Trong “Thi Kinh”, thơ “Bân Phong”, thiên “Thất nguyệt” có một đoạn mô tả người con gái hái dâu như sau:

Xuân nhật tái dương.
Hữu minh thương canh.
Nữ chấp ý khuông,
Tuân bỉ vi hành.
Viên cầu nhu tang.
Xuân nhật trì trì.
Thái phiền kỳ kỳ.
Nữ tâm thương bi
Đãi cập công tử đồng quy.

Dịch nghĩa là:

Ngày mùa xuân bắt đầu ôn hoà ấm áp,
Có chim hoàng ly kêu lên.
Người con gái xách giỏ vừa sâu vừa đẹp,
Đi theo con đường tắt nhỏ hẹp.
Để kiếm lá dâu non.
Ngày mùa xuân đằng đẵng ấm áp,
Làm người con gái đi hái rau phiền để nuôi tằm.
Lòng người con gái nuôi tằm ấy xót xa bi sầu,
Khi nghĩ đến lúc theo công tử để cùng về nhà bên chồng.

Hái dâu là một công đoạn trong việc nuôi tằm. Thời cổ đại đàn ông cày ruộng, phụ nữ nuôi tằm, dệt vải, may quần áo. Việc hái dâu tự nhiên đã trở thành công việc hàng ngày của họ. Và bối cảnh đó cũng đã trở thành sân khấu để họ lưu danh nơi sử sách.

Thơ Bân Phong này được Chu Công Đán làm để răn dạy Thành Vương chuyện giáo hóa, trong đó có phần mô tả cách người dân thường sinh sống. Ở đây vừa mô tả rằng mùa xuân người phụ nữ thường đi hái dâu như thế nào, lại vừa nói về tâm tình của người con gái sắp được công tử nước Bân cưới về. Nàng ấy không có vẻ gì vui mừng trước cuộc sống sung túc sắp tới, vẫn đi hái dâu, làm công việc thường nhật, còn trong tâm thì cảm thấy xót xa bi sầu vì sẽ lìa xa cha mẹ. Đó là phong tục đôn hậu và tấm chân tình của người dân xứ ấy.

Tản mạn hình ảnh người con gái hái dâu thời cổ
Tranh trong cuốn “Họa Lệ Chu Thúy Tú”, Hác Đạt triều Thanh. (Public Domain)

Cũng có câu chuyện bi sầu khác về một người con gái hái dâu mà danh tính không được lưu lại, nhưng lại khiến lòng người cảm động. Câu chuyện này được ghi lại trong sách của nước Lỗ thời Xuân Thu. Vì nàng được gả cho một vị quan tên Thu Hồ, nên người đời sau gọi nàng là “Vợ Thu Hồ”. Nhưng điều thú vị là, trong câu chuyện này, người vợ vô danh vô tính ấy lại trở thành người phụ nữ đức hạnh được người người truyền tụng, còn người chồng có tên tuổi kia ngược lại lại trở thành vai hề phụ xấu xí.

“Liệt Nữ Truyện” kể lại rằng Thu Hồ thành hôn được 5 ngày thì rời nhà tới Trần Quốc làm quan. Năm năm sau công thành danh toại, ông ta bèn mang kim ngân, châu báu, dẫn một đoàn ngựa xe áo gấm về quê.

Ai biết được rằng khi Thu Hồ đi ngang qua một khu rừng dâu, lại gặp một người con gái hái dâu dung mạo vô cùng xinh đẹp. Chẳng thể nhẫn nổi, Thu Hồ xuống xe, tới trước mặt cô gái đưa lời ong bướm: “Tiểu nương tử đầu đội trời nắng hái dâu, ta dùng cơm trên đường lớn. Chúng ta cùng nhau dùng bữa dưới bóng râm, nghỉ ngơi một chút nhé.”

Người con gái hái dâu vẫn chuyên tâm với công việc của mình, không hề để tâm tới những lời của y. Thu Hồ tiếp tục nói: “Vất vả cấy trồng cũng chẳng bằng gặp được năm mùa màng bội thu. Vất vả hái dâu chẳng bằng gặp được quan khanh đại phu. Ta tặng cho nàng vàng của ta nhé.”

Người con gái hái dâu chẳng thể nhẫn được, bèn trách mắng rằng: “Sao ngài lại ăn nói như vậy! Tôi hái dâu vất vả, dệt vải may áo, có thể cấp dưỡng cho cha mẹ chồng và người nhà. Ngài đừng nghĩ những chuyện ngoài bổn phận của mình nữa. Ta không có tâm dâm loạn, lại càng không thể tiếp nhận đồ ăn và vàng của ngài.”

Thu Hồ bị người con gái hái dâu nói cho há miệng mắc quai, không nói thêm được lời nào, đành tiếp tục lên đường trở về nhà. Về tới nhà, y mang tiền giao lại cho cha mẹ và rồi gặp lại người vợ nhiều năm không gặp. Nhưng hoá ra người vợ đó lại là người con gái hái dâu vừa bị mình đưa lời ong bướm. Đột nhiên Thu Hồ cảm thấy xấu hổ, chẳng có chốn dung thân. Người vợ phát hiện ra phẩm hạnh trong tư tưởng của chồng mình hèn hạ như vậy thì vô cùng thất vọng.

Nàng nói: “Chàng đọc sách tu thân, rời nhà đi làm quan, 5 năm mới trở về quê, lẽ ra nên mau chóng trở về. Nhưng chàng lại có ý đồ với một cô gái bên đường, còn muốn cho cô ấy vàng, đây là quên cha mẹ. Quên cha mẹ chính là bất hiếu, lại cộng thêm tội háo sắc hoang dâm, tổn hại đức hạnh, đây là bất nghĩa. Thờ phụng song thân bất hiếu, tất phụng sự việc vua cũng bất trung. Ở nhà bất nghĩa, vậy thì làm quan cũng chẳng thể xử lý việc triều chính một cách thoả đáng.”

Vợ Hồ Thích trách mắng hành vi bất hiếu, bất nghĩa, bất trung, không lý trí của chồng và vô cùng xấu hổ vì y. Nàng kiên quyết từ chối: “Thiếp không nỡ nhìn thấy chàng đổi vợ, thiếp cũng chẳng thể gả cho chàng.” Nàng rời khỏi nhà đi thẳng về hướng Đông, cuối cùng lao xuống sông tự tận.

Người vợ trẻ của Thu Hồ ở nhà lập chí thủ tiết chờ chồng, phụng dưỡng cha mẹ chồng. Bên ngoài nàng không mắt liếc mày đưa, giữ thân trong sạch. Sau khi nhìn thấu tâm chồng nàng đã kiên quyết từ chối, lựa chọn cái chết để giữ trọn tấm lòng thanh sạch.

Vợ Thu Hồ đã dùng lời nói và hành động của mình nói với con người thế gian rằng, gìn giữ đức hạnh còn trân quý hơn cả sinh mệnh của nàng.

Thiên Cầm

Xem thêm:

Mời xem video: