“Bài viết vừa rồi của luật sư tôi thấy không thực tế, vì nếu luật sư thấy cuộc sống đau khổ của một đứa trẻ bại não, tôi tin luật sư sẽ nghĩ khác. Cuộc sống của chúng là sự đày đọa chứ không phải là sống. Tôi từng khám cho những đứa trẻ bại não và mỗi lần gặp chúng tim tôi như bị bóp nghẹt: Tôi ước giá như chúng đừng xuất hiện trên đời, chúng sẽ không bị đau khổ như vậy. Tôi không đồng ý cách làm của bà nội nhưng tôi thông cảm cho bà ấy.” – Đây là chia sẻ của một bác sỹ liên quan tới vụ án đầu độc cháu bé bị bại não vừa rồi.

Đây là một góc nhìn và quan điểm đưa ta đến một khái niệm pháp lý “đau đớn” nhất hiện nay trên thế giới – quyền được chết (right to die), hay quyền an tử, hoặc “cái chết nhân đạo”. Nó được áp dụng hạn hữu nghiêm ngặt ở một vài nước (Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ) và một vài bang của Mỹ (Washington, Oregon, Nevada).

Tuy nhiên, mặc dù vậy, đáp ứng đủ các điều kiện để có thể quyết định việc “an tử” lại là một vấn đề không dễ dàng, đặc biệt chỉ áp dụng với người bệnh (nan y không thể cứu chữa) đau đớn về thể xác mà còn đủ tỉnh táo để đưa ra xác quyết về cái chết của chính bản thân mình, trường hợp thụ động, quyền an tử được vận hành dựa trên sự từ chối sự can thiệp của y học.

Và nó sẽ không thể tham chiếu vào cho trường hợp của đứa trẻ này.

Dẫu vậy, hầu hết các nước đang đi đến bãi bỏ án tử hình, để làm gì và dựa trên cơ sở nào? Nó xuất phát từ “cơ hội được sống” (là công bằng) trong mọi hoàn cảnh. Thượng đế hay tạo hoá ban cho con người sự sống, không phải để cho kẻ khác có quyền tước đoạt nó, không ai có thẩm quyền và sức mạnh này.

Việc bãi bỏ án tử hình không chỉ dựa trên yếu tố tôn giáo, dựa trên tính nhân đạo, mà còn xuất phát từ khả năng phạm phải các sai trái của con người trong việc tổ chức thực hiện công lý thông qua luật pháp.

Thế giới muốn bãi bỏ án tử hình để mỗi con người đều có cơ hội được sống. Chẳng cớ gì có thể chấp nhận bất cứ lý do (được cho là nhân đạo) nào để định đoạt sự sống của người khác, ngoại trừ chính bản thân họ (nơi mà họ có đủ thẩm quyền) và cũng đủ nhân đạo với chính bản thân họ.

Lý do gì để quyết định tới cái chết của một đứa trẻ trong trường hợp này? Chỉ vì bởi đứa trẻ ấy mắc bệnh bại não (mất khả năng nhận thức và không có khả năng tự sinh hoạt)? Nhưng, ai có đủ thẩm quyền quyết định cái chết cho đứa trẻ bị bại não, trong khi chính đứa trẻ được sinh ra và có cơ hội sống như một con người?

Quyền được chết không đơn giản như thế, nó không trao thẩm quyền cho “y khoa” kết luận với tình trạng y học là “vô phương cứu chữa” (dù chỉ trong tương lai gần, để đáp ứng một trong các điều kiện để áp dụng quyền an tử).

Y học đã từng coi bệnh hủi hoặc đậu mùa là nan y; coi tiêu chảy là căn bệnh chết chóc; bệnh dịch hạch là “cái chết đen”… và ngay cả khi tiên tiến tới đâu, y học luôn có những “điểm mù” của nó với thực tế, nhưng y học vẫn có cơ hội để thực hiện các liệu pháp có thể cứu chữa được – y học sinh ra không để quyết định rằng chính nó gặp sự bế tắc và phải thoái lui. Tây y có khi bất lực và Đông y có khi lại hiệu quả (một số trường hợp bệnh nan y đã được giải quyết bằng thuốc Nam mà tôi biết, ngay tại ngôi làng tôi ở). Hoặc có những sự hồi sinh thần kỳ ngoài mọi phỏng đoán của y học vẫn xảy ra trong lịch sử.

Điều đó nói lên, cơ hội sống là luôn luôn còn. Và sự cứu rỗi quan trọng hơn bất cứ sự huỷ hoại nào.

Y học cũng là một môn khoa học và nó cũng bị quyết định bởi nhận thức và hoàn cảnh của nó. Bản thân nó còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo, thay vì nó có khả năng quyết định đến sự sống của người khác.

Nhiều nơi trên thế giới đang đòi hỏi luật cấm phá thai, vì người ta muốn chấm dứt cái sự ác của con người và đảm bảo cơ hội được sống của những đứa trẻ đã thành thai trong bụng. Nó xuất phát từ đâu nếu không phải từ “cơ hội được sống” của bất kỳ con người nào?

Dù theo nghĩa nào, đặt người khác vào “quyền được chết”, ngoại trừ chính họ quyết định trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo, hệ thống đó đã trao cho y học thẩm quyền tư pháp cao hơn sức mạnh của Thượng đế. Và nó cũng nằm ngoài mọi sự công lý nhân đạo mà loài người luôn muốn nhân danh để cứu chuộc.

Không ai có quyền nhân danh sự sống, nhân danh sự đau khổ và nhân danh cả thẩm quyền của Thượng đế để chấm dứt sự sống của đứa trẻ, chỉ vì đứa trẻ ấy mắc bệnh bại não. Trong khi, nếu muốn từ chối sự hiện diện của một thể nhân như vậy, họ hoàn toàn có thể để cho một trung tâm nào đó chăm sóc.

Tôi chỉ trả lời lại bạn ấy, vị bác sỹ, một câu: Mỗi khi ta nghĩ thế, ta càng mất đi tình yêu và theo đó là nhân tính cũng dần mai một.

Chúng ta có thể sống cạnh một đứa trẻ bại liệt và thiểu năng. Nó cho ta sức mạnh, nghị lực và lòng can đảm nhiều hơn để sống ý nghĩa hơn. Và quan trọng là, hành trình ấy nếu một bên tự mình quyết định áp dụng “quyền được chết nhân đạo”, nó sẽ kết thúc trong sự đau khổ có tính huỷ hoại kéo dài đối với cả hai, chứ không phải họ được nâng lên bởi tình yêu của con người.

Luật sư Luân Lê

Đăng theo Facebook Luân Lê với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm bài viết của cùng tác giả: