“Tứ hợp viện” là kiểu kiến trúc nhà ở truyền thống của người Trung Hoa. Nó nổi tiếng vì bao hàm nguyên lý âm dương của trường phái Đạo gia, ngũ hành, cân bằng lâu dài, luân lý đạo đức và phong thủy.

Trong tên gọi “Tứ hợp viện”, “tứ” chỉ tứ phía là “đông, tây, nam, bắc”, “hợp” tức là phòng ốc ở bốn phía bao quanh sân vườn ở giữa, hình thành nên một kết cấu hình chữ “khẩu” (口). Trải qua xây dựng hàng trăm năm, Tứ hợp viện từ bố cục tổng thể cho đến kết cấu bên trong và chi tiết thiết kế đều mang nét phong cách đặc sắc.

Tứ hợp viện bởi vì có hình dạng vuông vắn, ngăn nắp nên còn được gọi là Tứ hợp phòng. Ngôi nhà phía bắc là “chính phòng”, nhằm khẳng định hướng chủ đạo của tứ hợp viện là từ bắc nhìn về nam, ngôi nhà phía nam được gọi là “đảo tọa”, hai bên đông tây mang tên “sương phòng”.

Phong thủy và tôn ti trật tự trong kiến trúc Tứ hợp viện
(Ảnh: Walkdragon, Shutterstock)

Bố cục của Tứ hợp viện thể hiện trọn vẹn lý niệm “Trời tròn đất vuông” trong văn hóa truyền thống. Người ta dùng tường vây liên kết tất cả các chính phòng, đảo tọa và đông, tây sương phòng thành một cụm nhà, quen gọi là viện. Kiểu kiến trúc đóng kín này chỉ mở một lối ra duy nhất ở góc đông nam, và quan niệm đó là cửa cát tường, may mắn nằm đúng vị trí “tốn” trong bát quái.

Qua nhiều năm, kiểu kiến trúc Tứ hợp viện vừa phân cắt vừa liên kết này được cải tiến hoàn thiện dần và cuối cùng trở thành bố cục truyền thống của các vương phủ, cung đình. Tùy cấp độ khác nhau mà trong Tứ hợp viện còn bố trí vườn hoa, hồ cá, hành lang, núi giả, thư phòng… xứng đáng là một giang sơn riêng biệt cho từng gia tộc.

Bố cục của Tứ hợp viện thường bao gồm, nhất tiến là dãy nhà có cửa ra vào, nhị tiến là sảnh, tam tiến hoặc sau tam tiến là phòng ngủ hoặc nhà trong, tức không gian sinh hoạt của phụ nữ và gia quyến, người thường không được tùy tiện bước vào. Hai bên có hiên, các phòng đều có hành lang, các tấm bình phong đặt nối tiếp nhau.

Tứ hợp viện truyền thống được xây dựng theo bố cục đối xứng, có trục đường chính rõ nét. Bố cục đối xứng nghiêm cẩn này đã tạo nên bầu không khí trang nghiêm, khiến nhà chính rộng lớn nằm trên trục chính trở nên uy nghiêm.

Đi vào Tứ hợp viện, ngẩng đầu lên mái hiên thường sẽ nhìn thấy khắc bốn chữ “Bình an như ý”, trên cửa có khắc hai chữ “cát tường”, chỗ giữa bức tường xây làm bình phong ở cổng đối diện còn có chữ “phúc”. Những điều này đều hàm ý cầu phúc, cầu điềm lành cho gia chủ.

Xét về bố cục bên ngoài, Tứ hợp viện chú trọng đối xứng, phân biệt trong ngoài, tôn ti trật tự, tự thành thiên địa. Xét về tinh thần cơ bản của kiến trúc, Tứ hợp viện theo đuổi sự an nhàn yên tĩnh, thanh bình thoải mái, ôm ấp đất mẹ và tận hưởng niềm vui cá nhân. Sống trong một khuôn viên Tứ hợp viện thanh bình ấm áp có lợi cho dưỡng khí, an thân lập mệnh, khiến cuộc sống và tinh thần có được điểm tựa.

Phong thủy và tôn ti trật tự trong kiến trúc Tứ hợp viện
(Ảnh: Pubuhan, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Hơn nữa, người xưa rất xem trọng phong thủy, cho rằng hoàn cảnh sinh sống có ảnh hưởng lớn đến các vận thế mọi mặt của một người. Kết cấu của Tứ hợp viện cũng vận dụng phong thủy học, Ngũ hành và Bát quái.

Khi xây Tứ hợp viện thì người ta chú trọng đến bố cục cụ thể trong sân, phòng chính đặt ở nơi cát vị (vị trí cát tường), nơi gia chủ sinh hoạt hàng ngày, những nơi hung vị (vị trí xấu) được bố trí làm kho hoặc nhà vệ sinh. Ngoài ra hình dạng khu đất để xây nhà phải vuông vắn ngay ngắn để tránh tổn hại vận thế của gia chủ.

Diện tích phòng ngủ trong kiến trúc cổ thông thường đều không quá rộng lớn, cũng không quá nhỏ. Người ta cho rằng, nếu diện tích quá nhỏ sẽ không tụ khí, ảnh hưởng đến tài vận của gia chủ. Trái lại, nếu diện tích quá lớn sẽ mang lại sự trống trải, tản khí, đem đến điều không may. Kiến trúc phòng ngủ trong tứ hợp viện và phòng ngủ của bậc Đế Vương cũng tuân theo lý niệm này. Hoàng đế dẫu ở trên muôn người nhưng giường ngủ trong Tẩm cung cũng vừa đủ mà thôi.

Phòng chính trong Tứ hợp viện là phòng quan trọng nhất, thường là do bậc sinh thành, bề trên hoặc người có địa vị tôn quý ở. Phòng chính là phòng ở lấy được nhiều ánh sáng, hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên trong sân nhất nên tốt cho sức khỏe của người bậc trên và người có địa vị tôn quý.

Phong thủy coi trọng “Minh thính ám phòng”, phòng khách là nơi tiếp đón khách, cũng là nơi các thành viên trong gia đình thường xuyên tụ hợp nên ánh sáng và độ rộng rãi đều cần nhiều hơn. Phòng khách u ám sẽ mang lại sự không thoải mái và áp lực tinh thần cho cả khách và gia chủ. Còn phòng ngủ và nơi nghỉ ngơi thì cần ánh sáng nhu hòa hơn, tĩnh lặng hơn. Nếu phòng ngủ có quá nhiều ánh sáng thì sẽ bất lợi cho sức khỏe và tinh thần của người ở.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: