Một chiều hè tháng 6, đằng sau gốc cây rễ trồi lên sần sùi, có người thanh niên ngoại quốc ngồi trầm tư rất lâu bên mép Hồ Gươm, tầm mắt đưa vào vô định giữa những luồng nước nhỏ cuốn theo lá khô và rác chảy qua đám lá sà hẳn xuống mặt nước. Không biết anh đang nghĩ gì, nhưng đó hẳn không phải là một góc để ngồi ngắm cảnh. 

Tết nhìn từ những ô vuông vàng khu tập thể
Những khối lập phương quen thuộc ngay cả với những người chưa từng một lần đặt chân qua.

Người thanh niên ấy tên Antonie. Anh nói chúng tôi có thể gọi là An. Trái với vẻ trầm tư ban nãy, khi vào nhịp câu chuyện, anh nói nhiều, nhanh chóng lấy ra một cuốn sổ ghi chép để “thuyết minh” về một dự án anh và những người bạn đang tham gia tại Hà Nội. Dự án bảo tồn những khu tập thể (KTT). Trong mắt anh, những căn nhà tập thể tại Hà Nội thật đẹp, và chẳng có lý do gì để nhất định phải phá  hủy chúng. Theo những nét phác rất nhanh trong cuốn sổ, anh chỉ ra ưu điểm về tính mở của không gian cộng đồng mà KTT tạo ra, là khả năng kết nối từ những va chạm sinh hoạt trên cái sân chung, những lối đi nhỏ hẹp dẫn từ sân lên tầng 4, tầng 5 hình thành tập quán hỏi thăm hàng ngày hay khoảng trời rộng được tạo ra bởi khoảng không giữa hai dãy nhà. Điểm cần khắc phục là những dãy cầu thang chật hẹp, đang xuống cấp – nếu có thể sửa, sẽ giúp tăng thêm diện tích và người già dễ dàng đi lại. An dùng giọng tiếng Việt nói ka-tê-tê (KTT), thoáng cười mỗi khi nhắc đến cụm từ “khu tập thể”.

Nếu không có buổi trò chuyện với An hôm ấy, ý niệm về những khu nhà tập thể trong tôi chỉ là “xuống cấp và cần thay thế”. Tôi nhìn An; bảo tồn và tu tạo những khu tập thể không phải là một ý tưởng ngẫu hứng của một tay thiết kế. Trái với vẻ ngoài ngoại quốc của mình, An thấu cảm được với không gian văn hóa – sinh hoạt một thời nơi đô thành của một đất nước mà ký ức đọng lại đối với phần đông dân cư là một thời bao cấp đói kém, chật chội, bất tiện, nay đã xuống cấp và cần thay thế. Dự án mà An và những người bạn đang nghiên cứu khi đó vẫn còn nhiều điều đáng bàn, song cuộc gặp gỡ tình cờ hôm ấy dạy cho tôi về sự thấu cảm và bớt tính hoài nghi. Trong khi trong tôi, ka-tê-tê chỉ hiện lên là những bức tường vàng nứt nẻ lỗ chỗ mảng vữa rơi, những đám rễ cây dại mọc loang bên khe tường, những chạm mặt lúng túng trên cầu thang hay tiếng chao chát chỉ cách nhau một bức vách, thì một cuộc gặp gỡ tình cờ lại chìa ra cho tôi thấy vẫn còn đó những suy nghĩ nồng hậu rằng nên nâng niu những ô vuông được bọc bởi những dọc, ngang, chéo chằng chịt dây phơi và lồng “chuồng cọp”.

tet nhin tu nhung buc tuong khu tap the 3 image
Khoảnh sân chung thân thuộc với những nô đùa hồn nhiên.

Bởi bên cạnh những thô ráp sần sùi là tiếng hỏi han, nhờ vả nhau sớm tối, lối đi chung với muôn vàn cơi nới đủ để nhận diện nếp sinh hoạt của mỗi gia đình, nghe nắm hoa mùi đặt trên cái làn chật căng của bà cụ đang chầm chậm leo cầu thang trước mặt biết Tết sắp về. Đôi khi giữa phố mà như trông thấy làng. Đôi khi cần quên đi đặc tính “không gian riêng tư” của những căn hộ biệt lập, những vuông chung cư 2 lớp cửa đóng kín để có buổi chiều đứng ngoài hành lang tróc vữa nhìn xuống cái sân chung, quan sát tiếng í ới chào nhau khi đón con về, tiếng lũ trẻ hò reo tay vung kiếm nhựa, tới bữa tiếng bà, tiếng mẹ gọi “mang cái dạ về đây”. Những chuyển động của đời sống tinh thần ấy khiến cho tôi nhận ra ngay cả khi những khu nhà tập thể tới một lúc cần thay thế, thì điều cần phá không phải là không gian văn hóa ấy.

Trong câu chuyện về những ngôi nhà, tôi thấy bóng dáng của những ngày Tết đã qua và sẽ tới. Người ta những năm gần đây nói nhiều về việc bỏ Tết, gộp Tết, vì kỳ nghỉ lễ kéo dài, những vụ tai nạn quá nhiều, rồi ẩu đả, tệ dị đoan, cờ bạc, thói tham ô. Như những bức tường khu tập thể đã bong vữa, những ô vuông gây chật chội và bức bối, người ta nóng lòng muốn thay đổi bằng cách đập bỏ chúng đi. Nhưng như một miền ký ức, Tết tựa như những bức tường loang để lại dấu ấn về một khoảng không gian mà ở đó con người cứ tự nhiên va chạm với nhau, tự nhiên kết nối, tự nhiên thân tình.

tet nhin tu nhung buc tuong khu tap the 4 image
Những ô vuông nhỏ xếp chồng…

Nếu như mỗi ô vuông nhỏ để lộ ra nếp sinh hoạt của mỗi nhà, từng ngày Tết qua đi cũng kể lại câu chuyện cuộc đời của mỗi nhà, nơi những tranh cãi đến rồi đi, yêu thương rồi xoa dịu, nơi tiếng thở dài trong những ngày bức bối, tiếng cười vang trong những ngày chạy theo chân bố quét mạng nhện, phụ gói bánh chưng. Đêm 29, mẹ trằn trọc trông lửa canh nồi bánh, sớm hôm sau giục bố vớt nhanh, bày lên chiếc bàn gỗ nén cho ra nước để tối bày ba chiếc lên ban thắp hương gia tiên, một chiếc bày mâm ngoài trời cúng quan đi tuần. Sáng mùng 1 tung chăn là thấy thơm lừng mùi nước mùi già, chạy ào xuống bếp đợi mẹ múc từng gáo nóng hổi ra thau, háo hức bưng đi đánh răng rửa mặt.

Ký ức đọng lại từ những ngày Tết cũ kỹ xa xưa, là những tối 29 ngóng mẹ, đợi tiếng phanh vọng lại từ xa, xúm lại dòm thùng hàng của mẹ xem có hết. Có ngày Tết hàng bán hết, người ta cũng trả tiền xuôi xuôi, vậy là nhà có Tết, mẹ có tiền trả nợ để ra Giêng lại mượn vốn xoay vòng. Có đêm 29 mịt mùng, mẹ lặng thinh không nói, tiếng xích xe đạp quay vòng trên líp, mẹ nhẩm tính tiền hàng họ không trả, còn nhà nào để sót chưa khất nợ hay không. Lạ lùng thay khi Tết hạnh phúc hay không dường như chẳng liên quan lắm tới mâm cỗ tất niên có đầy. Tết là hạnh phúc khi có bố có mẹ, có đủ anh chị em sum vầy, ngồi bên mâm cơm tíu tít kể chuyện bữa này, hôm xưa.

Tết nhìn từ những ô vuông vàng khu tập thể
Trên khoảnh sân xào xạc lá, những đứa trẻ bên chúng bạn vui đùa.

Những cầu thang thoai thoải dễ chạm mặt nhau, như Tết năm nào cũng bánh chưng, cũng đào, cũng mứt. Nhưng lạ thay khi cất tiếng chào, khuôn mặt đăm chiêu đối diện bỗng dãn ra thành nụ cười, sẽ hỏi han nhau bằng một vài câu thăm hỏi vu vơ. Như trong ngày đầu năm mới, dù còn lo âu ai rồi cũng sẽ gác lại, lòng người vẫn chộn rộn, vui vui mà rổn rảng bắt tay chúc nhau phúc lộc đầu năm. Tiếng hạt dưa tí tách, những câu chuyện trò giữa anh chị em xa mà nếu không có ngày Tết có lẽ chẳng có khi nào gặp nhau. Vì ai cũng bận rộn lo toan, một ngày chớp mắt đã hết 24 giờ, một năm 364 ngày cứ vội lướt qua. Vì thế, Tết là dịp đoàn viên. Bà con xa tới chơi, vài hộp quà gửi nhà trưởng thắp hương để nhớ dì, nhớ cậu đã khuất. Những đứa cháu có dịp biết họ hàng để chẳng lạ anh chị em xa.

Lớn lên rồi, cuộc đời sẽ trải dài theo những chuyến đi xa. Chuyến đi của cuộc đời ấy, đôi khi là việc trưởng thành theo những lối suy nghĩ khác, đôi khi là đi thực, đi làm xa, đi lấy chồng xa, đi buôn bán, làm ăn nơi đất lạ quê người. Bạn bè cùng thế hệ lâu ngày không gặp đã khác, huống chi bố mẹ và con hai thế hệ, cách suy nghĩ nhìn nhận nhiều xung khắc, bố mẹ cứ lớn tiếng lo toan là đứa con dằng dỗi. Tết như một cái cớ để đứa con trở về. Vì mấy ai lang thang được trong chiều 30. Nỗi đơn côi ấy còn lạnh hơn gió mùa, nó khiến lòng thốt trống rỗng, hư không. Người đi làm xa xứ chiều tối 30 càng mong vun vén để mau mau chóng chóng được trở về. Như những ô vuông màu vàng nho nhỏ vài chục m2 vẫn làm thành mái ấm, Tết ấy như một dịp bình yên, để cho con quay trở về, cho lòng người gần gụi với cả người tình cờ đi qua… Sáng mùng một năm nao có tiếng người rao muối ơ. Mẹ mua gói muối, bao diêm. Về mở ra, trong gói muối đã đặt thêm tờ 200 gia lộc cho gia chủ đầu năm.

tet nhin tu nhung buc tuong khu tap the 1 image
Những bận rộn, lo toan sẽ khép lại, để một năm mới đến cùng gia đình thêm bình an.

Đó là những ngày Tết đã qua. Tết sẽ tới sẽ “hiện đại hóa” hơn nhiều. Những tour du lịch dịp Tết đang ngày càng phổ biến. Việc đụng lợn, gói bánh chung giờ chỉ còn ở thôn xóm xa xôi. Từng chồng bánh gói sẵn bày bán bên đường, tiện thì có tiện nhưng sao cứ thấy khoảng trống không trong lòng. Như những vuông chung cư cầu thang cao hun hút, người người ào vào thang máy cũng vội vã như khi đi ra. Tết ở nhà phố từ năm nao, nhà đã thuê người đến dọn, giày dép cũng mang ra tiệm người ta đánh…, những giản tiện khiến đứa trẻ không còn được trở thành một phần của Tết như xưa khi lòng ngời ngời trách nhiệm cần phụ mẹ để làm nên cái Tết. Khi Tết là một dịp cùng sửa soạn, lo toan, nó tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, để tới đêm giao thừa xong việc, ngồi cạnh nhau, uống một ngụm trà, ngửi mùi hương nồng ấm của nén hương bài mà chia sẻ với nhau những phút bình an, bình an tới mức cảm nhận rõ mình như trưởng thành lên một tuổi, có thể tha thứ hay thấu hiểu bất kỳ ai cho tới vô cùng…

Thấu cảm và bớt hoài nghi khiến cho trái tim tôi chợt trở nên bao dung tới lạ lùng. Như khi tôi hiểu, những hành lang khu tập thể có thể kém riêng tư, nhưng lại là chỗ cho lũ trẻ tuổi đi bất cứ lúc nào có thể chạy ào sang nhà hàng xóm, nấp sau cánh cửa trốn bà bón cơm, những khung cửa khép kín luôn sẵn sàng mở để đón lấy khoảng trời đêm bao la, nghe tiếng gió xào xạc thổi nhẹ ngày lòng trĩu nặng không biết chia sẻ cùng ai. Điều gì rồi tới lúc cũng sẽ phải đổi thay. Những khối nhà vàng tới một lúc sẽ trở thành ký ức. Nhưng như những ký ức ngày Tết vẫn đang được vẽ thêm từng năm, từng ngày, đừng xây nên những bức tường cao, kiên cố che chắn lòng người. Nếu có thể hãy tự thương lượng với lòng mình, đặt chữ “trách nhiệm” sang một bên, và rồi đón Tết bằng tấm lòng hồn nhiên buông xả. Mỗi lo toan nên trở thành một sửa soạn, và biến tất bật thành vui tươi, đừng cố chấp thiếu thừa bởi Tết cần nụ cười hơn no đủ. Những người mẹ đừng gánh hết công việc về mình, vì còn có bố, có đám con đang chờ được trở thành một phần ký ức trong gia đình.

Như những ô cửa sẵn sàng đón mình dù lúc bình minh hay đêm tối, mỗi ngày cuối năm Tết sẽ là một dịp đoàn viên, để cho những đứa trẻ lớn nhanh như thổi đã vội vã ra đi, một chiều 29, 30 chợt ào về, tìm lại nhịp bình yên, ấm áp trong những vụn lành. Bởi vì gia đình là hàn gắn, như những ô vuông nhỏ xếp chồng đã sắp đặt cho mỗi cuộc đời được trải rộng bên nhau.

Nghinh Xuân

Ảnh: Phạm An 

Xem thêm:

Mời xem video: