Ngày nay không ít cha mẹ đặc biệt chú ý đến việc dưỡng thai, thai giáo bằng cách nghe nhạc Mozart, tập yoga, đọc sách, chế độ dinh dưỡng đầy đủ… với mong muốn con mình sinh ra sẽ là một đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh, có khí chất và tài năng hơn người. Kỳ thực dưỡng thai không phải là việc ngày nay mới có, từ xa xưa các bậc cha mẹ đã rất coi trọng việc này. Trong việc dưỡng thai, cổ nhân đặc biệt xem trọng “Thân giáo” và “Đức dục”.

Cổ nhân dưỡng thai: Xem trọng thân giáo và đức dục để sinh con tài đức
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong cuốn “Tân Thư”, tác giả Giả Nhị, một vị quan thời Tây Hán đã viết rằng: “Chu Phi Hậu sau khi mang thai Thành Vương (vị vua thứ hai triều đại nhà Chu) khi đứng thì không nghiêng lệch, khi đi thì ngay chính, khi ngồi thì ngay thẳng, khi cười thì nhỏ nhẹ, dù ở một mình cũng khiêm nhường lễ tiết, khi gặp chuyện tức giận cũng không trách mắng, nói lời khó nghe. Đây được gọi là thai giáo”.

Một cuốn sách khác của tác giả Lưu Hướng, học giả thời Tây Hán, có tên “Liệt Nữ” cũng viết rằng: “Người phụ nữ thời xưa khi mang thai, ngủ không nằm nghiêng, đứng không nghiêng lệch, ngồi không xiên vẹo, không ăn thức ăn có vị khác lạ, đồ bất chính thì không ăn, nơi bất chính thì không ngồi, mắt không nhìn chỗ tà sắc, tai không nghe lời dâm dục, đêm ngâm thơ đọc sách. Làm được như vậy, con sinh ra sẽ hình dáng cân đối, đoan chính, có tài đức hơn người”.

Như vậy có thể thấy rằng yêu cầu của cổ nhân đối với phụ nữ mang thai là vô cùng nghiêm khắc. Khi mang thai, người mẹ không chỉ phải chú ý đến từng cử chỉ hành vi bên ngoài của bản thân mình mà từng suy nghĩ bên trong nội tâm cũng phải được coi trọng. Đây là bước khởi đầu quan trọng để sinh ra một đứa trẻ có hành vi đoan chính và tài đức vẹn toàn.

Trong cuốn sách cổ về y học có tên “Y tâm phương. Cầu tử” có một mục ghi chép tường tận về việc thai giáo. Trong đó viết rằng, phụ nữ sau khi mang thai cần phải làm nhiều việc thiện, chớ xem những hình ảnh hung dữ, chớ nghe những lời ác, lời nói dâm dục, chớ nói lời nguyền rủa, chớ mắng chửi người khác, tránh để bản thân kinh sợ, kiệt sức, tránh nói lời xằng bậy, chớ ưu sầu, không ăn đồ sống, không cưỡi xe ngựa hay trèo cao, chớ đi vội vã, cần phải giữ tâm ngay chính và suy nghĩ đúng đắn, thường xuyên nghe kinh thư. Làm được như vậy thì sinh con trai hay gái đều trí tuệ, trung thực, hiền lương. Đây được gọi là thai giáo.

Ngoài những quy phạm trên, trong cuốn sách này cũng khuyên phụ nữ khi mang thai nên chơi đàn cầm và đàn sắt. Bởi vì việc này giúp phụ nữ mang thai điều hòa tâm thần, điều hòa tính khí, tiết chế thèm khát, tâm thân thanh tịnh. Về phương diện này, so với phương pháp giáo dục thai nhi hiện tại của chúng ta là có sự tương đồng. Nhưng có sự khác biệt ở đây, chính là âm nhạc không phải trực tiếp tác động tới thai nhi, mà là giúp an định tâm thân của người mang thai. Lấy tinh thần của người mẹ tác động tới tinh thần và thể chất của thai nhi. Có thể nói đây là cách làm rất khoa học.

Trong tư tưởng thai giáo của cổ nhân, thì “đức dục”, giáo dục đạo đức được xem trọng hơn là giáo dục con thành tài. Ngay khi người mẹ bắt đầu mang thai, cha mẹ sẽ luôn dùng lời nói và việc làm của mình để làm gương cho con. Mỗi lời nói và hành vi của cha mẹ đều phải giữ chuẩn mực đạo đức, từ đó tạo cho thai nhi một môi trường thuần khiết nhất để phát triển.

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ chỉ coi trọng giáo dục sao cho con trở nên thành người có tài năng hơn người, có thành tích vượt trội mà không chú trọng giáo dục đạo đức. Thậm chí, có người cho rằng giáo dục đạo đức là sáo rỗng, cứng nhắc, không thực tế. Kỳ thực, từ kinh nghiệm tổng quan của người xưa, sự thành công trong giáo dục đạo đức không những bồi dưỡng ra những đứa trẻ xuất sắc trong học tập mà còn có chuẩn mực đạo đức trong đối nhân xử thế.

Khi một người có phẩm hạnh chính trực thì có thể chuyên chú học tập, không bị dẫn dụ bởi thanh sắc, làm gì cũng không dễ dàng bở dở giữa chừng. Những đứa trẻ được giáo dục đạo đức tốt thì khi trưởng thành cho dù không phải nhân tài kiệt xuất thì cũng là những người sống chuẩn mực, duy trì sự bình hòa, an ổn trong gia đình và xã hội.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: