Ở Việt Nam cho dù nhìn vào lớp học nào ở ngôi trường bất kì nào cũng đều thấy học sinh ở đó luôn ngồi im lặng và lắng nghe lời giảng của giáo viên. Không thấy học sinh nói chuyện riêng hay chạy lung tung trong giờ học. Khi giáo viên đưa ra câu hỏi gần như tất cả học sinh đồng loạt giơ tay, học sinh được gọi thì trả lời rất mô phạm với giọng nói rõ ràng. Người Nhật chúng ta khi nhìn vậy thì sẽ ghen tị “Học sinh mới ngoan ngoãn làm sao”, “toàn những học sinh thế này thì dạy học dễ đến thế nào”. Tại sao học sinh ở Việt Nam lại có thể duy trì việc học một cách nhẫn nại đến như vậy? Câu trả lời đã được làm rõ thông qua việc quan sát kĩ hành động của giáo viên và học sinh được lặp đi lặp lại phổ biến trong lớp học.

Trước hết, hãy chú ý tới tư thế của giáo viên trong giờ học. Giống như ta thấy trong các ví dụ thực tiễn giờ học trước đó, các từ có tính mệnh lệnh như “hãy…”, “không được…” được giáo viên đưa ra liên tục. Ngoài ra, các mệnh lệnh này được đưa ra không phải là chỉ bằng lời. Chúng được đưa ra bằng âm thanh vật lý được tạo ra bởi tiếng thước hoặc que gõ vào bàn hoặc bản đen. “Cạch!” chính là âm thanh đó. Trước đó tôi đã ghi chép chi tiết về giao tiếp giữa giáo viên và học sinh trong giờ học và tiến hành phân tích. Trong số các giờ học trở thành đối tượng điều tra, thật kinh ngạc là có giờ học ở đó trong 35 phút giảng bài, giáo viên đã đưa ra gần 110 lần các từ có tính mệnh lệnh với học sinh. Đây là ví dụ có tính cực đoan tuy nhiên nhìn chung giờ học ở Việt Nam có đặc trưng là tư thế, từ ngữ có tính chất mệnh lệnh của giáo viên chiếm tỉ lệ lớn. Cũng giống như tư thế, lời nói có tính chất mệnh lệnh, các câu hỏi có tính chất đánh giá nhằm kiểm tra sự lý giải của học sinh cũng luôn được sử dụng. Đó là các câu hỏi đóng (câu hỏi đòi hỏi một câu trả lời đã được định sẵn) như “…có nghĩa là gì?”, “cái này gọi là gì?”. Những câu hỏi như vậy được giáo viên đưa ra liên tiếp từ nửa sau giờ học trở đi cho đến cuối giờ.

Trước tư thế này của giáo viên, học sinh nỗ lực hết mình để đáp ứng các mệnh lệnh, yêu cầu từ phía giáo viên. Khi giáo viên yêu cầu “hãy…” học sinh đồng loạt thao tác và khi giáo viên nói “Thôi không…” thì học sinh đồng loạt ngừng thao tác và chú ý nhìn giáo viên. Ngoài ra, khi giáo viên đưa ra câu hỏi “…có nghĩa gì?” thì học sinh đồng loạt giơ tay. Cách thức giơ tay đó cũng rất nghiêm chỉnh. Cánh tay phải thu lại với khuỷu tay đặt vuông góc trên mặt bàn và được đỡ bằng cánh tay trái. Các ngón tay duỗi thẳng và lòng bàn tay hướng về phía trước. Học sinh được gọi thì khi đứng dậy bao giờ cũng đưa ra câu trả lời rất mô phạm. Mỗi lần quan sát giờ học tôi đều có ý nghĩ tư thế tự nhiên của trẻ em vốn có hầu như không còn nữa trong giờ học. Nhìn các em giống như là búp bê hay là robot được tạo ra một cách nhân tạo vậy. Trong mắt của học sinh ở giờ học không hề có sinh khí. Trẻ em vốn luôn chứa đầy sự hoạt bát nhưng trên thực tế thì dường như tinh thần của các em đã để ở nơi khác. Có lẽ các em đang nghĩ đến những việc khác như “Trời ơi, mới chán làm sao!”, “hôm nay về nhà thì làm gì nhỉ?”, “Tối nay cơm có gì nhỉ?”… Tuy nhiên do được luyện tập qua nhiều năm tháng nên thân thể đã được rèn luyện để có thể phản ứng được ngay tại chỗ các yêu cầu, câu hỏi của giáo viên. Tất cả các câu trả lời đều có trong sách giáo khoa cho nên học sinh có thể trả lời mà không cần động não suy nghĩ. Khi giờ học kết thúc và đến giờ giải lao, học sinh nhất loạt lao ra khỏi lớp học và vừa gào thét “A, A!” vừa bắt đầu chơi ở sân trường. Giống như là các em đang cố gắng sử dụng toàn bộ thân thể để hưởng thụ tự do trong khoảng khắc như thể xả ra sự ức chế dồn nén trong giờ học và giải phóng bản năng vốn bị nhốt kín trong đáy sâu tâm hồn.

Điều có thể nói khi quan sát tình huống này là giáo viên trong lớp học là người có quyền lực tuyệt đối. Họ là biểu tượng của quyền lực lớn nắm cả tri thức và kĩ năng. Cho dù giáo viên có ý thức về điều này hay không thì thực tế khi giáo viên tiến hành giao tiếp một chiều bằng mệnh lệnh, câu hỏi có tính đánh giá, họ đã tạo ra ý thức đó ở học sinh một cách tự nhiên. Dưới ảnh hưởng của các lời nói, tư thế có tính chất mệnh lệnh và các câu hỏi có tính đánh giá, học sinh không thể biểu đạt ý kiến và ý tưởng của bản thân. Điều duy nhất có thể làm là làm theo mệnh lệnh và đưa ra câu trả lời giáo viên đang chờ đợi. Ở đây, học sinh phải đè nén chính mong muốn, ước vọng của chính mình. Bởi vì nếu như lỡ không tuân theo yêu cầu của giáo viên hay không trả lời được câu hỏi thì ngay lập tức sẽ bị đánh giá là “học sinh có vấn đề”.

Như vậy, ở lớp học của Việt Nam, người dạy và người học đã hoàn toàn bị đưa vào một cơ cấu quan hệ trên dưới của quyền lực. Đối với học sinh chẳng có cách gì hơn là im lặng ngồi nghe giáo viên giảng bài và đó cũng chính là lựa chọn khôn ngoan nhất.

Trích từ “Cải cách giáo dục Việt Nam“, NXB Phụ nữ, 2020
Tác giả: Tanaka Yoshitaka
Dịch giả: Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: