Hết thảy những phúc phận của một người là từ đâu mà đến? Có phải đến từ sự cố gắng, nỗ lực và tranh giành? Nhưng vì sao có người tranh giành mãi vẫn không được? Thậm chí tranh được rồi cũng bị mất đi?

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy có những người không quá khổ cực mà vẫn có đầy đủ cái ăn, cái mặc, cuộc sống sung túc hơn người. Trong khi đó, có những người ngày đêm làm việc nhưng cũng chỉ đủ ăn, thậm chí còn thiếu thốn. Câu chuyện dưới đây giải thích theo quan điểm Phật gia về nguồn gốc của những phúc phận trong đời người như tiền tài, danh vọng.

Chuyện cổ Phật gia: Phúc phận của một người rốt cuộc từ đâu mà đến?
(Ảnh minh họa: Mongkolchon Akesin, Shutterstock)

Có một người bởi vì kiếp trước đã tích lũy được đại đức, phúc báo lớn, nên kiếp này đầu thai làm Thái tử tôn quý. Còn một người khác bởi vì kiếp trước keo kiệt bủn xỉn lại tham lam nên kiếp này đã trở thành một người ăn mày nghèo nàn cơ cực. Hai người ấy kiếp trước có duyên với nhau, kiếp này cũng thế…

Thái tử bởi vì kiếp trước đã có thói quen làm việc thiện tích đức nên từ nhỏ đã là người hào phóng, rộng rãi. Anh ta luôn bố thí, quyên tặng, thậm chí sẵn lòng đem quốc khố để cứu tế dân nghèo. Nhưng Quốc vương không đồng ý việc làm này của Thái tử, cho rằng Thái tử từ nhỏ ở trong cuộc sống giàu có nên không biết quý trọng tiền tài, vì thế đuổi Thái tử ra khỏi Hoàng cung, không cho mang theo thứ gì.

Từ đó, Thái tử sống lưu lạc ngoài đường, không đồ ăn thức uống, càng kỳ lạ là làm công việc gì cũng không được, chỉ có thể dùng cách hành khất mà kiếm sống qua ngày. Về sau, Thái tử gặp người ăn mày kia và hai người trở thành bạn tốt của nhau. Cả hai cùng nhau lang thang lưu lạc khắp bốn phương xin ăn.

Ở một Quốc gia láng giềng, Quốc Vương đột nhiên băng hà mà không có người để truyền lại ngôi vị nên các đại thần vô cùng lo lắng. Họ bắt đầu tìm kiếm trong dân chúng một người có đủ phúc đức để kế nhiệm Vương vị, trông nom Quốc gia, dân chúng.

Bấy giờ, Thái tử cùng người ăn mày lưu lạc đến Quốc gia này ăn xin. Thái tử vì quá mệt nên nằm ngủ thiếp đi dưới một gốc cây cổ thụ bên đường, còn một mình người ăn mày đi xin ăn.

Vừa hay lúc ấy, mấy vị đại thần đi qua lại nơi đây. Họ gặp Thái tử thì để ý thấy thần thái khác thường. Hơn nữa sau mấy lần đi qua họ đã phát hiện ra một cảnh tượng kỳ lạ. Dù mặt trời di chuyển nhưng bóng râm của cây cổ thụ kia không thay đổi, vẫn vừa vặn che nắng cho Thái tử ngủ.

Các đại thần vừa kinh ngạc vừa vui sướng, cho rằng đó là ý Trời. Thế là, họ bèn gọi Thái tử dậy, thỉnh mời ngài về làm Quốc vương.

Sau khi Thái tử lên đường trở về Hoàng cung làm Quốc vương thì trong lòng vẫn luôn nhớ đến người ăn mày kia và muốn lo cho người ăn mày kia một cuộc sống sung túc. Nhưng nhất thời Thái tử không thể tìm được người ăn mày ấy.

Cuối cùng khi đã lên ngôi, trở thành Quốc vương, thì vị Vua ấy lại không thể tự tiện rời hoàng cung. Vậy là ông cho người nướng những chiếc bánh mà bên trong nhân có chứa vàng, rồi sai thuộc hạ đi tìm người ăn mày ấy. Thuộc hạ của Quốc vương cuối cùng cũng tìm ra người ăn mày kia và đưa toàn bộ số bánh ấy cho anh ta.

Người ăn mày sau khi nhận được những chiếc bánh ấy, thấy rất nặng bèn nghĩ rằng chúng không ăn được. Vì thế lập tức trả lại cho người thuộc hạ kia và nói: “Tôi tặng lại hết cho ngài đấy!” Thế là mong muốn của Quốc vương không thành hiện thực.

Thái tử dẫu mất đi vương vị thì vẫn có lại được vương vị, còn người ăn mày vẫn là một người ăn mày nghèo khó như vốn dĩ đã định… Đây chính là nhân quả và vận mệnh, cũng là nhân duyên.

Phật gia cho rằng mỗi người đều có phúc phận mà mình nên được hưởng, chúng là “quả” ở kiếp này, và đều được quyết định bởi “nhân” ở những kiếp trước. Bởi vậy khi có phúc phận đầy đủ thì cho dù không tranh đoạt đi nữa, cuộc sống cũng sẽ không thiếu thốn. Còn nếu như khuyết thiếu phúc phận thì cho dù có ra sức tranh đoạt đi nữa thì tiền tài danh vọng cũng không đến được tay. Cuối cùng, thứ tranh đoạt được cũng mất đi, thậm chí còn làm tổn hại phúc đức sau này.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: