Có bạn vào hỏi mua sách và nhân tiện nói chuyện chút về Nhật Bản. Ngẫm ra Nhật Bản là đất nước rất kì lạ. Ví dụ như Nho giáo ở Nhật chẳng hạn.

Ở Việt Nam trong suốt hơn nghìn năm Nho giáo được học và tôn sùng như sản phẩm của thánh hiền còn ở Nhật nó được tiếp cận như học thuyết nên có vô vàn trường phái, cách giải thích khác nhau.

Việt Nam khoa cử sống cực dai và cực mạnh. Đầu thế kỉ XX nó mới chết.

Ở Nhật thì không có khoa cử. Viết một vài bài văn, bài thơ, làm được vài câu đối hay ho rất khó có thể làm quan hay thành tướng lĩnh ở Nhật. Muốn làm quan ở Nhật hoặc là phải là quý tộc hoặc là phải võ nghệ, binh pháp siêu quần hoặc ít ra cũng phải là dòng dõi thân hào có thế lực. Khua môi múa mép ăn kiếm liền!

Nhưng thú vị không dừng lại ở đó.

Thú vị nữa là sau khi nắm quyền xong, thiên hoàng Minh Trị và các hoàng đế sau đã lợi dụng các giá trị quan của Nho giáo khá tinh vi và hiệu quả để tạo ra con người “trung quân ái quốc”. Đỉnh cao là Nho giáo trở thành công cụ của chủ nghĩa phát xít (người Nhật hay gọi là quân phiệt).

Sau 1945, Nho giáo trở thành nhạy cảm nên môn Tu thân bị cấm vĩnh viễn, giáo dục đạo đức như là môn học trong trường học bị phế bỏ. Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ (1950), thế lực cựu hữu phục hoạt giáo dục đạo đức trong trường hoc và vấp phải sự chống đối dữ dội. Trận chiến này kéo dài đến tận nay với nhiều thay đổi vi tế dẫn đến năm 2017 bộ giáo dục Nhật đưa được môn Đạo đức chính thức vào trường với tên gọi “Môn giáo khoa đặc biệt”.

Tuy nhiên, thú vị nhất là sau khi Nhật Bản giàu có lên với các tập đoàn xuyên quốc gia thì những ông chủ tập đoàn này, những người có ảnh hưởng lớn trong và ngoài nước lại là những người rất đánh giá cao những giá trị-quy phạm của Nho giáo.

Người sáng lập Panasonic, Kyocera và vô số doanh nhân tên tuổi khác đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với “Luận ngữ”. Họ viết sách giải thích “Luận ngữ” và cho rằng những cuốn sách như vậy đã giúp họ thành công trong kinh doanh.

Họ cũng bày tỏ sự kính trọng rất đặc biệt với những nhân vật lịch sử như Saigo Takamori-nhân vật tập trung tinh hóa văn hóa phương Đông, người chịu ảnh hưởng lớn của Vương Dương Minh.

Có cái gì đó rất tự tin trong tư thế của họ. Nó gợi nhắc đến tư thế của người võ sĩ trước đối thủ: “Này! Lại đây đi!” (Oi, Koi!).

Sẽ rất gợi và thú vị khi ta so sánh với tư thế của người Nho sĩ-ông đồ của ta trước đối thủ Tàu, Tây! Hoặc là khúm núm hoặc là ném gạch cật lực mà chưa cần biết đối thủ là người thế nào.

Điều đáng tiếc nhất của tôi là trong suốt nhiều năm học ở Nhật chưa một lần được tới Kagoshima và Nagasaki để xem ảnh hưởng của Saigo Takamori cũng như dấu vết mà các chí sĩ thời Mạc mạt còn để lại.

Có một chuyện đọc lâu tôi quên nguồn thế này. Một học giả Hán học nổi tiếng của Nhật khi dạy học có đặt ra câu hỏi cho học trò: “Nếu bây giờ Khổng Tử làm tiên phong dẫn đại binh từ Trung Quốc qua đây đánh Nhật Bản thì ta sẽ phải làm sao?”. Các học trò suy nghĩ giây lát rồi nhất loạt nói rằng: “Thì chúng ta sẽ cưỡi ngựa, cầm gươm mà ra trận vì làm như vậy mới xứng đáng là học trò của Khổng Tử”.

Có lẽ câu chuyện này thể hiện khá rõ tư thế-tâm thế của các học giả Nhật và giới võ sĩ. Ở Việt Nam có lẽ chưa từng có ông thầy nào học Nho dám đặt ra câu hỏi như thế đối với học trò thậm chí là cả trong ý nghĩ!

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: