Cổ ngữ có câu: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại”, biển có thể thu nạp trăm sông, dung chứa được nên mới thành ra rộng lớn. Người ta nếu cứ mãi tự cho mình là đúng đắn, thì cũng giống như thác nước kia, tự mình cắt khỏi trăm sông, dù có lớn đến đâu cũng sớm ngày khô kiệt. Người mãi tự cho mình là đúng thì dẫu có tài giỏi đến mấy rồi cũng có ngày chuốc lấy thất bại mà thôi.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Vong quốc bắt đầu từ việc không tín Thần
Tranh “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” do họa sĩ Cừu Anh thời nhà Minh vẽ. (Tranh: Public Domain)

Trong cuộc sống có không ít người luôn cho mình là đúng, thích được nghe những lời tán dương hơn là những lời chỉ ra sai sót của bản thân mình. Điều này thực sự rất nguy hại và đây cũng là một loại tâm tính không tốt. Nó không chỉ phóng to tâm kiêu ngạo mà còn khiến người ta trong bất tri bất giác mà trở nên vô minh. Đối với những người cai trị một đất nước thì điều này lại càng là mối nguy hại chỉ trong sớm tối.

Cuốn chính sử Tư Trị thông giám có ghi lại một điển cố về vấn đề này như một bài học cảnh tỉnh hậu nhân:

Vua nước Vệ một lần đề xuất ra kế hoạch không thỏa đáng, nhưng triều thần ai nấy đều thi nhau tán dương phụ họa. Thấy vậy, học trò của Khổng Tử là Tử Tư đã nói: “Ta thấy nước Vệ thật sự là ‘Vua không ra vua, thần chẳng ra thần’ nữa rồi!“.

Hiền sỹ Công Khâu hỏi: “Ngài vì sao lại nói như vậy?”.

Tử Tư đáp:

“Quân Vương tự cho rằng mình đúng, thì quần thần còn ai muốn đề xuất ý kiến của mình. Xử lý mọi việc mà không nghe được ý kiến nào của quần thần để đối chiếu, thì cũng giống như là bài xích ý kiến của quần thần. Huống hồ giờ đây quần thần lại đều phụ họa a dua theo ý kiến sai lầm ấy.

Quân Vương không xem xét sự tình đúng sai thế nào mà lại thích nghe quần thần tán tụng bản thân thì đó là vô cùng hôn ám. Quần thần không phán đoán sự việc có hợp đạo lý hay không mà lại đồng loạt a dua nịnh nọt thì đó là vô cùng siểm nịnh. Quân Vương hôn ám còn quần thần u mê, như thế mà trị vì dân chúng, thì dân chúng đều bất mãn. Nếu mãi như vậy không thay đổi thì quốc gia chẳng thể an định lâu dài được”.

Sau, Tử Tư lại tâu với Vua Vệ: “Quốc gia của Ngài mỗi ngày một tệ rồi!”.

Quốc Vương hỏi: “Tại sao lại như vậy?

Tử Tư đáp:

“Sự tình xuất hiện đều là có nguyên do. Bởi vì, Ngài luôn tự cho là mình đúng nên đại thần không ai dám cải chính sai lầm của Ngài. Các đại thần đều cho rằng mình luôn luôn đúng đắn nên hạ quan và dân chúng không ai dám sửa sai cho họ. Quân thần đều tự cho rằng mình tài đức và thuộc cấp cũng đều đồng thanh tán tụng rằng họ tài đức, nếu tâng bốc thuận theo thì được ban thưởng, nếu chỉ ra sai lầm liền bị khép tội ngỗ nghịch mà gặp tai họa, như thế làm sao dẫn đến kết quả tốt đẹp cho được?”

Tử Tư nói tiếp rằng: “Kinh Thi giảng rằng: Nếu ai cũng tự cho mình là thánh hiền, thì làm sao phân định được trắng đen hay dở đây? Điều này chẳng phải là tương hợp với tình huống Vua tôi hiện giờ của Ngài đó sao?”.

Kỳ thực, không chỉ những người đứng đầu quốc gia mới cần chú ý đến vấn đề này, mà những người bình thường trong đối nhân xử thế cũng đều phải biết đạo lý ấy. Bất kỳ ai cũng vậy, cần tránh tự cho mình là đúng, mà nên khiêm tốn, lắng nghe nhiều hơn và chọn lọc ý kiến. Chỉ có làm được như vậy chúng ta mới có thể giảm thiểu được tổn thất và có được thành tựu lớn hơn.

Tâm lý “tự cho mình là đúng” xuất phát từ sự ích kỷ, tự tư, là một tâm rất không tốt, cần phải dần dần loại bỏ trong hành trình tu dưỡng bản thân. Một người có tu dưỡng sẽ cảm thấy biết ơn khi người khác chỉ ra thiếu sót của mình và cảm thấy vui mừng khi được nghe những lời góp ý của người khác. Điều đó không chỉ giúp chúng ta đạt được thành tựu sự nghiệp mà còn khiến chúng ta trở thành người sáng suốt hơn, minh trí hơn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: