“Nhìn người phụ nữ biết được sự thái bình, an nguy của thiên hạ, nhìn người mẹ biết được sự hưng suy của gia đình”. Nam giới đều kỳ vọng kết hôn với người phụ nữ phẩm hạnh câu toàn; con cái mong ước mẹ mình hiền đức, ôn nhu; cha mẹ hy vọng con gái của mình dịu dàng, trí huệ. Những mong muốn này của con người từ xưa đến nay chưa bao giờ thay đổi, duy chỉ có một thứ biến đổi chính là con người hiện đại đã thay đổi chuẩn tắc và phương pháp giáo dục người con gái, xã hội hiện đại đã không còn biết thế nào là hiền thục, lương thiện, trí huệ, không biết làm thế nào để bồi dưỡng cho bé gái hiểu biết đúng đắn về trợ giúp chồng, dạy bảo con, hiếu kính bề trên nữa rồi. Tuy nhiên từ xưa đã có rất nhiều sách liên quan đến nữ giáo (giáo dục phụ nữ), nữ đức (đức hạnh của phụ nữ).

Tản mạn về "nữ đức tu thân" của người xưa
(Tranh minh họa: Tranh trên bình phong thế kỷ 18, Lark Mason Associates, Public Domain)

Nữ đức cũng gọi là khôn đức, đất là khôn, nuôi dưỡng và chứa đựng vạn vật. Trong lịch sử rất nhiều cuốn sách cổ như “Nữ giới”, “Nữ huấn”, “Nữ hiếu kinh”“Nữ nhi kinh”… đã mô tả cụ thể hình tượng nữ tính mẫu nghi thiên hạ của khôn đức như thế nào, làm thế nào để bồi dưỡng những đức tính lương thiện của người phụ nữ như “ôn, lương, cung, kiệm” (ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm).

Tác giả Ban Chiêu thời Đông Hán viết trong sách “Nữ giới”:

“Trong đời sống hằng ngày, phụ nữ có bốn quy phạm hành vi cần phải có là phụ đức, phụ ngôn, phụ dung và phụ công.

Tao nhã, hiền thục, thanh khiết, trầm tĩnh, cung kính, cẩn thận, giữ tiết tháo, cử chỉ đoan chánh, tâm biết hổ thẹn, lời nói, việc làm đều có quy củ, phù hợp lễ nghi, đây chính là phụ đức.

Lựa lời mà nói, không nói lời khó nghe, cho dù là lời tốt cũng phải chọn thời điểm thích hợp mới nói ra, sẽ không khiến người phản cảm, đây chính là phụ ngôn.

Y phục dù cũ hay mới cũng phải giặt cho sạch sẽ, phục sức tươi sáng thanh khiết, tắm gội đúng lúc, giữ thân thể sạch sẽ, đây chính là phụ dung.

Chuyên tâm may vá, dệt vải, không nói đùa cười cợt với người khác, chuẩn bị rượu và thức ăn ngon, tiếp đãi khách chu đáo, đây chính là phụ công.

Làm được bốn điều này thì người phụ nữ đã lập được đại công, và những điều này cũng không thể thiếu.”

Trong các sách cổ có đặt ra rất nhiều yêu cầu cho người phụ nữ để đạt được “nhàn tĩnh”, như trong “Nữ luận ngữ” yêu cầu phụ nữ khi đi đường không được nhìn ngang liếc dọc, lúc ngồi không được lắc lư đầu gối, phải ngồi khép hai đầu gối, càng không thể bắt chéo hai chân. Khi đứng không được lay động quần, nói chuyện không được to tiếng. Thời xưa, vi phạm bất kỳ mục nào ở trên sẽ bị xem là “tiện tướng” (tướng mạo ti tiện). Ngoài ra, yêu cầu khi thích thú không được cười lớn, lúc phiền não không được cao giọng. Không tuân thủ bị coi là “khinh tướng” (tướng mạo tùy tiện). Hai từ “khinh tiện” này làm tổn thương nhất đến hình tượng đứng đắn của người phụ nữ.

“Nữ nhi kinh” cũng viết:

“Tu nữ dung, cần ngay chính, ăn mặc trên thân phải nghiêm trang. Tô son trát phấn là chuyện nhỏ, giữ thân đoan trang mới trọng yếu. Tóc chải gọn gàng, mặt mày sạch sẽ, chỉnh tề tự nhiên dung nhan đẹp. Y phục không cần bằng gấm lụa, quần áo vải bông giữ sạch sẽ. Y phục treo giá phải thành bộ, quần áo trong hòm chớ loạn tung.”

Thời xưa, phụ nữ có giáo dưỡng đều được yêu cầu động tác phải nhàn tĩnh, tâm thái tường hòa, chuyển động dịu dàng, uyển chuyển. Cử chỉ đoan trang, cung kính. Lễ tiết thời xưa có nguồn gốc từ các nghi lễ nhà Chu, bao gồm năm hệ thống nghi thức chính là “Cát lễ, Gia lễ, Tân lễ, Quân lễ, Hung lễ”. Chỉ một “Gia lễ” (lễ chúc mừng) thôi cũng bao hàm lễ ẩm thực, lễ tân xạ (bắn cung), lễ khánh hạ (chúc mừng) v.v.. Mỗi lễ tiết nếu phân ra còn bao gồm vô số chi tiết, đều có những yêu cầu rất cụ thể đối với phụ nữ trong mỗi trường hợp về cách đứng, ngồi, đưa tay, cầm chén trà ra sao, cách di chuyển, điều chỉnh ngữ điệu âm thanh và nét mặt nụ cười như thế nào.

Trong giáo dục của người xưa còn có một yêu cầu quan trọng đối với người phụ nữ là “ti nhược”, “ti” chỉ sự khiêm nhường, “nhược” chỉ sự mềm yếu; khiêm nhường và mềm yếu là đại biểu cho đức hạnh quan trọng nhất của người phụ nữ. Ti nhược ở đây chính là chỉ “hậu đức tải vật” (đức dày chứa đựng vạn vật), nhược thể hiện rõ ràng phẩm hạnh “thượng thiện nhược thủy”. Nếu như người phụ nữ xưa không làm được khiêm nhường, thiện lương, mềm yếu thì cũng chính là mất đi nữ đức.

Người xưa sau khi sinh hạ con gái ba ngày, thì đặt con ngủ ở dưới giường, lấy con thoi dệt vải bằng đất nung cho con làm đồ chơi. Để bé gái ngủ ở dưới giường thể hiện rằng con gái nên biết yếu mềm, khiêm nhường, dùng con thoi dệt vải làm đồ chơi thể hiện bé gái cần phải có đức tính cần cù, giữ đạo cần kiệm trong gia đình.

Còn rất nhiều yêu cầu cụ thể khác như: Đối đãi với người khác phải khiêm nhường, cung kính, không thể sơ suất với bất kỳ ai. Gặp việc tốt thì luôn nhường người khác hưởng, bản thân không tranh đua. Làm điều tốt cho người khác cũng không được khoe khoang, gặp việc ủy khuất cũng không tranh biện. Thời thời khắc khắc dè dặt cẩn thận, kính nể phục tùng. Hằng ngày dậy sớm nhất, chăm lo việc nhà, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng không bụi bẩn, làm cơm canh thơm ngon vừa vị, thu xếp bản thân sạch sẽ chỉnh tề. Mỗi đêm sắp xếp cho người trong nhà nghỉ ngơi hết rồi mình mới đi nghỉ.

Những cô gái được bồi dưỡng theo cách này thì làm sao có thể không làm cho gia đình thịnh vượng và hạnh phúc chứ? Trước những yêu cầu trên thì người hiện đại chỉ có không nói nên lời! Cái tôi bị phóng đại hoàn toàn không thể chấp nhận được việc đặt bản thân vào vị trí thấp nhất – cũng là vị trí cao thượng nhất.

Dựa theo “Hữu đức tự nhiên hương: Nữ đức tu thân”
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lan Nhược

Xem thêm:

Mời xem video “Gia đình có 4 bảo vật này, không hưng vượng cũng phú quý”: