Đất Kinh Bắc xưa là nơi giang sơn tụ khí, là vùng đất khoa bảng sản sinh ra nhiều nhân tài của nước Việt. Vùng đất này đứng đầu cả nước về số người đỗ đại khoa, chiếm gần ¼ tổng số tiến sĩ cả nước với nhiều kỷ lục, trong đó làng Tam Sơn (thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) là làng duy nhất có đủ cả Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng Nhãn, Thám hoa.

Làng Tam Sơn
Làng Tam Sơn. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Làng Tam khôi

Làng Tam Sơn có 22 người đỗ đại khoa, trong đó có 2 Trạng Nguyên, 1 Bảng nhãn, 1 Thám hoa, 5 Đệ nhị giáp tiến sỹ, 12 Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân và 1 Phó bảng. Làng là nơi duy nhất hội đủ Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa): Trạng nguyên Nguyễn Quán Quang (đỗ năm 1246), Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu (đỗ năm 1518), Bảng nhãn Ngô Thầm (đỗ năm 1493), Thám hoa Ngô Sách Tố (đỗ năm 1721).

Bởi vậy người làng có câu thơ rằng:

Tam Sơn là đất ba gò
Của trời vô tận một kho nhân tài

Làng Tam nguyên

Làng Tam Sơn còn là nơi có Trạng nguyên Tam nguyên đầu tiên trong lịch sử, đó là Trạng nguyên Nguyễn Quán Quang. Tương truyền nhà ông rất nghèo khó, không có tiền đi học, nên thuở nhỏ phải học lỏm để biết chữ. Ấy vậy mà cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, ông đều đỗ đầu, trở thành “Tam nguyên” đầu tiên trong lịch sử khoa bảng.

Có một giai thoại về Nguyễn Quán Quang như vậy. Khi quân Nguyên Mông đe dọa tiến đánh Đại Việt, Triều đình cử Nguyễn Quán Quang đi thương nghị. Viên tướng Mông Cổ nhân lúc đi qua một ao bèo bèn vớt một cây bèo lên rồi bóp nát trong tay.

Quán Quang hiểu ý viên tướng muốn ví Đại Việt như bèo, Mông Cổ có thể bóp nát trong tay. Quán Quang bèn nhặt một hòn đá to rồi ném xuống, bèo liền dạt ra tạo thành khoảng trống rồi lại tụ lại kín. Tướng Mông Cổ hiểu ý Quán Quang muốn nói là người Việt có sức mạnh đoàn kết, không thể khuất phục được.

Vị Trạng góp phần đẩy lui quân Minh

Vị Trạng nguyên còn lại của làng Tam Sơn là Ngô Miễn Thiệu. Ông đỗ Trạng nguyên năm 1518 dưới thời vua Lê Chiêu Tông. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông về quê dạy học, giúp nhiều người đỗ đạt.

Nhân việc nhà Mạc cướp ngôi, Nhà Minh đe dọa Mạc Đăng Dung, tập trung quân ở biên giới đe dọa tiến sang. Tướng chỉ huy nhà Minh là Mao Bá Ôn tặng bài thơ “Vịnh bèo” ví nhà Mạc như bèo nhằm thăm dò xem nước nam có nhân tài không.

Tùy điền trục thủy mạo ương châm
Đáo xứ khan lai thực bất thâm
Không hữu căn miêu không hữu diệp
Cảm sinh chi tiết cảm sinh tâm
Thiên trùng lãng đả thành nan phá
Đãn thức phù thì ná thức trầm
Đại để trung thiên phong khí ác
Tảo qui hồ hải cánh nan tầm

Bản dịch của Thạch Can:

Tràn lan ruộng nước nổi bồng bềnh
Khắp chốn xem ra gốc bám nông
Riêng có rễ mầm, riêng có lá
Dám sinh cành cội dám sinh lòng
Tụ rồi lúc tán hay chăng tá
Nổi đó khi chìm có biết không?
Đến lúc chiều trời dông bão nổi
Quét ra hồ biển sạch bong bong

Nhà Mạc không ai họa lại được, đành cầu cứu Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu, ông làm bài “Điệp văn” họa lại rằng:

Cẩm lân mật mật bất dung châm
Đái diệp liên căn khởi kế thâm
Thường dữ bạch vân tranh thủy diện
Khẳng giao hồng nhật chiếu ba tâm
Thiên trùng lãng đả thành nan phá
Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm
Đa thiểu ngư long tàng giá lí
Thái công vô kế hạ can tầm

Bài thơ của Ngô Miễn Thiệu có đại ý là: Bèo kết lại với nhau đầy đặc như vảy gấm, dù cái kim chui qua cũng không lọt, cành rễ liền nhau mọc chằng chịt ăn rất sâu. Thường cùng đám mây trắng tranh vẻ đẹp trên mặt nước, ôm cả vầng mặt trời vào lòng sóng, ngàn trùng sóng đánh cũng e khó có thể phá, vạn trận gió cồn cũng chẳng thể nào chìm. Bèo còn có cá rồng ẩn mình bên dưới, và khi Thái Công hết kế thì cũng phải bỏ cần câu để xuống dưới đám bèo mà tìm.

Bản dịch của Trí Thủ:

Chen nhau vảy gấm khó luồn kim
Cành rễ liền nhau chẳng kể thân
Tranh với bóng mây trên mặt nước
Hé dung ánh nhật lọt dòng tâm
Nghìn trùng sóng đánh thường không vỡ
Muôn trận phong ba cũng chẳng chìm
Nào cá nào rồng trong ấy ẩn
Cần câu Lữ Vọng khó mà tìm.

Mao Bá Ôn đọc xong bài thơ “Điệp văn” thì biết nước nam vẫn còn nhân tài. Sau đó Mao Bá Ôn uy hiếp được nhà Mạc thành công nên thu quân trở về.

Tự hào truyền thống

Các dòng họ trong làng Tam Sơn đều có truyền thống hiếu học. Trong đó họ Ngô ở xóm Xanh, họ Nguyễn ở xóm Trước, họ Ngô Sách (Ngô Nguyễn Từ Đường) đã có tới 17 người đỗ Đại khoa.

Nhiều người trở thành tấm gương cho hậu thế sau này như Trạng nguyên Nguyễn Quán Quang lưu lại tấm gương hiếu học vượt khó. Ngô Luân, Ngô Thầm là hai ngôi sao sáng trong nhóm thơ “Nhị thập bát tú” của vua Lê Thánh Tông. Ngô Luân cùng với các nhân sĩ khác được giao soạn Văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Vua cũng giao cho ông trọng trách phê bình tập “Cổ kim cung từ thi”.

Nguyễn Úc được tin tưởng giao cho sứ mệnh đi Sứ. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi Vua, ông dấy binh chống lại. Khi bị bắt ông nguyện uống thuốc độc tự tử, một lòng trung thành.

Noi gương cha ông, Tam Sơn ngày nay vẫn là làng hiếu học. Làng thành lập Hội khuyến học, thu nhận các khoản tiền ủng hộ trong làng để khen thưởng động viên cho học sinh, giúp đỡ học sinh khó khăn ăn học xa nhà.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: