“Tam Quốc Diễn Nghĩa” của tác giả La Quán Trung được xưng là một trong “tứ đại danh tác” của Trung Hoa, được người người biết đến. Nhưng tác phẩm này cũng gây ra nhiều hiểu lầm, bởi một số nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử được đưa vào trong tác phẩm đã bị làm sai lệch, khiến hậu nhân có cái nhìn không hoàn toàn chính xác về nhân vật, sự kiện lịch sử có thật. Trong đó nổi bật nhất chính là Tào Tháo.

Sự khác biệt của nhân vật Tào Tháo trong lịch sử và tiểu thuyết
Tượng Tào Tháo. (Ảnh: Beibaoke, Shutterstock)

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” là một tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết, hý kịch đều có mang sắc thái hư cấu, với mục tiêu là làm nổi bật điều tác giả muốn nói. Như “Tam Quốc Diễn Nghĩa” thì chính là diễn giải một chữ “Nghĩa”, triển hiện các hàm ý chính nghĩa, nghĩa khí, nhân nghĩa… một cách sinh động. Cũng bởi thế, trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Tào Tháo là một nhân vật phản diện có dã tâm lớn.

Tuy nhiên trong chính sử, Tào Tháo được khắc họa là một nhân vật hào kiệt. “Tam Quốc Chí” ca ngợi Tào Tháo là “phi thường chi nhân, siêu thế chi kiệt” (người phi thường, tài giỏi xuất chúng). Mặc dù Tào Tháo vẫn có những vết đen trong cuộc đời, như chuyện giết người nhà Lã Bá Sa, hay chuyện tàn sát những người vô tội ở thời kỳ đầu khi chưa thành danh; nhưng về đại thể, ông đúng là một người mang hùng tâm tráng chí.

Có gan có trí, lâm nguy mà không sợ

Thời đầu Tam Quốc, Đổng Trác là quyền thần nhà Đông Hán, nổi tiếng là một gian thần, một quân phiệt tàn bạo. Khi nắm quyền trong tay, Đổng Trác độc tài, ngang ngược, lạm sát đại thần, khiến triều đình ai cũng thấp thỏm lo âu.

Tư Đồ Vương Doãn đã bàn bạc với các đại thần kế hoạch giết chết Đổng Trác. Nhưng sau khi bàn bạc xong, các đại thần ai nấy đều lo sợ, chỉ có Tào Tháo nghe xong chẳng những không sợ hãi mà còn mỉm cười vỗ tay, nhận việc ám sát Đổng Trác.

Mặc dù việc ám sát Đổng Trác không thành công nhưng Tào Tháo lại dựa vào tài trí của mình mà gạt được Đổng Trác, thoát khỏi miệng hùm. Đây chính là “có gan có trí”, lâm nguy mà không sợ.

Tào Tháo còn rất giỏi trong thuật dùng binh, dùng người. “Vọng mai chỉ khát” là một câu chuyện thể hiện tài trí của Tào Tháo. Trong “Thế thuyết tân ngữ” chép chuyện này như vậy:

Một lần vào mùa hè, Tào Tháo dẫn quân đi qua một địa phương không có nước. Giữa bầu trời nắng chói chang, gay gắt, tướng sĩ vừa mệt vừa khát, thậm chí có một số binh sĩ vì khát nước quá mà ngã xuống. Tào Tháo thấy sự tình nghiêm trọng có thể khiến binh sĩ nhụt chí, không thể kiên trì đi tiếp. Tào Tháo liền chỉ tay về phía trước nói: “Con đường này trước đây ta đã từng đi qua rồi, ở phía trước cách đây không xa có một vườn mơ lớn!”

Các tướng sĩ nghe thấy thì mừng rỡ. Tào Tháo lập tức chỉ huy binh sĩ lên đường, sau khi đi qua địa phương khô hạn này, họ đến một con sông lớn. Mọi người được uống nước, tinh thần sảng khoái tiếp tục hành quân, khí thế tăng lên nhiều.

Quý trọng nhân tài, tìm cầu người tài đức

Tào Tháo có một đặc điểm lớn nhất chính là quý trọng nhân tài. Chính vì đặc điểm này mà một số nhân tài đã tìm đến ông để nương tựa. Mối quan hệ giữa những nhân tài ấy với Tào Tháo giống như anh em một nhà.

Điển Vi là một ví dụ nổi bật. Điển Vi vì bảo hộ Tào Tháo mà chết trận. Khi nghe tin Điển Vi chết, Tào Tháo bật khóc thống thiết. Ông còn chiêu mộ người thu hồi thi thể của Điển Vi về an táng. Ông sai người lập đền thờ và bày bàn cúng tế rồi nói với các tướng rằng: “Ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi”.

Tấm lòng trọng dụng nhân tài của Tào Tháo còn thể hiện ở cách ông đối đãi với họ khi lập được chiến công. Trong lịch sử, có không ít tướng lĩnh khi có được chiến công liền tìm cách chiếm lấy và trừ khử những người thuộc hạ thân tín, nhưng Tào Tháo không làm như vậy.

Ví như, vào năm 207 (tức Kiến An năm thứ 12), tháng 2, Tào Tháo từ đất Hung Nô trở về Nghiệp Thành, liền lệnh rằng: “Ta khởi nghĩa binh trừ bạo loạn, đến nay trải qua 19 năm, đánh đâu thắng đó, há phải công lao riêng mình? Đó thảy đều là sức lực của các bậc hiền sĩ đại phu vậy. Nay thiên hạ vẫn còn chưa yên, ta đang muốn cùng hiền sĩ đại phu hợp sức bình định, nếu hưởng công lao một mình, sao ta có thể yên lòng? Vậy gấp rút định công, phong thưởng cho những người ấy“.

Sau trận chiến ấy, Tào Tháo phong thưởng rất hậu cho hơn 20 người, tất cả đều được làm Liệt hầu. Những người còn lại cũng theo thứ bậc mà nhận thưởng, thụ phong. Ngay cả đến con côi của những binh tướng tử trận vì việc công cũng được ban ân nặng nhẹ khác nhau, chẳng hề sơ suất. Ông lại dâng biểu lên Hán đế xin phong cho Tuân Úc làm Vạn Tuế đình hầu, tháng 3 lại cho Tuân Úc thực ấp 1000 hộ.

Quyết đoán, kiên nghị

Trong trận chiến Quan Độ, khi đối mặt với đại quân của Viên Thiệu, quân Tào lần lượt bị bại lui, ngay cả sứ giả vận chuyển lương thảo đến Hứa Xương cũng bị quân của Viên Thiệu bắt giữ, cướp đoạt lương thảo. Lúc này, quân Tào có thể nói là rơi vào tình cảnh nguy hiểm.

Dưới tình huống như vậy, mưu sĩ thân tín của Viên Thiệu là Hứa Du đã hiến kế cho Viên Thiệu: “Chủ lực của quân Tào ở Quan Độ, nếu chúng ta phái một toán binh mã tập kích ở Hứa Xương thì nhất định có thể chiếm lĩnh được Hứa Xương, đến lúc đó chúng ta có thể bắt cả Tào Tháo”. Nhưng Viên Thiệu không những không nghe theo lời của Hứa Du, mà thậm chí còn nghi ngờ Hứa Du là gian tế của Tào Tháo.

Vì tài năng không được trọng dụng, lại bị khinh thường nên Hứa Du quyết định tìm đến Tào Tháo nương tựa. Tào Tháo biết tin Hứa Du đến, ngay cả giày cũng không kịp xỏ, nhanh chóng ra đón tiếp Hứa Du. Nghe xong thượng sách phá địch của Hứa Du, Tào Tháo không do dự, nhanh chóng phán đoán đưa ra quyết định.

Cuối cùng nhờ nghe theo mưu của Hứa Du mà Tào Tháo đánh bại được quân Viên Thiệu đông đảo hơn rất nhiều, cơ bản thống nhất được phương bắc. Điều này thể hiện tài nhìn người, đánh giá tình hình và sự kiên nghị quyết đoán của Tào Tháo.

Tài năng uyên bác

Tào Tháo chẳng những hơn người ở tài năng dùng binh mà trong tài năng thơ ca cũng hơn người. Năm Kiến An thứ 12 (năm 207), Tào Tháo dẫn đại quân tiến lên phía bắc, đại phá Ô Hoàn, giành được thắng lợi mang tính quyết định, đồng thời loại trừ được chướng ngại cuối cùng cho việc thống nhất phương bắc.

Lúc bấy giờ Tào Tháo 53 tuổi. Tuy tuổi gần xế chiều nhưng tráng chí vẫn còn, hào khí không hề giảm. Vì thế, ông đã viết ra bài thơ “Quy Tuy Thọ” để khích lệ bản thân.

Trong “Quy Tuy Thọ” viết: “Lão ký phục lịch, chí tại thiên lí. Liệt sĩ mộ niên, tráng tâm bất dĩ” (Tạm dịch: Thiên lý mã tuy già nằm bên máng cỏ, nhưng vẫn luôn có chí rong ruổi ngàn dặm. Người có hoài bão to lớn tuy đến tuổi về chiều, nhưng hùng tâm tráng chí không hề suy giảm). Những câu thơ này biểu đạt chủ đề thi ca và sự nghiệp của thi nhân cùng thái độ nhân sinh, tràn đầy tinh thần tích cực. Các tác phẩm văn thơ của Tào Tháo đều thể hiện ra chí hướng cao xa rộng lớn và hùng tâm tráng trí của ông.

Có thể thấy, thời Tam Quốc, vô luận là ở phương diện quân sự hay văn chương, Tào Tháo đều là nhân kiệt, mưu lược hơn người. Tất nhiên những vết đen trong cuộc đời thời chưa thành danh, hay chuyện ông chuẩn bị cho con để soán ngôi nhà Hán, thì cũng có thể đủ để xem ông như là gian hùng. Nhưng ông không phải là một kẻ tầm thường, và cũng không phải là một người mà đôi lúc quá nhỏ nhen như được khắc họa trong tiểu thuyết.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: