Thi nhân La Ẩn thời nhà Đường từng viết: “Đắc tức cao ca thất tức hưu”, được thì hát vang, mất lại thôi. Nhân sinh có lúc thất ý, cũng có khi đắc ý. Khi đắc ý người ta thường kết giao nhiều bạn, tham gia vào những cuộc ăn uống vui chơi. Cũng bởi vì đắc ý, họ dễ vui mừng quá đỗi, hưởng lạc xa hoa, linh đình vô độ, nào có nghĩ ngợi gì đến thân tâm. Khi đã mang bệnh, có muốn giữ gìn cũng đã muộn. Khi đã làm ra điều sai trái, có muốn hối hận cũng không xong. Bấy giờ dẫu có vật chất thì người ta cũng không có năng lực đi hưởng thụ. Quả là nỗi bi ai của đời người!

"Thân không bệnh, tâm không phiền" là an lạc của đời người
(Ảnh minh họa: Saravutpics, Shutterstock)

Nhân sinh hiếm khi không có điều thất ý, khiến cho địa vị, danh dự và tài sản bị hư hao. Khi ấy, rất nhiều người hiện đại sẽ suy sụp mà rớt xuống một cách thảm trọng. Kỳ thực sống trên đời cần giống như người xưa, bảo trì sự cân bằng và khỏe mạnh cả về thể xác và tinh thần, bởi vì “Lưu đắc thanh sơn tại, bất phạ một sài thiêu”, để cho rừng xanh còn, sợ gì không có củi đốt. Cổ nhân sống tự do tự tại, thuận theo tự nhiên, “Ngày nắng đi cày, ngày mưa đọc sách”, nên thân khỏe mạnh tâm an hòa.

Tục ngữ nói: “Người không có bệnh thì toàn thân nhẹ nhàng”. Người ta trải qua một lần bị bệnh nặng, thập tử nhất sinh, thì sẽ hiểu sâu sắc được sự trân quý của “thân không bệnh”. Người hiện đại ở vào tuổi tráng niên, thanh xuân tươi trẻ, thì đều hăng hái, xông xáo, mặc sức tiêu hao sinh lực. Điều được cho là hạnh phúc nhất chính là có một tình yêu đẹp, một sự nghiệp thành công, có nhà cao cửa rộng… Nhưng một khi bước vào tuổi trung niên, lão niên, thân thể bắt đầu đi xuống, người ta mới hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn sinh lực, mới bắt đầu tìm hiểu về dưỡng sinh.

Xưa nay, nhiều người vì áp lực học tập, công việc, gia đình mà khiến cho thân thể bị suy yếu mệt mỏi. Để cải thiện tình trạng này, họ thường sử dụng thuốc, thức ăn bổ dưỡng… việc này tương đối phổ biến. Nhưng trên thực tế, nếu một người chỉ muốn dựa vào thức ăn bổ dưỡng để hy vọng được khỏe mạnh trường thọ thì chưa đủ. Bởi vì chất bổ dưỡng trong đồ ăn chỉ đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng của thân thể xác thịt mà thôi.

Đông y cổ đại vẫn giảng rằng nội tâm lương thiện khiến con người bình thản, ôn hòa, từ đó khí huyết thông suốt, khỏe mạnh. Một người chỉ cần có tâm chính thì khí tất sẽ chính, khi đã có khí chính thì hình thể tất cũng sẽ chính. Trên thực tế có rất nhiều loại bênh nan y này là do nội tâm của con người gây ra. Chẳng hạn y học hiện đại cũng thừa nhận rằng khi chịu áp lực lớn, hay lo lắng thì người ta thường hay bị đau dạ dày. Đông y cổ đại có một bộ lý luận rất hoàn chỉnh về vấn đề này, giảng rằng luân lý đạo đức (ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) là có ảnh hưởng rất lớn đến thân thể người. Cụ thể ngũ thường ảnh hưởng đến ngũ tạng như sau: “Nhân” đối ứng với gan, “Lễ” đối ứng với tim, “Nghĩa” đối ứng với phổi, “Trí” đối ứng với thận, “Tín” đối ứng với tỳ.

Vậy nên trong sách Xuân Thu Bàn Lộ, Đổng Trọng Thư viết: “Nguyên nhân khiến người nhân ái, từ tâm được trường thọ là vì họ bên ngoài không tham mà bên trong thanh tĩnh, tâm bình khí hòa mà không mất đi sự công bằng chính trực, đạt được điều tốt đẹp của thiên địa, lấy đó dưỡng thân tâm, chính là vừa có được trường thọ vừa chế ước được ngôn hành của bản thân.”

Cao tăng Vô Môn Tuệ Khai thời nhà Đường bàn rằng: “Mùa xuân có trăm hoa nở, mùa thu có ánh trăng, mùa hạ có gió mát, mùa đông có tuyết rơi, nếu trong tâm không có lo phiền thì đó là tiết trời đẹp nhất.” 

Bất kể thế gian biến hóa như thế nào, chỉ cần nội tâm chúng ta không bị ngoại cảnh chi phối dẫn động, luôn bảo trì được tâm tình lạc quan yên vui thì hết thảy vinh nhục, thị phi, được mất sẽ không quấy nhiễu được chúng ta. Khi ấy, thế giới trong tâm chúng ta sẽ rộng lớn vô hạn. Trong tâm không lo phiền thì tất thân thể sẽ an định.

“Tâm vô sự” là không để tinh thần bị khống chế, bị ràng buộc bởi thị phi của cuộc đời. Dẫu là lúc bận rộn hay nhàn nhã thì vẫn có thể bảo trì được sự bình thản, tự do. Người ta chỉ có không bị thăng trầm quấy nhiễu, không bị tình sắc cám dỗ, không bị vật chất mê hoặc, thì mới có thể thưởng thức được hương vị chân chính của cuộc sống, hương vị chân chính của sinh mệnh.

Ngày nay, rất nhiều người đem toàn bộ cuộc sống đánh đồng với sự giành giật và tranh đấu, căng thẳng và lo âu. Bởi vì bận và vội, rất nhiều người đã không còn biết đến cảm giác thong dong, điềm tĩnh. Thật ra khi thực sự cảm thấy mệt mỏi, hãy bớt chút thời gian, rời xa nơi ồn ã, thưởng trà, đọc sách, tản bộ để lấy lại sự cân bằng trong tâm. Ngàn vạn lần đừng miễn cưỡng bản thân! Nếu một người sống mà trong tâm không lo phiền thì hết thảy những thứ họ có được đều sẽ mang đến cho họ sự sung sướng, vui vẻ. Người như vậy cũng sẽ cảm nhận được sự ấm áp nơi thế gian.

Phật gia giảng rằng người tu luyện không vì chuyện quá khứ mà đau buồn, không cầu những chuyện chưa tới của tương lai, luôn thấy đầy đủ, thỏa mãn, bởi vậy mà luôn lộ ra vẻ an hòa, tĩnh tại. Cũng như vậy, Nho gia đề xướng không lo không sợ, thản nhiên với được và mất. Đạo gia thì hướng đến sự tiêu diêu tự tại, thuần tịnh và giản đơn. Nguyên lý của việc tu tâm dưỡng tính bởi vậy có thể coi như quy về một mối.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: