Tuổi trẻ là một tài sản vô giá, nhưng không hẳn ai cũng ý thức được điều đó nhất là khi chưa có cảm giác tiếc nuối tuổi trẻ.

Cho dù ở Nhật hay ở Việt Nam, rất nhiều lần tôi nghe người trung niên, người già than phiền về lớp trẻ. Tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ quan sát.

Sau này về nước, tiếp xúc nhiều hơn với sinh viên, thanh niên, học sinh tôi tự rút ra được nhiều thứ cho riêng mình.

Cảm nhận chung là giới trẻ ngày càng khỏe mạnh hơn về thể chất, được học hành nhiều hơn, giỏi ngoại ngữ hơn, nhu cầu và khả năng thể hiện bản thân mạnh hơn, rõ ràng hơn, phản xạ phản biện mạnh bạo hơn…

Nhưng đi kèm với nó là sự thiếu hụt của kĩ năng giao tiếp xã hội, cảm quan cân nhắc đến người đối diện và những người xung quanh, sự thiếu hụt của văn hóa nền tảng (hiểu biết về truyền thống, về tri thức kinh điển, về cộng đồng mình là thành viên…) và đặc biệt là sự yếu ớt của tinh thần khoan dung cũng như sự bình thản trước sự chỉ trích.

Những nhược điểm ấy có nguy cơ biến những người trẻ tuổi thành những cá nhân nổi bật nhưng khó chịu hoặc nguy hiểm hơn thành bình hoa không có nội dung.

Hai đặc điểm ấy phản ánh rất rõ nét sự biến đổi sâu sắc trong cơ cấu xã hội gia đình và xã hội Việt Nam – một điểm đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại.

Nó cũng phản ánh sự bất toàn của giáo dục khi trường học chạy theo điểm số và lấy khoa cử – truyền đạt tri thức giáo khoa là trọng tâm trong khi xã hội địa phương và gia đình không còn làm nổi chức năng huấn luyện các kĩ năng xã hội nữa.

Đó là lý do giải thích tại sao cá nhân trẻ tuổi có vẻ mạnh nhưng hợp lại của các cá nhân lại rất yếu và bất ổn.

Đấy là một thử thách cho hiện tại và tương lai.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: