Trong cuộc sống, có những việc nhỏ chúng ta có thể hồ đồ, không rõ ràng minh xác nhưng đối với những việc lớn, đặc biệt là việc liên quan đến sống chết, liên quan đến thiện ác thì ngàn vạn lần không thể hồ đồ. 

Sách cổ: Việc lớn không thể hồ đồ
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Trong “Tống sử. Lữ Đoan truyện” có câu: “Đại sự bất hồ đồ” (việc lớn không hồ đồ), ý tứ là đối với những việc lớn thì đầu óc luôn phải thanh tỉnh, thái độ phải minh xác, không được hồ đồ chút nào. Càng là người giữ chức vị cao thì càng phải rõ ràng minh xác, không thể hồ đồ mà hậu quả khó lường.

Lữ Đoan tên tự là Dịch Trực, là Gián nghị đại phu đầu thời Bắc Tống. Ông không chỉ có dáng vẻ khôi ngô tuấn tú, trí tuệ hơn người mà còn làm việc rất công chính, thị phi phân minh, hơn nữa lại rất cẩn thận, khiêm hoà, không so đo được mất cá nhân. Mặc dù nhiều lần liên tiếp bị giáng chức nhưng ông không quá để tâm. Có một quan viên tên là Lý Duy Thanh từng nghi ngờ Lữ Đoan đang ngấm ngầm trù dập việc thăng chức của bản thân nên đã vu khống hãm hại Lữ Đoan ở khắp nơi. Lữ Đoan biết việc ấy thì thản nhiên cười nói: “Ta theo đạo mà làm, không hổ thẹn với lương tâm, những tranh chấp như vậy không đủ để ta phải suy nghĩ”.

Một lần, Triệu Phổ đang đảm nhận chức Trung thư tỉnh nói với mọi người: “Ta quan sát, lúc Lữ Đoan tấu sự lên Hoàng thượng, được Hoàng thượng khen ngợi cũng không tỏ vẻ vui sướng, khi bị chèn ép cũng không sợ hãi, vui mừng hay tức giận cũng không thể hiện ra mặt. Thực sự là nhân tài tốt để làm Tể tướng”.

Hoàng đế Tống Thái Tông rất tín nhiệm ông, thăng ông làm Tham tri chính sự. Sau khi Lữ Đoan làm Tham tri chính sự được một năm thì Gián nghị đại phu Khấu Chuẩn cũng làm Tham tri chính sự. Lữ Đoan lớn hơn Khấu Chuẩn một tuổi nhưng ông lại chủ động thỉnh cầu Hoàng đế cho ông ở dưới Khấu Chuẩn. Hoàng đế càng khen ngợi Lữ Đoan hơn.

Mỗi lần triệu kiến Lữ Đoan, Hoàng đế đều đàm luận với ông thời gian rất dài. Về sau, Hoàng đế đề bạt Lữ Đoan làm Hộ bộ thị lang, Bình chương sự. Tể tướng đương thời là Lữ Mông Chính, Hoàng đế Tống Thái Tông không vừa lòng với ông nên muốn Lữ Đoan thay thế. Hoàng đế hỏi ý kiến các đại thần, có vị lão thần nói rằng: “Con người Lữ Đoan hồ đồ!”

Hoàng đế Tống Thái Tông lắc đầu, nói rằng: “Không đúng, trẫm rất hiểu ông ấy. Ông ấy việc nhỏ hồ đồ, việc lớn thì không hồ đồ!”

Không lâu sau, Hoàng đế Tống Thái Tông tổ chức yến tiệc tại hoa viên phía sau chiêu đãi quần thần. Trong bữa tiệc có làm bài thơ “Điếu ngư thi: “Dục nhị kim câu thâm vị đạt. Bàn Khê tu vấn điếu ngư nhân”, tức là “Muốn dùng lưỡi câu vàng câu lấy cá nhưng sâu chưa tới được, nên hỏi người buông câu ở Bàn Khê”. Ý tứ ám chỉ chuyện Chu Văn Vương gặp Khương Thái Công ngồi câu cá.

Các đại thần nghe qua hai câu thơ đó, trong lòng hiểu rõ, đó là ám chỉ việc Lữ Đoan làm Tể tướng, mọi người đều biểu thị tán đồng. Mấy ngày sau, Hoàng đế hạ lệnh miễn chức Tể tướng đối với Lữ Mông Chính và bổ nhiệm Lữ Đoan làm Tể tướng. Hoàng đế Tống Thái Tông cảm khái nói rằng: “Lữ Đoan trải qua 40 năm làm quan, trẫm mới trọng dụng, trẫm hãy còn ân hận là nhậm dụng ông ấy muộn”.

Không lâu sau khi Lữ Đoan làm Tể tướng, Lý Kế Thiên ở Tây Hạ liên tục quấy nhiễu phía Tây biên giới. Quân đội triều Tống bắt được mẹ của Lý Kế Thiên. Hoàng đế Tống Thái Tông thống hận Lý Kế Thiên nên dự định xử tử mẹ của ông ta. Hoàng đế triệu kiến Khấu Chuẩn là Xu mật phó sứ chủ quan quân cơ đến bàn bạc.

Sau khi bàn bạc xong, Khấu Chuẩn ra về và gặp Lữ Đoan. Lữ Đoan thấy thần thái của Khấu Chuẩn thì trong lòng biết triều đình có việc lớn nên giữ Khấu Chuẩn lại hỏi: Về việc chung ở biên giới, tôi không nhất định phải quản, nhưng nếu liên quan đến quân quốc đại sự thì tôi thân làm Tể tướng không thể không biết”. Vì thế, Khấu Chuẩn đành nói rõ ngọn ngành với Lữ Đoan. Lữ Đoan biết Hoàng đế sắp xử tử mẹ Lý Kế Thiên để trừng trị tội phản nghịch thì lập tức đến gặp Hoàng đế.

Lữ Đoan nói: Đối với một kẻ phản nghịch như Lý Kế Thiên, nếu hôm nay Bệ hạ giết mẹ hắn, liệu ngày mai có bắt được hắn không?” Nếu không thể bắt và loại bỏ được hắn thì chẳng phải điều này càng khơi dậy lòng căm thù của hắn và khiến hắn quyết tâm chống lại Bệ hạ hơn sao? “

Hoàng đế thấy Lữ Đoan nói có lý vội hỏi: “Vậy bây giờ phải làm sao?”

Lữ Đoan nói: “Theo thần nghĩ, nên đưa bà ấy đến Diên Châu, đối đãi cho thật tốt. Như vậy có thể kiềm chế được Lý Kế Thiên. Tuy rằng có thể không khiến hắn đầu hàng ngay lập tức, nhưng có thể động đến tâm của hắn, dù sao sống chết của mẹ hắn đều nằm trong tay chúng ta, không phải là dễ dàng tiến lui sao?”

Hoàng đế nghe xong, nói: “Đúng là biện pháp tốt! Nếu không phải ngươi, thiếu chút nữa ta đã sai lầm lớn rồi”.

Về sau, mẹ của Lý Kế Thiên mắc bệnh chết ở Diên Châu. Không lâu sau, Lý Kế Thiên cũng mắc bệnh mà chết. Con trai của ông ta là Lý Đức Minh đã quy thuận triều Tống. Như thế chứng tỏ chủ trương của Lữ Đoan là chính xác.

Lữ Đoan nhạy cảm biết được việc quốc gia đại sự, lại dùng chức vị Tể tướng để can dự, sửa đúng quyết sách sai lầm của Hoàng đế. Bởi vậy càng chứng tỏ bình giá “Đại sự không hồ đồ” về Lữ Đoan của Hoàng đế là đúng. Lữ Đoan thực sự là nghĩ lớn, thanh tỉnh, việc lớn không hồ đồ.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm: