Ai từng làm giáo viên thì sẽ thấy nghề này ngày một khó.

Xưa kia bọn học trò vì sợ thầy cô mà ngồi im thin thít. Lơ tơ mơ thầy nện cho vài thước kẻ vào tay hay kéo tai lôi lên cho đứng úp mặt vào bảng ngay.

Quê tôi xưa có cô còn mang cả gai mít và dọa đứa nào láo nháo cho quỳ lên gai mít. Ấy thế mà nghe bảo có anh mới nghe cô dọa “Hôm nay ai không thuộc bài thì lên quỳ” đã giơ tay luôn “Em xin quỳ trước!”.

Điều đó có nghĩa là kỉ luật, trật tự và sự im lặng trong lớp được duy trì bằng… sức mạnh.

Tuy nhiên ngày nay giáo viên không được phép làm như vậy nữa. Cả đạo đức, luật pháp và không khí chung trong xã hội đều không cho phép.

Đấy là một sự hợp lý và tiến bộ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó giáo viên sẽ phải làm gì để đối mặt với sự rối loạn trong lớp học?

Học sinh nhốn nháo, nói năng tự nhiên, cãi cọ như chợ vỡ và ồn ào vô cùng. Nhiều người không làm nghề giáo viên mà vào lớp học sẽ cảm thấy tức thở đau đầu vì tiếng ồn. Tiếng ồn dù là tiếng người cũng là một dạng độc hại làm mệt mỏi và suy kiệt tinh thần.

Không chỉ ở Việt Nam, nước Nhật từ những năm 90 của thế kỉ trước, các nhà khoa học đã cảnh báo thống thiết về tình trạng “đổ vỡ”“hoang phế” ở lớp học. Học sinh không hề chú ý tới giáo viên, chúng nghịch, mất trật tự ồn ào, nghịch phá đủ kiểu, thậm chí chạy lung tung trong lớp hoặc ra ngoài lớp học.

Ở Việt Nam, một số nơi thực hiện kỉ luật sắt để giữ cho học sinh im lặng. Một số nơi giáo viên, nhà trường lấy “tạp kĩ” làm phương tiện cứu sinh. Nghĩa là nhà trường, người thầy phải nghĩ ra, cố gắng mọi cách để sao cho học sinh cảm thấy “thú vị”. Nói cụ thể hơn là khi người thầy trong lớp hay làm hoạt động giáo dục nào đó đều phải làm sao để học sinh cảm thấy “thú vị” như xem xiếc, xem ca nhạc, xem nhào lộn, xem ảo thuật.

Cách này có vẻ hay lúc đầu nhưng sa đà vào nó thì giáo dục trở thành hình thức, nội dung giáo dục trở nên không sâu sắc và người thầy dần trở thành một người chú trọng tới kĩ thuật thay vì nội dung.

Khi tiếp xúc với số lượng lớn của học sinh, tôi luôn có cảm giác các em bị rối loạn giữa việc “lắng nghe” “phát biểu”. Nghĩa là các em vừa khao khát muốn nghe vừa không biết lắng nghe, vừa muốn “nói tiếng của mình” vừa không dám nói vừa không biết nói cho đúng cách, đúng lúc.

Như thế có thể hình dung ra ở trong gia đình, những năng lực này đã không được cha mẹ chú ý rèn giũa thế nào. Và ở trường các thầy cô đã vất vả thế nào.

Sau khi rời giảng đường và lớp học để trở thành “diễn giả”, áp lực trên đối với tôi tăng lên gấp bội vì người thầy còn có chút ít quyền uy còn diễn giả thì đương nhiên không. Và số lượng người nghe sẽ lớn hơn rất nhiều lần.

Làm sao để họ im lặng nghe thay vì ồn ào? Cực khó!

Ngoài chuyện mình phải cố gắng hết mức có thể bằng sự chân thành ra thì còn lại đành… nhờ vào vận may.

Bởi thế tôi hiểu nỗi lo lắng của một bác mời tôi tới dự một buổi khánh thành thư viện tư nhân và đề nghị tôi có một bài nói chuyện ở đó. Tuy nhiên sau đó thì bác lại e ngại xin bỏ đi mục này vì đối tượng nghe đa dạng và có vẻ xa rời với sách. Bác sợ khi tôi nói mọi người ồn ào không ai nghe thì ảnh hưởng tới “uy tín” của tôi.

Tôi thì không ngại vì nói như anh em giang hồ thì “chỉ là người bán sách rong thì có uy tín gì đâu mà sợ”. Nhưng bác đề nghị vậy thì tôi cũng đồng ý ngay là tôi chỉ đến và dự như một khách mời thôi.

Nhưng sáng nay bác lại gọi lại và nói với tôi là tôi vẫn cứ diễn thuyết vì bác nghe một chị khác thuyết phục rằng không sao cả, cứ nói một hai người nghe cũng tốt và người nghe dần sẽ quen.

Tôi cũng lại đồng ý ngay! Không sao cả! Bán sách rong mà. Có một người nghe là tốt rồi. Mà không đôi khi không có ai nghe, người ta vẫn có nhu cầu cất lên tiếng nói.

Khi đó, ta nói ra và lắng nghe tiếng nói của chính mình. Đấy cũng không phải là một điều quá tệ.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: