Từ xưa đến nay, đối với bất kỳ ai, gia đình luôn có tầm quan trọng rất lớn. Một gia đình yên ấm, hòa thuận, hưng thịnh luôn là mong ước của hầu hết mọi người. Tuy nhiên xây dựng một tổ ấm như vậy không phải là một điều dễ dàng. Thậm chí thời xưa, các thế hệ trong gia đình đều sống cùng với nhau trong một gia viên. Nhiều người như vậy sinh sống cùng nhau, hàng ngày ít nhiều đều chạm mặt nhau, thực sự không phải là chuyện đơn giản. Vậy mà người xưa lại có thể duy trì gia phong, khiến gia đình hưng thịnh. Đây là vì ai ai cũng tôn kính lẫn nhau, có trên có dưới, lại biết bao dung mà xây dựng được không khí hòa thuận. Giữa các thành viên gia đình, để bao dung lẫn nhau thì có một bí quyết, chính là “nhận lỗi về mình”.

Nhận lỗi về mình là bí quyết giúp gia đình yên ấm
(Tranh: Họa sĩ Diêu Văn Hãn thời Thanh, Public Domain)

Có một câu chuyện ngụ ngôn thế này. Tại làng nọ có hai gia đình lớn sinh sống cạnh nhau, họ Lý phía đông thường xuyên cãi vã, sống không vui vẻ; họ Phạm phía tây lại rất hòa thuận, lúc nào cũng cười đùa, cuộc sống vô cùng thảnh thơi.

Ngày nọ, ông Lý không chịu nổi không khí ngột ngạt, liền đến nhà họ Phạm đối diện hỏi thăm bí quyết. Ông Phạm vui vẻ đáp: “Bởi vì chúng tôi thường xuyên làm sai”. Ông Nguyễn nghe thế thì lấy làm lạ lùng.

Bấy giờ vợ của ông Phạm vội vã mở cửa vào, đi đến sân thì bị trượt ngã. Mẹ ông Phạm ở gần đó lập tức đỡ con dậy rồi nói: “Con đau không? Mẹ lau sân ướt quá”.

Người con trai chạy lại đỡ cả hai nói: “Con không để ý mẹ về để nhắc mẹ cẩn thận, làm mẹ bị ngã”.

Bà Phạm lại tự quở trách mình: “Không! Không! Là lỗi của con, chỉ tại con bất cẩn”.

Ông Lý đứng nhìn cảnh ai ai cũng “nhận lỗi về mình” thì lập tức hiểu ra nhiều điều.

Khi hành xử ngoài xã hội hay trong gia đình, rất nhiều người đều mang tâm lý đổ tội, “là do lỗi của người khác”. Làm như vậy thì rất khó hòa hợp với mọi người xung quanh. Nếu nhiều người đều cùng chung cách nghĩ như vậy thì mâu thuẫn gia đình sẽ lớn. Hơn thế nữa, lớp trẻ chứng kiến hành xử của người lớn thì học theo, khiến cho không khí trong nhà ngày càng căng thẳng.

Cổ nhân giảng rằng: “Người quân tử đòi hỏi bản thân”, “Người quân tử nghiêm khắc với chính mình”, con người ta nếu có thể bao dung người khác, tự biết nhìn lại bản thân, nhìn thấy những điểm mà mình cần phải sửa đổi trong mâu thuẫn, thì chẳng những “chuyện lớn hóa thành bé, chuyện bé hóa thành không” mà còn sẽ được người khác tôn trọng.

Có câu: “Tu kỷ dĩ kính, tu kỷ dĩ an nhân, tu kỷ dĩ an bách tính”, một người có thể tu sửa chính mình thì sẽ có được sự tôn trọng của người khác, lại có thể mang lại sự bình an cho người khác và cho mọi chúng sinh trên mặt đất này.

Bởi thế, “nhận lỗi về mình” là một đức tính quý giá, giúp mọi người gần nhau hơn, là một kiểu tự ràng buộc, để không ngừng tu dưỡng chính mình, và là một sự ghi nhớ, để lúc nào cũng nghĩ cho người khác. Nó cũng là đức tính quan trọng khiến cho gia đình yên ấm, hòa thuận và hưng thịnh.

Theo Vision Times tiếng Trung
Quang Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: