Trong cuốn sách cổ “Văn Xương Đế Quân âm chất văn” có viết rằng: “Những người tham lam dâm dục, hành vi bất chính, làm tổn hại đi bản tính lương thiện và danh tiết của bản thân, tức là trái với thiên lý, thì sẽ phải chịu nhận sự trừng phạt. Thiên thượng sẽ giáng tai họa cho những người này, báo ứng vô cùng nhanh chóng. Chỉ những ai trọng đức, giữ mình thanh khiết, thủ thân như ngọc thì mới có thể nhận được phúc báo.”

Trí tuệ cổ nhân: Cự tuyệt dâm dục, giữ gìn liêm sỉ và luân lý
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Người xưa giảng rằng: “Vạn ác dâm vi thủ”. Đó là bởi vì cổ nhân cho rằng ý niệm dâm dục là loại ý niệm dễ khiến người ta bất chấp tất cả, do đó niệm dâm dục xuất hiện thì các chủng ác niệm cũng theo đó mà khởi lên, các chủng tội nghiệp cũng từ đây trở đi mà sinh ra, các chủng thiện niệm cũng vì thế mà bị tiêu vong mất. Thậm chí có người vì “muốn chiếm đoạt mà sinh tâm sát hại người khác, liêm sỉ và luân lý đều mất hết.”

Thời cổ đại, khi đạo đức con người còn cao thượng, cổ nhân luôn tin rằng, “háo sắc tham dâm”, có ý niệm xằng bậy hay hành vi quan hệ bất chính với người không phải vợ chồng là một việc vi phạm luân thường đạo lý. Đối với những người phạm tội tà dâm, người thì bị mất mạng, người thì bị mất chức vị, người thì hủy hoại gia đình hay bị tuyệt tự…

Từ xưa đến nay, những người có lòng nhân ái, có đạo đức và hàm dưỡng đều giữ cho mình một nội tâm thanh tịnh và thành kính. Họ dùng sự thanh tịnh để bồi dưỡng đức hạnh của bản thân, dùng chính khí để chống lại những ham muốn xấu. Người quân tử có đạo đức cao biết rõ điều ấy là tai họa to lớn vô cùng nên nghiêm túc cự tuyệt, vì thế mà họ không bị tổn đức và luôn được hưởng phúc báo. Sách cổ có ghi chép lại rất nhiều trường hợp về phương diện này.

“Quý nhân” Vương Dương Minh

Vương Dương Minh là một nhà hiền triết lỗi lạc của triều Minh. Ông tinh thông Nho giáo, Thích giáo và Đạo giáo, hơn nữa còn dẫn quân chinh chiến, có thể nói là văn võ toàn tài. Tâm học của ông từng có ảnh hưởng sâu rộng ở cả Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Có một câu chuyện về cha ông như thế này.

Vào triều đại nhà Minh có một người rất giàu có. Trong nhà ông ta có rất nhiều tỳ nữ, thê thiếp nhưng lại không có con. Vì vậy ông ta luôn cảm thấy không được vui vẻ, trong lòng luôn bất an.

Sau này, ông ta thuê một thanh niên trẻ tên là Vương Hoa. Sau một thời gian ngắn tiếp xúc, phú ông phát hiện Vương Hoa là người có nhân phẩm tốt, học vấn cao nên đem lòng yêu mến.

Một đêm, một người vợ trẻ của chủ nhà đi vào phòng ngủ của Vương Hoa và quyến rũ anh ta. Vương Hoa dùng lời lẽ nghiêm khắc mà cự tuyệt.

Người vợ trẻ kia bất đắc dĩ đành lấy ra một tờ giấy và nói: “Đây là ý của chủ nhân tôi”. Vương Hoa nhìn thấy dòng chữ “Mong muốn tìm một người con” được ghi trên tờ giấy, liền lập tức cầm chiếc bút và viết lên bên cạnh dòng chữ: “Sợ kinh động Thần linh, trời đất”. Đồng thời Vương Hoa cũng nhất quyết cự tuyệt người phụ nữ này. Ngày hôm sau, Vương Hoa cáo từ và rời khỏi gia đình đó.

Không lâu sau, Vương Hoa lên kinh thành dự thi và đỗ Trạng nguyên. Về sau Vương Hoa được làm quan đến chức Lại bộ thượng thư và cưới một người vợ họ Trịnh.

Thời điểm vợ Vương Hoa sinh con, mẹ Vương Hoa đang ngủ thì mơ thấy cảnh tượng tiếng trống vang lên và cờ bay phấp phới, đồng thời một số vị tiên điều khiển một đám mây đưa một đứa trẻ đến nhà. Bà còn nghe thấy có người nói: “Quý nhân tới!” Sau đó, các vị tiên lại kéo đám mây rời đi.

Bà bừng tỉnh thì cũng nghe thấy tiếng trẻ con khóc, một người hầu gái đến báo là con dâu bà đã sinh. Cậu bé này chính là Vương Dương Minh, nhà hiền triết lỗi lạc của triều đại nhà Minh và lịch sử Trung Hoa.

Cự tuyệt sắc dục, con cháu hưng thịnh

Một câu chuyện khác về vấn đề dâm dục xảy ra vào thời Bắc Tống được ghi lại như sau.

Vào thời Bắc Tống, ở Tín Châu, Giang Tây có người đàn ông tên là Lâm Mậu Tiên. Anh ta là người có học vấn nhưng gia cảnh nghèo túng, bần hàn, không có tiền đi học, vì thế anh ta đành đóng cửa tự học ở nhà.

Bên cạnh nhà Lâm Mậu Tiên có một vị phu nhân xinh đẹp của một gia đình giàu có, nhưng hiềm một nỗi, người chồng lại là người không có học vấn. Vì thế, người phụ nữ này đã đem lòng ái mộ Lâm Mậu Tiên và ghét bỏ chồng mình. Vì quá ái mộ danh tiếng của Lâm Mậu Tiên nên một lần nhân lúc nửa đêm, người phụ nữ này đã tìm đến nhà anh ta.

Lâm Mậu Tiên nghiêm nghị nói rằng: “Nam nữ khác biệt, lễ pháp không dung, thiên địa quỷ thần đều biết, bà sao có thể làm ô uế phẩm hạnh của ta?” Người phụ nữ này nghe Lâm Mậu Tiên nói xong, vô cùng xấu hổ mà rời đi.

Năm thứ 8 niên hiệu Thiên Thánh, Bắc Tống, Lâm Mậu Tiên lên kinh thành dự thi và đỗ tiến sỹ. Bởi vì tài hoa đức độ hơn người nên ông rất được triều đình trọng dụng. Ông được triệu vào kinh thành đảm nhận chức vụ Thái Thường Khanh, một chức quan nhị phẩm thời ấy.

Sau này, cả bốn người con trai của Lâm Mậu Tiên đều đỗ đạt tiến sỹ. Gia đình ông được sử sách ca ngợi là “Nhất ngôn ngũ tiến sĩ”, ý là một gia đình mà có tới năm người đỗ đạt.

Ngay mở đầu cuốn Trung Dung đã viết rằng người quân tử cho dù không có ai nhìn thấy thì cũng không làm chuyện vô lễ, trái Thiên lý. Người xưa kính Thiên kính Thần, cho rằng “trên đầu ba thước có thần linh”, nên không dám phóng túng dục niệm của bản thân. Họ có thể khống chế được bản thân, tu thiện tích phúc, người người đều khâm phục. Trái lại, người không tin luật nhân quả thì cũng không biết sợ, kiêng nể, cho rằng làm việc xấu bí mật thì sẽ không ai biết. Nhưng kỳ thực, con người làm việc xấu chỉ có thể giấu được người chứ không giấu được Trời.

Ngày nay người ta vẫn đến chùa, nhưng trong cuộc sống thường ngày họ lại không tin có Thần linh giám sát mọi hành vi của con người, nên chuyện trái luân thường đạo lý nào cũng dám làm. Chuyện ngoại tình, háo sắc, dâm dục đã trở thành chuyện bình thường của xã hội. Dùng nhan sắc hay thậm chí thân xác để đổi lấy danh lợi, tiền bạc là chuyện cũng không hiếm. Thiết nghĩ, nguồn cơn của trăm sự bại hoại trái đạo lý ấy phải chăng cũng là vì người ta làm mà không nghĩ rằng “trên đầu ba thước có thần linh”?

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: