Thể hiện là biểu lộ, trình bày, miêu tả ra để cho người khác có thể hiểu được. Đây là một động tác tự nhiên thuộc bản năng của con người như đau thì nhăn mặt để thể hiện cái đau cho người khác biết, buồn thì khóc cho người khác an ủi. Ca sĩ trình bày một bài hát có nội dung thất tình thì thể hiện cái mặt buồn buồn ngân ngấn nước mắt. Khi thể hiện, con người còn muốn được chú ý đến, được quan tâm đến, được chứng tỏ bản thân, khẳng định giá trị của bản thân. Thể hiện hoàn toàn không mang hàm nghĩa xấu. Nhưng nếu thích thể hiện thì lại đẩy mức độ đi quá lên thành sự tiêu cực.

Với các em tuổi mới lớn, nhà nghèo, nhưng muốn thể hiện cho bạn bè biết ta đây giàu có nên đòi bố mẹ phải mua sắm cho mình quần áo hàng hiệu. Các em chưa có đủ sự hiểu biết và trải nghiệm nhưng thích thể hiện mình là người lớn. Kiến thức còn hạn chế nhưng ai nói gì ra cũng xía vào bàn luận và cãi lại để thể hiện mình giỏi cái gì cũng biết để khẳng định bản thân… Tất cả những hành vi trên cần phải được người lớn điều chỉnh bằng sự cảm thông và thấu hiểu để các em nhận ra và thể hiện đúng cách.

Cái khổ là, nhiều người Việt mình tuy lớn tướng vẫn thích thể hiện như đứa con nít mới lớn. Họ thể hiện mọi lúc mọi nơi, nhưng nhiều nhất là trên mạng xã hội.

Tôi thường thấy có người nhảy bổ vào một bài viết của ai đó buông một câu: “Thiển cận”, “Thiếu hiểu biết”, “Viết về con voi mà không nói đến cái kiến là thiếu sót”… Nhiều lắm, kể không hết. Họ thậm chí còn không phân biệt nổi chủ đề của bài viết đó là gì, chỉ là khi thấy người ta viết không đúng ý họ thì họ vào thể hiện sự bề trên, sự thông tuệ bằng cách buông một câu ra vẻ vậy thôi. Khi được mời thảo luận thì đa phần họ nói quàng xiên bằng những kiến thức thu nhặt nửa vời của họ. Họ không giúp ích gì được cho người được họ bảo ban, thảo luận. Họ chỉ muốn chứng tỏ một điều duy nhất: “Tôi giỏi hơn.” Mà giỏi thật đi thì cũng đỡ vì cho dù có tức thì kẻ dở vẫn học được chút kiến thức do họ đưa ra, đằng này nhiều người không biết mà thích thể hiện.

Có những người là giáo sư, tiến sĩ, kiến thức rất sâu rộng mà khi viết bài (bài rất chuẩn) mà vẫn bị đám người thích thể hiện này vào buông những câu đại loại như trên hoặc kéo đọc giả vào các cuộc tranh luận giằng dai vô bổ đi xa chủ đề chính. Lúc này, cái sự thích thể hiện đó đã trở thành sự vô lễ với tri thức. Mà nó có ít đâu, ta gặp hằng ngày, hằng giờ, ở nhiều người Việt.

Tôi nghĩ, người biết cách thể hiện là khi đọc một bài viết của anh A, nói về chủ đề “xả rác ở nơi công cộng” thì nếu muốn tham gia thảo luận, ta vào bình luận theo chủ đề, nếu thấy bài viết mới nêu thực trạng mà chưa có giải pháp thì ta nghĩ ra giải pháp nào ta đưa ra giải pháp đó. Nếu thấy bài viết chưa nói đến việc các công ty xả thải chưa qua xử lý ra môi trường thì ta viết thêm để bổ sung cho bài viết.

Phải hiểu và luôn nghĩ rằng người viết CHƯA nói đến một phần nào đó của vấn đề chứ không phải là người ta dốt đến nỗi không biết. Trong một bài viết ngắn cỡ ngàn chữ làm sao người ta có thể nói được tất cả những gì muốn viết, người ta phải chia chủ đề ra nói từng phần chứ. Mình cần hiểu và khi tham gia trao đổi thì nên khiêm nhường.

Đó là thái độ cộng tác, thảo luận, trao đổi, cùng giúp nhau mở rộng và hiểu biết sâu hơn một vấn đề, cùng làm cho công việc tốt hơn lên. Tôi cực kỳ tôn trọng, nể phục, yêu quý những người bình luận như vậy trên trang của tôi cũng như trên trang của những người bạn mà tôi đọc được. Sự thể hiện của họ thật là hữu ích biết bao cho tôi và cho nhiều người đọc khác. Tôi không biết họ là ai, nghề nghiệp gì, chức danh gì nhưng với tôi đó là những người có tinh thần trí thức thực thụ. Nhưng rủi thay người như vậy rất ít. Đa phần chỉ thích thể hiện.

Nhiều người nói gặp người thích thể hiện thì cứ làm lơ họ đi, quan tâm làm gì. Trên tư cách một cá nhân, ta có thể nghĩ như vậy được. Nhưng nếu nghĩ rộng ra một chút, một quốc gia có quá nhiều người thích thể hiện kiểu đó thì tri thức không được coi trọng. Quá nhiều người vô lễ với tri thức thì sẽ nhận hậu quả là tụt hậu và đi dần về phía tối tăm. Trí thức thực thụ sẽ sợ hãi đám đông và lui dần vào cái góc riêng để tránh những tổn thương do bị xúc phạm vô lối bởi những kẻ thích thể hiện.

Nhận ra chính mình, cố gắng thay đổi là một quá trình khó khăn bởi sự phủ định chính mình luôn là một điều đau đớn. Nhưng nếu muốn khá hơn thì buộc phải làm nếu không muốn bị người ta nhìn mình là những đứa trẻ không chịu lớn. Muốn Việt Nam thay đổi thì mỗi người cần phải thay đổi từng chút một từ những chuyện nhỏ nhất trở đi.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: