Trong cuộc sống hiện đại đầy rẫy ly hôn hay bạo lực gia đình, làm sao để giữ được một gia đình hòa thuận yên ấm? Câu trả lời có lẽ nằm ở thiện niệm của mỗi thành viên trong gia đình.

Chồng là đất, vợ là hoa, gia đình thuận hòa cần có thiện niệm
(Ảnh minh họa: Interstid, Shutterstock)

Có câu: “Chồng là đất, vợ là hoa”, hoa cần chất dinh dưỡng từ đất, đất cần sự tô điểm của hoa. Đất không có hoa thì không ai nhìn ngó, hoa không có đất thì hoa sớm úa tàn. Người chồng xấu tựa như đất cát mỏng, mỗi ngày nói lời ngon ngọt mà lại không hề cho chất dinh dưỡng, đóa hoa đẹp mấy cũng trở nên héo úa. Người chồng tốt tựa như đất đen, thoạt nhìn chất phác tự nhiên, nhưng là người làm việc đến nơi đến chốn. Anh ta có thể không nói lời yêu thương, nhưng nhất định cần cù chăm chỉ nâng đỡ gia đình. Đây là cách nhìn nhận của cổ nhân về đời sống hôn nhân.

Thuận theo quan niệm hiện đại, cuộc sống gia đình thời nay đã thay đổi. Nhưng dường như không phải theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Trong các gia đình người Việt, rất nhiều trường hợp người vợ được giao cho hầu như mọi công việc, không chỉ của gia đình. Người chồng đi làm về gần như không động tay vào việc gì hết. Các bữa nhậu vui vẻ với bạn bè, đối tác cũng được cho là “làm việc”. Nhiều phụ nữ Việt Nam vất vả vì vừa phải đi làm ở ngoài, vừa phải chăm sóc con cái, vừa phải lo toan hầu hết các việc gia đình.

Ở một số nước phương Tây, quan hệ vợ chồng cũng gặp phải không ít vấn đề. Mặc dù trong cuộc sống gia đình, cả hai vợ chồng có thể cùng chia sẻ gánh vác và cùng nhau làm các công việc, nhưng sự bận rộn nơi công sở đã chiếm một lượng lớn thời gian của người phụ nữ. Hơn thế nữa, cuộc sống hôn nhân luôn chịu đe dọa từ các phong trào giải phóng tình dục, tự do tình dục. Việc giáo dục con cái cũng trở thành sự phó mặc cho nhà trường.

  • Mời quý vị nghe radio: Chồng là đất, vợ là hoa, gia đình thuận hòa cần có thiện niệm

Những thực trạng mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay được khoác lên một lớp áo mỹ miều, gọi là “bình đẳng giới”. Nhưng điều này có đúng chăng?

Hãy cùng nhìn lại một sự kiện lịch sử nổi tiếng. Khi con tàu Titanic sắp chìm xuống đáy biển sâu, thuyền trưởng lúc đó đã tuyên bố một hiệu lệnh: “Phụ nữ và trẻ em lên trước!”. Hiệu lệnh vang lên, nhiều người đã rời xa thuyền cứu hộ, đứng lặng lẽ, chậm rãi dựa lên tay vịn. Họ bắt đầu châm những điếu thuốc và hút. Nhiều hành khách lặng đi, không muốn chứng kiến sự chia ly của các gia đình.

John Jacob Astor IV là một nhà kinh doanh, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng, một trong những người giàu nhất thế giới bấy giờ. Ông đã đưa người vợ mang thai 5 tháng của mình lên thuyền cứu hộ, rồi lịch sự nói với hai người phụ nữ đứng cạnh: “Các quý cô, mời lên thuyền”.

Trong khi có những người vội vã leo lên thuyền cứu hộ thì nhà tỷ phú Ben Guggenheim cùng thư ký Victor Giglio đã thản nhiên ở lại tàu. Ông gửi lời nhắn tới vợ mình: “Không có phụ nữ nào sẽ phải ở lại tàu chỉ vì Ben Guggenheim là một kẻ hèn kém”.

Doanh nhân nổi tiếng Isidor Straus là người giàu thứ hai trên thế giới nhưng đã chọn ở lại trên tàu. Ông nói: “Tôi sẽ không đi khi những người đàn ông khác còn đang ở lại.” Còn vợ ông, quý bà Ida thì khẳng định: “Tôi sẽ không rời khỏi chồng mình. Chúng tôi sẽ chết như chúng tôi đã sống cùng nhau.” Họ đã nắm tay nhau cho đến giây phút cuối cùng.

Chuyến tàu Titanic định mệnh còn chở theo nhiều nạn nhân khác trong chuyến hành trình như tỷ phú Acid, nhà báo nổi tiếng Stead, Thiếu tá pháo binh Bart, kỹ sư Robble nổi tiếng… Tất cả họ đã từ bỏ vị trí thuyền cứu hộ cho những người phụ nữ và trẻ em.

“Phụ nữ và trẻ em lên trước!” – Đó là lệnh của thuyền trưởng. Nhưng tại sao mọi người lại tuân theo? Không có bất cứ điều lệ nào bắt buộc người ta phải làm thế. Không ai có quyền yêu cầu người khác phải từ bỏ sinh mạng của mình. Không có một logic nào về mặt thể lực hay kinh tế để những con người vốn khỏe mạnh và giàu có hơn lại nhường chỗ cho những người yếu hơn được sống. Chủ nghĩa duy vật chắc chắn không thể trả lời được câu hỏi này.

Có một điều mà mỗi con người chính nghĩa và truyền thống đều ngầm hiểu: Phụ nữ và trẻ con là phái yếu, phái mạnh cần phải trân trọng và bảo vệ.

Ngày nay, người đàn ông không làm tròn chức trách của mình, và người phụ nữ cũng luôn mâu thuẫn trong việc cân bằng mối quan hệ với chồng. Một mặt phụ nữ muốn đàn ông phải cứng cỏi, mặt khác họ lại muốn bản thân có quyền mạnh mẽ hơn, có thể lấn át chồng. Còn các ông chồng thì rời xa trách nhiệm của phái mạnh, coi những việc nặng nhọc trong nhà là việc vặt mà phụ nữ cần làm… Để rồi phụ nữ phát hiện ra mình phải nhọc nhằn vất vả cáng cả gia đình. Đó là cái “bình đẳng” mà chúng ta mong muốn sao?

Chồng là đất, vợ là hoa, gia đình thuận hòa cần có thiện niệm. Chẳng phải biết làm tròn thiên chức của mình và biết giúp đỡ người bạn đời của mình chính là thiện niệm khiến gia đình hòa thuận yên ấm sao? Trong cuộc sống gia đình, không gì bằng hiểu rõ thiên chức của mình là gì, biết nghĩ đến nửa kia, và tạo điều kiện để họ có thể làm tròn thiên chức của họ.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: