Trong văn hóa truyền thống của người Á Đông, phong tục cúng ông Táo (hay có nơi gọi là Thần Táo) vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay. Vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp hàng năm, khi ông Táo trở về Thiên đình để tấu lên Ngọc Hoàng về kết quả thiện ác công đức của từng hộ gia đình nơi thế gian, người dân sẽ cử hành lễ cúng tiễn Thần Táo

Phong tục cúng ông Táo của người xưa
(Tranh minh họa: Vương Thì Mẫn, Minneapolis Institute of Art, Public Domain)

Phong tục này có từ rất lâu đời. Vào thời nhà Chu đã có nghi thức cúng Thần Táo, đây là một trong “ngũ tự” của năm. “Ngũ tự” là cúng tế Môn Thần, Hộ Thần, Tỉnh Thần, Thần Táo, Trung Lựu Thần. Năm vị Thần này đều là những vị Thần có ân đức với dân chúng.

Thần Táo là vị thần giúp Ngọc Hoàng trông coi việc bếp núc của nhân gian. Dân gian cho rằng những thưởng phạt của Trời cao đối với các gia đình sẽ được căn cứ dựa vào bản tấu của Thần Táo. Vì thế từ xưa dân gian đã rất coi trọng việc cúng tiễn ông Táo.

Trong sách “Chu Lễ” viết: “Thần Táo là chắt của Hoàng Đế, là con của Chuyên Húc”. Thời nhà Chu, việc cúng Thần Táo được cử hành vào mùa hè, đến thời nhà Hán được thay đổi thành mùa đông. Trong cuốn “Phong tục thông nghĩa tự điển” thời nhà Hán viết: “Mạnh đông chi nguyệt, kì tự táo dã”, nghĩa là tháng đầu đông cúng tế Thần Táo. 

Phong tục cúng tiễn Thần Táo phát triển đầy đủ nhất là vào thời nhà Đường. Nhưng người dưới triều đại nhà Đường cúng tiễn Thần Táo vào đêm cuối năm. Vào ngày này, mọi người mời các nhà sư và đạo sĩ đọc kinh, chuẩn bị rượu và trái cây, và gửi lời mời đến các vị Thần, còn có giấy vẽ hình Thần Táo để cúng. Đến thời Bắc Tống, việc cúng Thần Táo diễn ra vào ngày 24 tháng Chạp âm lịch, được xem là “cửa ải” cuối cùng để tiến vào thời điểm giao thoa giữa năm mới và năm cũ. 

Vào thời đại nhà Thanh, theo ghi chép trong “Yên kinh tuế thời ký” “Đế kinh tuế thời kỉ thắng” thì dân chúng thường dùng rất nhiều loại kẹo để cúng Thần Táo, như kẹo nam, kẹo quan đông, kẹo mạch nha, khô vừng. Vào ngày tiễn Thần Táo, dân chúng cũng sẽ đốt rất nhiều pháo.

Trong dân gian cũng có một câu chuyện liên quan đến việc đánh giá thiện ác của Thần Táo, tên là “Hoàng dương tự Táo”. Chuyện này diễn ra vào thời nhà Hán.

Vào thời nhà Hán, có một gia đình họ Âm là con cháu đời sau của Quản Trọng. Dưới thời Hán Tuyên Đế, nhà họ Âm đã sinh hạ một người con trai tên là Âm Tử Phương. Âm Tử Phương lớn lên là người con chí hiếu, thiện lương nhân từ, thường xuyên giúp đỡ người khác.

Một năm nọ, vào lúc sáng sớm ngày mồng 8 tháng Chạp cuối năm, lúc Tử Phương cúng tế Thần Táo thì nhìn thấy Thần Táo hiện lên. Tử Phương vô cùng mừng rỡ, bái tạ sự chiếu cố phù hộ của Thần minh. Vừa hay lúc này trong nhà có một con dê vàng, Tử Phương liền dùng con dê để cúng tế.

Từ sau hôm Thần Táo hiện hình, gia sản của Âm Tử Phương đều tăng thêm nhanh chóng. Ông trở thành một người vô cùng giàu có, ruộng đất có hơn 700 khoảnh, trong nhà nhiều xe, ngựa và nô bộc. Người nhà họ Âm được phúc ấm, ba đời phồn hưng, con cháu được phong tước phong hầu, phong hậu. Trong đó, người cháu của Âm Tử Phương là Chấp Kim Ngô Âm Thức được thọ phong làm Nguyên Lộc hầu, Âm Hưng được thọ phong làm Đồng Dương hầu, cháu gái của Âm Tử Phương là Âm Lệ Hoa chính là Hoàng hậu của Hán Quang Võ Đế.

Câu chuyện lấy dê vàng cúng tế Thần Táo của Âm Tử Phương cũng được truyền lưu và trở thành phong tục dân gian. Vào thời nhà Thanh, trong cung đình còn có lễ cúng tế dê vàng đến Thần Táo.

Cổ ngữ có câu: “Người đang làm, Trời đang nhìn”. Âm Tử Phương hiếu thảo, nuôi nấng thờ phụng cha mẹ tận tâm, hơn nữa thích làm việc thiện giúp đỡ người khác. Nhờ vậy mà ông được ưu ái ban cho thiện báo, lại còn là “hiện báo” (phúc báo ngay trong đời), thậm chí đời con cháu cũng được hưởng “hậu báo” (phúc báo đời sau). Đạo lý “Trời phù hộ người lương thiện” cũng là cách tốt nhất để thể hiện lòng tôn kính Trời cao, tôn kính Thần Táo.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video “Gia đình có 4 bảo vật này, không hưng vượng cũng phú quý”: