Nhà xuất bản giáo dục, sách giáo khoa, sách bài tập, lợi ích nhóm… là các từ khóa đang “hót”. Trong khoảng 10 năm qua, tôi đã viết rất nhiều bài trên báo và cả trong sách về chuyện biên soạn, thẩm định, tuyển chọn sách giáo khoa. Tạm kể:

1. Muốn cải cách giáo dục thành công không thể chỉ dựa vào sách giáo khoa (Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, 2018)

2. Cơ chế “một chương trình – nhiều sách giáo khoa là tất yếu” (Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, 2018)

3. Nhật Bản đã nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa như thế nào (Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam)

4. Việt Nam nên tham khảo cơ chế “Sách giáo khoa kiểm định của Nhật Bản” (Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, 2017)

5. Viết sách giáo khoa cho từng vùng miền là điều không tưởng (Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, 2017)

6. Cải cách giáo dục lịch sử: Vấn đề không chỉ là thêm bớt nội dung sách giáo khoa (Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, 2017)

7. Một chương trình – nhiều sách giáo khoa: Những điều kiện đủ (Tia sáng).

Trong đó ở bài số 7 ở trên tôi có nhấn mạnh mấy điểm:

Thứ nhất, cần lưu ý và đảm bảo tính minh bạch, công khai, công bằng của toàn bộ quy trình thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa. Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phải có quy chế chặt chẽ đảm bảo không có những tiêu cực dưới dạng “ưu ái” hay “phân biệt đối xử” đối với các bản thảo đăng kí thẩm định. Các quy định này cần phải được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để giới chuyên môn và nhân dân theo dõi, giám sát. Các nội dung thẩm định, yêu cầu sửa chữa, lý do “đánh trượt”… cần phải được thông báo bằng văn bản đối với nhà xuất bản và tác giả. Các tác giả và nhà xuất bản có quyền phản biện, khiếu nại, bảo lưu ý kiến khi không cảm thấy thỏa mãn với quyết định của Hội đồng thẩm định. Các cuốn sách không vượt qua vòng thẩm định có thể xuất bản dưới dạng sách tham khảo hoặc sách phổ biến tri thức thông thường khác.

Thứ hai, cần đảm bảo tính liêm chính, công bằng và tiêu chuẩn học thuật của Hội đồng thẩm định. Khi thực hiện cơ chế kiểm định sách giáo khoa, đương nhiên Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ phải là cơ quan chịu trách nhiệm trước nhân dân trong việc tổ chức Hội đồng thẩm định. Vấn đề đặt ra là Hội đồng thẩm định sẽ gồm những ai? Quyết định cuối cùng đối với bản thảo Sách giáo khoa là quyết định của chủ tịch Hội đồng hay dựa trên kết quả của các lá phiếu độc lập từ mỗi thành viên? Theo kinh nghiệm của nước Nhật, thành viên của Hội đồng cần có sự tham gia của các thành phần như: quan chức quản lý giáo dục, các giáo sư ở các trường đại học, các nhà nghiên cứu độc lập, giáo viên giảng dạy trực tiếp tại trường phổ thông, đại diện hội đoàn xuất bản và truyền thông… Thành viên của Hội đồng phải là những người có uy tín về mặt khoa học và đạo đức học thuật. Hội đồng phải được giám sát chặt chẽ bởi công luận để tránh việc “đi đêm” giữa Hội đồng với phía biên soạn sách giáo khoa.

Thứ ba, cần xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm lựa chọn sách giáo khoa. Một khi chấp nhận và thực hiện cơ chế kiểm định Sách giáo khoa nói trên thì việc lựa chọn bộ sách giáo khoa nào trong số các bộ sách giáo khoa vượt qua vòng thẩm định theo định kì sẽ thuộc về ai? Giáo viên bộ môn, tổ chuyên môn, sở giáo dục và đào tạo hay hiệu trưởng nhà trường? Cần phải có “hàng rào pháp lý” để ngăn chặn sự lựa chọn dựa trên lợi ích phe nhóm thay vì dựa trên chất lượng sách giáo khoa và mục tiêu giáo dục.

Và giờ cảnh báo đó đã… rất gần hiện thực!

Tôi cũng đã từng viết về vụ án sách giáo khoa năm 1902 dưới thời Minh Trị. Ở Nhật khi đó báo chí cũng phát giác vụ việc các nhà xuất bản sách giáo khoa cấu kết với các Ủy ban giáo dục (giống sở giáo dục ở VN) , các giáo sư đại học (ủy viên hội đồng thẩm định, tuyển chọn), các giáo viên cốt cán, hiệu trưởng các trường để chi phối việc tuyển chọn sách cho các trường (chọn bộ nào là ở họ) bằng cách tặng quà, hối lộ.

Kết quả, đích thân thiên hoàng Minh Trị chỉ đạo phá án và 200 người bị bắt giữ bao gồm cả quan chức cao cấp của bộ giáo dục và các hiệu trưởng ở các trường, các giám đốc nhà xuất bản.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: