Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ X: Hỏa ngục - Đám nhân mã và dòng sông máu
Đám nhân mã chặn hỏi Dante và Virgil trước dòng sông máu. (Ảnh qua slide “La struttura dell’Inferno”)

Tiếp nối kỳ IX, sau khi giải thích cho Dante về cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng, Virgil dẫn đường cho Dante xuống dốc, tiến gần đến tầng Địa ngục thứ bảy. Trên đường đi, họ phải vượt qua những tảng đá bị rơi xuống Địa ngục từ sườn núi Trent:

Đó là do tai nạn lở đất năm xưa,
Từ sườn núi Tơrentô giáng xuống Ađixê,
Vì động đất, hay vì núi non thiếu điểm tựa.
Từ đỉnh núi, đất đá đổ ầm ầm,
Tất cả ập xuống cánh đồng,
Tạo nên đường dốc từ trên cao đi xuống.
Đó là đường dốc dẫn xuống vực thẳm,

Rồi Virgil và Dante gặp Minotaur, con quái vật nổi tiếng trong Thần thoại Hy Lạp. Có thể nói rằng Minotaur chính là dấu hiệu cho thấy họ đã bước vào tầng Địa ngục thứ bảy, nơi giam giữ những kẻ bạo lực:

Trên sườn núi đá sụp đổ,
Phơi bày nỗi ô nhục ở Cơrétti.
Nó được thai nghén trong tượng con bò,
Thoạt thấy chúng tôi, nó tự cắn xé mình,
Bị kích động bởi lòng căm giận.

Mỗi câu chuyện liên quan đến Minotaur, không ít thì nhiều, đều có liên quan đến bạo lực. Thần thoại Hy Lạp kể rằng, do vua Minos làm trái lời hứa với Thần Poseidon, nên vợ của nhà vua, nàng Pasiphaë đã nhận phải một lời nguyền, khiến nàng mang thai và sinh ra con quái vật nửa người nửa bò Minotaur. Sau khi con quái thú Minotaur hung dữ được sinh ra, vua Minos cảm thấy vô cùng xấu hổ, nhưng lại không nỡ giết nó. Chính vì thế, ông ta đã sai vị kiến trúc sư tài ba Daedalus xây dựng một mê cung để nhốt Minotaur.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ X: Hỏa ngục - Đám nhân mã và dòng sông máu
Dante và Virgil gặp Minotaur (Ảnh qua poetryintranslation.com)

Sau này, để trừng phạt người Athen đã giết hại con trai mình, vua Minos bắt họ hàng năm phải cống bảy người con gái và bảy người con trai làm mồi cho quái vật. Nhiều lần chứng kiển cảnh người dân Athen chia tay con cái, người anh hùng Theseus đã quyết định giết chết Minotaur. Chàng ẩn mình trong đoàn người cống nạp, rồi được con gái vua Minos là Ariadne lại đem lòng yêu mến. Nhờ sự hỗ trợ của nàng, Theseus đã vào mê cung mang theo một thanh gươm và một cuộn chỉ để đánh dấu đường đi. Sau khi giết chết Minotaur rồi, chàng lần ra ngoài theo đường chỉ. Tuy nhiên, khi Ariadne trốn cha để đi theo Theseus thì chàng lại phải tuân lệnh nữ Thần Athena và bỏ mặc nàng Ariadne trên đảo Naxos.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ X: Hỏa ngục - Đám nhân mã và dòng sông máu
Cảnh Theseus giết chết Minotaur trong mê cung, với sự giúp đỡ của nữ Thần Athena. (Ảnh qua Wikipedia)

Chính vì Theseus, quận công thành Athen, là kẻ đã giết chết Minotaur, nên Virgil đã quát lớn::

– “Có lẽ mày lầm người này là quận công Atênê
Đã tặng mày cái chết trên trần thế?
Hãy cút đi, đồ súc sinh!
Người này đến đây, đâu phải do chị mày chỉ dẫn,
Mà đến, chỉ để xem những hình phạt của chúng bay”.

Nghe thấy người ta gọi tên kẻ thù của mình, Minotaur trở nên điên cuồng vật vã “như con bò đực bị tử thương”, nó “không còn đi được mà chỉ nhảy điên cuồng”. Vậy là Dante và Virgil nhanh chóng chạy qua, thoát khỏi con quái vật nửa người nửa thú.

Virgil giúp Dante thoát khỏi con quái thú Minotaur. (Ảnh qua slide "La struttura dell’Inferno")
Virgil giúp Dante thoát khỏi con quái thú Minotaur. (Ảnh qua slide “La struttura dell’Inferno”)

Tiếp tục cất bước, Virgil kể với Dante về nguồn gốc của trận lở đất năm xưa:

Lần trước khi ta xuống Địa ngục này,
Thì lèn đá đó vẫn chưa sụp đổ.
Nhưng nếu ta không lầm, thì không lâu,
Trước khi Ngài hạ cố xuống đây,
Tước của Đitê mấy mồi to ở tầng thứ nhất.
Khắp bốn phía của vực sâu thăm thẳm
Chuyển động cực kỳ dữ dội, đến nỗi ta lầm tưởng
Vũ trụ xúc động vì tình yêu nên quay trở lại thời hồng hoang.
Thế giới đôi khi vẫn thành hỗn loạn,
Chính lúc đó, lèn đá cổ này,
Ở đây và xa hơn đổ sụp.

Những khối đá mà Dante và Virgil đang nhìn thấy trước mặt chính là những tảng đá rơi xuống Địa ngục trong trận động đất sau “cái chết” của Chúa Jesus trên cây thập tự, trước ngày Chúa Jesus phục sinh trở về. Trong kinh Thánh, khi chúa Jesus chết trên cây thập tự, màn cửa nhà thờ bị xé rách, bóng tối bao phủ toàn bộ vùng đất từ buổi trưa đến giữa buổi chiều, và một trận động đất đã xảy ra khiến những ngôi mộ phải bật nắp.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IX: Hỏa ngục - Cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng
.Ngày chúa Jesus chết trên cây thập tự, màn cửa Nhà thờ bị xé rách, bóng tối bao phủ toàn bộ vùng đất từ buổi trưa đến giữa buổi chiều, và một trận động đất đã xảy ra khiến những ngôi mộ phải bật nắp. (Thạch bản Currier & Ives 1849)

Virgil kể rằng toàn bộ vũ trụ đã xúc động vì sự từ bi của Chúa Jesus, và cơn động đất chỉ là một dư chấn của điều đó. Ngoài ra, như đã được nhắc tới trong kỳ II, khi Chúa Jesus viếng thăm Địa ngục, ngài đã mang theo lên thiên đàng rất nhiều người mà Virgil ví là “tước của Đitê mấy mồi to ở tầng thứ nhất”.

Ta đã thấy đến đây một bậc kỳ vĩ,
Vòng hào quang chói lọi quanh đầu!
Ngài đã đưa khỏi bóng đêm anh hồn thủy tổ,
Anh hồn của con trai Aben và cả Nôê,
Của Môixê, vị luật gia hiếu thuận.
Cụ Abờraham, trưởng lão và vua Đavít,
Và Ítxraen, cha của ông cùng các con,
Cả nàng Rakenlê mà Ngài ưu ái.
Nhiều người khác cũng được Ngài ban phước

Quay lại tầng Địa ngục thứ bảy, Virgil và Dante đến với một dòng sông máu đang sôi sục:

Nhưng con hãy nhìn xuống dưới,
Đã tới gần dòng sông máu đang sôi,
Nơi đây luộc những kẻ hại ngươi bằng bạo lực.
Ổi, thói hám của mù quáng và cơn giận điên cuồng,
Kích động chúng ta trong cuộc đời ngắn ngủi.
Để rồi bị chìm đắm trong vĩnh viễn khốn cùng”.

Đó chính là hình phạt dành cho những kẻ ở tầng nhỏ thứ nhất của tầng Bạo lực – những kẻ tàn bạo với người khác. Những kẻ tội đồ này sẽ bị trừng phạt trong máu sôi sục, cũng giống như sự bạo lực của chúng khi còn sống. Dòng sông máu này mang tên Phlegethon, một trong 5 dòng sông dưới Địa ngục của Thần thoại Hy Lạp. Plato đã miêu tả dòng sông này như một dòng lửa cháy bao quanh trái đất và chảy sâu vào vực thẳm Tartarus, nơi giam giữ những tên khổng lồ Titan.

Xem thêmHỏa ngục – Tầng địa ngục thứ tư và ý nghĩa sự xuất hiện của Chư Thần

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ X: Hỏa ngục - Đám nhân mã và dòng sông máu
Đám nhân mã bên dòng sông máu sôi sùng sục. (Ảnh qua Wikipedia)

Bên cạnh dòng Phlegethon, Dante cũng chú ý đến sự xuất hiện của đám nhân mã:

Tôi thấy một vực lớn hình vòng cung,
Chiếm trọn một cánh đồng rộng,
Đúng như Thầy hộ tống tôi đã nói.
Giữa dòng sông và vách đá,
Bọn quỷ sứ nửa người nửa ngựa nối nhau đi,
Lăm lăm cung tên như thợ săn trên trần thế.

Vừa thấy hai người, đám nhân mã ngay lập tức lao tới gầm lên hỏi: “Bay chịu cực hình gì?” và kèm thêm một câu đe dọa: “Trả lời ngay, nếu không tao bắn!”.

"Trả lời ngay, nếu không tao bắn!"
“Trả lời ngay, nếu không tao bắn!” (Ảnh qua art.famsf.org)

Virgil ngay lập tức đáp lời:

Thầy tôi đáp: – “Câu trả lời, khi tới gần,
Chúng ta sẽ nói với Kirông,
Còn ngươi, sao vẫn bị thói vũ phu sai khiến?”

Nói rồi, Virgil quay lại giải thích cho Dante về một vài con nhân mã:

Rồi quay lại tôi, Thầy khẽ bảo: – “Đó là Nétxô,
Đã chết vì nàng Đêjanira kiều diễm,
Nhưng cuối cùng, cùng trả được thù.
Kẻ đứng giữa, mắt nhìn xuống ngực,
Là Kirông vĩ đại, đã nuôi dưỡng Akinlê,
Còn đứa kia là Phôlô luôn điên cuồng giận dữ”,

Là loài nửa người nửa ngựa, nhân mã nổi tiếng thiện chiến với khả năng chạy và những cây cung. Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là sự hung dữ của loài vật này. Trong Thần thoại Hy Lạp, khi các nhân mã trở thành khách mời trong đám cưới của Pirithous, thì vì không quen với rượu nho, bản tính bạo lực của loài nhân mã đã nổi lên. Chúng định cướp đi những người phụ nữ, kể cả cô dâu, khiến đám cưới trở thành một trận giao chiến. Cuối cùng, với sự xuất hiện của người anh hùng Theseus, bầy nhân mã đã bị đánh đuổi và trục xuất khỏi Thessaly. Pholus (Phôlô) chính là con nhân mã có mặt trong đám cưới này.

Cảnh tượng đám nhân mã làm loạn đám cưới của Pirithous sau khi bị kích thích tính bạo lực bởi rượu nho. (Ảnh qua utpictura18.univ-montp3.fr)
Cảnh tượng đám nhân mã làm loạn đám cưới của Pirithous sau khi bị kích thích tính bạo lực bởi rượu nho. (Ảnh qua utpictura18.univ-montp3.fr)

Bên cạnh Pholus, Nessus (Nétxô) cũng là một con nhân mã vô cùng nổi tiếng. Sau khi chở Deianira (Đêjanira), vợ của người anh hùng Hercules qua sông, nó định quay qua làm hại nàng. Tuy nhiên, người anh hùng đã ngay lập tức rút một mũi tên tẩm máu kịch độc của con mãng xà Hydra để bắn vào Nessus. Nessus chết, nhưng nó cũng đã đặt ra một cạm bẫy để trả thù Hercules. Nó lừa nàng Deianira rằng chiếc áo đẫm máu nhân mã có chứa chất độc từ mũi tên mà nó đang mặc có thể trở thành một thứ “bùa yêu” nếu Deianira cảm thấy Hercules muốn phản bội nàng. Sau này, chính chiếc áo đó đã gây ra cái chết oan uổng của người anh hùng Hercules nổi tiếng với 12 kỳ công.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ X: Hỏa ngục - Đám nhân mã và dòng sông máu
Người anh hùng Hercules bắn Nessus sau khi con nhân mã này có ý định làm hại nàng Deianira. (Ảnh qua eranistis.net)

Trong đám nhân mã thì có lẽ Chiron (Kirông) là một ngoại lệ. Ông ta là một nhân mã uyên bác, người nổi tiếng với tài năng y học và giáo dục. Chiron đã giáo dưỡng người anh hùng Achilles, người anh hùng và sau này là vị Thần y Asclepius, người anh hùng Theseus, Perseus, Hercules, Oileus, và còn nhiều vị bán Thần khác. Theo truyền thuyết thì Chiron là một nhân mã bất tử sống tại đỉnh Pelion. Nhưng trong một tai nạn hi hữu, ông đã bị trúng một mũi tên tẩm máu Hydra của người anh hùng Hercules. Chính vì thế, dù bất tử, Chiron phải sống trong đau đớn. Cuối cùng, khi Hercules bị Thần Zeus yêu cầu phải hy sinh một người khác nếu muốn thả tự do cho Thần Prometheus, nhân mã Chiron đã tự nguyện đứng ra để kết thúc nỗi đau của ông, và cũng để giải cứu cho vị Thần che chở cho nhân loại – Thần Prometheus.

Người anh hùng Achilles được gửi gắm cho Chiron từ khi còn nhỏ - Nhân mã Chiron là một ngoại lệ, vì ông là một nhân mã uyên bác, là vị thầy của rất nhiều anh hùng. (Ảnh qua)
Người anh hùng Achilles được gửi gắm cho Chiron từ khi còn nhỏ – Nhân mã Chiron là một ngoại lệ, vì ông là một nhân mã uyên bác, là vị thầy của rất nhiều anh hùng. (Ảnh qua Pinterest.com)

Và tại Địa ngục, đám nhân mã làm nhiệm vụ đảm bảo cho những linh hồn không thể ngoi lên khỏi mặt sông để hưởng chút an lành:

Chúng đi, hàng nghìn, hàng nghìn, quanh bờ vực.
Dùng tên bắn hạ những hồn định ngoi lên,
Khỏi sông máu, khi chưa đền xong tội lỗi.

Trong khi Dante và Virgil đi tới, nhân mã Chiron tinh ý nhận ra Dante không phải là một linh hồn:

Chúng tôi tiến đến gần đám quái vật tinh nhanh,
Kirông lấy một mũi tên, và dùng đuôi tên,
Gạt râu sang hai bên mép.
Khi đã lộ ra cái mồm rộng hoác,
Nó rỉ tai đồng nghiệp: – “Chúng bay có nhận thấy không,
Cái gã đi sau có thể làm động đậy mọi thứ,
Vậy không phải là bước chân của người đã chết!”

Virgil và Dante gặp nhân mã. (Ảnh qua art.famsf.org)
Virgil và Dante gặp nhân mã. (Ảnh qua art.famsf.org)

Virgil đáp lời:

Thầy nói: – “Đúng là anh ta còn sống, và chỉ anh ta thôi.
Nên tôi phải dẫn anh đi thăm thung lũng thảm sầu.
Anh ta đến vì cần thiết, chứ không phải vì thích thú.
Một vị đã phải bỏ dở bài thánh ca hoan hỉ,
Đến giao cho tôi sứ mệnh này,
Anh ta không phải kẻ cướp, còn tôi không phải dân trộm cắp.
Chính Bậc Đức hạnh đó đã khiến tôi cất bước,
Qua đường đi quá đỗi hiểm nghèo,
Hãy cho người của ngươi dẫn chúng tôi đi.
Chỉ cho tôi chỗ nào nông có thể lội qua,
Và dùng lưng, cõng giùm anh bạn này,
Anh không phải âm hồn nên không đi được trên không”.

Biết được rằng việc Dante có mặt ở Địa ngục là được sự cho phép của Chúa trời, Chiron đồng ý giao cho Nessus dẫn đường giúp hai người khách. Trên đường đi, con nhân mã chỉ cho Dante tên của những kẻ bị trừng phạt nơi đây:

Quỷ nhân mã bảo tôi: – “Đây là bọn bạo chúa,
Đã cướp máu và của cải người khác.
Đây là nơi chúng khóc than những tội ác bất nhân,
Kìa Alếcxanđơrô và Điônixiôhung dữ,
Đã nhấn chìm Xixilia nhiều năm dài đau khổ.
Và cái trán có bộ tóc đen kịt,
Là Atdôlinô; còn đứa tóc hung,
Chính là Ôpítxô xứ Étxti.
Trên trần thế, tên này bị đứa con riêng giết chết.

Những linh hồn bị trừng phạt là: Alexander xứ Thessaly, kẻ đã chiếm ngôi bằng cách đầu độc anh trai mình; bạo chúa Dionysius xứ Syracuse, kẻ đã gây nên những trận chiến tàn ác; Azzolino, bạo chúa xứ Padua với tên gọi “con trai của quỷ dữ”; Obizzo xứ Esti, kẻ đã mua nàng Ghisola từ Venedico Cacciamenico chỉ để thỏa mãn dục vọng của mình.

Đám nhân mã làm nhiệm vụ đảm bảo cho những linh hồn không thể ngoi lên khỏi mặt sông để hưởng chút an lành. (Ảnh qua poetryintranslation.com)
Đám nhân mã làm nhiệm vụ đảm bảo cho những linh hồn không thể ngoi lên khỏi mặt sông để hưởng chút an lành. (Ảnh qua poetryintranslation.com)

Nhân mã Nessus tiếp tục đưa Dante và Virgil đi:

Đi một quãng nữa, xa hơn, con nhân mã dừng lại,
Trước một đám tội đồ hình như đang muốn thoát ra,
Khỏi dòng máu sôi ngập sâu tới cổ!
Hắn chỉ một âm hồn đứng riêng một xó,
“Kẻ này trước bàn thờ Chúa,
Đã đâm thủng trái tim, đến nay còn được thờ trên sông Tamixi”.

Đó chính là Guido di Monforte, kẻ đã dám sát hại Hoàng tử Anh quốc Henry ngay trong nhà thờ San Silvestro để trả thù cho cha và anh đã chết trong cuộc chiến với quân đội Hoàng gia. Mặc dù Henry không phải là người trực tiếp gây ra cái chết của cha và anh Guido, và bản thân lúc đó Henry đã giữ lấy bàn thờ Chúa cầu xin tha tội, nhưng Henry hung bạo trả lời rằng: “Mày đã không tha cho cha và anh tao”. Việc giết người vậy là đã bị thực hiện ngay trước bàn thờ Chúa, trước sự chứng kiến ngỡ ngàng của các Hồng y giáo chủ (lúc đó đang bầu chọn Giáo hoàng), vua Philip III của nước Pháp, và vua Charles xứ Sicily. Tội ác nghiêm trọng này đã khiến Guido di Monforte bị đày xuống tầng Địa ngục thứ bảy, nơi thậm chí các linh hồn khác cũng không muốn đứng cùng y.

Nessus đưa Dante và Virgil vượt qua sông máu. (Ảnh qua art.famsf.org)
Nessus đưa Dante và Virgil vượt qua sông máu. (Ảnh qua art.famsf.org)

Dante cũng nhận ra nhiều người trong đám linh hồn, bởi vì bạo lực là một tội lỗi rất phổ biến ở Florence thời bấy giờ, nhất là trong cuộc tranh đoạt quyền lực giữa phe bảo vệ Giáo hoàng và phe bảo vệ Hoàng đế La Mã thần thánh:

Tôi thấy nhiều kẻ nhô đầu,
Hoặc nhô nửa thân khỏi dòng suối đỏ,
Trong số đó, tôi nhận ra nhiều người.
Dòng sông máu càng lâu càng cạn,
Rồi chỉ còn lấp xấp bàn chân,
Đó là nơi chúng tôi vượt qua vực thẳm.

Cảnh Attila tấn công nước Ý. Ông ta cũng được xem là một tay bạo chúa, và được Dante nhắc tới tại tầng ngục này. (Ảnh qua Wikipedia)
Cảnh Attila tấn công nước Ý. Ông ta cũng được xem là một tay bạo chúa, và được Dante nhắc tới tại tầng ngục này. (Ảnh qua Wikipedia)

Đến đây, nhân mã Nessus chuẩn bị dừng lại, và tiết lộ cho Dante những kẻ còn phạm tội lỗi nặng nề hơn ở phía mé kia của dòng sông:

Con nhân mã nói: – “Khi thấy ở mé này,
Dòng sông máu cạn dần,
Thì ngươi phải hiểu rằng:
Ở mé kia dòng sông sẽ dần sâu thêm mãi,
Cho đến khi tiếp nối,
Với nơi mà sự bạo tàn đang rên rỉ.
Đó là nơi công lý thần thánh xử phạt,
Attila, kẻ đã gặp tai ương trên trái đất,
Rồi Pirô cùng với Sétxtô.
Công lý liên tục làm tuôn nước mắt bằng lửa đốt,
Của Riniê xứ Coocnêtô và Riniê dòng họ Pátxô,
Đã gây bao chiến tranh trên các nẻo đường”.

Đó là những kẻ bạo chúa như Attila, Pyrrhus, Sextus, Rinier xứ Corneto, và Rinier Pazzo. Nessus nói xong cũng là lúc Virgil và Dante qua khỏi sông máu. Con nhân mã quay trở về thực hiện phận sự của mình. Còn hai nhân vật chính của chúng ta tiếp tục cuộc hành trình đến tầng nhỏ thứ hai trong tầng Địa ngục thứ bảy.

Quang Minh

Xem thêm: