩa là “rộng lượng”.

Ông được bổ nhiệm làm Hành tẩu ở Nội các. Năm sau, ông được thăng tri phủ Lạng Giang (thuộc tỉnh Bắc Ninh).

Phê bình Vua, cắt cỏ cho ngựa cũng không nản chí

Năm 1850 dưới thời vua Tự Đức, nhận thấy Vua còn ham chơi, lơ là viêc Triều chính, Phạm Phú Thứ dâng sớ can gián Vua với lời lẽ tha thiết và thẳng thắn. Vua khép ông vào tội phạm thượng và đày khổ sai cắt cỏ ngựa ở trạm Thừa Nông (phía nam Huế).

Trong khi nhiều bạn bè người thân lo cho số phận của ông thì Phạm Phú Thứ vẫn vui vẻ, lúc rảnh rỗi thì câu cá, ngắm cảnh làm thơ. Ông làm quen thêm với một số danh sĩ, làm tập thơ “Nông giang thi lục”. Ông có biệt danh là “Nông giang điếu đồ”, nghĩa là người câu cá trên sông Nông.

Năm 1852, ông được khôi phục hàm Biên tu (tức chức vụ lúc mới ban đầu khi thi đỗ), đến năm 1854 được bổ nhiệm Tri phủ Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi. Ông vận động dân chúng lập 50 kho nghĩa thương để cứu tế dân khi hạn hán.

Học phương Tây, đề xuất canh tân đất nước

Nhờ lập công chăm lo cho dân chúng, ông được thăng các chức vụ khác nhau. Năm 1857, ông làm Án sát sứ ở Thanh Hóa và Hà Nội.

Phạm Phú Thứ dâng sớ đề xuất phương án về kinh tế và quốc phòng: Thuê thuyền buôn tư nhân chuyển thóc gạo ở các tỉnh đến bán cho Kinh đô; để tàu của nhà nước chuyên chở quân lương, vũ khí và lo việc tuần tra bảo vệ.

Năm 1862, Phạm Phú Thứ được cử làm Phó sứ, cùng Phan Thanh Giản sang Pháp và Tây Ban Nha nhằm xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Sau đó đoàn sứ còn đến một số nước khác như Anh, Bồ Đào Nha, v.v..

Tận mắt chứng kiến sự phát triển của phương Tây, Phạm Phú Thứ đã ghi lại cuốn “Tây hành nhật ký” (Nhật ký đi sứ phương Tây), đồng thời cũng làm tập thơ “Tây Phù thi thảo” trong thời gian này.

Về Huế ông dâng lên Vua các tài liệu ghi chép lại từ chuyến đi, đồng thời thuyết phục Vua canh tân đất nước. Những đề xuất của ông rất cụ thể như:

  • Cần có chính sách học một cách thiết thực gắn với hành.
  • Lập khoa thủy học để quản lý ghe thuyền.
  • Dịch sách nước ngoài để theo dõi tình hình thế giới, giúp nhiều người biết về văn minh văn hóa phương Tây hơn.
  • Mở rộng việc buôn bán với nước ngoài.
  • Khai thác khoáng sản làm giàu đất nước.

Vua Tự Đức đưa ra bàn bạc việc này với Triều đình. Tuy nhiên các quan lại ở Triều đình hầu như chưa đến phương Tây, chưa tận mắt chứng kiến văn hóa từ phương Tây, nên hầu như đều phản đối. Rốt cuộc những đề xuất canh tân của Phạm Phú Thứ hầu hết không được thực hiện. Đây là điều đáng tiếc cho những tâm huyết của ông.

Trong thời gian đi Sứ, nhớ cảnh người dân Quảng Nam quê mình quanh năm đói kém, ông đã học hỏi người Ai Cập cách lấy nước tưới ruộng bằng xe gió.

Khi về quê, ông hướng dẫn người làng Đông Bàn chế tác xe đạp nước. Có xe đạp nước tưới ruộng, hơn 100 mẫu ruộng làng Đông Bàn đều có năng suất cao, lại tiết kiệm được sức lực.

Chăm lo cho dân, mong muốn phát triển khoa học công nghệ

Năm 1865, Phạm Phú Thứ được thăng chức làm Thượng thư bộ Hộ, đồng thời sung chức Cơ mật viện đại thần.

Năm 1874, ông được bổ nhiệm làm Tổng đốc tỉnh Hải Yên (Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Yên) kiêm Tổng lý thương chánh Đại thần. Trước đó đê Văn Giang vỡ khiến 2 vạn dân Hải Dương bị đói trong thời gian dài. Ông cho xuất 50 vạn phương thóc kho tỉnh Hưng Yên phát chẩn cho dân để cứu đói. Đồng thời ông huy động dân làm thủy lợi trồng cây ngắn ngày nhằm có được nguồn lương thực căn bản trước mắt cho dân.

Thời gian này ông truyền cho dân những kiến thức học được khi sang Tây; cho khôi phục lại nhà xuất bản Học Hải Đường (có từ thời vua Gia Long); cho xuất bản 4 cuốn sách phương Tây (dược dịch từ tiếng Anh sang tiếng Hán) là Bác Vật tân biên (khoa học tự nhiên), Khai Môi yếu pháp (Phương pháp khai mỏ), Hàng hải kim châm (Kỹ thuật đi biển), Vạn quốc công pháp (Luật pháp các nước).

Đồng thời ông cũng có các bài diễn giải về khoa học công nghệ như cách đúc súng, khai thác than đá, thủy tinh và giải thích tính năng, tác dụng của chất axit sunfuric trong công nghiệp. Các sách xuất bản và bài diễn giải của ông về khoa học phổ thông gây ảnh hưởng và tạo được tiếng vang.

Thời điểm ấy những tư tưởng về phát triển khoa học kỹ thuật của ông là nét độc đáo, gần như là duy nhất trong số các nhà Nho đang làm quan trong Triều đình. Những đề xuất canh tân của ông không chỉ là để phát triển mà còn để bảo vệ đất nước trước phương Tây. Những điều này dù chưa áp dụng ngay nhưng trở thành xu hướng canh tân từ nửa sau thế kỷ 19.

Phạm Phú Thứ mất năm 1882 thọ 61 tuổi, được an táng tại Đông Bàn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay mộ phần của ông được con cháu trùng tu rất khang trang.

Vua Tự Đức dù không cho thi hành những kế sách của ông, nhưng cũng cảm nhận được nhiệt huyệt của ông đối với đất nước, Vua rất thương tiếc và có lời dụ:

“Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi Đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc trông coi Thương chánh ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo. Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, Thứ tới kinh lí cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự Hiệp Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: