Bên cạnh trào lưu biểu tình đòi dân chủ của người Hồng Kông khiến cả thế giới chú ý, một trào lưu khác lại làm mưa làm gió trên mạng xã hội Trung Quốc và lan sang đến Việt Nam, đó là trào lưu “Độ ta không độ nàng”. Đại khái đó là một bài hát ăn theo phong trào phim cổ trang tu tiên kết hợp ngôn tình, nói về chuyện tình si của một nàng quận chúa với một hòa thượng. Sau này quận chúa chết thảm, hòa thượng thôi không gõ mõ tụng kinh nữa, trả lại áo cà sa, hận vì sao Phật độ ta không độ nàng, rồi nhập ma đạo…

Phong trào phim và truyện tu tiên kết hợp ngôn tình không phải là một điều gì mới mẻ. Nó là sự phát triển thêm nữa của dòng truyện chưởng Trung Quốc từng làm những thế hệ người Việt đi trước si mê, với những Lộc Đỉnh Ký, Lục Tiểu Phụng, Cô Gái Đồ Long, v.v.. Với xu hướng ngày càng chú trọng vào phía ngôn tình, tác động vào mặt tình cảm nhằm thu hút giới trẻ, các giá trị đạo đức, chính nghĩa (và đôi khi cả tính thời cuộc như với Tiếu Ngạo Giang Hồ) trong các câu chuyện này theo thời gian ngày càng biến mất, hay thậm chí là đảo ngược lại.

Người ta có thể dễ dàng bắt gặp trong trào lưu này những lý giải kiểu như: giết người vạn dặm vì tình yêu; ma không hẳn là xấu, Thần Phật cũng chẳng có gì là tốt đẹp; ta là trời, trời cũng không cản được ta; Thần cản giết Thần, Phật cản giết Phật, v.v.. Và ít ai đủ tỉnh táo để nhận ra rằng những lý niệm cực đoan như vậy đã khiến giới trẻ mê đắm và chối bỏ tất cả những điều tốt đẹp nhất trong văn hóa truyền thống: sự chính nghĩa, sự vị tha, lòng kính Trời, lòng kính Thần…

Trong dòng chảy lớn ấy, “Độ ta không độ nàng” kỳ thực chỉ là giọt nước tràn ly, chỉ là một trào lưu rồi sẽ tàn lụi để rồi một trào lưu tương tự lại sẽ bắt đầu.

Độ ta không độ nàng
Phật Thích Ca vượt qua cám dỗ của sắc tình và những loài yêu ma khác. (Tranh qua Pinterest)

Tu hành thời cổ đại có một tiêu chuẩn vô cùng nghiêm khắc. Chúng ta thường thấy trong phim ảnh hiện đại hay có tình tiết: người vừa phạm pháp hoặc giết người, liền xuất gia tu hành làm hòa thượng, để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế việc xuất gia tu hành không hề dễ dàng như vậy và yêu cầu cũng khắt khe hơn ngày nay rất nhiều.

Thời cổ xưa, hầu như tất cả mọi người đều tôn kính Thần Phật. Ngay cả Vua, Hoàng Đế gặp cao tăng cũng cúi đầu thăm hỏi một cách tôn kính, chứ không có chuyện cao tăng phải quỳ gối dập đầu trước bậc Chí Tôn. Đó là vì bất cứ ai cũng vô cùng kính trọng đạo đức, học vấn và phẩm hạnh của những người xuất gia. Ai cũng xem người tu hành là tấm gương tại nhân gian để noi theo.

Bên cạnh các tiêu chuẩn bề mặt như ý chí kiên cường, khả năng chịu khổ, chưa từng phạm tội, đôi khi còn phải thi lấy bằng “Độ điệp” trước khi xuất gia, thì kỳ thực người xuất gia thời xưa đều hiểu rằng đã xuất gia rồi là phải “xả tận hết thảy”, nếu không thể “xả tận” thì đừng xuất gia. Mà trong “xả tận” này thì sắc và tình là giới cấm vô cùng quan trọng . Cha mẹ vợ con đến tìm thì xưng là “thí chủ – bần tăng”, đó chính là đoạn tuyệt hết thảy với sắc tình, cũng là phần vị tư lớn nhất trong mỗi con người.

Người tu hành chân chính xưa kia hiểu rằng tu luyện là quá trình buông xả cái “vị tư”, cái tình riêng của bản thân để đạt đến trạng thái “vị tha” và từ bi với vạn sự vạn vật. Tu hành không biến con người ta thành vô tri vô giác như đá, như gỗ, cũng không buồn chán, mà chính là quá trình tìm ra sự an lạc, thanh thoát tự trong tâm, không còn bị những hỷ nộ ái ố của người thường khống chế nữa.

Đắc “độ” là một khái niệm còn có ý nghĩa thâm sâu hơn đối với người xuất gia. Đắc độ không phải là Thần Phật ban cho ai đó hạnh phúc gì nơi thế gian, mà chính là mục đích căn bản nhất của người tu hành: Được “độ” tới thế giới của Phật, các thế giới như Tịnh Độ, Lưu Ly, Liên Hoa, v.v.. Khái niệm này cũng tương tự như việc được Chúa cứu vớt lên Thiên đàng trong Kitô giáo.

Thời hiện đại, cùng với việc con người gán Chúa vào trong những cụm từ như “Oh my God!”, như “Oh my *** God!” ở phương Tây, thì ở phương Đông, Thần Phật cũng bị nhắc đến một cách hết sức báng bổ. Phật xuất hiện trong các món ăn như Phật nhảy tường, ý rằng đến Phật còn phải nhảy qua tường mà ăn khi ngửi thấy mùi thơm. Rồi những câu hỏi ngây ngô kiểu như: Vì sao Phật độ ta không độ nàng? Đối với người tu hành chân chính, những người tu đạo, những Phật tử mà nói, thì đó quả là một sự xúc phạm lớn.

Kỳ thực trong quá khứ, ở bất cứ quốc gia nào cũng không thiếu những câu chuyện cảm động cả có thật lẫn dân gian về người tu luyện đối mặt với sắc tình, hoặc với việc bị xúc phạm, bị đổ oan. Ở Nhật Bản có chuyện Thiền sư Hakuin, ở Trung Quốc có chuyện Đường Tăng tại Nữ nhân quốc. Ở Việt Nam ta ngoài những chuyện lưu truyền dân gian như “Quan Âm Thị Kính“, cũng có truyền thuyết về tấm gương của không ít người thật như của thiền sư Huyền Quang, tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử.

Bấy giờ vua Trần Anh Tông muốn thử lòng nhà sư, đã phái một mỹ nữ là Điểm Bích đến dẫn dụ Huyền Quang. Điểm Bích đã dùng nhiều cách hòng mê hoặc thiền sư nhưng đều thất bại. Lo sợ bị vua trừng phạt, cô bịa ra một câu chuyện gia đình bi thảm để lợi dụng lòng từ tâm của nhà sư, lấy được số vàng mà vua đã giao cho thiền sư trước đó. Khi về cung, cô dựng lên câu chuyện Huyền Quang phá giới. Nhà vua tức giận, cho đòi Huyền Quang về kinh, lập đàn cúng tế nhưng lại dùng đồ mặn, hàm ý trách móc.

Huyền Quang về kinh đô, biết mình bị hiểu lầm, liền thở dài, lên xuống đàn ba lần rồi bái vọng ra mười phương, khấn: “Xin Trời, Phật chứng giám. Kẻ đệ tử này có điều gì bất chính, xin chư Phật cho đày xuống âm ty địa ngục, còn nếu không, thì xin cho lụa vàng bay đi và những cỗ mặn kia hóa thành cỗ chay tất cả”.

Ngay lúc ấy, một đám mây đen xuất hiện, gió nổi lên, các tạp vật bay đi hết, chỉ còn lại đèn nhang và đồ cúng chay. Đến đây, Điểm Bích phải thú nhận với nhà vua sự gian dối của mình.

Phật Thích Ca Mâu Ni bỏ lại sau lưng vương vị và người vợ tuyệt sắc để tu hành tìm ra chân lý, rồi để lại cho nhân loại con đường tìm Đạo của ngài. Xưa nay dù có tu hành hay không, người ta đều hiểu được vì sao ngài lại vứt bỏ sau lưng những điều mà một người thường trân quý nhất. Kỳ thực, không chỉ phổ biến trong Phật giáo ở phương Đông, những tín ngưỡng phương Tây cũng tràn ngập truyền thuyết như vậy. Chẳng phải Kitô giáo cũng có chuyện Chúa Giêsu ba lần vượt qua cám dỗ của ác quỷ hay sao?

Những câu chuyện truyền thuyết này, dù với người thời nay có phần khó tin, cũng khó mà lý giải nổi, nhưng nó đã làm rõ cách nhìn của cổ nhân đối với chuyện người tu hành vượt qua cám dỗ của sắc và tình. Mà quan niệm chính thường đó lại là một phần cốt lõi bên trong văn hóa truyền thống của nhân loại.

Minh Nhật

Xem thêm: