Khoa thi năm 1247 thời vua Trần Thái Tông trở thành khoa thi kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử, khi mà 3 vị đỗ đầu tức “Tam khôi” chỉ là 3 thiếu niên. Trong đó Trạng nguyên và Thám hoa đều mới chỉ có 13 tuổi.

Thám hoa 13 tuổi của khoa thi độc nhất sử Việt
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Người đỗ đầu là Trạng nguyên Nguyễn Hiền, năm ấy chỉ mới 13 tuổi, được mệnh danh là Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất lịch sử nước ta.

Người đỗ thứ hai tức Bảng nhãn Lê Văn Hưu mới 17 tuổi, sau này thành nhà sử học nổi tiếng bậc nhất, tác giả “Đại Việt Sử ký”, cuốn quốc sử đầu tiền của Việt Nam.

Người đỗ cao thứ ba là Thám hoa Đặng Ma La, năm ấy cũng chỉ mới 13 tuổi. Đây là Thám hoa nhỏ tuổi nhất, tuy nhiên không phải ai cũng biết đến vị Thám hoa này.

Học hết chữ thầy

Theo “Đặng tộc đại tông phả” vào những năm cuối thời nhà Lý, có ông quan là Đặng Nghiêm kết hôn với bà Lý Thị Tiêu vốn là tôn thất nhà Lý. Khi nhà Trần thay nhà Lý, Trần Thủ Độ đã bắt các tôn thất nhà Lý phải đổi họ, bà Lý Thị Tiêu cùng gia đình phải chạy về làng Khúc Thủy, huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đế lánh nạn và đổi từ họ Lý sang họ Đặng.

Hai vợ chồng ông Đặng Nghiêm có 3 người con trai là Đặng Tảo, Đặng Diễn và Đặng Ma La. Trong đó Đặng Tảo và Đặng Diễn đều thi đỗ Thái học sinh và làm quan trong triều nhà Trần.

Năm Đặng Ma La 4 tuổi đã đòi mẹ cho được học chữ, nhưng vì gia cảnh lúc ấy còn khó khăn, nên người mẹ cứ khất cho đến năm Ma La lên 6 tuổi mới đưa đến nhà thầy đồ.

Có giai thoại kể rằng thầy đồ muốn thử tài Ma La nên ra vế đối rằng: “Làm thằng chí, làm thằng chuột, làm thằng bạch đinh, khốn khổ lầm than cùng khắp đất”.

Ma La đối lại rằng: “Đỗ ông cống, đỗ ông nghè, đỗ ông Hoàng giáp, giàu sang phú quý lệch nghiêng trời”.

Vốn thông minh nên trong mấy năm liền, Ma La cứ phải học hết thầy này đến thầy khác, bởi thầy hết chữ để dạy rồi thì phải chuyển đến thầy khác học. Vì thế mà sau mấy năm Ma La đã học hết chữ của các thầy đồ quanh vùng, nên đành phải tự học.

Tự học không có thầy thì rất cần có sách, Ma La xin tiền mẹ để mua sách. Có một giai thoại kể lại rằng Ma La trên đường đi tìm sách để mua thì gặp một ông lão đang gánh sách rao bán, Ma La lễ phép chào ông cụ và hỏi muốn mua sách. Ma La rất vui vì thấy sách có nhiều mà lại toàn sách rất hay, nhưng vì không có nhiều tiền mua hết nên cậu đành lựa vài quyển để mua.

Trong khi Ma La đang phân vân chọn sách thì ông lão đưa cả cho, trong số sách có cả Kinh Phật. Ma La sung sướng nâng niu sách giở ra xem, khi ngẩng lên thì không thấy lão đâu nữa, mà tiền cậu cũng chưa kịp trả.

Thám hoa nhỏ tuổi nhất

Đặng Ma La chăm chỉ học hành, đến năm 1247 Triều đình mở khoa thi, Ma La dù mới chỉ 13 tuổi cũng đăng ký tham dự. Cậu bé vượt qua các vòng thi Hương và thi Hội, rồi chuẩn bị cho kỳ thi Đình.

Trên đường đến Kinh thành dự thi Đình, Ma La nhẩm lại lời Kinh Phật nhưng có một số điều còn chưa hiểu, lúc này lại tình cờ gặp một vị sư già, vị sư này tận tình giải nghĩa một số điều trong Kinh Phật cho Ma La hiểu.

Vua Thái Tông vốn là người tu luyện, hiểu Phật Pháp, nên đề thi Đình có liên quan đến Phật Pháp. Ma La nhờ đọc được kinh sách và được sự chỉ bảo của vị sư già mà làm bài rất tốt, đỗ Thám hoa.

Khoa thi năm đó Trạng nguyên là Nguyễn Hiền, Bảng nhãn là Lê Văn Hưu, còn Đặng Ma La đỗ Thám hoa.

Kết thúc khoa thi, vua Trần Thái Tông cho gọi “Tam khôi” vào yết kiến. Lê Văn Hưu lớn nhất trong 3 người nhưng cũng chỉ mới 17 tuổi; còn Nguyễn Hiền và Đặng Ma La còn rất bé, mới chỉ 13 tuổi. Cả 2 cậu bé đều lúng túng trong bộ quần áo rộng thùng thình mà Vua mới ban cho Trạng nguyên và Thám hoa.

Nhà Vua ngạc nhiên vì Trạng nguyên và Thám hoa dù còn rất nhỏ nhưng bài làm thì rất xuất sắc, vượt xa các sĩ tử khác, bèn hỏi: “Tân Trạng nguyên và tân Thám hoa nhờ đâu mà đang ít tuổi thế kia lại đỗ cao?”

Nguyễn Hiền nhanh nhẩu đáp rằng: “Muôn tâu, sinh nhi dĩ tri”, nghĩa là sinh ra đã biết. Nguyên lời của Khổng Tử là: “Sinh nhi tri chi giả thượng dã” nghĩa là: Sinh ra mà đã biết ấy là người ở bậc cao.

Đợi Nguyễn Hiền trả lời xong, Đặng Ma La mới chậm rãi đáp rằng: “Muôn tâu, đắc ư sư truyền” nghĩa là: Được như thế là nhờ có thầy truyền dạy.

Vua nghe xong liền cho rằng Nguyễn Hiền văn chương giỏi nhưng còn thiếu “lễ” nên cho về nhà 3 năm sau thì vào Triều. Đặng Ma La tuy cũng trạc tuổi Nguyễn Hiền nhưng được lòng vua, nên cho lễ rước vinh quy về làng, sau đó gọi ra Triều đình phong chức làm Thẩm hình viện sứ.

Về sau Đặng La Ma được thăng lên làm  Nhập thị nội các Tu soạn Kinh Diên, về sau được phong tiếp làm Thị giảng Vũ Hiển đại học sĩ cáo thụ Vinh Lộc đại phu. Ông góp công trong cuộc chiến đánh bại quân Nguyên Mông lần thứ nhất vào năm 1258.

Năm 1272, Triều đình cử ông đến đất Kinh Dương thuộc lộ Hải Đông (nay thuộc Hải Phòng) để luyện quân.

Đúng vào thời điểm năm 1285 khi quân Nguyên Mông tiến đánh Đại Việt lần thứ 2 thì ông mất. Hiện lăng mộ và đền thờ của ông vẫn còn ở Đình Đông (Hàng Kênh, TP Hải Phòng). Con trai của ông là Đặng Hữu Điểm làm đại đến chức Đại phu vào thời vua Trần Nhân Tông.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: