“Ninh minh nhi tử, bất mặc nhi sinh”, thà lên tiếng mà chết chứ không im lặng mà sống. Đây là một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Phạm Trọng Yêm, danh thần triều Bắc Tống. Nó ẩn chứa tinh thần cao cả và mỹ đức truyền thống, cũng gợi mở và chỉ bảo cho người đời sau về nhân sinh.

Phạm Trọng Yêm: Thà lên tiếng mà chết chứ không im lặng mà sống
(Ảnh: Nigel Hill, Aphotostory, Shutterstock)

Phạm Trọng Yêm từng giữ chức tri phủ Khai Phong ở kinh thành thời Bắc Tống. Ông đã chỉnh đốn phong khí của quan lại, trừ bỏ sự nhũng nhiễu đối với dân chúng. Vì vậy chỉ vẻn vẹn trong vòng mấy tháng, phủ Khai Phong trở thành nơi nghiêm nghị, không có người làm càn làm bậy, được mọi người kính nể.

Phạm Trọng Yêm có bản tính trời sinh là ngay thẳng cương trực, không thỏa hiệp hay giữ im lặng để thăng quan. Hễ nhìn thấy triều chính có điều gì sai sót, cho dù là không thuộc phạm vi chức trách, ông đều đưa ra những tấu chương xác đáng, hợp tình hợp lý.

Khi đang đương nhiệm ở phủ Khai Phong, Phạm Trọng Yêm cho rằng Tể tướng Lã Di Giản kết bè phái, nhận hối lộ. Vậy là Phạm Trọng Yêm vẽ “Bách quan đồ” dâng lên Hoàng đế Tống Nhân Tông vào năm Cảnh Hữu thứ ba. Bức đồ hình này liệt kê tình huống thăng quan tiến chức cũng như giáng chức của quan lại trong triều. Từ đó Phạm Trọng Yêm chỉ ra Tế tướng Lã Di Giản đã không tuyển chọn người hiền đức mà chọn người dựa vào tư lợi.

Tể tướng Lã Di Giản tất nhiên là có tiếng nói trong triều hơn Phạm Trọng Yêm. Bởi vậy, Hoàng đế đã nghe theo Tể tướng, giáng chức, chuyển Phạm Trọng Yêm đến Tha Châu, Tri Châu…

Từ phủ Khai Phong đến Tha Châu phải đi bằng đường thủy, qua hơn chục châu mới tới nơi. Nhưng ngoài địa phận Dương Châu ra, trên đường Phạm Trọng Yêm đi qua đều không được tiếp đãi. Đối với sự tình này, Phạm Trọng Yêm không một chút để tâm hay buồn rầu. Trái lại, ông ngộ ra nhiều điều: “Thế gian vinh nhục hà tu Đạo, tắc thượng suy ông dã tự tri”, ông đã hiểu ra vinh nhục nơi thế gian không phải là con đường đi của mình.

Không lâu sau, vợ của Phạm Trọng Yêm bị bệnh và mất ở Tha Châu. Bản thân ông cũng bị bệnh nặng. Người bạn cũ của ông là Mai Nghiêu Thần viết cho ông bài thơ “Trác mộc” “Linh ô phú”. Trong bài thơ “Trác mộc”, Mai Nghiêu Thần khuyên nhủ Phạm Trọng Yêm đừng sống giống như con chim gõ kiến (trác mộc), mổ sâu bọ trong rừng, lại đưa đến họa sát thân. Trong bài “Linh ô phú”, Mai Nghiêu Thần lại nhắn nhủ Phạm Trọng Yêm, ở trong triều đình hết lần này lần khác nói thẳng, nên bị người ta coi như tiếng kêu của quạ đen báo điềm xấu. Ông khuyên Phạm Trọng Yêm nên học chim báo hỉ (báo tin vui), đừng giống như quạ đen mà bị chán ghét. Mai Nghiêu Thần hy vọng từ nay về sau, Phạm Trọng Yêm nên im lặng nhiều hơn, không nên cương trực quá.

Phạm Trọng Yêm đọc xong cũng viết một bài “Linh ô phú” gửi lại cho Mai Nghiêu Thần. Ông bộc bạch rằng vô luận có xảy ra chuyện gì đi nữa ông cũng sẽ kiên trì chính nghĩa, kiên trì chân lý. Cho dù mọi người có chán ghét tiếng kêu oa oa của quạ đen đến mức như thế nào đi nữa, ông trước sau như một cũng sẽ “Ninh minh nhi tử, bất mặc nhi sinh”, thà lên tiếng mà bị chết chứ không im lặng mà sống. Đây chính là nguồn gốc của câu danh ngôn này.

“Ninh minh nhi tử, bất mặc nhi sinh” cùng với câu “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi nhạc nhi nhạc” (Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ) đều được người đời tán dương là danh ngôn thiên cổ. Tinh thần của Phạm Trọng Yêm cũng theo đó mà truyền lại cho hậu thế.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: