Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở làng Kim Lũ (tức làng Lủ), huyện Thanh Trì, Hà Nội, thì hậu duệ đời thứ 6 có ông Nguyễn Công Thái là người thông minh, học giỏi và có chí lớn.

Năm 1703, Nguyễn Công Thái đỗ đầu kỳ thi khảo hạch ở địa phương, vào thi Hương ông lại đỗ đầu tức Giải nguyên, vào đến thi Hội năm 1715 ông đỗ đầu tức Hội nguyên. Thi Đông Các ông đỗ tam danh tức ngang với Thám hoa. Sau này khi đã hiển danh rồi, Triều đình ban cho ông bức đại tự “Tứ trạng nguyên đồng”. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Công Thái làm quan trải qua các chức vụ khác nhau, sau được thăng Thụ tự khanh Tế tửu.

Vùng đất Tụ Long giàu có bị nhà Thanh chiếm

Thời đó Tụ Long là một xã thuộc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, phía Tây giáp phủ Khai Hóa (Vân Nam, Trung Quốc), phía Bắc giáp với Ngưu Dương (Trung Quốc). Hai nước lấy con sông Đổ Chú làm biên giới.

Nơi đây ruộng đất màu mỡ, vụ mùa thường bội thu, có gỗ thông nổi tiếng mà người Trung Quốc rất thích, ngoài ra còn có tài nguyên khoáng sản quan trọng là mỏ bạc và mỏ đồng ở làng Nà Ngọ.

Mỏ đồng ở Tụ Long mỗi năm nấu được 45 vạn cân đồng (1 cân ta = 605 gam). Nơi đây có khu đúc đồng đông đúc với 300 nóc nhà và hàng vạn người đúc.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” mô tả rằng: “Các đèo ải ở Vị Xuyên, Tụ Long… là những nơi chứa góp của cải, nguồn lợi của các đời đều do đó mà sinh ra”.

Còn cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì viết rằng: “Núi Tụ Long ở địa phận xa Tụ Long, châu Vị Xuyên. Khoáng sản trong núi có đá nam châm và đồng đỏ, lại có chỗ lẫn cả ngân sa, nên cũng gọi là Xưởng Bạc”.

Thấy mảnh đất Tụ Long màu mỡ giàu tài nguyên khoáng sản, lại nằm ngay sát biên giới với mình, nhà Thanh bên Trung Quốc liền tìm cách chiếm đoạt lấy.

Năm 1687, quan lại thuộc phủ Khai Hóa tỉnh Vân Nam của nhà Thanh đã cho binh lính đến lấn chiếm khu vực mỏ đồng. Nhà Thanh gửi thư báo cho Đại Việt biết rằng biên giới giữa hai nước không phải là sông Đổ Chú như trước nữa mà là sông Ninh Biên, đồng thời cho rằng trước đây Đại Việt lập bia mốc về phía Bắc nên lấy mất phần đất của Trung Quốc, nay phía nhà Thanh lấy lại phần đất này.

Cắm cột mốc xác định chủ quyền biên giới với nhà Thanh

Suốt một thời gian dài, chúa Trịnh Cương nhiều lần cử đoàn sứ bộ dùng ngoại giao đòi lại vùng đất Tụ Long. Vũ Công Tể cùng các quan đã nỗ lực ngoại giao với nhà Thanh. Năm 1728, nhà Thanh phải trả lại vùng đất này, lấy sông Đổ Chú (nay là sông Hương Thủy) và núi Bạch Mã làm biên giới.

Năm 1728, Triều đình cử Tế tửu Nguyễn Công Thái và Tả Thị lang Bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận đến nhận lại đất và cắm mốc biên giới. Khi đến nơi, các quan lại nhà Thanh dẫn hai ông đến sông Đổ Chú ở phía nam Tụ Long và chỉ cho thấy cột mốc biên giới mà nhà Thanh đã cắm.

Với cột mốc biên giới ở phía nam Tụ Long, nhà Thanh vẫn chiếm được khu mỏ đồng Tụ Long. Nguyễn Công Thái và Nguyễn Huy Nhuận tìm hiểu và biết rằng con sông mà quan lại nhà Thanh chỉ không phải là con sông Đổ Chú để phân định biên giới. Hai ông phải tìm ra đúng khu vực sông Đổ Chú phân định biên giới.

Với bằng chứng xác thực, quan lại nhà Thanh phải đồng ý trả lại 17 làng trong đó có cả khu mỏ Tụ Long. Nguyễn Công Thái dựng bia đá ngay tại khu vực này làm mốc biên giới với nhà Thanh, từ đó khu mỏ Tụ Long giàu có lại thuộc về Đại Việt.

song do chu 1
Hai nước cùng lấy sông Chú lám biên giới. Phần bao sử dụng chấm đứt bên phải và phía dưới có ghi: biên giới An Nam. Sông Đổ Chú ở phía trên cùng giữa hình, hợp vào phần biên giới nét chấm đứt. (Tranh: Nhantuantruong.blogspot.hk)

Góp công lớn dẹp nạn hoạn quan

Lúc này ở trong nước chúa Trịnh Giang nghe theo đám hoạn quan dụ dỗ đi vào con đường ăn chơi sa đọa khiến quốc khố cạn kiệt, lại tăng thuế của dân để có tiền ăn chơi khiến dân chúng ca thán.

Năm 1739, chúa Trịnh Giang bị sét đánh gần chết, rồi mắc bệnh “kinh quý” – tinh thần bất định, hay hoảng hốt sợ hãi. Bọn hoạn quan cho đào đất xây hầm cho Chúa ở gọi là cung Thưởng Trì. Từ đó Trịnh Giang ở hẳn dưới hầm này không dám ra ngoài. Trong Triều, hoạn quan Hoàng Công Phụ nắm quyền tác oai tác quái.

Năm 1740, Nguyễn Công Thái đang giữ chức Tả thị lang bộ đã cùng các quan khác tính kế đưa Trịnh Doanh lên ngôi Chúa thay Trịnh Giang. Nhờ có công nên ông được thăng chức và trọng thưởng, được chúa Trịnh Doanh tin tưởng giao dạy dỗ Thế tử Trịnh Sâm.

Làm quan đầu Triều, về hưu sống giản dị

Trải qua 40 năm làm quan phụng sự cho 4 đời Chúa, Nguyễn Công Thái bị thăng giáng thất thường, nhưng có đến 5 lần làm Tham tụng (quan đầu triều tương đương Tể tướng).

Theo cuốn Phả họ Nguyễn ở làng Kim Lũ thì Nguyễn Công Thái vì bị nhiều đố kỵ nên đổi chức luôn, nhưng ông vẫn chứng tỏ được tài năng và sự ngay thẳng của mình nên lại được cất nhắc lại.

Dù làm quan đầu Triều nhưng Nguyễn Công Thái vẫn một mực xin về hưu, sống bình dị cùng dân làng quê Kim Lũ. Được Vua ban 100 mẫu đất lộc điền, ông cùng con cháu và dân làng có đất cày cấy.

Chúa Trịnh Sâm thấy thầy của mình sống trong nhà tre vách nứa nên muốn làm tặng thầy căn nhà 3 gian bằng gỗ tốt, nhưng mấy lần ngỏ ý Nguyễn Công Thái đều khước từ. Chúa lại ngỏ ý muốn làm 3 gian nhà để thầy làm từ đường, nhưng Nguyễn Công Thái vẫn không đồng ý.

Tể tướng Nguyễn Công Thái: Người cắm mốc biên giới bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Công Thái được công nhận di tích cấp quốc gia vào tháng 6/2021. (Ảnh:Báo Giáo dục & Thời đại)

Chúa phải năn nỉ mãi mới được đồng ý cho xây dựng một ngôi từ đường “Nguyễn tướng công từ” gồm 3 gian, 2 dĩ, bằng gỗ lim. Nơi đây ngày nay gian giữa thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái, gian bên phải thờ dòng trưởng và gian trái thờ ngoại tổ.

Trong từ đường có Văn bia “Quan Thượng thư Tể tướng” do Nguyễn Công Tú – Hàn lâm viện thị độc soạn có nội dung như sau:

“Trong hơn 40 năm làm quan tại triều, Nguyễn Công Thái có bản lĩnh độc lập không dựa dẫm vào ai, thẳng một mực giữ đúng ý không a dua. Tuy phẩm tước chỉ đạm bạc nhưng vẫn vui vẻ cần cù làm việc, bên trong khoan hòa mà bên ngoài phép tắc, có tài kinh luân gánh vác.

Trải qua 4 triều chúa, ông đều được trọng dụng, làm việc không mệt mỏi, công lao không phải nhỏ, nhưng chỉ khiêm tốn coi đó là chức phận. Ngay cả khi được hưởng ân sủng của vua, ông chưa từng kể công, chỉ một lòng trung thành trong sáng, đạo đức độ lượng, đạo của người làm tướng rõ rệt thay”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: