“Tiên tích đức, hậu tầm long”, thuật phong thủy chủ yếu chỉ có thể giúp người có đức. Giai thoại xưa truyền lại rằng các đời vua chúa đều do tổ tiên tích đức truyền lại cho con cháu về sau. Dưới đây là câu chuyện về “vương triều chúa Trịnh”.

Trinh Kiem 02
Trịnh Kiểm mở đầu cho “vương triều chúa Trịnh”. (Tranh: HoTrinhPhiaNam.com)

Tổ tiên tích đức

Theo “Trịnh gia thế phả” và giai thoại thoại thì vào thế kỷ 15 ở Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc có người tên là Trịnh Liễu nhà nghèo nhưng rất ham đọc sách.

Cuốn “Đại Việt Lê triều đế vương Trung Hưng công nghiệp thực lục” có mô tả Trịnh Liễu như sau: “Nhà nghèo, ham học, tích đức, làm việc nghĩa. Họ hàng khen hiếu, làng xóm khen đễ… sau rời đến làng Biện Thượng (nay là Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng), làm điều thiện không mỏi, nhân hậu có thừa.”

Trịnh Liễu lấy vợ họ Hoàng, gia cảnh nghèo khó nên hai vợ chồng phải làm ruộng và bán nước chè kiếm sống, khó khăn là thế nhưng Trịnh Liễu vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Một hôm Trịnh Liễu đi cày ở xứ Đồng trong núi, đến chỗ vực tôm thì thấy một cụ già râu tóc bạc phơ nhưng rất có thần thái. Trịnh Liễu mời ông già về ở nhà mình một đêm. Nhà Trịnh Liễu chỉ có mấy gian lợp bằng lá với một cái chõng tre, Trịnh Liễu mời cụ già lên giường nghỉ ngơi rồi làm cơm mời cụ.

Cụ già khen Trịnh Liễu rồi nói: “Lão đây vốn sành phong thuỷ, thấy trong sách đất này, chỗ Nanh Lợn, có một huyệt có khí quý, táng đó thì 4 đời sau phát Vương”.

Cũng theo “Trịnh gia thế phả”, Trịnh Liễu nghe lời đưa hài cốt cha mẹ theo cụ già táng vào chỗ đất quý. Tối hôm đó mưa gió ầm ầm, cụ già hỏi: “Có dám đi thăm huyệt không”, Trịnh Liễu đáp có rồi đến huyệt, bốn bề đêm tối giữa lúc mưa gió ầm ầm, nhưng phía mộ thấy vẫn có ánh sáng như sáng trăng, từ xa thấy có hình dáng như con rồng đen nằm ấp lên trên.

Trịnh Liễu chạy về gặp cụ già nói lại. Cụ già nói rằng: “Rồng vàng là Đế, rồng đen là Vương. Nhà ông tích lại âm công. Trời giáng phúc cho đó.”

Sau đó nghe lời cụ già, Trịnh Liễu dời nhà đến ở làng Biện Thượng, đến kỳ thi Hương thì đỗ tam trường tức tú tài.

Sau này Trịnh Liễu sinh ra Trịnh Lan, Trịnh Lan lại sinh ra Trịnh Lân, rồi Trịnh Lân sinh được Trịnh Kiểm – đây cũng chính là đời thứ tư.

Đi lên nhờ tài huấn luyện ngựa

Năm Trịnh Kiểm 6 tuổi thì cha mất, gia cảnh lâm vào cảnh túng quẫn, bị người ta khinh khi, gia đình phải dời nhà ở Biện Thượng đến quê cũ là Sóc Sơn. Trịnh Kiểm hàng ngày chăn trâu ở núi Lệ Sơn, thường cùng bọn trẻ dựng cờ lau đánh trận giả.

Theo “Trịnh gia thế phả” thì đến năm 17 tuổi Trịnh Kiểm đã thể hiện hùng dũng hơn người, trí lực khác thường.

Lúc này Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, Nguyễn Kim tập hợp lực lượng chống lại nhà Mạc, phục hưng nhà Lê. Tướng nhà Mạc là Ninh Bang hầu tiến quân đến đóng ở huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc ngày nay).

Mẹ của Trịnh Kiểm là bà Hoàng Thị Dốc đưa con đến Ninh Bang hầu xin cho làm gia thần, Ninh Bang hầu đồng ý thu nhận và cho trông coi trại ngựa ở Thọ Liêu.

Tại đây Trịnh Kiểm được người bạn gốc Chàm là Vũ Thì An dạy cho cách huấn luyện ngựa, nhờ đó mà không chỉ biết cách thu phục ngựa mà còn phân biệt được ngựa hay, ngựa quý, dần dần trở tành một kỵ mã tài giỏi.

Thế rồi có người khuyên không nên theo tướng nhà Mạc, Trịnh Kiểm nghe theo, nửa đêm chọn con ngựa chiến đầu đàn hay nhất trốn đi.

Trịnh Kiểm tìm đến đầu quân cho Nguyễn Kim lúc này đang ở Mường Sung thuộc Ai Lao (Lào ngày nay). Với tài năng của mình, đặc biệt là về kỵ binh, Trịnh Kiểm được phong làm Tri mã cơ tước Dược Mã hầu.

Trịnh Kiểm khởi đầu cho 12 đời chúa Trịnh

Lúc ấy Nguyễn Kim mới tập hợp lực lượng nên còn rất yếu, theo “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” của Alexandre De Rhodes thì một lần bị quân Mạc tấn công, Nguyễn Kim bị bao vây giữa vòng vây địch, tình thế nguy cấp, ông nói rằng sẽ gả con gái cho ai giúp ông cùng nghĩa quân thoát khỏi vòng vây.

Giữa vòng vây xiết chặt, Trịnh Kiểm cưỡi ngựa xông lên cùng quân mở con đường máu cho toàn quân rút lui, tránh bị tiêu diệt. Nguyễn Kim giữ đúng lời hứa gả con gái là Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm.

Từ đó Trịnh Kiểm được giao nhiều trọng trách, trong đó có cả huấn luyện kỵ binh cho nghĩa quân.

Trịnh Kiểm
Kiệu rước chúa Trịnh. (Tranh: Trinhtoc.com)

Năm 1539, Trịnh Kiểm đến Ai Lao đón vua Lê Trang Tông. Vua thấy dung mạo tuấn tú, xem là tướng tâm phúc, phong làm Đại tướng quân tước Dực Quận Công.

Năm 1545, Nguyễn Kim bị Quan Tổng Trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất trá hàng rồi đầu độc giết chết, lúc này mọi quyền lực nhà Lê đều lọt vào tay Trịnh Kiểm.

Năm 1546, Trịnh Kiểm lập Hành điện cho vua Lê Trang Tông ở Thanh Hóa, chiêu mộ hào kiệt, huấn luyện binh sĩ tính kế lâu dài với nhà Mạc.

Từ đó đất nước chia hai: Từ Thanh Hóa xuống phía nam là Nam Triều của nhà Lê do Thái sư Trịnh Kiểm thống lĩnh; từ Sơn Nam ra bắc là Bắc Triều của nhà Mạc.

Trịnh Kiểm thâu tóm quyền lực ở Nam Triều như một vị Chúa Thượng. Năm 1556, khi vua Lê Trung Tông mất và không có con nối dõi, Trịnh Kiểm định nhân cơ hội này lên ngôi Vua nhưng sợ lòng người không theo. Ông cho người tìm đến Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi.

Trạng Trình đáp rằng: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”. Trịnh Kiểm liền bỏ ý định lên ngôi, tìm dòng dõi nhà Lê là Lê Duy Bang lên ngôi vua gọi là Lê Anh Tông. (Xem thêm: Mạn đàm về cuộc cờ người của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Từ đó Trịnh Kiểm giữ ngôi Chúa, khởi đầu cho 12 đời chúa Trịnh kéo dài suốt 249 năm. Điều này kể ra cũng ứng với những điều năm xưa cụ già nói với cụ tổ Trịnh Liễu, rằng ngôi mộ phát Vương, chứ không phát Đế.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: Vì sao hành thiện nhưng không được phúc báo?