Một tác phẩm của Trung Quốc tuy xa lạ đối với người Việt Nam, nhưng nếu nghe qua tên tác gỉả thì hầu như ai cũng biết. Tác phẩm có tên Trù Hải Đồ Biên (籌 海 圖 編 ), tác gỉả là Hồ Tôn Hiến, nhân vật trong Truyện Kiều. Tiểu sử con người này có thể gói trọn trong 2 câu thơ của cụ Nguyễn Du:

Có quan Tổng đốc trọng thần,
Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài.

Xuất thân với học vị tiến sĩ, Hồ Tôn Hiến giữ chức chỉ tri huyện trong một vài năm, rồi lần lượt được thăng chức từ ngự sử, án sát, đến tổng đốc Chiết Giang, cuối cùng coi hết các tỉnh duyên hải từ Chiết Giang xuống tận Quảng Ðông. Nắm trọng trách trong vòng 10 năm trời, lúc mất sự nghiệp được ghi trong Minh Sử liệt truyện. Tài kinh luân của Hồ Tôn Hiến tuy có dựa vào thủ đoạn nhưng đã gặt hái được thành công, qua việc chia rẽ nội bộ giặc biển, bắt và đầu hàng các đầu đảng giặc như bọn Vương Trực, Trần Ðông, Ma Diệp, Từ Hải và chế ngự được nạn cướp biển.

Sách Trù Hải Ðồ Biên gồm 13 quyển, hoàn thành vào cuối thời Gia Tĩnh triều Minh, biên soạn rất công phu nên được đưa vào Tứ Khố Toàn Thư 1. Sách chia làm 2 phần: ghi chép và đồ hình. Phần ghi chép đề cập đến chiến lược, chiến thuật, kể lại các trận đánh giặc biển xẩy ra dưới thời Gia Tĩnh, cùng thuyết minh các đồ hình. Phần đồ hình vẽ lại bản đồ các phủ, huyện, thành quách vùng duyên hải Trung Quốc: cùng hình vẽ các loại thuyền, vũ khí, quân cụ.

Riêng về tàu thuyền và vũ khí, có liên hệ mật thiết đến lịch sử Việt Nam: vì trước đó không lâu quân Minh đã từng xâm lăng và cai trị nước ta. Trong thời gian này đã xẩy ra nhiều cuộc giao tranh, trong đó có những trận thuỷ chiến: nên người yêu lịch sử đều muốn biết chúng đã sử dụng những loại thuyền bè gì, vũ khí như thế nào. Riêng trong phạm vi bài này, sách Trù Hải Ðồ Biên quyển 4 được tham khảo, để trình bày những loại tàu thuyền quân Minh thường sử dụng:

1. Ðồ thuyết về thuyền Quảng Ðông

Thuyền Quảng Ðông lớn lại chắc bền hơn thuyền Phúc Kiến. Do thuyền Quảng làm bằng gỗ giẻ, một loại thiết mộc: còn thuyền Phúc Kiến và thuyền Nuỵ [Nhật Bản] thường làm bằng gỗ tùng sam không chắc bền: bởi vậy nếu bị thuyền Quảng Ðông đâm vào thì vỡ ngay. Ðuôi chiến thuyền Quảng Ðông cao, từ đó dùng hoả pháo ném xuống có thể chế ngự thuyền đối phương: ngoài ra lại trang bị súng đại bác Phật Lang Cơ [Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha], nên có thể bắn hạ bất cứ thuyền nào. Tuy nhiên thuyền này gỗ cứng nên mất công chế tạo, giá thành cao: nếu hư khó sửa chữa nên không được thông dụng.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh
Ðồ hình thuyền Quảng Ðông
Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh
Ðồ hình thuyền thuộc huyện Tân Hội, Quảng Ðông
Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh
Ðồ hình thuyền thuộc huyện Ðông Hoàn, Quảng Ðông

2. Ðồ thuyết về thuyền Phúc Kiến loại lớn

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

Thuyền này to lớn như nhà lầu, có thể chứa hàng trăm người. Ðáy nhọn, phía trên sàn rộng, đầu ngang và trương ra: đuôi cao, đặt bánh lái ba lớp vào nơi này: quanh biên đóng ván dựng rào tre như bức thành, thiết lập 2 cột buồm. Bên trong có 4 tầng: tầng đáy không thể ở, chỉ chất đá gỗ để lấy thăng bằng lúc bão tố: tầng 2 cho quân lính nghỉ, có cầu thang gỗ lên xuống: tại tầng 3 hai bên phải trái đặt 6 cửa tủ, đây là nơi kéo buồm, nấu nướng, trước và sau tầng này là nơi sử dụng neo thuyền, dây thừng kéo lên kéo xuống phải dùng sức. Tầng trên cùng là đài lộ thiên, cầu thang từ dưới lên tại đây, hai bên lát gỗ làm lan can, lính dựa vào mà chiến đấu, tên, đá, hoả pháo xuất phát từ đây: thuyền địch nhỏ hơn gặp phải sẽ bị vỡ chìm: đánh thành hoặc hải chiến đều lợi hại. Tuy nhiên thuyền này chỉ hành sử lúc thuận gió, thuận triều, quay chuyển bất tiện: lại không thể ghé ngay vào bờ, chỉ nhờ thuyền nhỏ chuyên chở hộ.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh
Ðồ hình thuyền Phúc Kiến loại nhỏ

3. Ðồ thuyết về thuyền Hải Thương

Tham tướng Thích Kế Quang nói rằng thuyền Phúc Kiến cao lớn như thành, sức người không thề đẩy nó đi được, nên phải dựa và sức gió. Khi quân Nuỵ đến, thuyền Nuỵ nhỏ như loại thuyền Tiểu Thương của ta: nếu thuyền Phúc Kiến thừa gió ép vào thì chẳng khác gì cỗ xe đụng con bọ ngựa, chỉ cần đấu thuyền, không cần đấu sức cũng giành được thắng lợi: nếu như thuyền giặc cũng lớn như thuyền Phúc Kiến của ta, thì chưa biết chừng ai thắng ai. Tuy nhiên thuyền Phúc Kiến cần nước sâu khoảng 1 trượng 2 1, 2 xích: có lợi nơi đại dương nhưng bị kẹt nơi nước cạn: không đi chuyển được lúc không có gió: nếu thuyền giặc vào trong biển nơi nước cạn, thì thuyền Phúc Kiến trở nên vô dụng: nên thuyền Hải Thương được chế tạo để bù vào.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

Thuyền Hải Thương tương đối nhỏ hơn thuyền Phúc Kiến, chỉ cần nước sâu 7, 8 xích, gió nhẹ là có thể hoạt động được: nhưng sức lực không bằng thuyền Phúc Kiến. Gặp thuyền giặc lớn đụng vào thuyền ta, nếu quân lính không thật đảm lược tử chiến thì không thể thắng. Loại thuyền này có thể làm chìm thuyền giặc, nhưng không thể lặn xuống để lấy thủ cấp 3, vì vậy phải dùng Hải Thương thuyền để bù vào.

4. Ðồ thuyết về thuyền Khai Lãng

Tham tướng Thích Kế Quang nói rằng thuyền Khai Lãng [mở sóng] với mũi nhọn để rẽ sóng nên có tên như vậy. Sử dụng 4 mái chèo, 1 mái chèo lớn, hình dáng như bay: có thể chứa ba, năm chục người. Hoạt động không nề gió, hoặc thuỷ triều thuận nghịch.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

5. Ðồ thuyết về thuyền Ðồng Kiều

Tham tướng Thích Kế Quang nói rằng mới đây cải biến thuyền Thương Sơn thành thuyền Ðồng Kiều. Thuyền này so với thuyền Thương Sơn thì có phần lớn hơn, nếu so sánh với thuyền Hải Thương thì nhỏ hơn. Thuyền không có vòng rào xung quanh, gặp thuyền Nuỵ dù lớn hay nhỏ cũng có thể thi triển được. Tuy nhiên kỹ thuật chiến đấu của thuỷ binh kém hơn bộ binh: nếu thuỷ binh được tuyển mộ và huấn luyện giống như bộ binh rồi đưa lên thuyền thì thành quả hơn bộ binh, vì tại thuyền nguy hiểm công lớn. Ty trách nhiệm ngại gì mà không cho thi hành.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

6. Ðồ thuyết về thuyền Thương Sơn

Thuyền Thương Sơn đầu đuôi đều rộng, dùng cả buồm và mái chèo: gió thuận dương buồm, biển lặng dùng chèo. Mái chèo đặt tại phía hông đằng sau hai bên thuyền, mỗi bên 5 chèo, mỗi chèo có 2 chỗ nhảy để phát động, mỗi chỗ nhảy gồm 2 người. Trong tàu dùng gỗ ngăn thành tầng, tầng dưới cùng chất đá, tầng trên làm chiến trường, tầng giữa có cầu thang, đặt giường ngủ: chỗ dương buồm, hạ neo đều tại chiến trường. Thuyền này hẹp hơn các loại thuyền Quảng Ðông, Phúc Kiến: nhưng rộng hơn Sa Thuyền, dùng để xung trận tiện dùng và gặt thắng lợi, nên người Ôn Châu mệnh danh là Thương Sơn sắt.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

Tham tướng Thích Kế Quang nói rằng thuyền Thương Sơn rất nhỏ, trước đây người dân huyện Thái Bình đánh cá phần nhiều dùng: tại biển gặp giặc, đánh thắng nên nổi danh: đâu biết rằng thời đó thuyền giặc vào đất ta, các ngư nhân vì bảo vệ mạng sống phải liều mình. Thuyền này cách mặt nước không quá 5 xích, dựng rạp lên cũng không quá 5 xích. Nếu gặp thuyền địch cỡ tương đương, không nên dùng thuyền này xung kích, vì địch có thể dùng 2 chiếc kẹp vào, dùng đoản binh chiến đấu, thì không phải là trường sách cho quân ta và dễ bị lỡ lầm. Nếu thuyền giặc nhỏ, vào trong biển nước cạn, thuyền lớn Phúc Kiến không thể vào được thì phải dùng thuyền Thương Sơn để truy kích. Thuyền này hoạt động cần nước sâu 6, 7 xích tương đương với thuyền giặc, lại có thể nhảy xuống nước lấy thủ cấp.

7. Ðồ thuyết về thuyền Bát Tưởng

Ðúng như tên đặt, thuyền này có 8 mái chèo: chỉ dùng để do thám, không dùng để đánh nhau.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

8. Ðồ thuyết về thuyền Ưng

Sa thuyền tại Sùng Minh có thể tác chiến, nhưng bên trên không có vật che để ngăn hoả khí, tên, đá: nên không bằng thuyền Ưng hai đầu mũi lái đều nhọn, không phân biệt được đầu đuôi, tiến thoái nhanh như phi. Hai bên đều có mái ván, dùng nẹp tre đóng đinh khít, có chừa cửa sổ để chỉa súng ra bắn, sau song cửa quân ẩn nấp chèo thuyền. Nên dùng thuyền này xung phong trước vào đội hình giặc,Sa thuyền tiếp theo dùng đoản binh cận chiến, thì không trận nào mà không thắng. Ưng thuyền và Sa thuyền là 2 chiến thuyền dựa vào nhau.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

9. Ðồ thuyết về Ngư thuyền

Ngư thuyền so với các thuyền khác chế tạo ít vật liệu và công phu, nhưng công dụng thì rất quan trọng. Tại sao vậy? Xuất chiến dùng có 3 người: một người điều khiển buồm vải, 1 người sử dụng chèo, 1 người cầm súng điểu thương: buồm vải nhẹ và nhanh, dễ tiến dễ thoái, nhấp nhô lên xuống tùy theo sóng, địch từ xa nhìn không kịp. Gần đây dựa vào lực thuyền này dành được thắng lợi, bắt nhiều giặc.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

10. Ðồ thuyết về thuyền Võng Thoa

Thuyền này tại vùng ven biển Ðịnh Hải, Lâm Quan, Tượng Sơn đều sử dụng, hình giống cái thoi: dùng cột buồm tre, buồm vải bố, có thể chứa 2 người: vượt gió mạo hiểm, thường ra đại dương dưới chân núi Bát Sơn để thu hoạch rau, ngũ cốc, hoặc đánh cá. Khi thuyền đến dưới chân núi, hai ba người khiêng thuyền lên dưới khe núi để tránh thuỷ triều, lúc mặt trời hạ phía tây phải trở về thì mang thuyền xuống nước. Ðây là thuyền đánh cá nhỏ nhất, không thể chống giặc, chỉ dùng để do thám.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

Tham tướng Thích Kế Quang nói rằng thuyền Võng Thoa giống như chiếc thoi dệt vải, chứa được 2 người. Gặp lúc sóng gió liên miên, hai người đứng trước sau thuyền khiêng lên bờ nên không bị lật. Thuyền chỉ cần nước nước sâu 7, 8 thốn 4 là có thể hoạt động được, có thể dùng để báo tin hoặc tập trung hàng trăm chiếc trong cảng hoặc sông hẹp, cứ 2 ba người một nhóm tại ven biển, ven bờ sử dụng súng điểu thương chống cự thì rất hiệu nghiệm. Nếu như bị truy bức, thì bỏ thuyền chạy bộ, vì 1 chiếc thuyền giá chỉ 1 lượng bạc mà thôi.

11. Ðồ thuyết về thuyền Lưỡng Ðầu

Sách Ðại Học Diễn Nghĩa Bổ có đề cập đến thuyền Lưỡng Ðầu. Vì thuyền ra biển gặp gió bão lớn phải quay thuận chiều để tránh tai nạn, bèn chế bánh lái hai đầu, gặp gió đông chạy thuyền về phía tây, gặp gió nam chạy về hướng bắc, thuyền trên biển không loại nào lợi hơn. Việc binh bị không hiềm có nhiều, đã lo tính hoạ hoạn nên không ngại ra xa: trước đây chưa có cũng phải lo tìm, huống đã có loại này mà chưa bị mai một lại không biết học hỏi bắt chước ! Thuyền này xung trận, tuy thuyền giặc đội ngũ chỉnh tề cũng bị loạn.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

12. Ðồ thuyết về thuyền Ngô Công [con rết]

Thuyền gọi là con rết vì hình giống như vậy. Thuyền này nguồn gốc từ dân Di Ðông Nam, có trang bị súng Phật Lang Cơ [Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha]. Súng loại nặng 1000 cân, loại nhỏ 110 cân: công phá ác liệt, tuy gỗ, đá, đồng, thiếc, hễ chạm phải thì nát ra, va phải thì cháy, tốc độ thì sấm chớp cũng không bằng, quỷ thần đuổi cũng không kịp. Ðây là kỹ thuật sở trường của dân Di nơi hải đảo, du nhập vào Trung Quốc, nhân đó sử dụng để chế ngự Di Ðịch: phàm khí cụ hoả công, pháo, tên, súng sang cầu, không có thứ nào hơn vũ khí này. Năm Gia Tĩnh thứ 4 [1525] bắt chước chế tạo, trong mấy năm thời Gia Tĩnh thứ 13, chưa hề đem ra thử để thấy công hiệu của nó.

Cát Trĩ Xuyên nói rằng khí thế của con ngô công [con rết] át cả rắn: cái tên bọn Di đặt cũng có ý nghĩa, nếu bốn phương biển yên sông lặng là sở nguyện của mọi người, nhưng nếu rắn chưa yên thì việc chế con rết để trấn áp không thể không làm. Danh và khí trong lời nói này, xin thuật lại để đợi đem ra sử dụng.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

Ði biển nhanh chậm nguyên nhân bởi gió: người nước Ðại Thực tại phía đông nam châu Chương, hàng năm đi buôn bán tại các nước Phiên phải đợi đến đầu mùa đông gió tây bắc nỗi lên mới đi, đến đầu hạ gió tây nam thịnh mới trở lại, không có gió thì thuyền không thể di động. Riêng thuyền Ngô Công của Phật Lang Cơ [Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha] đáy nhọn, mặt sàn rộng, hai bên có mấy chục mái chèo, đi chuyển như bay, không lo lắng bị lật. Bởi vậy nếu bắt chước mà chế tạo thì dù bão giật hoành hành, cuồng phong bạo phát, thuỷ triều thuận nghịch đều có thể đi được. Huống trên biển ngày đêm hai dòng thuỷ triều giao lưu, cất mái chèo một ngày há không di chuyển được hàng trăm dặm ư!

13. Ðồ thuyết về Sa thuyền.

Người dân làng [nông dân] không quen thuỷ chiến, nhưng sa dân [dân vạn chài] sinh trưởng tại vùng biển thì thích hợp. Vì dân này sinh trưởng tại nơi bờ biển, quen với thuỷ tính, thường ra vào nơi gió biển thuỷ triều như đi trên đất bằng. Sa thuyền thường dùng tại vùng Trực Lệ, Thái Thương, Sùng Minh, Gia Ðịnh: nhưng Sa thuyền chỉ dùng để phòng thủ tại các cửa biển, tuần thám tại biển nhỏ, còn muốn xuất trận tại đại dương nên dùng thuyền Phúc Kiến hoặc Quảng Ðông.

Tàu thuyền Trung Quốc dưới thời Gia Tĩnh triều Minh

Hồ Bạch Thảo

Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (Diendan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.

Chú thích:

1. Tứ Khố Toàn Thư. Tứ Khố Toàn Thư được thành lập từ thời Thanh Càn Long thứ 38 [1773], sau khi duyệt xét tất cả các thư tịch từ thời Chu Tần cho đến nhà Thanh: sách được chọn đưa vào gồm 3503 bộ, tổng số 79337 quyển, chia làm 4 kho [khố]: kinh, sử, tử, tập.

2. 1 thị xích= 0.33 mét. 1 thị trượng=3.33 mét.

3. Thủ cấp: đầu người. Ngày xưa đánh nhau, thường cắt lấy thủ cấp để dâng công.

4. Thốn bằng 1/10 xích, tức 0.033 mét.

Xem thêm cùng tác giả: