Con người sống trên đời thường gặp phải những khó khăn và trắc trở lớn nhỏ, nhiều ít khác nhau, chẳng thể cả một đời đều thuận buồm xuôi gió. Nếu không minh trí, sáng suốt, cuộc sống sẽ rất dễ rơi vào cảnh bế tắc.

Một người mù đi trong đêm tối, trong tay xách một chiếc đèn lồng. Có người hỏi anh ta rằng: “Ngay cả bản thân mình cũng không nhìn thấy, còn xách đèn lồng làm gì?”

Người mù trả lời rằng: “Tôi xách đèn là để soi đường cho người khác, đồng thời người khác cũng dễ dàng nhìn thấy tôi, sẽ không va vào tôi. Như vậy vừa giúp người khác, lại vừa bảo vệ mình.”

Do vậy để có thể minh trí thì cần học cách thay đổi góc nhìn, không chỉ đứng ở vị trí của mình để nhìn nhận, cần đặt mình ở vị trí của người khác hay ở vị trí khách quan hơn mà suy xét. Dưới đây là 5 tâm lý cần tránh phạm phải khi đánh giá mọi việc, đúc kết qua cuộc đời của nhà tâm học Vương Dương Minh.

Tâm học Vương Dương Minh: 5 kiểu người không minh trí
(Tranh minh họa: Trương Đại Thiên, Public Domain)

1. Quá coi trọng được mất

Trên đời này, công danh lợi lộc chỉ là vật ngoại thân, sinh không mang đến, tử chẳng mang theo. Hoạ phúc khôn lường, những vật ngoại thân đắc được rất dễ, mất đi cũng rất dễ, quá để tâm nào ích chi.

Con người vì những vật ngoại thân, mà đêm ngày bôn ba, buồn lo vì được mất, cuối cùng mất đi sự bình yên trong nội tâm, trở thành tù nhân của dục vọng, quả thực là bỏ gốc mà chạy theo ngọn.

Vương Dương Minh từng nói: “Cả đời ta dụng tâm, chỉ cầu mỗi ngày một giảm, không cầu mỗi ngày một tăng. Giảm một phần dục vọng của con người, đắc thêm một phần thiên lý, thật nhẹ nhàng tiêu diêu biết bao, đơn giản biết bao!”

Bầu bạn cùng vợ, hiếu thuận với cha mẹ, thân thiết gần gũi, những điều này không cần một cuộc sống vật chất quá đầy đủ con người cũng có thể làm được. Không quá coi trọng được mất, thuận theo tự nhiên, giữ gìn nội tâm tĩnh tại mới là ý nghĩa của cuộc đời.

2. Quá coi trọng dư luận

Cổ nhân có câu: “Mặc nhi thành chi, bất ngôn nhi tín”, ý rằng âm thầm hoàn thành, không nói mà tin. Khi đối diện với những lời rèm pha vô căn cứ, không nhất thiết phải tranh biện, chỉ cần âm thầm làm một cách thực tại, khi việc thành thì những lời rèm pha kia tự nhiên cũng không còn.

Sau khi Vương Dương Minh sáng lập môn “Tâm học”, vì xung đột với “Lý học” của Trình Chu, nên rất nhiều người bất mãn và bắt đầu công kích ông. Khi bị họ chê bai, Vương Dương Minh lựa chọn cách im lặng không tranh biện.

Quá để tâm tới những lời bàn luận của người khác, ngược lại lại đánh mất bản thân. Chỉ cần nhận rõ phương hướng tiến về phía trước thì những lời đàm tiếu và chế giễu hôm nay lại trở thành những tràng pháo tay tán thưởng ngày sau.

3. Quyết định trong cơn giận dữ

Lúc này máu nóng dồn lên, con người giống như một con thú hoang chẳng thể kiểm soát. Quyết định vào lúc này nếu không gây tổn hại cho người khác, cũng sẽ làm tổn thương chính mình, rất dễ gây nên hậu quả chẳng thể vãn hồi. Cho nên, kiểm soát cảm xúc, xoa dịu cơn nóng giận của bản thân là trí huệ của sự minh trí.

Vào năm Chính Đức thứ 14, sau khi Vương Dương Minh bắt Ninh Vương, những kẻ gian thần vô cùng đố kỵ và sinh tâm oán hận ông. Họ nhục mạ ông, cố ý bới lông tìm vết, nhưng Vương Dương Minh vẫn không hề giận dữ.

Ông nói: “Những cảm xúc thiên lệch như phẫn nộ, trong tâm con người sao có thể không có được đây? Chỉ là không nên có mà thôi. Bình thường khi con người đang giận dữ, sẽ không thể kiểm soát được cảm xúc, phẫn nộ quá mức, sẽ không còn là chính mình.”

Muốn kiểm soát cảm xúc, một mặt phải chú ý rèn luyện trong những chuyện nhỏ nhặt thường ngày, giúp bản thân nhìn vấn đề không thiên lệch, giữ được lập trường trung chính bình hoà, không kích động, không dễ nổi nóng. Sau một thời gian dài, bản thân người đó sẽ mang một khí chất bình hoà, tĩnh tại.

Thường ngày cần chú ý không tích tụ những cảm xúc tiêu cực, lửa giận bùng phát thường đều là do tích cóp mà thành.

4. Thường nhìn người khác không thuận mắt

Trong tâm bạn có gì bạn sẽ nhìn thấy điều đó, trong tâm không thuận thì nhìn người khác cũng không thuận mắt.

Khi Vương Dương Minh du hành tới những tỉnh phía nam, học trò của ông chỉ vào cây hoa trong mỏm đá nham thạch, hỏi ông rằng: “Nếu thiên hạ không có vật ngoài tâm, thì cây hoa này, ở nơi núi sâu tự nở tự rụng, thì có liên quan gì tới tâm của học trò?”

Vương Dương Minh đáp: “Khi trò chưa tới ngắm hoa thì hoa và tâm đều cô đơn. Khi trò tới ngắm hoa này, sắc hoa đột nhiên bừng sáng, nên ta biết rằng hoa này không nằm ngoài tâm trò.”

Ông còn nói: “Thiên hạ không có vật ngoài tâm, vạn sự vạn vật đều là phản chiếu nội tâm con người.”

Một người minh trí có nội tâm tĩnh tại, vứt bỏ những thứ xấu ác, những điều vụn vặt nơi thế tục, tin vào sự tồn tại của những điều tốt đẹp, tự nhiên tất cả những gì họ nhìn thấy đều mỹ hảo.

5. Thường chìm đắm trong niềm hối hận

Rabindranathe Tagore, một nhà thơ Ấn Độ từng nói: “Nếu bạn khóc lóc vì bỏ lỡ ánh mặt trời, vậy thì bạn cũng sẽ mất đi những ánh sao và vầng trăng!”

Vương Dương Minh vì tài năng quân sự xuất sắc của mình nên nhiều lần được triều đình triệu về thảo phạt loạn quân, trở thành vũ khí dẹp loạn sát nhân rất lợi hại.

Lão Tử từng nói: “Binh đao là thứ hung khí, bậc thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng đến nó”. Sau mỗi lần dẹp loạn, nhìn cảnh chiến trường đầy chết chóc, tang thương, trong tâm Vương Dương Minh rất đau xót. Nhưng ông biết rằng đây là trách nhiệm của mình.

Học trò của Vương Dương Minh từng hỏi ông làm thế nào mới có thể dọn sạch cỏ dại trong tâm.

Vương Dương Minh đáp: “Cỏ dại gây hại, đương nhiên phải dọn sạch, nhưng nếu đôi khi con chưa dọn sạch sẽ, thì cũng chớ bận tâm. Con càng phiền lòng trong tâm sẽ càng rối loạn, trong mắt chỉ nhìn chằm chằm vào đám cỏ dại thì trong tâm tạp niệm sẽ sinh sôi”.

Đời người chẳng thể như ý, 8, 9 phần 10 đều là nỗi khổ, giằng xé, nhưng khi đối diện với sự “hối hận” nhất định phải buông bỏ. Bạn càng bận tâm, ngược lại càng bị cảm xúc khống chế.

Những điều đã qua không nên trách, những điều chưa tới chớ truy cầu, buông bỏ những cảm xúc tiêu cực mới là bậc minh trí, mới có được một tương lai tốt đẹp.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: