Trong nền văn hóa truyền thống phương Đông, tôn kính Trời Đất, tôn kính Thần linh, trong tâm biết kính sợ, hành vi có chừng mực, có điểm dừng luôn là điều người quân tử tuân theo, cũng là điều mà dân chúng ngưỡng vọng.

Trí tuệ cổ nhân: Đức không xứng vị tất có tai ương
(Ảnh: Joshua Davenport, Shutterstock)

Trong sách “Luận Ngữ. Quý Thị” viết rằng: “Người quân tử có ba điều kính sợ: kính sợ mệnh Trời, kính sợ người đức cao vọng trọng và kính sợ lời của Thánh nhân. Tiểu nhân không biết mệnh Trời nên không sợ, bỡn cợt bậc bề trên, khinh nhờn lời của Thánh nhân”.

Sách “Thái Căn Đàm” cũng viết: “Từ Thiên tử cho đến thứ dân, chưa từng có người nào không e sợ gì mà không bị tiêu vong. Trên sợ Trời, dưới sợ dân, sợ quan phán xét nhất thời, sợ quan chép sử lưu lại hậu thế”.

Người xưa đều có chung quan điểm rằng, khi trong lòng người có thêm một phần tôn kính đối với Trời Đất thì sẽ  tự bớt đi một phần ngạo mạn, thêm một phần e sợ Trời Đất thì sẽ bớt đi một phần cuồng vọng, thêm một phần cẩn thận thì sẽ bớt đi một phần tự hủy hoại mình.

Thời cổ đại, bậc Đế vương ở trên cao cũng phải khiêm tốn xưng mình là con của Trời (Thiên tử), còn phải chịu sự ước thúc của Trời, còn phải cầu Trời và hối lỗi với Trời khi làm sai. Trong các hang đá lớn tại Trung Hoa đều là quần thể kiến trúc tượng Phật được tạc nên theo lệnh các Đế Vương. Các Đế Vương đều tin tưởng rằng, lễ Phật kính Phật, hoằng dương Phật Pháp thì mới có thể được sự bảo hộ của Phật Pháp, mới có thể có sự ổn định vững bền của xã tắc, bách tính thái bình. Chính vì thế, ngay khi lên kế thừa ngai vị, các bậc Đế Vương đều phải làm lễ tế Trời, tế Thần, thậm chí hàng năm đều thực hành các nghi thức tế lễ rất trọng đại.

Tâm kính sợ xuất phát từ tín ngưỡng của con người. Trong tâm một người biết kính sợ, kiêng nể thì mới có thể tự quy phạm và ước thúc ngôn hành cử chỉ của bản thân mình. Người có tâm kính sợ sẽ có dáng vẻ khiêm tốn, cung kính. Bởi vì có tâm kính sợ nên trước khi làm việc gì họ cũng đều cân nhắc, suy xét, nếu là việc ác thì nhất định sẽ không làm.

Con người một khi không có tín ngưỡng thì sẽ không có tâm kính sợ, khi không có tâm kính sợ thì việc gì họ cũng dám làm. Thậm chí cả giết người hại mệnh, họ cũng không từ. Một người chỉ có biết kính sợ mới có thể thận trọng làm người, mới có ý niệm dè chừng, mới có ranh giới thiện ác, mới có thể ở trong xã hội phức tạp mà không bị tạp niệm quấy nhiễu, không vì danh lợi cá nhân mà mệt mỏi, không vì sự hấp dẫn của danh lợi tình mà bất chấp, cuối cùng rước họa vào thân.

Khi những bài học giáo huấn của người xưa “sinh mệnh con người liên quan đến Trời”, “Trên đầu ba thước có Thần linh” bị quên lãng, văn hóa truyền thống hàng nghìn năm bị biến mất, thì nền móng của dân tộc bị lung lay. Khi con người không còn tôn kính Thần Phật và sinh mệnh nữa, khi con người không còn sự ước thúc bởi đạo đức nữa, chỉ cần có lợi là làm thì xã hội sẽ càng ngày càng bại hoại và nguy hiểm.

Vì mất đi tâm kính sợ đối với sinh mệnh nên có người làm việc không từ bất kỳ thủ đoạn nào, bất chấp hậu quả, bất kể người khác sống chết ra sao, chỉ cần bản thân mình kiếm được tiền, chỉ cần có lợi là không kiêng dè. Vì đã mất sự kính sợ đối với tín ngưỡng, có người trắng trợn không e dè, tùy ý theo ham dục, làm những gì họ muốn, muốn nói gì liền nói ấy, muốn làm gì liền làm ấy, đến mức không còn coi Trời, coi pháp luật là gì nữa.

Khi con người không kính ngưỡng Thần Phật, thì nội tâm sẽ thiếu sự cao thượng thuần khiết. Khi con người không sợ báo ứng, thì hành vi sẽ không e dè gì. Khi con người không sợ pháp luật, thì các quy định điển chương có cũng bằng như không. Khi con người không sợ bị khiển trách nữa thì đã trở thành người vô liêm sỉ, không điều gì không dám làm, từ đó rước họa vào thân. Chỉ khi trong tâm con người còn biết kính sợ thì mới có được sự ước thúc trong hành vi và có được phúc thọ trường tồn.

Với cách  giáo dục vô thần, lòng kính sợ của con người đã dần dần bị diệt trừ, thay vào đó là tâm thái không e dè kiêng sợ điều gì. Thời xưa cổ nhân cúng tế lễ bái Trời Đất để tỏ lòng tôn kính thì đến thời nay người ta lợi dụng Thần Phật để kiếm tiền. Quan chức không biết kính sợ, cũng không lấy dân làm gốc, thì tùy tiện vô pháp, tham lam hối lộ, bẻ cong pháp luật. Thương nhân không biết kính sợ, cũng không lấy chữ tín làm gốc, mà dục vọng trục lợi ngút Trời, hãm hại lừa bịp giả dối. Dân chúng không biết kính sợ, không còn tin thiện ác hữu báo, mà hoang dâm vô độ, tranh đấu không ngừng. Kết quả cuối cùng chính là mất đi tín ngưỡng, mất đi thành tín, băng hoại đạo đức và tàn phá tất cả.

Năm xưa vào thời Tam Quốc, lúc nhà Hán lụn bại, khi đàm luận về thời thế với Tào Tháo, Lưu Bị từng nói rằng: “Gốc rễ của đại loạn trong thiên hạ, đầu tiên là do lòng người đại loạn.” Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự suy vong và sụp đổ của các nền văn minh nhân loại đều bắt nguồn từ sự trượt dốc và suy đồi về văn hoá và các chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Khi con người ở các tầng lớp trong xã hội, từ người làm quan cho đến dân thường không còn bị ước thúc bởi các giá trị đạo đức, thì tất yếu sẽ dẫn đến sự sa đoạ của toàn xã hội.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: