Âm nhạc cổ đại có tác dụng khơi dậy thiện niệm, thức tỉnh lương tri, có khả năng hướng dẫn và nâng cao thuần phong mỹ tục một cách vô hình, khiến cho ánh hào quang của đức hạnh chiếu rọi đến những vùng đất rộng lớn, xa xôi.

Sức mạnh cảm ứng tâm linh của âm nhạc cổ đại
(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Nói về sức mạnh cảm ứng tâm linh con người của âm nhạc thời cổ đại, trong suốt hàng ngàn năm, văn hóa truyền thống có ghi lại rất nhiều điển cố.

Trong “Lã Thị Xuân Thu. Thuận thuyết” có ghi lại câu chuyện: Vào thời Xuân Thu, Quản Tử (Quản Trọng) là tể tướng của nước Tề. Khi Quản Tử bị bắt giữ ở nước Lỗ, vua nước Lỗ đã phái người áp giải ông trở về nước Tề. Vì tình hình có nhiều biến động, Quản Tử e sợ rằng nước Lỗ sẽ có thể thay đổi chủ ý mà giết chết ông. Vì thế, Quản Tử rất muốn nhanh chóng được quay trở về nước Tề.

Để đạt được nguyện ý này, Quản Tử đã lựa chọn dùng sức mạnh của âm nhạc. Âm nhạc của Quản Tử đã khiến sai dịch phấn khởi trong lòng, không một chút chán nản mà lựa chọn con đường nhanh nhất đưa ông trở về nước Tề.

Trong “Liệt Tử” ghi lại câu chuyện: Thời Xuân Thu Chiến Quốc có một nữ sĩ có tài ca hát, tên là Hàn Nga. Một lần, Hàn Nga đi sang Tề quốc, khi qua địa phương Ung Môn thì bị mất hết tiền và lương thực. Bất đắc dĩ, Hàn Nga đành phải hát rong xin ăn.

Tiếng ca của Hàn Nga réo rắt rơi vào trong không trung giống như tiếng chim Nhạn hót mãi không ngừng làm rung động lòng người. Ba ngày sau khi Hàn Nga rời đi, tiếng ca vẫn quẩn quanh ở  nơi đây, mãi không dứt. Đây chính là điển tịch: “Dư âm nhiễu lương, tam nhật bất tuyệt”, dư âm vẫn còn văng vẳng bên tai, ba ngày không dứt.

Trong “Liệt Tử” còn ghi lại câu chuyện, một lần Sư Khoáng, người tinh thông âm nhạc, giỏi diễn tấu các loại nhạc cụ gảy một khúc nhạc “Thanh Giác” cho Tấn Bình Công nghe. Khi Sư Khoáng tấu giai điệu thứ nhất, trên trời xuất hiện mây trắng từ phía Tây bay đến. Khi Sư Khoáng tấu tiếp giai điệu thứ hai thì có gió và mưa ập tới.

Cũng theo ghi chép, “Thanh Giác” là một trong ba loại nhạc do Sư Khoáng đặt định ra bao gồm “Thanh Thương”, “Thanh Chinh”“Thanh Giác”. Theo ông, “Thanh Thương” thuộc về âm thanh tượng trưng cho điềm xấu, “Thanh Chinh” là âm thanh tượng trưng cho những điều may mắn, còn “Thanh Giác” là âm thanh tượng trưng cho thời đại hưng thịnh, hoàng kim.

Trong sách “Hàn Phi Tử. Thập quá” cũng viết về tài năng của Sư Khoáng. Theo đó, khi Tấn Bình Công và Vua nước Vệ gặp nhau có mời Sư Khoáng gảy đàn. Khi Sư Khoáng dùng kỹ thuật điêu luyện mà gảy khúc nhạc đầu tiên  thì mọi người trông thấy có 16 con Hạc đen tuyền từ phương Nam bay đến. Lúc Sư Khoáng gảy nhạc khúc thứ hai thì bầy Hạc đen ấy xếp thành một hàng ngay ngắn. Khi ông chơi giai điệu thứ ba thì bầy Hạc đen vừa kêu hót vừa xếp thành hàng ngũ chỉnh tề giương cánh nhảy múa. Khi ông tiếp tục diễn tấu, trông thấy mây lành lúc ẩn lúc hiện, sương lành ào ạt kéo tới. Tiếng kêu hót của bầy Hạc và tiếng đàn hòa hợp thành một thể, còn vang vọng ngân nga rất lâu tận phía chân trời. Cảnh tượng và âm thanh ấy khiến cho người thưởng thức cảm thụ được tự nhiên và thanh âm của tự nhiên, cảm thấy trong lòng khoáng đạt mà an bình hạnh phúc.

Những điển cố này đều nói rõ, âm nhạc thời cổ đại là có thể “thông linh cảm vật”, vạn vật đều có thể biến hóa theo giai điệu của âm nhạc. Nó có thể khiến cho con người thấy được rằng cỏ cây cũng có tình, chim cá cũng có hiểu biết. Đây thực sự là tác dụng to lớn của đức âm nhã nhạc.

Trong các kinh điển của Nho gia cũng giảng đến sức mạnh, sức hấp dẫn của âm nhạc cổ đại. Như trong “Luận Ngữ” có ghi chép: “Đức Khổng Tử ở nước Tề nghe nhạc Thiều, ba tháng không biết mùi thịt. Nói rằng: Không ngờ nhạc được sáng tác đến mức tuyệt vời như thế!”

Liên quan đến chuyện này, trong sách “Lão tàn du ký” của Lưu Ngạc thời nhà Thanh có ghi chép rằng: Khi Khổng Tử ở Lạc Ấp nước Chu đã đến thăm Trường Hoằng – vị đại phu của nước Chu thời Chu Kính Vương. Trong phòng khách đơn sơ, với bốn bức tường làm bằng đất và cỏ, Trường Hoằng hàn huyên cùng Khổng Tử. Khổng Tử vốn được biết đến là người tinh thông thi, thư, lễ, dịch và có chút am hiểu về âm nhạc nhưng chưa đạt đến trình độ tinh thông. Ông nghe nói đại phu Trường Hoằng biết thiên văn, am hiểu khí tượng, tinh thông lịch pháp, hơn nữa còn tinh thông âm luật nên muốn đến thỉnh giáo.

Hàn huyên một hồi, Khổng Tử đưa hai tay chắp trước ngực rồi khom lưng cúi xuống hướng về phía đại phu Trường Hoằng nói: “Trường đại phu bác học đa tài, Khổng Khâu tôi nông cạn ngu dốt cần phải thỉnh giáo ngài thật nhiều. Thỉnh xin tiên sinh chỉ điểm chỗ mê”.

Trường Hoằng vội chặn tay Khổng Tử lại rồi cười nói: “Khổng đại phu thanh danh vang xa, chính là ta ân hận vì không được gặp tiên sinh từ sớm. Nay đại phu đã tới thăm, vừa đúng lúc ta cũng muốn thỉnh giáo ngài. Nếu trong lòng có chỗ khó giải, chúng ta cùng nhau thảo luận và nghiên cứu.”

Khổng Tử đáp: “Khổng Khâu tôi yêu thích âm nhạc, nhưng lại hiểu biết nửa vời. Thiều nhạc và Vũ nhạc đều rất cao nhã, đều diễn tấu trong cung đình. Hai loại này có điểm gì khác nhau?”

Trường Hoằng chậm rãi nói: “Theo ngu kiến của ta, Thiều nhạc là nhạc thời vua Thuấn thái bình an hòa, âm điệu tao nhã rộng lớn. Vũ nhạc là nhạc thời Võ Vương phạt Trụ thống nhất thiên hạ, âm tiết hùng vĩ hào phóng. Từ bề ngoài thì thấy bất đồng nhưng đều tốt đẹp”.

Khổng Tử lại hỏi thêm: “Vậy thì trong nội dung của hai loại nhạc này có gì khác nhau?”

Trường Hoằng đáp: “Từ nội dung, Thiều nhạc nghiêng về an khang tường hòa, lễ nghi, giáo hóa. Vũ nhạc lại nghiêng về đại trị đại loạn, lập lại trật tự xã hội, đây là điều khác nhau căn bản.”

Khổng Tử nói: “Như vậy, xem ra Vũ nhạc tận mỹ mà chưa tận thiện, Thiều nhạc là tận mỹ tận thiện!”

Đại phu Trường Hoằng khen ngợi: “Kết luận của Khổng đại phu cũng là tận thiện tận mỹ!” Khổng Tử bái tạ Trường Hoằng đại phu và ra về.

Năm sau, Khổng Tử đi sứ nước Tề. Nước Tề là do Khương Thái Công kiến lập, là nơi lưu truyền Thiều nhạc và Vũ nhạc chính thống. Khổng Tử tới nước Tề đúng vào dịp vua nước Tề cử hành lễ hiến tế long trọng. Khổng Tử đến dự đại lễ, vui sướng vì được nghe diễn tấu Thiều nhạc và Vũ nhạc, đồng thời cũng thể nghiệm sâu sắc lời của đại phu Trường Hoằng năm trước. Âm nhạc tận thiện tận mỹ, âm thanh tao nhã êm tai, hàm ý hướng thiện của Thiều nhạc đã khiến Khổng Tử bị hấp dẫn sâu sắc mà rơi vào trạng thái “ba tháng không còn biết mùi thịt”. Trạng thái này tức là ba tháng không muốn động đến thịt, hoặc ba tháng có ăn thịt cũng không thấy vị, một loại trạng thái từng được ghi lại trong giới tu hành. Từ đó Khổng Tử cảm thán rằng, không ngờ âm nhạc thời cổ đại lại có cảnh giới cao siêu đến như vậy.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: