Người xưa có câu “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, nơi đây là một thương cảng trù phú sầm uất và nổi tiếng bậc nhất vào thế kỷ 17. Văn bia chùa Thiên Ứng năm 1625 đã ghi rằng: “Phố Hiến nổi tiếng trong bốn phương là một tiểu Tràng An”, tức một kinh đô thu nhỏ.

Lịch sử hình thành

Phạm Bạch Hổ vốn là một tướng của Ngô Quyền. Sau khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, nhiều người không chịu phục lập cát cứ, hình thành 12 Sứ quân. Phạm Bạch Hổ trở thành Sứ quân trấn giữ vùng Hải Đông (thuộc Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên ngày nay), được tôn xưng là vua Mây.

Phạm Bạch Hổ xây dựng lãnh địa của mình thành thủ phủ rộng lớn, thành trung tâm nổi tiếng thời 12 Sứ quân, sau này ông theo về với nhà Đinh.

Thời Tiền Lê, vùng Hải Đông trở thành thực ấp của Lý Công Uẩn. Đến thời nhà Trần, khi nhà Tống bị diệt bởi Mông Cổ, nhiều người Hoa đến nơi đây lập nên làng Hoa Dương, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán. Dần dần người Việt cũng đến nơi đây hợp thành vùng buôn bán rất sung túc, tiền thân của Phố Hiến (thành phố Hưng Yên ngày nay) sau này.

van mieu xich dang
Nghi môn của Văn miếu Xích Đằng ở Phố Hiến. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Năm 1469, thời vua Lê Thánh Tông, thừa tuyên Sơn Nam được đổi tên thành trấn Sơn Nam, thủ phủ ở Vân Sàng (Ninh Bình). Đến cuối thế kỷ 15 danh từ “Phố Hiến” được hình thành. Từ “Phố Hiến” được lấy theo tên của Sở lỵ của ty Hiến sát sứ Sơn Nam.

Thương cảng trù phú sầm uất suốt thế kỷ 16, 17

Khoảng từ năm 1550 thời nhà Lê, nông nghiệp và thủ công nghiệp nước ta phát triển mạnh mẽ, tạo ra rất nhiều sản phầm hàng hóa, tăng nhu cầu mua bán trao đổi. Phố Hiến nhờ tọa lạc ở nơi thuận lợi giao thương cả đường thủy lẫn đường bộ nên đã thu hút hàng hóa đến đây trao đổi, hình thành khu đô thị thương nghiệp lớn, không chỉ giao thương trong nước mà còn xuất nhập khẩu ra thế giới.

Sách “Hòa Hán tam tài đồ hội” có ghi chép các mặt hàng Phố Hiến xuất khẩu sang Nhật Bản như: lụa vàng, linh, đủi, sa, là, nhung, tơ, bông vải, sa nhân, xạ hương, sơn, quế, nhãn, hoặc hương, lưu huỳnh, thiếc, cau, đồ sứ, đồ sành, đồ sơn. Ở Nhật Bản còn lưu giữ các tài liệu ghi chép các mặt hàng nhập từ Phố Hiến như: gạo, hồ tiêu, đường, vây cá, cá vàng.

Ngoài Nhật Bản, hàng hóa từ Phố Hiến cũng đến Trung Quốc, các nước thuộc Đông Nam Á, cùng các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…

Thuyền bè từ Thăng Long – Kẻ Chợ cùng các trấn gần xa trong nước cũng đến đây trao đổi mua bán. Theo “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn thì có 50 địa phương trong nước có quan hệ giao thương qua Phố Hiến.

Năm 1625, người phương Tây bắt đầu đến Phố Hiến và đặt các thương điếm, khiến đô thị Phố Hiến càng thêm sầm uất. Phố Hiến trở thành trung tâm kinh tế với nhiều đầu mối giao thương quốc tế, trên sông tấp nập thuyền bè đi lại và đỗ bến, phố chợ đông đúc. Người góp công lớn nhất cho sự trù phú của Phố Hiến là các thợ thủ công và thương nhân người Việt, người Hoa, Nhật Bản và phương Tây.

Đại Nam nhất thống chí mô tả rằng: “Cung cũ Hiến Nam ở địa phận xã Nhân Dục, huyện Kim Động là lị sở trấn Sơn Nam đời Lê, phàm người nước ngoài đến buôn bán thì tụ tập ở đây, gọi là Vạn lai triều, phong vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp”.

Vào thế kỷ 17, nhà Minh mất, nhà Thanh lên thay, nhiều người Hoa không theo nhà Thanh nên quyết định bỏ sang Đại Việt. Nhiều người đã chọn đến sinh sống ở Phố Hiến, khiến cho nơi đây càng thêm nhộn nhịp. Trước đây người Hoa chỉ ở làng Hoa Dương, nay mở rộng thêm làng Hoa Điền và Hoa Cái, hợp thành “tam hoa”.

Nhiều người Hoa trong số đó biết nghề thủ công, kinh doanh buôn bán, họ cũng liên lạc với các thương nhân ở Trung Quốc, chọn được mặt hàng người Việt ưa thích đưa đến Phố Hiến, khiến nơi đây càng thêm sầm uất.

Các thương gia Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm La và Mã Lai tấp nập đến Phố Hiến. Năm 1673, một thương gia người Hà Lan là Hartsinek đã đến lập ra đội thương tàu và lập công ty Đông Ấn. Cũng trong năm này người Bồ Đào Nha đến nơi đây truyền Đạo. Người Pháp cũng theo nhau đến đây buôn bán. Các thương nhân Hà Lan, Anh và Pháp mở thương điếm cùng văn phòng đại diện ở đây.

Thế kỷ 17 Phố Hiến phát triển vượt bậc. Các hàng nhập về gồm có: Thuốc bắc, kim chỉ, sa, gấm, nhiễu vóc, trìu, lĩnh, nỉ, chỉ thêu, chỉ kim tuyến, vàng quỳ, bạc quỳ, mắt tượng, gương soi, giấy hoa tiên, mực nho, bút lông, chè bao, phấn sáp, cao đơn, táo tàu, hồng tàu, bát đĩa, ấm chén…

Hàng xuất khẩu từ các địa phương gồm có tơ lụa, gạo thóc. Hàng xuất khẩu thủ công gồm đồ hộp, khay, đồ khảm, đồ nan, đồ thờ, đồ gỗ sơn, cùng các hàng thủ công khác của người Hoa. Hàng miền núi xuất khẩu gồm thuốc nam, sơn, thảo quả, sa nhân, tiêu hồi, quế chi, gạc hươu, xương hổ, xương khỉ.

Sách “Lịch triều dư địa chỉ” ghi chép rằng:

“Các hàng hóa nước ngoài khi nhập khẩu, đều phải nộp thuế, gọi là “thuế tuần”. Để đảm bảo nguồn thu thuế vào các hàng hóa ngoại nên đã đặt một đồn thuế chính ở thôn Xích Đằng và đặt một đồn thuế phụ ở bến Kê Châu (Kim Động). Thuế hàng ngoại người nước ngoài phải nộp bằng hiện vật nên đã lập ra một kho hàng bên cạnh đồn thuế chính đều ở thôn Xích Đằng”.

Ở phố Hiến người Việt và người Hoa là nhiều nhất, rồi đến người Nhật và người phương Tây. Vì thế triều đình có các khu phố cho người Hoa, người Nhật và người nước ngoài. Nhiều công trình lớn được xây dựng mang theo phong cách kiến trúc của người Việt, người Hoa và phương Tây. Khiến nơi đây không chỉ là trung tâm giao thương kinh tế mà còn là một trung tâm văn hóa.

Suy yếu rồi mất hẳn

Sang đầu thế kỷ 18, sự bồi đắp của sông Hồng khiến cho Phố Hiến ngày càng xa sông Hồng hơn theo thời gian, không còn đường thủy thuận tiện như trước.

Triều đình thấy người ngoại quốc ra vào Phố Hiến có điều bất lợi nên ra các chính sách không thuận lợi cho việc đi lại. Đến thời vua Lê Hy Tông, nhân việc có một người Anh phạm vào luật cấm, triều đình nhân đó trục xuất người ngoại quốc.

Đồng thời lúc này Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm hàng hải, mở rộng giao thương. Nhật Bản cũng xuất khẩu các mặt hàng được yêu thích lúc đó là vàng bạc và tơ lụa, với việc giao thương trực tiếp tiện lợi. Trong khi đó với triều đình nhà Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, các giao dịch vẫn qua trung gian nên không thuận lợi bằng Trung Quốc hay Nhật Bản.

Triều đình Đàng Ngoài chỉ xem Phố Hiến như nơi để thu thuế mà không có thay đổi để phát triển, nay lại trục xuất người nước ngoài. Vì thế người phương Tây lần lượt rời đi, Các thương điếm phương Tây ở Phố Hiến – Kẻ Chợ lần lượt đóng cửa, các tàu buôn phương Tây còn lại rất ít, chỉ còn người Hoa vẫn còn ở lại buôn bán.

Sang thế kỷ 19, kinh đô được chuyển dời từ Thăng Long đến Phú Xuân. Một lượng lớn người Hoa từ Phố Hiến – Kẻ Chợ di dời đến Thăng Long, khiến Phố Hiến trở nên vắng hơn, mất đi vai trò kinh tế quan trọng của mình.

Phố Hiến: Thương cảng sầm uất nổi tiếng miền Bắc suốt 2 thế kỷ
Cảnh phố ở Hưng Yên thời thuộc Pháp. (Ảnh tư liệu)

Năm 1730, đê Mạn Trù vỡ, dân vùng Sơn Nam trở nên nghèo đói. Các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu khiến nơi đây càng bị tàn phá, tiềm lực kinh tế Phố Hiến cũng giảm dần rồi mất hẳn.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Phố Hiến vẫn bảo tồn được hơn 100 di tích văn hóa có giá trị, trong đó có 18 di tích được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Quần thể Phố Hiến xưa kia nay nằm từ thôn Đằng Châu (phường Lam Sơn) tới thôn Nễ Châu (phường Hồng Châu) trên một diện tích khoảng chừng 5km2 ở thành phố Hưng Yên.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: