Trong xã hội Việt Nam hiện đại ngày nay đang diễn ra quá trình chuyển hóa từ các gia đình truyền thống có nhiều thế hệ cùng chung sống thành các gia đình hạt nhân chỉ bao gồm cha mẹ và con cái. Quan sát các gia đình trẻ sống ở các khu đô thị, các khu chung cư cao tầng ta sẽ thấy rõ điều này. Mặt khác, ở vùng nông thôn lại diễn ra hiện tượng cha mẹ đi làm ăn xa ngoài thành phố hay ở nước ngoài gửi lại con cho ông bà nuôi. Nhiều cha mẹ khác thì làm việc trong khu công nghiệp từ sáng tới tối theo ca kíp, làm thêm nhiều giờ cho nên con cái cũng chủ yếu do ông bà chăm sóc. Trong khi nông thôn đang trở nên “hoang phế hóa” do ruộng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, thanh niên ra thành phố, nước ngoài kiếm sống để lại người già và trẻ em thì thành phố lại bị “quá mật hóa” khi tập trung quá đông dân cư với sự di động dân số cơ học lớn.

Tình hình trên, sẽ gợi ý cho ta thấy ai sẽ là người làm công việc chăm sóc, giáo dục trẻ em hiện nay.

Khi trẻ ở cùng ông bà, nếu như gia đình không có ý thức rõ vấn đề và trao đổi, bàn bạc, thống nhất cùng nhau, sẽ diễn ra tình trạng ông bà xem tivi và cho cháu xem cùng trong thời gian dài, liên tục trong suốt cả ngày, cả tuần. Trẻ khi xem tivi với những hình ảnh động hấp dẫn như quảng cáo, phim hoạt hình… sẽ trở nên rất “ngoan” mắt dán vào màn hình và không nghịch ngợm, quậy phá, chạy nhảy lung tung. Người trông sẽ “nhàn” và có cảm giác an toàn vì trẻ không nghịch các trò nguy hiểm. Tuy nhiên, việc xem tivi trong thời gian dài, liên tục ở trẻ nhỏ lại gây ra những hệ lụy nguy hiểm khác như hại mắt, đánh mất khả năng tập trung, phản xạ giao tiếp và sự phát triển ngôn ngữ lành mạnh.

Tác hại trực tiếp của các thiết bị kĩ thuật số tác động lên trẻ dưới 6 tuổi đã được nhiều nhà khoa học nước ngoài và trong nước nghiên cứu, cảnh báo từ lâu, tuy nhiên tiếng nói này vẫn chưa đến được đông đảo người dân và nhiều người vẫn chưa ý thức được mức độ, tính chất nguy hiểm của nó. Đặc biệt, ở nông thôn, nơi rừng cây, bãi cỏ, cánh đồng ngày càng thu hẹp nhưng lại thiếu sân vận động, nhà thi đấu, công viên, thư viện, quảng trường, thì tivi và điện thoại là phương tiện giải trí phổ biến của cả gia đình.

Ông-bà là người có kinh nghiệm xã hội, vốn sống phong phú lại đã từng nuôi dạy các con, yêu thương các cháu vì vậy nếu như biết cách động viên, hướng dẫn ông bà đọc sách, kể chuyện cho trẻ nghe thì sẽ rất tuyệt vời. Các nhà khoa học Nhật đã nghiên cứu và chỉ ra rằng ngôn ngữ của ông bà rất thuận lợi cho việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ vì ngôn ngữ đó gần gũi với trẻ và là cầu nối trung gian giữa ngôn ngữ của trẻ con và ngôn ngữ của người lớn, giữa ngôn ngữ sách vở và ngôn ngữ đời sống. Sẽ rất tuyệt vời nếu như khi trông trẻ và chơi với trẻ ông bà đọc cho các cháu nghe các cuốn sách được gia đình lựa chọn. Ở đây, việc xây dựng tủ sách gia đình để ông bà cùng đọc và đọc cho các cháu nghe có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Khi ông bà đọc sách cho trẻ nghe kèm theo trò chuyện, chơi trò chơi, trẻ sẽ phát triển được khả năng ngôn ngữ tốt, và tình cảm ông bà với trẻ, cũng như từ phía các cháu với ông bà sẽ trở nên sâu sắc.

Cùng với sự chuyển hóa gia đình truyền thống với nhiều thế hệ cùng chung sống thành gia đình hạt nhân là sự tan vỡ, giải thể không gian văn hóa, sinh hoạt truyền thống kiểu làng xã. Hệ quả khách quan của nó là làm cho mối gắn kết, tình cảm giữa các thế hệ dễ trở nên phai nhạt. Xây dựng tủ sách gia đình, lấy đó làm tâm điểm để tạo ra sự kết nối giữa các thế hệ khi cùng chia sẻ những chủ đề, mối quan tâm chung, chia sẻ về giá trị phổ quát chung dựa trên nền tảng hiểu biết cơ bản trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay.

Các cha mẹ trẻ sống cùng ông bà cần chân thành và khéo léo động viên ông bà vào việc đọc sách cho các cháu nghe.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: