Tăng Quốc Phiên, trọng thần triều nhà Thanh, là người vừa giỏi binh pháp, vừa am tường Nho học, có thể nói là văn võ song toàn. Ông không chỉ được biết đến qua những triết lý nhân sinh sâu sắc mà những quan điểm về dưỡng sinh của ông cũng là bài học quý giá cho hậu nhân.

Tăng Quốc Phiên: Trị thân nên lấy "không thuốc" làm thuốc
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Trong các bức thư gửi anh em của mình, Tăng Quốc Phiên từng đề cập đến một số quan điểm về dưỡng sinh, chẳng hạn như coi việc dưỡng thể không dùng thuốc mới là tiên dược, “khi đã cảm giác có bệnh, ngừng dùng thuốc” hay “thuốc tuy có lợi, nhưng cũng có hại, không nên xem nhẹ”… Ông đã liệt kê ra một số ví dụ thực tế, cảnh tỉnh các em mình không nên phụ thuộc vào thuốc mà cần tu thân dưỡng đức. Những lời khuyên này có liên quan trực tiếp với hoàn cảnh gia đình họ Tăng.

Bởi vì thanh danh hiển hách của gia tộc họ Tăng nên cuộc sống gia đình đã trải qua những biến hóa lớn. Anh em họ Tăng lập được nhiều công nên triều đình đã phong tước tặng thưởng cho gia tộc này khiến các quan viên địa phương cũng không dám bất kính. Bản thân Tăng Quốc Phiên cũng nhận được không ít thuốc bổ hay những đồ ăn bổ dưỡng. Sau này ông phát hiện người trong gia đình, dù già hay trẻ, dường như không ai là không uống thuốc, hơn nữa còn toàn là thuốc bổ, thuốc đắt tiền. Nhưng có người thậm chí uống thuốc bổ vào lại phát bệnh.

Bất kể là mùa nào, người em Tăng Quốc Hoàng của ông đều thường xuyên uống các loại thuốc bổ. Tăng Quốc Phiên khuyên em mình trước tiên hãy dừng thuốc, dùng ẩm thực điều dưỡng, dặn đi dặn lại em nếu không phải là bệnh nặng, không cần dùng nhiều thuốc. Ông viết: “Phương pháp dưỡng sinh, chỉ cần ăn uống thận trọng, tiết chế dục vọng, không phụ thuộc nhiều vào thuốc”.

Tăng Quốc Phiên dùng thái độ “tận kỳ tại ngã, thính kỳ tại Thiên” (làm việc tận tâm tận lực, việc thành hay bại là do Thiên định) để đối đãi với hết thảy mọi sự. Trong đạo dưỡng sinh cũng vậy, ông nói: “Người có thân thể khỏe mạnh cũng giống như người giàu, bởi biết tránh xa xỉ mà càng thêm giàu có. Người có thân thể yếu nhược cũng giống như người nghèo, bởi vì biết tiết kiệm mà bảo toàn được thân thể”.

Theo Tăng Quốc Phiên, bí quyết của dưỡng sinh chính là “Trừng phẫn trất dục”. “Trừng phẫn” là giảm thiểu tức giận phẫn nộ, “trất dục” là tiết chế dục vọng. Ví như một người ham thích công danh, tranh cường háo thắng mà dẫn đến dụng tâm thái quá, dùng hết tâm cơ, đây là không biết tiết chế dục vọng. Ông cũng nói, tâm tình của một người không nên quá buồn khổ phiền muộn mà nên khoáng đạt cởi mở, đây cũng là biện pháp trừ bỏ buồn bực tức giận.

Ông còn cho rằng một người có thọ mệnh dài ngắn, có bệnh hay không bệnh đều là do Trời định, không nên phí tâm vọng tưởng hay tính toán. Những cách như uống nhiều thuốc bổ, cầu Thần phù hộ cho sức khỏe, trong mắt Tăng Quốc Phiên mà nói, đều là vọng tưởng vô ích.

Vào năm Hàm Phong thứ tám, Tăng Quốc Phiên đã ở tuổi trung niên. Ở tuổi 47, gan thận của ông đã xuất hiện vấn đề. Ông nói với em trai Tăng Quốc Thuyên rằng theo Trung y, nếu trầm uất không thông ắt sẽ tổn thương mộc, nếu tâm bốc hỏa ắt sẽ tổn hại thủy. Ông nhận ra rằng chứng bệnh về mắt và chứng mất ngủ về đêm hiện tại đều là do can uất không thông, tâm hỏa quá vượng dẫn đến. Ông ý thức rằng tâm thái lo lắng ưu tư, oán trời trách người không chỉ khó có thể xử thế mà còn rất bất lợi đối với tu thân dưỡng đức. Dưỡng đức không đủ thì rất khó để bảo trì thân thể khỏe mạnh. Vì thế, ông đã viết hai chữ “bình hòa”, dặn đi dặn lại em trai phải lưu tâm.

Vào mỗi mùa xuân, Tăng Quốc Phiên đều lo lắng căn bệnh gan của người em Tăng Quốc Thuyên phát tác, do đó mỗi lần viết thư, ông đều hỏi thăm tình trạng sức khỏe hiện tại và dặn dò em trai mình. Tăng Quốc Thuyên mỗi lần hồi đáp đều úp úp mở mở, không nói rõ ràng. Vào tháng 4 năm Đồng Trị thứ ba, Tăng Quốc Phiên nhận được thư của em trai, nhìn thấy trong thư có vài câu: “Bệnh gan đã nghiêm trọng, thống khổ bệnh tật đã hình thành. Em cứ gặp người là phát nộ, gặp chuyện là ưu phiền”.

Tăng Quốc Phiên đã biết được bệnh tình của em trai nên trong thư hồi đáp, ông viết: “Căn bệnh này không phải là thuốc có thể chữa được, mọi việc cần phải coi như không, gặp việc không phiền muộn không tức giận, thì bệnh tật mới dần dần giảm nhẹ. Giống như khi bị con rắn độc cắn vào tay, tráng sĩ cần chặt đứt đoạn tay đó đi mới có thể bảo toàn mạng sống. Em nếu muốn bảo toàn tính mạng thì phải coi sự tức giận và phiền muộn là con rắn độc, muốn trừ bỏ sự tức giận và phiền muộn phải có dũng khí, anh khẩn thiết khuyến cáo em!”

Vào năm Đồng Trị thứ năm, Tăng Quốc Phiên và Tăng Quốc Thuyên đồng thời được triều đình phong tước vị. Đến lúc đó, gia đình họ Tăng đã đạt tới đỉnh của sự hưng thịnh. Tăng Quốc Phiên coi đạo dưỡng sinh và đạo bảo trì gia đình là ngang hàng nhau. Ông cho rằng gia đạo trường cửu không phải dựa vào phú quý và quan tước nhất thời mà là dựa vào gia quy của tổ tông lưu lại, cũng không phải là dựa vào một hai cá nhân đột nhiên có thành tích mà là dựa vào sự duy trì của mọi người trong gia tộc. Nếu một ngày nào đó về nhà, bất luận là đối đãi với người thân thích, hay những người họ hàng nghèo khó cũng đều không được khinh nhờn, đối đãi với người nghèo khó cũng như thể với người phú quý. Ở vào lúc đang hưng thịnh, nên nghĩ đến khi suy bại, nền tảng gia vận tự nhiên sẽ kiên cố vững chắc.

Tăng Quốc Phiên gìn giữ vận mệnh gia đình cũng giống như gìn giữ sức khỏe. Vì vậy, ông đã đưa ra năm phương pháp điều dưỡng, trong đó có hai điều là khắc chế tức giận và tiết chế dục vọng.

Cũng vào năm đó, Tăng Quốc Phiên phụng chỉ, lấy thân phận là Khâm sai đại thần, chỉ huy quân đội tiêu diệt Niệm quân. Bởi vì lao tâm thương thần, mắt của ông càng ngày càng mờ đi. Nhiều quan viên đến thăm và khuyên ông không nên đọc sách, không nên viết và làm việc nữa, nên dùng thuốc nhưng ông vẫn nhất quyết không dùng thuốc mà lựa chọn cách tĩnh tọa, niệm Kinh, nhìn nhận lại trong tâm mình để tự trị liệu mắt. Khi đôi mắt đã nhìn không rõ, Tăng Quốc Phiên tự xem xét lại bản thân và đã làm một đôi câu đối để tự cảnh tỉnh mình:

Nhất tâm lý bạc lâm thâm, úy Thiên chi giám, úy Thần chi cách;
Lưỡng nhãn mộc nhật dục nguyệt, do tĩnh nhi minh, do kính nhi cường.

Nghĩa là: Trị thân phải cẩn thận giống như đang ở bên hố sâu, đang đi trên băng mỏng, sợ Trời thấy rõ, sợ Thần linh tu chỉnh cho nên lập thân phải sợ trời biết mệnh. Giữ mình nghiêm khắc chỉnh tề, thanh tĩnh thuần nhất thì thân thể tự sẽ khỏe mạnh.

Đạo lý mà Tăng Quốc Phiên đưa ra cũng giống với tư tưởng trong sách “Trang Tử” đề cập. Trang Tử từng viết về một người tên Trương Nghị kết giao với người giàu có ở khắp nơi, nhưng không biết giữ gìn sức khỏe, cuối cùng đến 40 tuổi đã bị chết vì nội nhiệt.

Thời Tây Tấn, Thạch Sùng hy vọng thông qua uống thuốc mà có được thân thể khỏe mạnh, nhưng ông ta lại rất tàn nhẫn, thường sát sinh, tham luyến mỹ sắc, cuối cùng chịu họa sát thân.

Vậy nên tiên hiền thời cổ đại cho rằng muốn dưỡng sinh thì cũng phải dưỡng đức, đó mới là đạo điều dưỡng chân chính.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm: