Công chúa An Tư là con gái thứ năm, cũng là con gái út của thượng hoàng Trần Thái Tông, do một bà thứ phi sinh ra. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên, công chúa đã được vua Trần cống cho tướng Thoát Hoan “để làm thư giãn nạn nước”. Sau này, quân giặc đại bại, Thoát Hoan phải nhục nhã chui ống đồng trốn về nước, nhưng số phận của công chúa An Tư thì không thấy sách sử nào nhắc tới cả…

Sau khi tiêu diệt nhà Nam Tống, thống trị toàn cõi Trung Hoa, năm 1282, vua Nguyên sai Toa Đô đem 5 vạn quân đánh Chiêm Thành, rồi chờ sẵn khi Thoát Hoan mang 50 vạn quân từ phía bắc đánh xuống, sẽ tạo gọng kìm nhằm đánh bại nhà Trần.

Cuối năm 1284, Thoát Hoan dẫn quân tiến đánh Đại Việt, quân ta dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương sử dụng chiến thuật tiêu hao địch, liên tục vừa đánh vừa rút từ Chi Lăng, rồi vạn Kiếp, rồi cả Thăng Long.

Thế giặc mạnh làm một số tôn thất nhà Trần dao động, quay sang hàng giặc, trong đó có Trần Kiện, Trần Lộng, rồi ngay cả người tài danh như Trần Ích Tắc.

Để thư hoãn việc binh, tháng 2/1285, vua Trần Thánh Tông bất đắc dĩ sai dâng em gái út là An Tư cho Thoát Hoan. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi: “Sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý để làm thư giãn nạn nước”.

Số phận công chúa An Tư, vị công chúa nhà Trần bị cống cho Thoát Hoan
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Công chúa An Tư không đi lấy chồng mà bị cống nạp, nên đó là một sự hy sinh lớn cho giang sơn xã tắc. Ở trong trại giặc, công chúa An Tư đã sống ra sao, làm những gì, không ai biết.

Vài tháng sau đó, quân Trần bắt đầu phản công, khiến quân Nguyên đại bại, 20 vạn quân xâm lược bị tan rã, Toa Đô bị chém, Thoát Hoan phải nhục nhã chui vào ống đồng trốn chết mà chạy về nước.

Sau chiến thắng các vua Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, truy phong các tướng lĩnh. Nhưng không ai nhắc đến An Tư. Vậy, công chúa còn hay mất?

Xưa nay nhiều người đã cất công tìm hiểu số phận của vị công chúa hy sinh thầm lặng cho giang sơn ấy.

Trong cuốnAn Nam chí lược của Lý Trắc, một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong ở Trung Quốc có ghi: “Trước, Thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”.

Người con gái họ Trần này phải chăng là công chúa An Tư?

Kỳ thực người con gái sinh hai con với Thoát Hoan không phải An Tư mà là con Trần Di Ái, em gái Trần Tú Viên. Cuộc hôn nhân này diễn ra năm 1336 (An Nam chí lược tr. 249), chứ không phải năm 1285.

Tại đền thôn Viên, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội thờ một công chúa nhà Trần là Trần Khắc Hãn. Có người cho rằng Khắc Hãn không phải là tên thật mà chỉ là tên “biểu trưng” của công chúa An Tư đã hy sinh thân mình để chế ngự sự hung hãn của kẻ thù Nguyên Mông, nên mới gọi là “khắc Hãn”. Đó âu cũng là một biểu trưng cho tình cảm mà người dân dành cho vị công chúa nhà Trần.

Thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, cũng có đền thờ một vị công chúa triều Trần. Bản sắc phong đời Tự Đức (1849) cho vị nữ nhân thần của làng bằng chữ Hán có ghi:

“Theo sách thờ cúng trong tỉnh có ghi: Sở huyện Sơn Minh, xã Cao Lãm, thôn Khả Lãm lừng vang vị thần là công chúa triều Trần. Năm Trần Bảo Đức, giặc Nguyên xâm phạm bờ cõi nước ta, chúng vơ vét sạch của cải cùng các cung nữ.

Khi ấy ngài vừa tròn tuổi mười lăm, xinh tươi rực rỡ, mềm mại khoan thai. Ngài cùng mười cô gái trẻ chạy giặc về vùng đất Sơn Minh. Giặc đuổi ép tới thôn Khả Lãm. Người tìm chỗ hiểm yếu cầm đầu chống lại chúng; không chống được quân địch, bèn tự vẫn.

Tiếng linh vang dội nên thôn lập miếu phụng thờ. Tới khi vua Trần phục quốc, người nhớ thương và ngợi khen người con gái trung thành, trong trắng và khen tặng là vị thần Hồng Anh phu nhân.”

Người dân trong làng truyền nhau rằng thời đó khi giặc Nguyên tan chạy, có một vị công chúa nhà Trần đã trốn khỏi trại quân Nguyên, cùng các cung nữ theo dọc bờ sông Đáy chạy về phía tây nam, hòa lẫn trong dòng dân chúng.

Nàng chạy đến huyện Sơn Minh, xã Cao Lãm, thôn Khả Lãm (nay là thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), nơi khi ấy vẫn còn là một vùng đầm lầy, thì bị giặc đuổi tới. Không chống nổi, công chúa liền tuẫn tiết tại đây.

Người dân không biết tên thật của công chúa, bèn đem thờ trong ngôi miếu, gọi tên chung là Trần triều công chúa.

Đây có phải là công chúa An Tư hay không? Xét về dữ kiện lịch sử và câu chuyện truyền lại thì có lẽ là có…

Nguyễn Vĩnh

Xem thêm:

Mời xem video: