Khi còn sống ở New York, có những đêm tôi leo lên mái tòa nhà mình đang ở để ngước nhìn bầu trời. Trong thành phố, những tòa nhà cao ngất và ánh sáng của nó đã che khuất bầu trời đêm và làm lu mờ các vì sao. Giữa thành phố tất bật và nhộn nhịp, nhiều khi chúng ta cảm thấy mình đã đánh mất đi sự kết nối với những điều sâu sắc và thực chất. Dường như chúng ta đã đánh giá thấp tầm quan trọng của sự rộng lớn cũng như bí ẩn của vũ trụ. Tất nhiên, trong dòng chảy lịch sử, chuyện không phải lúc nào cũng như vậy. Những người cổ đại, như nhà tư tưởng học Pythagoras của Hy Lạp, rất coi trọng mối liên hệ mà nhân loại chúng ta có với vũ trụ rộng lớn.

Học thuyết Pythagoras

Rất nhiều người trong chúng ta biết về Pythagoras qua những định lý của ông mà ta được học hồi cấp 1 và cấp 2.

Nhưng Pythagoras là ai, và tại sao ông lại có sức ảnh hưởng như vậy.

Chúng ta biết rằng Pythagoras sống vào khoảng năm 2.600 trước Công Nguyên. Người Hy Lạp không viết gì về ông, và những gì chúng ta biết đến từ một nguồn thứ 2 viết ra hơn 100 năm sau khi ông mất. Chính vì vậy, khó có thể nhận định chắc chắn về ông dựa trên những tài liệu ghi chép này.

Tuy vậy, chúng ta vẫn biết rằng Pythagoras rất nổi tiếng bởi những hiểu biết của ông về sự bất tử của linh hồn, cuộc sống sau cái chết, những nghi lễ tôn giáo, các công năng siêu thường và kỷ luật nghiêm khắc với bản thân. Vị thần Apollo cũng có liên hệ với ông ấy.

Với Pythagoras và những môn đệ của ông, những nguyên tắc đạo đức và quan hệ số học đã hình thành kết cấu và trật tự của vũ trụ. Những ai nghiên cứu các nguyên tắc đạo đức và quan hệ số học của vũ trụ có thể tiếp cận với sự hài hòa của vũ trụ.

Những hành tinh vận chuyển hài hòa, và chuyển động của chúng tạo ra những âm thanh theo các tỷ lệ toán học. Những âm thanh hài hòa này là âm nhạc của thiên thượng, và sự hài hòa của âm thanh trở thành một phương tiện để thanh lọc tâm hồn và hợp nhất với thiên thượng.

Pythagoras và những môn đệ của mình cũng xem các hành tinh là công cụ thần thánh của công lý, và mặt trời cùng mặt trăng là nơi mà những linh hồn được ban phước sẽ tới sau khi qua đời. Vì vậy, chúng ta có thể giả định những người theo trường phái Pythagoras tin tưởng rằng vũ trụ thưởng thiện phạt ác dựa trên việc một người có thể hòa hợp với các nguyên tắc đạo đức và hiểu được trật tự toán học của vũ trụ tốt tới đâu.

Bức ‘Những người theo trường phái Pythagoras chào đón bình minh’

Tác phẩm ‘Những người theo trường phái Pythagoras chào đón bình minh‘ là một bức tranh của họa sỹ người Nga Fyodor Bronnikov (1827–1902). Cái tên ấy đã nói lên chủ đề của bức tranh này, những người theo trường phái của Pythagoras chào đón bình minh.

Pythagoras
Bức ‘Những người theo trường phái Pythagoras chào đón bình minh’. (Ảnh: Public Domain)

Trong bức tranh này, những người theo phái Pythagoras mặc áo choàng cổ điển sáng màu, 6 người trong số họ chơi nhạc cụ, 4 người quỳ xuống để bày tỏ lòng tôn kính bình minh. Người đàn ông tâm điểm của bức tranh đứng trước những người khác với 2 cánh tay mở rộng như thể để chào đón mặt trời.

Trong phần nền bên phải có 4 nhân vật – 2 phụ nữ và 2 trẻ em – họ đang theo dõi lễ chào mừng. Ở phía xa xa là một ngôi đền, có thể là đền thờ Thần Apollo tại Delphi, Hy Lạp cổ. Apollo là vị thần âm nhạc, sự hài hòa và ánh sáng.

Những nhân vật chính của bức tranh đứng trên một rìa đá cao nhìn xuống thành phố Delphi. Mặt trời chưa xuất hiện, nhưng những tia nắng của nó đã chiếu rọi từ bên trái của tác phẩm. Mặt trăng mờ ảo ở góc trên bên phải bức tranh.

Tái kết nối với những bí ẩn đạo đức của vũ trụ

Chúng ta học hỏi được trí tuệ gì từ bức tranh này cho cuộc sống thường nhật của mình?

Trước hết, với tôi, người trưởng nhóm đang đón chào mặt trời với 2 tay rộng mở đại diện cho mối liên hệ sâu xa của chúng ta với vũ trụ, một mối liên hệ mà có lẽ ta đã đánh mất.

Nhân vật này đứng thẳng với ¼ thân người ở dưới đối ứng với mặt đất, trong khi phần phía trên đối ứng với bầu trời. Định vị nhân vật như vậy có thể ngụ ý ông ấy là người dung hòa ở giữa – có nghĩa là ông ấy dung hòa giữa thiên thượng và nhân gian.

Vậy tại sao nhân vật này lại chào đón mặt trời?

Chào đón thứ gì đó thể hiện sự hiếu khách và biết ơn. Vậy người này muốn tỏ lòng hiếu khách và biết ơn với điều gì? Nói cách khác, mặt trời tượng trưng cho điều gì? Với những người theo trường phái Pythagoras, mặt trời là thiên đường mà những người tốt sẽ tới. Vì vậy, mặt trời chứa đựng tất cả những gì tốt đẹp của tâm và trí con người. Nhưng mặt trời cũng cung cấp ánh sáng, hơi ấm và sự sinh sôi trên trái đất này bằng cách cho đi mà không bao giờ yêu cầu sự hồi đáp.

Liệu sự tốt đẹp mà mặt trời đại diện có phải là sự tốt đẹp khi tâm và trí của con người trao đi mà không đòi hồi đáp hay không? Có phải nhân vật chính đang thể hiện sự mến khách và biết ơn với sự tốt đẹp đó không? Liệu đó có phải là sự tốt đẹp kết nối chúng ta với những bí ẩn vĩ đại hơn của vũ trụ hay không?

Thứ hai, tôi chú ý tới vai trò của những người đang chơi nhạc cụ. Những người theo trường phái Pythagoras tin rằng âm nhạc, nếu hòa hợp với âm thanh của thiên thượng, có thể thanh tẩy linh hồn của chúng ta. Giống như nhân vật đang chào đón mặt trời, những nhạc công này cũng được bố cục ở giữa trời và đất.

Mặc dù không rõ là những người theo trường phái Pythagoras đầu tiên có nói về các loại hình nghệ thuật khác ngoài âm nhạc hay không, nhưng nhìn chung “âm nhạc” là một thuật ngữ chung để nói về nghệ thuật ở Hy Lạp cổ. Theo Monroe Beardsley, tác giả của cuốn “Mỹ học: Từ Hy Lạp cổ tới hiện tại”, từ ‘Music’ (mousike)… có thể có nghĩa là âm nhạc hay mỹ thuật nói chung, hay thậm chí là để chỉ văn hóa nói chung.

Vậy có phải thứ nghệ thuật thanh tẩy nhân loại và chào đón thiên thượng có giống như mặt trời chứa đựng tất cả những gì tốt đẹp trong tâm và trí con người, và chúng trao tặng ánh sáng, hơi ấm cũng như sự sinh sôi cho vạn vật trên trái đất mà không cần hồi đáp hay không?

Vậy nghệ thuật hôm nay sẽ ra sao nếu chúng cũng mang trong mình những phẩm chất của thiên thượng như vậy? Nhân loại và nền văn minh của chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta một lần nữa quan tâm trở lại đến sự bí ẩn của bản thân lòng tốt và sự bí ẩn của vũ trụ bao la trong mối quan hệ với chính chúng ta?

***

Tác giả Eric Bess là người theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational artist) thuộc Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).

Theo The Epoch Times,

Hạ Chi biên dịch

Xem thêm: