Ngày nay, người ta dưỡng sinh thông qua việc ăn thức ăn bổ dưỡng, uống các loại thuốc bổ, tập thể dục… với mong muốn thân thể được khỏe mạnh, trường thọ. Nhưng từ nội hàm của chữ “dưỡng” mà xem xét thì dưỡng sinh như vậy là chưa đủ, mới chỉ chú ý đến yếu tố vật chất bên ngoài mà bỏ qua yếu tố tinh thần quan trọng bên trong.

Tản mạn về dưỡng sinh qua nội hàm của chữ "Dưỡng"
(Tranh minh họa tổng hợp: Trí Thức VN)

Tương truyền rằng chữ Hán cổ là loại văn tự rất tinh thâm, hàm chứa nhiều bài học răn dạy, khiến con người thông qua đó mà hiểu được đạo lý làm người. Chữ “Dưỡng” trong tiếng Hán cổ được viết là “養”. Từ trực quan mà xem xét, có thể thấy chữ “Dưỡng” này bao hàm hai tầng ý nghĩa, cả về mặt vật chất và tinh thần.

Từ phương diện vật chất có thể thấy, nửa trên của chữ “Dưỡng” (養) là hình dạng của chữ “Mỹ” (美, đẹp, tốt) và nửa dưới của nó là hình dạng chữ “Thực” (食, thức ăn). Hai bộ phận này hợp lại thành “mỹ thực”, tức là thức ăn tốt, ngon. Mỹ thực thông thường được mọi người hiểu là những đồ ăn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe của con người.

Trong sách “Thần Nông bản thảo kinh” viết rằng, thảo mộc được chia làm ba loại là thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm. Thảo mộc thượng phẩm là những loại có tác dụng bổ khí ích tinh, giúp tăng cường sức khỏe và kéo dài thọ mệnh cho con người.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người vì áp lực học tập, công việc, gia đình mà khiến cho thân thể bị suy yếu mệt mỏi. Để cải thiện tình trạng này, mọi người thường sử dụng thuốc bổ, thức ăn bổ dưỡng… để bồi bổ, việc này tương đối phổ biến. Nhưng trên thực tế, nếu một người chỉ dựa vào thức ăn bổ dưỡng để hy vọng được khỏe mạnh trường thọ là chưa đủ. Bởi vì chất bổ dưỡng trong đồ ăn chỉ đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng của thân thể xác thịt mà thôi.

Nếu từ mặt tinh thần mà cẩn thận quan sát, chúng ta có thể thấy chữ “Dưỡng” (養), nửa bên trên ngoài hình tượng chữ “Mỹ” ra còn có hình tượng của chữ “Thiện” (“善”), nửa bên dưới ngoài hình tượng chữ “Thực” ra còn ẩn giấu hình tượng chữ “Lương” (良). Hai bộ phận này hợp lại sẽ tạo thành lương thiện. Cho nên, cổ nhân cho rằng trong đạo dưỡng sinh, ngoài việc nạp vào cơ thể những thức ăn tốt ra thì còn phải bảo trì tâm địa lương thiện. Mà lương thiện là yếu tố tinh thần, có vị trí quan trọng hơn ẩm thực.

Nội tâm lương thiện khiến con người bình thản, ôn hòa, từ đó khí huyết thông suốt, khỏe mạnh. Một người chỉ cần có tâm chính thì khí tất sẽ chính, khi đã có khí chính thì hình thể tất cũng sẽ chính.

Theo lý luận của y học Trung Hoa cổ đại thì con người được cấu thành bởi ba bộ phận, là hình, khí và thần. “Hình” chính là chỉ ngoại hình bên ngoài của con người. “Khí” chính là chỉ các kinh lạc, khí huyết của con người. “Thần” là phương diện tinh thần của con người.

Con người bị bệnh là bao gồm có ba nguyên nhân, đó là nguyên nhân bên trong, bên ngoài và nguyên nhân khác. Nguyên nhân bên ngoài chính là sự ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết như nóng, lạnh, gió, hanh khô… Các nguyên nhân bên trong gồm có vui, buồn, giận, lo âu, suy nghĩ, bi thương, sợ hãi… Nguyên nhân khác (không thuộc nguyên nhân bên trong hay bên ngoài) chính là các yếu tố về ẩm thực và nơi sinh sống.

Trạng thái của một người ở vào thời điểm bình thường chính là khỏe mạnh, thông thuận và sáng suốt. Ngược lại, khi không biết được quy luật tự nhiên, tùy tiện làm việc xằng bậy, thì kết quả sẽ là gặp điều hung tai. Một loại thể hiện của “hung tai” chính là bệnh tật, thậm chí là bệnh nan y khó chữa. Mà trên thực tế có rất nhiều loại bênh nan y này là do nội tâm của con người gây ra. Trong đó, luân lý đạo đức (ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) là có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí quyết định đến sự tồn vong của con người thông qua “ngũ tạng”. Đây chính là đạo lý ngũ thường ảnh hưởng đến ngũ tạng: “Nhân” đối ứng với gan, “Lễ” đối ứng với tim, “Nghĩa” đối ứng với phổi, “Trí” đối ứng với thận, “Tín” đối ứng với tỳ.

Đạo lý này là tương đồng với đạo lý mà rất nhiều bậc thánh nhân, hiền triết đã nêu ra. Sách “Luận Ngữ” viết: “Nhân giả thọ”, người nhân từ thì sống lâu trường thọ. Trong sách “Xuân Thu Bàn Lộ”, Đổng Trọng Thư cũng viết: “Nguyên nhân khiến người nhân ái, từ tâm được trường thọ là vì họ bên ngoài không tham mà bên trong thanh tĩnh, tâm bình khí hòa mà không mất đi sự công bằng chính trực, đạt được điều tốt đẹp của thiên địa, lấy đó dưỡng thân tâm, chính là vừa có được trường thọ vừa chế ước được ngôn hành của bản thân.”

Trong sách “Minh Tâm Bảo Giám” cũng viết rằng: “Người có tâm tốt mệnh tốt thì sớm phát đạt vinh hoa. Người có tâm tốt mệnh không tốt thì được ấm no một đời. Người có mệnh tốt mà tâm không tốt thì khó bảo toàn con đường phía trước. Người có tâm chẳng tốt mệnh cũng chẳng tốt thì nghèo khó mãi tới già”. Điều này thực sự đáng để người hiện đại ngày nay suy ngẫm.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Dưỡng sinh mà không dưỡng đức thì chỉ là công dã tràng