Thời nhà Nguyễn, nhà thơ Cao Bá Quát từng làm bài thơ “Nàng Đề Oanh” kể về một người con gái hiếu thảo như sau:

Lời nói xoay trời, hư huyễn ư?
Phủ hình Tư Mã oán ngàn thu
Nhà tằm, lòng sợ không qua tội
Chỗ thấp, lệ rơi dám gửi thư
Cha bị ngậm oan đâu ít có
Trai mà vô dụng vẫn nhiều như
Hán triều, Văn Đế lòng khoan hậu
Hình khắc nhờ ai được loại trừ!

(Tuyển tập Thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, NXB Văn hóa văn nghệ)

Điển cố về nàng Đề Oanh hiếu thảo xảy ra vào thời Hán Văn Đế. Bấy giờ ở đất Tề có danh y Thuần Vu Ý, từ nhỏ đã ham mê y thuật, lớn lên trở thành danh y, dùng y thuật cứu được nhiều người. Một hôm có người quý tộc nọ bị ốm nặng, Thuần Vu Ý chữa không khỏi được. Gia đình quý tộc nọ ỷ quyền thế vu tội cho Thuần Vu Ý, khiến ông bị tống giam, rồi giải đi Trường An thụ nhục hình. Trước khi đi, biết phải chịu hình mà lại không có ai giúp đỡ kêu oan, Thuần Vu Ý bèn than: “Sinh con không sinh con trai, có việc gấp chẳng có ích gì!”.

Thuần Vu Ý có 5 người con gái, thấy cha bị oan thì đều đau buồn. Người con gái út là Thuần Vu Đề Oanh khóc lóc vượt đường xá xa xôi ngàn dặm từ nước Tề đến tận Kinh thành Trường An. Rồi Đề Oanh dâng thư lên Hán Văn Đế, nguyện xin làm nô tì hầu hạ để chịu tội thay cha.

Tấm lòng hiếu thảo của người con gái giúp trăm họ thoát khỏi nhục hình
(Tranh: Public Domain)

Nội dung lá thư được “Hán thư” ghi lại như sau:

Cha thiếp làm quan, người đất Tề đều khen là thanh liêm công bình; nay vướng vào pháp luật bị tội hình. Thiếp đau buồn vì cha chết không thể sống lại, nếu bị hình phạt không thể nguyên vẹn cơ thể như cũ; tuy sau đó muốn tự sửa đổi sai lầm cũng không còn đường nữa. Nay thiếp tình nguyện làm nô tỳ nhà quan, để chuộc tội hình, ngõ hầu cha có cơ hội tự đổi mới.

Hán Văn Đế là vị Hoàng đế anh minh lại nhân từ, cũng là một người con hiếu thảo với mẹ nổi tiếng trong lịch sử. Đọc được thư, Văn Đế rất cảm động, thấy rằng mình trị quốc chưa tốt, đức hạnh của bản thân chưa cao, không đủ khai sáng và giáo hóa dân chúng, vì thế mà cho thả Thuần Vu Ý và miễn hình phạt cho ông, đồng thời xuống chiếu chỉ như sau:

Ta nghe rằng vào thời Ngu Thuấn chỉ vẽ hình tội nhân với y phục thường dân trưng lên gọi là hình lục, mà dân chúng không dám phạm pháp, văn trị đã đến nơi rồi vậy. Nay pháp luật có 3 loại nhục hình [hình phạt xâm phạm vào xác thịt], mà tội gian không ngừng; khuyết điểm này từ đâu ra? Phải chăng Trẫm thiếu đức, nên sự giáo hóa không sáng suốt, ta rất lấy làm hỗ thẹn, vì sự giáo hóa không thuần thành nên dân ngu mới phạm phải tội lỗi. Kinh Thi dạy: “Làm vua quan vui vẻ thông cảm, coi dân như con”. Nay dân có lỗi, giáo dục chưa thi hành, mà hình phạt thì gia tăng, có kẻ muốn sửa đổi thành người tốt cũng không còn cơ hội, ta rất lấy làm thương. Phàm tội hình xâm phạm vào chân tay thân thể, rạch khắc vào xương thịt, suốt đời không lành; hình phạt gây đau khổ, thực thiếu đức; bắt tội như vậy có xứng đáng làm cha mẹ dân không? Các loại nhục hình khác cũng phải tìm cách thay đổi; lại ra lệnh tội nhân kẻ nặng người nhẹ, nếu không bỏ trốn, bắt vài năm rồi tha; hãy ban lệnh chi tiết đầy đủ.

(Hán thư)

Việc dùng “nhục hình” (cắt thân thể) có từ đời trước, tới đời Hán Văn Đế được xóa bỏ. Chính lệnh truyền đi khắp nơi, muôn dân trăm họ ca ngợi. Câu chuyện hiếu thảo của Đề Oanh cũng được truyền tụng mãi.

Đề Oanh hiếu thảo
Tranh Đề Oanh chép trong “Vãn Tiếu Đường Trúc Trang Họa Truyền”. (Ảnh: Thượng Quan Châu, Wikipedia, Public Domain)

Cao Bá Quát làm thơ về nàng Đề Oanh, có lẽ cũng là làm thơ gửi gắm hy vọng cho bản thân mình và hy vọng đối với Vua cũng như triều đình nhà Nguyễn.

Đường đời của Cao Bá Quát có thể nói là long đong lận đận. Ông đi thi, vì trong văn thể hiện ra tính tình hiên ngang, chữ lại cố tình viết theo nhiều thể, nên dù xứng đậu cao mà bị quan chấm thi áp xuống.

Sau này khi làm quan chấm thi, ông lại vì thông cảm và tiếc cho tài năng của thí sinh mà sửa chỗ “phạm húy”. Việc lộ ra, Cao Bá Quát bị tù, bị tra tấn nhục hình. May là vua Thiệu Trị đã giảm tội cho ông, sau 3 năm ông được tha. Có lẽ bài thơ “Nàng Đề Oanh” được Cao Bá Quát viết trong thời gian này.

Ra tù, Cao Bá Quát vẫn được gọi làm quan, nhưng ông không được lòng triều đình, cuối cùng xin về quê. Đến sau này, miền Bắc xảy ra thiên tai, người dân đói khổ, Cao Bá Quát mất niềm tin vào Vua, vận động thổ hào nổi dậy khởi nghĩa, cuối cùng bị chết, tru di tam tộc.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “So đo càng nặng thì mất mát càng nhiều”: