Khi thế giới trở nên hỗn loạn, khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, hệ thống sinh thái, kinh tế và tư pháp bị phá vỡ, con người trở nên kiệt quệ về thể chất và tinh thần, thì chúng ta phải dừng lại và suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống. Và câu hỏi nhân sinh được đặt ra với những người làm nghệ thuật là: “Tôi có thể đóng góp được gì cho cuộc sống? Nghệ thuật có thể thực sự tạo ra sự khác biệt không?” Những câu chuyện từ cổ chí kim dưới đây là minh chứng cho tác dụng của nghệ thuật trong việc chữa lành thể chất và tâm hồn.

Tỷ lệ vàng là một quy tắc toán học xuất hiện rất nhiều trong tự nhiên và nghệ thuật truyền thống. Nó có từ thời Hy Lạp cổ đại và trở nên phổ biến trong lĩnh vực nghệ thuật và kiến ​​trúc thời kỳ Phục Hưng. Kể từ đó cho đến nay, tỉ lệ vàng được sử dụng trong hội họa truyền thống, điêu khắc, kiến ​​trúc, nhiếp ảnh và thiết kế đồ họa… Ngay cả tiêu chuẩn Châu Âu về kích thước giấy in cũng dựa trên tỷ lệ vàng.

Bức Vitruvian Man của Leonardo Da Vinci: Tỉ lệ hoàn mĩ của cơ thể con người
Bức “Vitruvian Man” của Leonardo Da Vinci. (Tranh: Wikipedia, Public Domain) (Xem thêm: “Vitruvian Man” của Leonardo Da Vinci và tỉ lệ hoàn mỹ)

Tỷ lệ này được sử dụng trong nghệ thuật và thiết kế vì nó mang lại sự hài hòa và cảm giác dễ chịu cho mắt người. Trên thực tế, tỷ lệ vàng được tìm thấy cả ở trên cơ thể người cũng như trong tự nhiên.

Các họa sĩ có niềm đam mê miêu tả vẻ đẹp cuộc sống, đặc biệt là những người được học về phong cách thời kỳ Phục Hưng, thường hay sử dụng nguyên tắc này để tạo sự cân bằng và sức sống cho tổng thể bức tranh. Tỷ lệ vàng mang lại sự hòa hợp với môi trường bên ngoài, giúp định hướng, điều chỉnh, tái tạo lại hệ thống bên trong cơ thể của chúng ta.

Suy ngẫm về tác dụng chữa lành kỳ diệu của nghệ thuật cổ kim
Đền Parthenon tại Athen, một ngôi đền tràn ngập tỉ lệ vàng. (Ảnh: Steve Swayne, Flickr, CC BY 2.0)

Tỉ lệ vàng cũng đã được áp dụng vào thiết kế kiến ​​trúc của bệnh viện từ thời Hy Lạp cổ đại. Asklepios được xem là vị Thần bảo trợ cho ngành Y của người Hy Lạp. Ông cũng được xem là ông tổ của Asklepiades, một hiệp hội bác sĩ thời cổ đại. Theo truyền thống của hiệp hội này, các hội trường của bệnh viện Athen vào thế kỷ V đều được đặt tên và đều có thiết kế tuyệt đẹp. Người ta tin rằng thiết kế hài hòa đẹp mắt rất quan trọng để giúp bệnh nhân bình tĩnh hơn, nhờ đó tăng khả năng khỏi bệnh. Truyền thống đó được lặp lại vào thế kỷ XIV tại bệnh viện Spadale di Santa Maria ở Siena, nơi các bức bích họa của Simone Martini và tranh vẽ của Domenico di Bartolo và Lorenzo Vecchietta được trưng bày trong hội trường.

Suc manh healing nghe thuat 02
Bức bích họa “Healing the sick” (chữa lành cho bệnh nhân) của Domenico di Bartolo tại hội trường Sala del Pellegrinaio, Bệnh viện Santa Maria della Scala. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Về âm nhạc, chúng ta có thể tìm thấy câu chuyện về sức mạnh của tiếng đàn hạc từ Kinh Thánh: “Vậy, khi Đức Chúa Trời khiến ác thần nhập vào Saul, thì David lấy đàn và gảy. Saul bèn được an ủi, lành mạnh, và ác thần lìa khỏi người”. (Samuel I 16:23) Cùng với việc chữa khỏi cơn tức giận, ác mộng và tình trạng khó chịu của vua Saul thì việc David gảy đàn hạc cũng có thể xua đuổi tà ma.

Suy ngẫm về tác dụng chữa lành kỳ diệu của nghệ thuật cổ kim
David dùng đàn hạc để làm bình tâm vua Saul. (Tranh: Sotheby, Picryl, Public Domain)

Tác dụng chữa bệnh của đàn hạc đã được nhắc đến nhiều lần trong các sách cổ cũng như trong suốt chiều dài lịch sử. Cổ nhân dường như hiểu rõ lý do tại sao và làm thế nào âm nhạc lại có tác dụng phục hồi và khả năng cân bằng kỳ diệu như vậy.

Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng nhịp tim của cơ thể phản ứng với giai điệu điệu êm dịu, nhẹ nhàng và thư giãn của âm nhạc. Theo bác sĩ Mark Tramo, một phần của não chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ thần kinh thính giác. Tiến sĩ Robert Eckel của Viện Tim mạch Hoa Kỳ đã đi xa hơn khi tuyên bố rằng: “Không nghi ngờ gì nữa, âm nhạc có thể làm giảm việc sản xuất hormone căng thẳng”.

Trong tiếng Trung, chữ “dược” (藥 – yào) bắt nguồn từ chữ “nhạc” (樂 – yuè), điều này cho thấy kiến thức y học của người Trung Hoa cổ đại hết sức sâu sắc. Điều này nói lên rằng việc sử dụng âm nhạc để chữa bệnh đã có từ thời cổ đại, thậm chí trước cả khi thảo dược được dùng để chữa bệnh. Vì vậy, âm nhạc cổ đại không phải chỉ để giải trí đơn thuần, mà còn để điều chỉnh hệ thống năng lượng của cơ thể bằng sự hài hòa của âm thanh. Các nhạc cụ được tạo ra không chỉ để giải trí, mà còn để phục vụ sức khỏe.

Suy ngẫm về tác dụng chữa lành kỳ diệu của nghệ thuật cổ kim
(Tranh: Tống Huy Tông, Wikipedia, Public Domain)

Trở lại với nghệ thuật thị giác hiện đại, chúng ta có thể tham khảo cách trị liệu bằng nghệ thuật đang ngày càng trở nên phổ biến để hiểu tầm quan trọng của nghệ thuật. Khái niệm “liệu pháp nghệ thuật” mang ý tưởng rằng hoạt động sáng tạo nghệ thuật tạo ra một năng lượng có thể khiến bệnh nhân đương đầu tốt hơn với bệnh tình của họ, giảm mức độ căng thẳng, đồng thời nâng cao ý chí và sức mạnh. Điều này đã trở nên phổ biến rộng rãi. .

Ngoài ra, ngành công nghiệp quảng cáo đã chi hàng triệu đô-la, một con số không nhỏ vào nghiên cứu tâm lý nhận thức, để hiểu rõ hơn về cách mà màu sắc ảnh hưởng đến tâm trạng và nhận thức của chúng ta.

Chúng ta phản ứng với các rung động khác nhau của âm nhạc, cũng như rung động của các tần số ánh sáng và màu sắc. Hiểu biết này đã không phải là điều mới mẻ. Ngành y tế cũng dần coi trọng việc sử dụng “Liệu pháp Chroma” (dùng màu sắc để chữa bệnh) để kiểm tra tác động của các màu sắc khác nhau lên một người. Các cơ sở y tế thường xin ý kiến ​​của các chuyên gia để thiết kế và trang trí cơ sở của họ, mục đích là để làm cho cơ sở của họ trông thân thiện hơn. Liệu pháp Chroma được cho là ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh của con người, tạo ra những thay đổi trong tâm trạng và thúc đẩy cảm giác yên bình và tĩnh tại.

Nhà thiết kế người Đan Mạch Jacob Olsen đưa ra một số nhận xét mà chúng ta có thể coi là “Bảng tuần hoàn màu sắc” như sau:

Màu đỏ là một màu mang tính kích thích, có thể kích thích sự sống và năng lượng. Ví dụ người ta khuyến cáo không dùng màu này cho bệnh nhân bị tăng huyết áp vì nó làm tăng huyết áp và tăng adrenalin.

Mặt khác, màu cam được cho là tỏa ra sự ấm áp và cảm giác vui vẻ, hạnh phúc và thường được sử dụng trong các khu vực dành cho trẻ em.

Màu vàng là một trong những màu phổ biến nhất trong bệnh viện vì nó mang đến sự tươi sáng và vui vẻ. Nó được cho là giúp giải độc tinh thần và truyền cảm hứng sáng tạo. Tuy nhiên không nên lạm dụng quá mức vì nó có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày và mất ngủ.

Còn màu xanh lá cây mang lại sự yên bình và tượng trưng cho sự phát triển và đổi mới. Nó được cho là khuyến khích trạng thái cân bằng và đặc biệt tốt cho tim, phổi và hệ tuần hoàn.

Màu xanh da trời được cho là một trong những màu chữa bệnh quan trọng vì nó giúp đem lại sự thanh thản và bình yên, giúp làm giảm huyết áp và nhịp tim. Tác dụng thư giãn của nó được cho là rất tốt cho mắt, tai, mũi. Nghiên cứu khoa học cho thấy màu xanh da trời thực sự có thể làm giảm hormone căng thẳng cortisol gây ra các bệnh lý thoái hóa.

Nếu nghệ thuật truyền thống giúp chữa lành thể chất và tâm hồn thì ngày nay một số loại hình nghệ thuật hiện đại chạy theo sự phóng túng về tình cảm và vật chất đã không có được tác dụng tốt đẹp như vậy nữa, thậm chí là ngược lại. Khi chúng ta nhìn hay nghe một tác phẩm nghệ thuật đẹp, thì trí óc và trái tim đều được lấp đầy bởi các cảm giác tích cực, dễ chịu, thư thái… Điều đó giúp điều chỉnh thân thể về trạng thái cân bằng và hài hòa vốn có.

Như cố nhà văn, triết gia và nhà thơ người Ireland, John O’Donohue, nói: “Chúng ta đã được đưa đến một thế giới đẹp đẽ. Ngay khi chúng ta chọn cái đẹp, các lực lượng vô hình sẽ cùng hướng dẫn và khuyến khích chúng ta hướng tới thiện lương, chữa lành và sáng tạo.”

The Healing Power of Art From Ancient Times to now
Đăng trên tạp chí nghệ thuật CANVAS
Tác giả: Masha Savitz
Ngọc Chi biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: