Phố Hiến là thương cảng trù phú sầm uất và nổi tiếng bậc nhất vào thế kỷ 17. Văn bia chùa Thiên ứng năm 1625 đã ghi rằng: “Phố Hiến nổi tiếng bốn phương là một tiểu Tràng An”, nghĩa là người thời đó cho rằng Phố Hiến giống như một Kinh đô thu nhỏ. Trong dân gian cũng lưu truyền câu “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Cuối thế kỷ 15 danh từ “Phố Hiến” được hình thành, lấy theo tên của Sở lỵ ty Hiến sát sứ Sơn Nam. Nhưng phải đến năm 1550, Phố Hiến mới trở thành thương cảng sầm uất và giàu có. Ngay trước khi trở thành thương cảng giàu có bâc nhất, Phố Hiến còn là một vùng đất khoa bảng, nơi sản sinh ra 3 vị Trạng nguyên cho nhà Mạc.

Phố Hiến: Nơi xuất sinh 3 Trạng nguyên cho nhà Mạc
Nghi môn của Văn miếu Xích Đằng ở Phố Hiến. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Ngay từ khi thành lập, nhà Mạc đã rất chú trọng việc khoa cử, duy trì đều đặn 3 năm tổ chức khoa thi một lần, gồm cả thi Hương, thi Hội và thi Đình. Sau này ngay cả khi trong chiến loạn thì việc học hành thi cử vẫn được Triều đình nhà Mạc chú trọng duy trì. Như vào năm 1592 khi chiến sự ác liệt với quân Nam Triều thì vua Mạc Mậu Hợp vẫn tổ chức khoa thi đúng định kỳ bên sông Hồng.

Từ năm 1529 đến năm 1592, nhà Mạc đã tổ chức 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 11 Trạng nguyên. Giáo dục và khoa cử thời Mạc đã tạo ra một đội ngũ quan lại cho bộ máy triều đình, trong đó có không ít danh nhân nổi tiếng như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên Giáp Hải, v.v..

Năm 1529, Mạc Thái Tổ đã tổ chức khoa thi đầu tiên dưới thời nhạc Mạc, có 4.000 sĩ tử dự thi, lấy đỗ 27 tiến sĩ. Khi xướng danh, đỗ Trạng nguyên là Đỗ Tống người Phố Hiến, ông là con của Hoàng giáp Đỗ Nhân. Như vậy Phố Hiến đã sinh ra vị Trạng nguyên khai khoa cho nhà Mạc.

Trạng nguyên Đỗ Tống sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, cha là Đỗ Nhân đỗ Hoàng Giáp dưới thời nhà Lê. Đỗ Tống làm quan đến Tả Thị lang Bộ Hình, Đông các Đại học sĩ.

Ngay sau khoa thi đầu tiên thành công, Triều đình đã dựng bia tiến sĩ, khắc tên những người đỗ đạt vào tiết Đông Chí. Điều này đã có tác dụng cổ vũ khuyến học rất lớn, tiếc rằng sau này lại không còn duy trì.

Trên tấm bia đầu tiên có khắc:

“Dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái. Nhân văn được trau dồi, thi cử được đổi mới. Phàm những điều lệ về thi cử, ban ấn vinh theo cấp bậc, so với thời xưa đều rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều”.

Em của Đỗ Tống là Đỗ Tấn đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1536, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ, tước Trân Quận công.

Người đỗ Trạng nguyên thứ hai của Phố Hiến cho nhà Mạc là Nguyễn Kỳ, khoa thi năm 1541. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện thị thư.

Tương truyền bố mẹ Nguyễn Kỳ ngoài tứ tuần mà chưa có con nên thường đến cửa Phật, nhờ đó mà sinh được Nguyễn Kỳ. Khi Nguyễn Kỳ lên 3, bố mẹ gửi ông vào chùa. Thấy cậu bé thông minh nên sư thầy dạy học từ rất sớm, Nguyễn Kỳ học một biết mười, lại siêng năng và rất ngoãn ngoãn.

Ngày đỗ Trạng vinh quy bái tổ, Nguyễn Kỳ yêu cầu người làng đón mình tại chùa để ông tạ ơn Phật và sư thầy đã dạy dỗ mình thành tài, sau đó mới đến tổ tiên cha mẹ.

Trạng nguyên thứ ba của Phố Hiến là Dương Phúc Tư, thi đỗ năm 1547. Bài thi Đình của ông được Vua đánh giá cao và phê rằng: “Điều đối thiết yếu, chân đại thủ bút, sĩ vị chân nho, xuất thế đạo hành”, nghĩa là điều Dương Phúc Tư viết trả lời câu hỏi thật là thiết yếu, đây là tác phẩm lớn, người này là vị chân nho, xuất thế để thi hành đạo nghĩa.

Dương Phúc Tư làm quan đến chức Tham chính, sau đó từ quan đi dạy học ở Sơn Tây. Học trò ông có nhiều người đỗ đạt, trong đó có Trạng nguyên Phạm Trấn Khoa đỗ khoa thi năm 1556.

Con cháu của Dương Phúc Tư nhiều đời đều đỗ đạt. Cháu nội là Dương Thuần đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1628, Dương Hoàng đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1637. Đời sau còn có Dương Hạo đỗ tiến sĩ năm 1640, Dương Công Thụ đỗ tiến sĩ năm 1731. Con cháu ông nhiều người đi định cư ở các nơi và đều đỗ đạt làm quan lớn trong Triều.

Nhà Mạc chú trọng việc học tạo nên những nhân tài phục vụ Xã Tắc. Phan Huy Chú viết trong “Lịch triều hiến chương loại chí” rằng: “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống với nhà Lê, kéo dài hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: