Vương An Thạch là một vị tể tướng nổi bật của triều Tống. Ông mong muốn thực hiện rất nhiều cải cách về kinh tế, xã hội và quân sự, để giúp triều đình nhà Tống đang khó khăn, trong đó đặc biệt có chủ trương tiến đánh Đại Việt.

Từ “biến pháp” đến ngôi vị Tể tướng

Vương An Thạch sinh năm 1021 trong một gia đình quan địa phương, vì thế từ nhỏ ông đã quen với cung cách làm quan và hiểu được nhân tình thế thái. Năm 1042, lúc 21 tuổi, ông đỗ tiến sĩ đời vua Tống Nhân Tông, và được bổ nhiệm làm quan địa phương.

Suốt thời gian dài làm quan ở các địa phương khác nhau, Vương An Thạch luôn quan tâm tìm hiểu cuộc sống người dân, ông có nhiều thành tích và nhận được sự quý trọng từ người dân. Sau 17 năm làm quan, ông làm một bản tấu trình gửi lên vua Tống Nhân Tông nêu rõ các chính sách trì trệ, đồng thời đưa ra những thay đổi của mình về kinh tế, xã hội và quân sự gọi là “tân pháp” hay còn gọi là “biến pháp”.

Biến pháp của ông hứa hẹn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của triều Tống lúc bấy giờ, thế nhưng các tầng lớp quan lại thời đó đã vì lợi ích của mình mà chống lại những thay đổi này.

Số phận vị tể tướng nổi tiếng của nhà Tống giữa cuộc chiến Tống - Việt
Vương An Thạch. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Vương An Thạch làm quan từ thời Tống Nhân Tông đến Tống Anh Tông thì mẹ mất, ông xin về quê để tang mẹ 3 năm, thời gian này ông mở trường dạy học.

Năm 1067, Tống Thần Tông lên ngôi, triều đình khủng hoảng về mọi mặt. Nhớ lại những cải cách trước đây của Vương An Thạch, vua Tống Thần Tông cho mới ông về Kinh thành vào năm 1068, phong làm Hàn lâm viện Học sĩ. Năm 1069, Vương An Thạch được phong làm Tham tri chính sự, đến năm 1070 thì được phong làm Tể tướng.

Nhà Tống thi hành biến pháp

Lúc này một loạt các chính sách của Vương An Thạch lần lượt được thực thi, chủ yếu bao gồm:

Tài chính:

  • Phép thanh miêu: khi lúa còn xanh thì nhà nước cho dân vay tiền, đến khi lúa chín thì dân lại phải trả tiền lại, tính theo lệ nhà nước đã định mà trả tiền lãi.
  • Phép miễn dịch: cho những người dân đinh mà ai phải sưu dịch thì được nộp tiền, để nhà nước lấy tiền ấy thuê người làm.
  • Phép thị dịch: đặt ra một sở buôn bán ở chốn kinh sư, để có những hàng hóa gì dân sự bán không được thì nhà nước mua thu cả lấy mà bán. Những nhà buôn ai cần phải vay tiền thì cho vay, rồi cứ tính theo lệ nhà nước mà trả tiền lãi.

Quân binh:

  • Phép bảo giáp: lấy dân làm lính. Chia ra 10 nhà làm một bảo, 500 nhà làm một đô bảo. Mỗi bảo có đặt hai người chánh phó để dạy dân luyện tập võ nghệ.
  • Phép bảo mã: nhà nước giao ngựa cho các bảo phải nuôi, có con nào chết thì dân phải theo giá đã định mà bồi thường lại.

Việc thúc đẩy các chính sách này trên một mức độ nào đó đã hạn chế được cường hào tập trung thế lực, làm dịu được nguy cơ quân sự và tài chính nhà nước. Tuy nhiên những thay đổi này lại động chạm đến các tầng lớp quan lại, vì thế họ liên tục phản đối.

Kể từ 1070 khi mới làm Tể Tướng, nhận biết trước là sẽ có làn sóng phản đối mình, Vương An Thạch đã chủ trương tiến đánh Đại Việt để giải tỏa các căng thẳng của việc cải cách.

Lên kế hoạch đánh Đại Việt nhưng bất ngờ bị đánh tại Ung Châu

Lúc này quân tinh nhuệ của nhà Tống tập trung ở biên giới chặn được sự uy hiếp của Liêu Quốc và Tây Hạ. Ở phía nam, vua Lý Thánh Tông của Đại Việt mất, vua Lý Nhân Tông lên ngôi năm 1072 khi mới 7 tuổi. Vương An Thạch cho rằng đây là cơ hội tốt để tiến đánh Đại Việt, giải tỏa bớt áp lực căng thẳng trong nước.

Nhà Tống chuẩn bị quân lương, đóng thuyền, luyện tập thủy quân, tập trung ở Ung Châu, giao cho Tô Giám chỉ huy căn cứ này. Vương An Thạch lên kế hoạch phải bí mật tuyệt đối nhằm tấn công ra đòn thật bất ngờ, chỉ một trận đánh là chiến thắng.

Thế nhưng những thay đổi của “biến pháp” khiến nhiều quan lại bất mãn, một trong số đó là Từ Bá Tường đã lén cung cấp thông tin cho Đại Việt biết.

Nhận được tin báo từ “Khu mật viện” về kế hoạch của quân Tống, triều đình nhà Lý quyết định phải tiến đánh Ung Châu trước khi quân Tống tiến sang. Kế hoạch đánh Ung Châu được tiến hành và đặt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt.

Trong khi đó, khoảng tháng 6/1074, Vương An Thạch gặp phải áp lực quá lớn đã xin từ chức, nhưng tình hình nhà Tống càng trở nên phức tạp hơn. Đến tháng 3/1075, Vương An Thạch lại được vua Tống triệu về triều.

Tại Đại Việt, Lý Thường Kiệt tập trung 10 vạn quân triều đình và quân của thủ lĩnh các dân tộc thiểu số miền biên giới để tiến đánh Ung Châu. Tháng 10/1075, cánh quân phía tây của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số đánh sang đất Tống, chiếm các trại Cổ Vạn, Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, cùng các châu Lộc, Tây Bình.

Trong khi quân Tống bị hút sang cánh phía tây, thì Lý Thường Kiệt chỉ huy quân Triều đình đánh chiếm Khâm Châu, quân tướng nhà Tống hoàn toàn bị tiêu diệt hoặc bị bắt.

Thừa thắng, Đại Việt đánh chiếm Liêm Châu, Bạch Châu, rồi toàn quân kéo đến vây chặt Ung Châu. Vua Tống lo lắng cho viện binh đến cứu Ung Châu, nhưng toàn bộ viện binh cùng các tướng đều bị tiêu diệt. Đến tháng 3/1076 thì Ung Châu thất thủ, Tô Giám phải tự sát. Lý Thường Kiệt hạ lệnh thảm sát Ung Châu.

Toàn Thư chép:

Tri Ung châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân ta đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bèn bị hạ. Giám cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, rồi châm lửa tự đốt chết. Người trong thành cảm ân nghĩa của Giám, không một người nào chịu hàng, giết hết hơn 5 vạn 8 nghìn người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 10 vạn. Bọn Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về.

Sau khi phá hủy căn cứ Ung Châu, quân Đại Việt quay trở về.

Nhà Tống tiến đánh Đại Việt

Sau khi Ung Châu bị triệt phá năm 1076, Tống Thần Tông ra chiếu đánh Đại Việt. Mục tiêu của Tống Thần Tông không chỉ nhằm phục thù mà còn là để giảm tải áp lực trong nước, đồng thời gây nhuệ khí cho chiến trường tây bắc với Tây Hạ và tạo uy thế với nước Liêu:

Lúc quân ta diệt được Giao Chỉ, uy ta sẽ có. Rồi ra bá cáo cho Thiểm Tây biết, quân dân Thiểm Tây sẽ có thắng khí. Với khí thắng ấy, ta sẽ nuốt tươi nước Hạ. Mà nếu nuốt nước Hạ thì còn ai dám quấy nhiễu Trung quốc nữa?

Vua Tống quyết định nhượng bộ Tây Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho nước Liêu ở phía Bắc, nhằm huy động các cánh quân tinh nhuệ xuống phía Nam tiến đánh Đại Việt.

Tuy nhiên ngay trước khi Tống tấn công Đại Việt, 10/1076, Vương An Thạch bị vua phế chức, đồng thời ông cũng xin từ chức do vua không nghe theo các cải cách khác của ông.

Đầu năm 1077, quân Tống tiến đánh Đại Việt với 10 vạn quân cùng 20 vạn phu phen, trong số đó có 4,5 vạn quân tinh nhuệ.

Lý Thường Kiệt cho quân lập phòng tuyến vững chắc trên sông Như Nguyệt chặn đứng quân Tống, sau đó chờ cơ hội chín muồi thì cho quân vượt sông đánh một trận thắng lớn, quân Tống bị diệt rất nhiều. Quân Tống lâm vào tình cảnh bi đát, vì tiến không được, lương thực đã cạn kiệt và nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Đúng lúc này Đại Việt mới chủ động nghị hòa, quân Tống như chết đuối vớ được cọc liền đồng ý ký bản nghị hòa để rút quân về nước. Trong cuốn “Nhị Trình di thư” của nhà Tống có ghi chép về việc này rằng: “May được lời giặc nói nhũn, liền nhân đó giảng hòa. Nếu không có lời quy thuận của giặc thì làm thế nào?” .

Sau khi quân Tống về nước, kiểm lại binh mã thì 10 vạn quân chủ lực chỉ còn lại 23.400 lính; 20 vạn phu phen còn lại chưa đầy một nửa, phí tổn chiến tranh lên đến 5.190.000 lạng vàng.

Sau thất bại nay nhà Tống từ bỏ tham vọng đối với Đại Việt. Tống Thần Tông trở thành người chỉ đạo cải cách sau khi Vương An Thạch từ chức nhưng do nhiều thất bại, vua không còn mặn mà nữa.

Năm 1085, Tống Thần Tông qua đời, Tống Triết Tông mới 10 tuổi lên ngôi vua, nhà vua bổ nhiệm Tư Mã Quang làm Tể tướng. Một năm sau khi Tư Mã Quang lên làm Tể tướng, các biện pháp cải cách bị loại bỏ gần hết.

Về phần Vương An Thạch, sau khi bị phế chức, ông trở về quê nhà làm vườn và chuyên tâm nghiên cứu Phật học. Ông sống một cuộc đời giản dị, không ham phú quý danh vọng. Một danh nhân thời đó đã ví ông là “xem phú quý như phù vân, một vĩ nhân” .

Người đời sau tôn Vương An Thạch là một trong “Đường Tống bát đại gia” (tám đại văn hào của đời Đường và đời Tống).

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: