Tham nhũng trong giáo dục xưa nay, người ta chỉ mới nói đến chuyện ăn tiền từ xây dựng cơ sở vật chất, ăn tiền đút lót chạy lớp chạy trường, ăn tiền thừa giờ của giáo viên, ăn tiền chạy việc của giáo viên…

Tuy nhiên có một loại tham nhũng nữa là một số cán bộ quản lý cũng tham gia viết sách hoặc đứng tên rồi dùng ảnh hưởng của mình để đưa sách vào trường học mà sách đó không có chất lượng.

Không có quy chế cấm những cán bộ quản lý này viết lách rồi tham nhũng chính sách kiểu trên thì trường học sẽ còn gánh những chuyện như trường An Phong (vụ 23 đầu sách) dài dài.

Khổ! Làm quản lý thì cứ chuyên tâm làm quản lý, sách vở mà làm gì. Cái mặc cảm làm quan muốn có tiếng là trí thức, trong khi đó làm trí thức lại muốn oai nhờ chức vụ mới buồn cười và tai hại làm sao.

Ở Hàn Quốc có ông nghị sĩ in thơ bán được cả triệu bản là vì thế.

Cũng may mắn là giờ cán bộ quản lý giáo dục về cơ bản cũng ít làm thơ, chứ nếu làm thơ mà phát hành vào các trường dưới ảnh hưởng của mình thì học sinh, thầy cô tất chết.

Khi khảo sát thư viện trường học hay thư viện công ta sẽ thấy trong đó có vô số sách… rác. Tức là sách kiểu biên soạn, sách nhái, thậm chí cả sách lậu. Còn lại một cơ số là sách viết nội dung vớ vẩn lung tung xếp chật các giá. Không ai đọc vẫn bày ở đó để trong sổ có đủ số lượng sách và nhìn hoành tráng. Nghe bảo sách đó chiết khấu rất cao mà phần chiết khấu đó thì tất nhiên người bán sách không được hưởng cả.

Muốn các cháu đến với thư viện thì các trường, các thư viện công cần chấm dứt cách làm này.

Mua sách phải dựa trên nhu cầu và chất lượng.

Cần xóa bỏ tệ lậu này để các nhà sách, công ty xuất bản cạnh tranh với nhau đàng hoàng bằng đề tài, chất lượng và qua đó nhờ bàn tay vô hình mà trong khi các công ty cạnh tranh nhau thì chất lượng sách nâng lên và bạn đọc được hưởng lợi.

Không khi nào như bây giờ nghề thư viện, xuất bản cần những người có quyết tâm, tài năng và biết theo đuổi mục tiêu chiến lược là xây dựng đất nước văn minh tạo ra cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho tất cả mọi người như bây giờ.

Cơ hội cuối cùng cho Việt Nam xây dựng nền tảng văn hóa đọc để lấp lỗ hổng mà di sản lịch sử để lại là 10-15 năm tới. Nếu không làm được, vĩnh viễn không có cửa nào để làm lại.

Một cánh cửa tuyệt vời đã đóng lại vào đầu thế kỉ XX khi chưa có truyền hình, internet và chỉ có sách báo in là vua thông tin, Việt Nam ta đã bỏ lỡ.

Đọc lại lịch sử và suy ngẫm ta sẽ thấy buồn đau đến chừng nào.

Đừng coi trường học là nơi kiếm chác. Hãy coi trường học là nơi nuôi dưỡng sự tốt đẹp cho tất cả chúng ta dù chúng ta là ai, làm nghề gì. Đơn giản vì số phận tất cả gắn bó với nhau, con người không ai sống một mình trong xã hội. Ta tạo ra cái xấu, cái ác, thì cái ác đó, cái xấu đó sau khi bay vòng quanh một hồi, lớn lên, nặng lên sẽ bay vòng trở lại giáng vào chính đầu ta hoặc con cái chúng ta. Đấy là quy luật của vũ trụ, của xã hội, chứ không phải là lời răn nhân quả mang sắc màu tôn giáo.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả: