Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển.” Từ xưa đến nay, đa số người thành tựu được việc lớn lao, có thể bảo trì trạng thái tốt đẹp ấy được lâu dài, đều có đức tính khiêm tốn.

Trí tuệ cổ nhân: Người khiêm tốn thành tựu đại sự
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh, Public Domain)

Nói đến kiêu ngạo và khiêm tốn, Kinh Dịch bàn rằng:

Người kiêu ngạo tự mãn thì Đạo của Trời sẽ khiến cho suy yếu, còn người khiêm tốn sẽ được lợi ích.

Người kiêu ngạo tự mãn thì Đạo của Đất sẽ khiến người ấy bị hao tổn, không thể thỏa mãn, còn người khiêm tốn sẽ được thoải mái, đầy đủ, tựa như nước chảy tới chỗ trũng, bù đắp cho thiếu hụt của người ấy.

Người kiêu ngạo tự mãn thì Đạo của quỷ Thần sẽ khiến cho người ấy gặp tai họa, còn người khiêm tốn sẽ được thêm phúc.

Người ở địa vị cao mà khiêm tốn thì đạo đức của người ấy sẽ càng hiển lộ ra sự quang minh, ngay thẳng.

Người ở địa vị thấp mà khiêm tốn thì đạo đức của người ấy cũng lộ ra sự cao thượng.

Bởi vậy khiêm tốn là mỹ đức mà người quân tử luôn bảo trì trong tâm.

Kinh Dịch còn viết: “Tố lí hổ vĩ, chung cát”, cử chỉ thận trọng dè dặt giống như giẫm chân lên đuôi hổ thì cuối cùng được may mắn.

Trong lịch sử từ xưa đến nay, từ bậc quân vương đến thường dân, có rất nhiều người vì khiêm tốn mà làm thành việc lớn.

Đại Vũ, một trong Nhị Đế Tam Vương thời cổ đại, từng nói rằng: “Những người ngu dốt cũng còn có điểm mạnh hơn ta”. Ông bởi vì không kiêu ngạo, không khoe khoang cho nên cuối cùng có thể loại bỏ được muôn vàn khó khăn, khơi thông Trường Giang và Hoàng Hà, ngăn chặn được lũ lụt cứu giúp muôn dân. Sau những cố gắng của ông trong việc trị thủy, nước lụt đã quay trở lại biển, và những công trình thủy lợi của ông đã biến đổi một vùng lòng chảo rộng lớn thành nơi thích hợp để cho nền văn minh Trung Hoa phát triển.

Chu Vũ Vương của nhà Chu, sau khi chiến thắng nhà Thương, từ cử chỉ, lời nói và việc làm đều rất cẩn trọng, e dè, không dám qua quýt, càng không dám tự cao tự đại. Thậm chí khi nghĩ về cơ nghiệp và dân chúng, Chu Vũ Vương còn cảm thấy lo âu, thở dài và chảy nước mắt, mệnh lệnh cho Chu Công Đán mời các lão thần của nhà Ân, hỏi nguyên nhân nhà Ân diệt vong, dân chúng hy vọng điều gì, mong muốn điều gì.

Chu Công Đán cũng là một người tài hoa nổi tiếng. Nhưng ông chẳng những không kiêu ngạo, không keo kiệt mà trái lại còn phi thường khiêm tốn, cung kính. Sau khi vua mất, ông vừa để tâm đến việc triều chính, vừa đồng thời ân cần giáo dục cháu là Chu Thành Vương. Bởi vậy cuối cùng Chu Công Đán đã tạo nền móng vững chắc, ổn định và an bình cho vương triều nhà Chu.

Cố Ung, thừa tướng nhà Đông Ngô, cũng là một người kín đáo trầm tĩnh. Có những người tài được ông tiến cử mà họ không biết, bề ngoài mọi người chỉ nghĩ rằng đó là sự anh minh cất nhắc của Tôn Quyền. Ông thường đi vào dân gian để tìm hiểu những chỗ tốt và chưa tốt trong việc trị vì của triều đình. Cố Ung làm thừa tướng Đông Ngô tất cả 19 năm, là người ở ngôi vị thừa tướng lâu nhất trong cả ba nước thời Tam Quốc.

Trận chiến Phì Thủy lừng danh trong lịch sử, quân Đông Tấn chưa đến 1 vạn binh sĩ đã đánh bại 10 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần. Tin chiến thắng được truyền đến lúc chủ soái Tạ An đang chơi cờ vây với khách mà người khách không hề hay biết.

Người khiêm tốn chính là người có tâm lượng lớn, có thể bao dung được hết thảy. Người như vậy thì phúc trạch nhất định sẽ dày rộng. Trái lại, người có tâm địa hẹp hòi thì sẽ dễ làm ra việc xấu, phúc trạch sẽ mỏng. Khiêm tốn tạo ra phúc báo và cao ngạo sẽ tạo ra tai họa. Người hiền tài có được thành tựu lớn lao xưa nay đều thận trọng, dè dặt, khiêm tốn, không tự cao tự mãn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Một người có thể không thành công nhưng nhất định phải thành thục