Chọn đồ vật đoán tương lai của trẻ là một tập tục phổ biến rộng rãi thời xưa. Cổ nhân tin tưởng vào thiên mệnh, tin rằng vận mệnh con người là có định số về tổng thể, cũng có biến số thông qua thiện ác mà nên. Do vậy họ cho rằng chí hướng của một người, nghề nghiệp tương lai của một người là có thể nhìn ra ít nhiều thông qua một số nghi thức.

Thời cổ đại, khi đứa trẻ được tròn một tuổi, người nhà sẽ tổ chức một buổi lễ ăn mừng thật long trọng. Một nội dung quan trọng trong buổi lễ chính là đặt nhiều vật phẩm lên một chiếc bàn, sau đó cho đứa trẻ bò ở trên để bắt đồ. Dựa trên đồ vật mà đứa trẻ lấy được, người lớn sẽ phán đoán chí hướng tương lai của trẻ.

Tập tục "chọn vật đoán tương lai" trong lễ thôi nôi thời xưa
Bàn chọn đồ vật cho trẻ trong lễ thôi nôi Doljanchi tại Hàn Quốc. (Ảnh: Andrey Sayfutdinov, Shutterstock)

Nhan Chi Thôi thời Bắc Tề đã ghi trong cuốn “Nhan thị gia huấn” về tập tục này: Khi em bé sinh được tròn năm, sẽ may áo mới, tắm rửa mặc đồ mới. Sau đó, nếu là con trai thì dùng cung tên giấy bút, nếu là con gái thì dùng dao thước kim chỉ, đồng thời có cả món ăn cùng trân bảo, đồ chơi, đặt trước mặt đứa bé. Xem thử đứa bé bốc món gì, từ đó mà nghiệm ra đứa trẻ tương lai là tham hay liêm, ngu hay trí, tập tục này gọi là “Thí nhi”.

Trong “Tống sử” có ghi rằng khi tổ chức lễ đầy năm (thôi nôi) cho Tào Bân, cha mẹ của ông đã đem trăm thứ đồ chơi đặt trên chiếu, xem thử Tào Bân sẽ chọn món nào. Tào Bân tay trái nắm can qua, tay phải cầm món đồ dùng trong tế tự. Một lúc sau, Tào Bân bò đến cầm chiếc ấn, những món khác ông không hề để ý đến. Mọi người đã vô cùng kinh ngạc. Can qua là vũ khí, ý nói thiện chiến, lễ khí biểu thị nắm giữ việc tế lễ và có địa vị rất cao, còn chiếc ấn tượng trưng cho quyền lực. Về sau khi Tào Bân trưởng thành, quả nhiên nhờ lập chiến công lớn mà được đeo ấn, làm quan đến chức Xu mật sứ nhà Bắc Tống.

Trong tiểu thuyết “Hồng lâu mộng”, lễ thôi nôi của Giả Bảo Ngọc cũng vô cùng thú vị. Cha của Bảo Ngọc là Giả Chính vì muốn xem thử chí hướng của Bảo Ngọc mai sau sẽ như thế nào nên trong lễ thôi nôi đã đem hết những đồ có trên đời bày ra để Bảo Ngọc bốc lấy. Không ngờ, Bảo Ngọc không có hứng thú với món nào mà chỉ  giơ tay bốc lấy hộp phấn và vòng ngọc để chơi. Cha của Bảo Ngọc không vui, nói rằng: “Tương lai chỉ là kẻ tửu sắc”. Dù chỉ là tình tiết tiểu thuyết nhưng nó cũng cho thấy rõ tập tục của người xưa.

Đến thời nhà Đường và Tống, chọn vật đoán tương lai đã trở thành một nghi lễ quan trọng trong tục lệ đời sống. Ngô Tự Mục trong “Mộng lương lục” gọi tục thôi nôi là “niêm chu thí tối”. Em bé tròn một năm gọi là “chu tối”, cho nên về sau gọi cái mâm chuyên đựng đồ dùng trong lễ thôi nôi là “tối bàn”. Lúc bấy giờ, giới quý tộc nhà giàu có rất xem trọng lễ thôi nôi, không chỉ trải chiếu gấm giữa nhà mà còn thắp hương đốt đèn, trên chiếu để các món đồ, để em bé vào giữa, sau đó xem thử bé bốc món nào. Ngày hôm đó cũng bày tiệc khoản đãi họ hàng và bạn bè, đồng thời tiếp nhận lễ vật của mọi người, còn tổ chức ca hát để góp vui.

Vào đời nhà Thanh, trong hoàng cung cũng cử hành lễ thôi nôi. Hiện tại, trong viện bảo tàng Cố cung còn lưu giữ chiếc mâm dùng trong lễ thôi nôi của Hoàng đế. Chiếc mâm này được làm bằng gỗ có chạm khắc, hình chữ nhật, chế tác vô cùng tinh xảo. Lễ thôi nôi của hoàng tử, hoàng tôn, công chúa, dụng cụ tuy tinh xảo nhưng mục đích và ý nghĩa khác với thôi nôi của dân gian.

Thông thường, các vật phẩm bày ra để trẻ chọn đều mang ý nghĩa tượng trưng, như bút, nghiên mực, hay sách vở có hàm ý về chuyện học hành, kiến thức. Quan mũ, sắc lệnh, con dấu… mang ý nghĩa về chức vị. Những binh khí như dao, kiếm, thương, giáo… mang ý nghĩa chỉ người học võ. Những vật phẩm như vàng bạc châu báu ngọc thạch ý chỉ trẻ lớn lên giàu có. Bàn tính, thưng đấu là dấu hiệu của người kinh doanh. Còn những vật dụng như dao, kéo, kim, chỉ là dấu hiệu của nữ công thêu thùa.

Tập tục chọn vật đoán tương lai có nguồn gốc từ quan niệm “nhân vật cảm ứng”, tức là sự cảm ứng giữa con người và đồ vật. Cổ nhân tin tưởng vào Thần linh, tin rằng vận mệnh của con người là đã được an bài từ trước, đồng thời cũng tin rằng thông qua “nhân vật cảm ứng” là có thể đoán trước được tương lai của một người.

Thời Nam Tống, Hòa thượng Giáo Hanh lúc tròn một tuổi, trong nhà đã cử hành nghi thức chọn vật đoán tương lai cho ông. Trong tất cả các đồ vật bày sẵn trước mặt, Giáo Hanh chỉ cầm một cuốn kinh Phật trong tay. Sau này khi lớn lên, mỗi khi nhìn thấy tăng lữ, ông đều cảm thấy rất thân thiết. Năm Giáo Hanh 7 tuổi, ông đã xuất gia, năm 13 tuổi thì chính thức thụ giới, chuyên cần tu luyện lĩnh ngộ Phật lý. Năm 15 tuổi, Giáo Hanh bắt đầu đi vân du. Sau đó ông tiếp tục tu hành cùng sư phụ ở Trịnh Châu. Cuối cùng, Giáo Hanh trở thành vị hòa thượng nổi danh trong lịch sử.

Còn một câu chuyện nổi tiếng thời Tam Quốc là chuyện Tôn Quyền tuyển chọn thái tử. Thời Tam Quốc, lúc Tôn Quyền xưng đế chưa lâu, thái tử Tôn Đăng liền bị bệnh mà chết. Tôn Quyền đành tuyển chọn một người con khác làm thái tử. Một người dân thường tên là Cảnh Dưỡng ở Tây Hồ đã xin cầu kiến Tôn Quyền, nói rằng có thể đoán biết được ai là người có thiên phú. Tôn Quyền liền lệnh cho Cảnh Dưỡng chọn một ngày tốt để tiến hành.

Các tiểu hoàng tôn là con của các hoàng tử được đưa đến cung, trong khi Cảnh Dưỡng mang một mâm đầy châu báu, ngà voi, sừng tê giác… đến để các tiểu hoàng tôn lựa chọn. Các tiểu hoàng tôn hoặc là bắt lấy ngọc bích, hoặc là bắt lấy sừng tê giác, duy chỉ có Tôn Hạo là con trai của Hoàng tử Tôn Hòa là một tay cầm giản sách (sách làm bằng thẻ tre) và một tay cầm dải lụa.

Tôn Quyền mừng rỡ liền sắc phong Tôn Hòa làm thái tử. Nhưng các hoàng tử khác không phục, tranh đấu gay gắt, cuối cùng Tôn Quyền phải phế truất Tôn Hòa, lập người con trai út là Tôn Lượng làm người kế thừa. Sau khi Tôn Quyền mất, Tôn Lượng tại vị chỉ 7 năm liền bị lật đổ, Tôn Hưu lên làm vua. Sau khi Tôn Hưu mất, các đại thần đều đồng ý rằng cần lựa chọn một hoàng tử có tuổi lớn một chút làm vua, đúng lúc ấy Tôn Hạo vừa qua tuổi 20 nên được chọn. Bấy giờ, các cựu thần nhớ lại phương thức tuyển chọn thái tử của Cảnh Dưỡng trước đây, ai nấy đều cho rằng thần kỳ và thập phần khen ngợi.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: