Thần thoại hỗn loạn và tư tưởng triết học truyền thống

Thần thoại hỗn loạn và tư tưởng triết học truyền thống

Trong suốt tiến trình lịch sử, khái niệm “văn hóa truyền thống” thực sự đã bao hàm một phạm vi rất lớn. Các dân tộc, quốc gia và khu vực khác nhau có những nền văn hóa truyền thống của riêng họ, và nhiều nền văn minh có lịch sử lâu đời, thậm chí có từ thời kỳ Thần thoại. Nhìn chung, trong số các nền văn hóa truyền thống của tất cả các dân tộc ở phương Tây, văn hóa Hy Lạp cổ đại và văn hóa Do Thái có sức lan tỏa rộng lớn nhất về phạm vi và có tác động lớn nhất đến các thế hệ sau, chúng như hai cột trụ của nền văn minh truyền thống phương Tây.

Thời kỳ Phục Hưng thường được nhắc đến trong văn hóa phương Tây và ảnh hưởng của nó đối với tư tưởng, văn học, nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác của con người hiện đại là rất sâu sắc. Điều mà thời kỳ Phục Hưng “hồi sinh” là hệ thống văn hóa và nghệ thuật đã từng rất huy hoàng ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, nhưng chúng hoàn toàn khác với nền văn minh Cơ Đốc giáo châu Âu. Tất nhiên, trong quá trình Phục Hưng rất phức tạp, một số tình huống liên quan đã được bàn tới trong các bài viết sử luận mỹ thuật trước đây nên sẽ không nhắc lại. Nội dung bài viết này là nói về thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, bắt đầu từ Thần thoại cổ đại và khám phá cái nhìn đúng đắn về lịch sử qua những lớp “sương mù”.

Sự hỗn loạn của Thần thoại

Gần đây có một thông tin gây sốc, các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới đã đưa tin: Trong sách giáo khoa “Đạo đức nghề nghiệp và luật pháp” do Bộ Giáo dục Trung Quốc phê duyệt và xuất bản năm 2018 có câu chuyện Chúa Giê-su bênh vực người phụ nữ phạm tội, bị chuyển thành Chúa Giê-su đã ném đá người phụ nữ cho đến chết.

Sách giáo khoa này đã biến đổi câu chuyện trong chương 8 của “Phúc âm John” trong Kinh Thánh Tân Ước. Theo bản dịch Kinh Thánh tiếng Trung Quốc, “Phiên bản hợp nhất”, thì câu chuyện được kể lại như thế này:

Họ cứ không ngừng hỏi, Chúa Giê-su liền đứng dậy nói với họ: “Ai trong mọi người không có tội, thì hãy lấy đá ném vào người cô ấy trước”. Rồi Ngài lại cúi xuống viết chữ lên mặt đất. Nghe vậy, tất cả từ già đến trẻ đều bỏ đi, chỉ còn Chúa Giê-su và người phụ nữ vẫn ở lại. Chúa Giê-su đứng thẳng dậy và nói với cô: “Này con, những người kia đâu rồi? Không ai định tội con sao?” Cô nói: “Lạy Chúa, không ạ”. Chúa Giê-su nói: “Ta sẽ không kết tội con đâu. Hãy đi đi! Từ nay trở đi đừng phạm tội nữa”.

Tuy nhiên, trong sách “Đạo đức nghề nghiệp và Pháp luật”, câu chuyện đã được điều chỉnh lại với nội dung hoàn toàn ngược lại. Sách viết:

Có lần Chúa Giê-su nói với tất cả những người phẫn nộ muốn giết chết một người phụ nữ đã phạm tội: “Nếu ai chưa từng phạm lỗi, thì bước lên giết chết cô ta”. Nghe xong, mọi người dừng lại không tiến về phía trước. Khi mọi người rời đi, Chúa Giê-su đã lấy đá ném chết người phụ nữ và nói: “Ta cũng là tội nhân. Nhưng nếu luật pháp được thực hiện bởi người không có lầm lỗi nào thì luật pháp sẽ chết”. Qua câu chuyện nhỏ này, bạn thấy luật pháp như thế nào?

Tin tức này đã gây ra phản ứng trên toàn thế giới, và cuối cùng kết thúc bằng việc thu hồi lại sách giáo khoa. Nhưng mọi người đều biết rằng ở Trung Quốc sách giáo khoa có địa vị rất cao trong các sách, và thường có một số lượng lớn các nghiên cứu, học tập lý luận. Chúng được dùng cho nhiều học sinh. Nếu học sinh không hiểu bản chất của câu chuyện, các em sẽ nhầm tưởng rằng Chúa Giê-su là một kẻ giết người.

Than thoai hon loan 09
Tranh mô tả câu chuyện Chúa Giê-su bênh vực người phụ nữ phạm tội. (Tranh: Henryk Siemiradzki, Musée russe, Wikipedia, Public Domain)

Thời xa xưa, cho dù là cả với những người không theo tôn giáo mà nói thì Chúa Giê-su luôn được coi là một hình mẫu của đạo đức, nhưng một bậc Giác Giả đã bị người soạn sách giáo khoa thời mạt thế ác ý bôi nhọ, hủy hoại thanh danh thành kẻ giết người. Nếu tiếp tục đưa ra truyền bá sai trái bôi nhọ tràn lan dưới dạng sách giáo khoa, có thể hình dung được rằng điều này sẽ phá hoại đạo đức nhân loại như thế nào.

Sách giáo khoa ngày nay đã xảy ra tình trạng nghiêm trọng đến mức độ thế này. Như vậy chẳng phải trong lịch sử lâu dài, các nền văn hóa cổ đại và Thần thoại của chúng bị sửa đổi cũng là chuyện thường thấy sao?

Thần thoại Hy Lạp có trước thời Chúa Giê-su truyền Đạo trong kỷ nguyên văn minh lần này, do đó, nó đã bị cải biến rất nghiêm trọng đến mức các vị Thần trong Thần thoại không còn được con người kính trọng nữa. Tên của vị thần Hy Lạp cổ đại là Thần Zeus, ngày nay người ta dùng đặt tên cho chó đực, hơn nữa là cái tên được sử dụng phổ biến để đặt tên cho chó đực ở các nước phương Tây.

Từ văn hóa được lưu truyền đến ngày nay có thể thấy, các vị Thần Hy Lạp cổ đại bị con người gán cho nhiều tính cách tiêu cực như tham lam, háo sắc, ghen tuông, độc ác. Họ dường như sở hữu tất cả những ham muốn và ma tính của kẻ xấu, hiếm khi thấy được sự thiện lương và chính nghĩa của họ. Thần Zeus thậm chí còn bị bôi nhọ giống như một kẻ “thập ác bất xá”. Tuy nhiên, trong văn học Hy Lạp cổ đại, nếu thực sự đi sâu nghiên cứu, người ta có thể thấy điều ngược lại. Trong các tài liệu này, Thần Zeus là hiện thân của công lý và trí tuệ, rất công bằng và vô tư đối với con người. Khi con người sống tử tế, Thần Zeus sẽ cho họ tăng thêm thu hoạch để có cuộc sống ấm no. Khi con người làm điều ác, thần Zeus sẽ giáng thiên tai để trừng phạt.

Hesiod, một nhà thơ Hy Lạp vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, trong tác phẩm “Works and Days” có viết rằng:

“Thần Zeus đã ban tặng món quà chính nghĩa tốt nhất cho nhân loại. Bởi vì, bất cứ ai biết chính nghĩa và coi trọng chính nghĩa, Thần Zeus ở khắp mọi nơi sẽ ban phúc lành cho người ấy.”

Than thoai hon loan 02
Hình vẽ tượng Thần Zeus trên đỉnh Olympus, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, được vẽ vào năm 1815 bởi nhà khảo cổ học, kiến ​​trúc sư và nhà sử học nghệ thuật người Pháp Quatremère de Quincy. Bức tượng Thần Zeus trên đỉnh Olympia được hoàn thành bởi nhà điêu khắc Hy Lạp Phidias vào khoảng năm 435 trước Công Nguyên, được đặt trong Đền thờ Thần Zeus ở Olympia, Hy Lạp. Tượng cao khoảng 12 mét được cho là làm bằng đồng mạ vàng, đá quý, ngà voi. Theo sách cổ miêu tả về bức tượng, Thần Zeus uy nghi ngồi trên ngai vàng, một tay cầm vương trượng, tay kia nâng nữ Thần chiến thắng (Nike hoặc Athena). Tượng Thần đã biến mất sau một trận hỏa hoạn vào thế kỷ thứ năm sau Công Nguyên, nhưng do thành tựu nghệ thuật của công trình đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, nó đã được mệnh danh là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. (Tranh: Quatremère de Quincy, Kansalliskirjasto, Wikipedia, Public Domain)

Khi Hesiod khuyên người nắm quyền không nên làm điều ác, ông đã mô tả lại điều này:

“Ai mà có hành vi hung bạo, Thần Zeus – người con của Cronus, với thiên lý nhãn vẫn thấy và trừng phạt. Thậm chí có những trường hợp cả thành phố bị trừng phạt chỉ vì một kẻ xấu làm điều ác. Con trai của Cronus đã mang nạn đói và bệnh dịch đến cho họ. Vì vậy, người dân ở đó dần dần chết đi, vợ không sinh con, và nhà cũng bị Thần Zeus trên đỉnh Olympus phá hủy, và ít dần đi. Sau đó Thần Zeus tiêu huỷ đội quân khổng lồ, phá hủy các bức tường thành và đánh chìm tàu ​​của họ trên biển”.

Mặc dù những câu chuyện này đã trôi qua từ lâu, nhưng nội hàm của chúng vẫn khiến người ta liên tương tới tình trạng dịch bệnh ngày nay và việc dân số ngày càng thu hẹp.

Sau nền văn minh Hy Lạp cổ đại, do các nhà văn sáng tác tùy tiện, cộng thêm dân gian phụ họa, đã tạo nên nhiều phiên bản Thần thoại Hy Lạp khác nhau. Thần thoại bao hàm truyền thuyết, khó giải khó tin, do đó người ta coi nó không phải là lịch sử nghiêm túc. Hy Lạp cổ đại lại là một đế quốc với lượng lớn các thành bang nhỏ, mỗi thành phố đều có những Thần thoại và truyền thuyết khác nhau. Điều này đã dẫn đến hiện tượng có một số lượng lớn các mâu thuẫn khó phân biệt rõ trong hệ thống Thần thoại Hy Lạp.

Ngày nay, mọi người hiểu biết về Thần thoại Hy Lạp chủ yếu bắt nguồn từ các sử thi do Homer và Hesiod truyền lại. Chúng là hai hệ thống trong Thần thoại Hy Lạp tương đối dễ tiếp thu. Thực tế, có rất nhiều nội dung gây mâu thuẫn, bởi vì mỗi nguồn khác nhau tương đương với một phiên bản riêng biệt. Từ góc độ học thuật, ngoài hai phiên bản Hy Lạp cổ đại nói trên, một số lượng lớn các nhà văn như nhà viết kịch Sophocles, nhà thơ trữ tình Pindar, nhà thơ bi kịch Aeschylus, và một loạt các nhà văn khác đã sáng tác thêm lên Thần thoại Hy Lạp, làm cho các phiên bản càng truyền càng thêm lệch lạc.

Ngoài ra, tín ngưỡng các vị Thần Hy Lạp còn bị trộn lẫn với một số nhóm tín ngưỡng khác nằm ngoài tín ngưỡng chính thống của Olympus ở Hy Lạp cổ đại, chẳng hạn như đạo Orphism, nghi lễ huyền bí của người Eleusis và các phái có ảnh hưởng khác. Cũng vì lý do giáo lý mà các phiên bản Thần thoại khác nhau đã hình thành các phạm vi khác nhau, khiến cho cho hệ thống Thần thoại Hy Lạp trở nên phức tạp.

Có lẽ nhiều độc giả phương Đông không biết nhiều về Thần thoại phương Tây, vì vậy ở đây chỉ lấy Athena và Apollo quen thuộc nhất làm ví dụ.

Nhiều người biết rằng Athena thường được gọi là “Pallas Athena”. Có một phiên bản được lưu truyền đã nói rằng Athena đã vô tình giết chết nàng tiên Pallas khi đang luyện tập cùng nhau. Athena rất buồn, để tưởng nhớ người bạn đã khuất, cô đã đổi tên thành “Pallas Athena”.

Thần thoại hỗn loạn và tư tưởng triết học truyền thống
Bức tượng Pallas Athena trước Quốc hội Áo, được xây dựng từ năm 1893-1902. Bức tượng thể hiện tư thế của Athena đội mũ chiến đấu, áo giáp ngực và lưng, một tay cầm giáo, tay kia nâng nữ Thần chiến thắng Nike. (Ảnh: Gryffindor, Wikipedia, Public Domain)

Nhưng ở một phiên bản khác, Pallas là một người khổng lồ, bị Athena giết trong cuộc nổi loạn của người khổng lồ chống lại sự trị vì của Thần Zeus.

Cũng có phiên bản nói rằng Pallas là một Titan, một loại Thần cổ đại, từng đấu với những người khổng lồ bất phân thắng bại.

Tất nhiên, có nhiều cách nói trong Thần thoại Hy Lạp. Theo truyền thuyết, Athena ban đầu được gọi là Pallas, do sự tôn thờ nữ Thần rộng rãi của người Athen, tên của cô đã trở thành “Pallas Athena”, có nghĩa là “Pallas của Athens”. Nếu hiểu theo cách này thì cái tên “Pallas Athena” không liên quan gì đến người hay Thần khác…

Có quá nhiều phiên bản truyền thuyết phức tạp. Chẳng hạn các vị Thần Văn học và Nghệ thuật, Thần Ánh sáng, Thần Mặt trời được gọi là “Phoebus Apollo” cũng có rất nhiều sự nhầm lẫn trong cách gọi tên. Và trong Thần thoại Hy Lạp, ngay cả danh tính của Thần Mặt trời, cũng có nhiều nhân vật khác nhau.

Than thoai hon loan 04
Tượng Thần Apollo ngồi, tay cầm đàn lia. Tượng làm bằng đá porphyry và đá cẩm thạch, được làm vào thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên và hiện đang nằm trong Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia ở Naples. (Ảnh: Jebulon, Naples National Archaeological Museum, Wikipedia, CC0 1.0)

Vào thời cổ đại xa xôi trong Thần thoại, có mười hai Titan. Hyperion là con trai của Gaia, nữ Thần Trái đất và Uranus vị Thần Bầu trời. Uranus vốn là vị Thần cai quản ánh sáng và mặt trời, nhưng khi con trai của ông là Helios xuất hiện trong Thần thoại, mọi người bắt đầu nhầm lẫn giữa hai vị. Bởi vì, mỗi ngày Helios lái xe chở mặt trời mang lại ánh sáng cho thế giới, nên cũng là Thần Mặt trời. Với sự thay đổi của thời gian, nhiều phiên bản Thần thoại Hy Lạp khác nhau đã được xếp chồng lên nhau, và nhiều người đã nhầm lẫn Thần Helios với Thần Apollo – con trai của Thần Zeus…

Nếu chỉ giới hạn ở việc không biết ai là ai, những phiên bản Thần thoại hỗn loạn này sẽ không gây tổn hại nghiêm trọng đến đạo đức con người. Nhưng khi giới văn học và dân chúng tự do sáng tác Thần thoại theo sở thích cá nhân của mình, như vậy văn hóa sẽ bị đẩy xuống một vực thẳm nguy hiểm.

Sau cuối thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, các nhân vật khác nhau trong các phiên bản khác nhau của Thần thoại Hy Lạp dần dần chồng chất thành một thứ hỗn loạn phức tạp, và mối liên hệ và tương tác giữa các nhân vật trong câu chuyện trở nên gần gũi hơn. Trong số đó, có vô số câu chuyện Thần thoại hoang đường về mối “quan hệ” giữa nam Thần và nam anh hùng, điều này đã dần dần thay đổi những câu chuyện vốn thể hiện sự trợ giúp của Thần linh, sự thiêng liêng của tình bạn thuần túy và sự tôn nghiêm. Trong thời mạt của văn hóa Hy Lạp, sự băng hoại đạo đức và việc mọi người theo đuổi kích thích tinh thần dẫn đến sự phát triển của đồng tính luyến ái nam.

Vấn đề này cũng liên quan đến việc thi đấu Olympic cổ đại. Vào thời điểm đó, chỉ có nam giới mới được phép tham gia Olympic, các vận động viên bị cấm ăn mặc trong luật thi đấu, và công chúng được khuyến khích đánh giá vẻ đẹp của cơ thể nam giới. Là một trong những nghi lễ chính của các nghi lễ Hy Lạp cổ đại, Olympic đã có sức ảnh hưởng rất lớn trong dân chúng, vì vậy, một số lượng lớn người dân đã dần quen với việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của việc khỏa thân nam. Nhưng khi dục vọng nhân loại quá lớn, đạo đức trượt dốc, thì mọi người bỏ gốc theo ngọn, từ tán thưởng sức mạnh và vẻ đẹp của thân thể con người – vốn là tạo hóa do Thần ban cho (Thần tạo ra người) – đã diễn biến phát triển thành cái cớ cho đồng tính nam.

Than thoai hon loan 10
Điêu khắc cảnh đấu vật tại Hy Lạp trên đá cẩm thạch. (Ảnh: Fingalo, National Archaeological Museum of Athens, Wikipedia, CC BY-SA 2.0 DE)

Xã hội đương thời cũng xuất hiện đồng tính luyến ái nữ, nhưng do địa vị xã hội của phụ nữ thời Hy Lạp cổ đại thấp hơn, nên đồng tính luyến ái nữ không dấy lên thành làn sóng lớn.

Khi số lượng người đồng tính nam trong xã hội đạt đến một tỷ lệ nhất định, các nhà văn cũng khai thác phóng đại đề tài này để thu hút độc giả, mà vì đạo đức băng hoại, họ lại dám trực tiếp thêm vào câu chuyện về các vị Thần. Từ các tác phẩm văn học và nghệ thuật ở thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, chúng ta có thể thấy rằng nhiều nam Thần có ít nhất một chàng trai làm bạn đồng hành, và nhiều anh hùng trong truyện cũng có bạn nam tương tự.

Tình huống này tưởng chừng vô lý nhưng lại có vẻ quen thuộc với một số hiện tượng xã hội ngày nay. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, xã hội phương Tây đã khá cởi mở, nhưng khi nói về đồng tính người ta sẽ nói đó là hành vi trái đạo đức. Ngày nay, hàng chục năm sau, nhiều quốc gia đã đua nhau tuyên bố “hôn nhân đồng tính” là hợp pháp. Để thu hút lưu lượng người xem, những việc mà các nhà văn, nghệ sĩ làm cũng giống như thời Hy Lạp cổ đại, họ tuyên truyền bừa bãi những thứ này trong các lĩnh vực nghệ thuật, điện ảnh, văn học…

Dùng từ ngữ hiện đại mà nói thì trào lưu cải biến Thần thoại Hy Lạp tương đương với “chủ nghĩa hiện đại”, hoàn toàn không phải là truyền thống chân chính.

Từ cái nhìn lịch sử hưng – suy – bại – vong của các nền văn minh, xét ở phương diện tín ngưỡng mà nói, việc duy trì nền văn minh của con người là luôn tuân theo những đạo đức nhất định, nếu không sẽ bị hủy diệt. Đây là ý chí của Thần, là quy luật của lịch sử, là tất yếu của xã hội, thực ra cũng là một sự truy cầu trong sâu thẳm tâm linh con người. Những “nền văn hóa” ở thời kỳ mạt hậu, chứa đầy ý nghĩa bại hoại chỉ kích thích con người trong một thời gian ngắn, và chúng sẽ không tồn tại lâu dài. Do đó, dù Hy Lạp cổ đại bước vào thời kỳ hoàng kim vào thế kỷ thứ 5 và thứ 6 trước Công Nguyên, nó chỉ duy trì được sự thịnh vượng của mình trong hơn một trăm năm, và dần dần suy tàn. Đây cũng giống như đạo lý “vật cực tất phản”, “cực thịnh tất suy”.

Từ biểu hiện bên ngoài, khi lòng người trở nên u ám, người ta coi sự xảo quyệt là thông minh và vinh quang, và sự chính trực là ngu ngốc và xấu hổ. Trong quá trình lòng người bị ma biến này, rất nhiều mâu thuẫn đã nảy sinh, và các cuộc nội chiến liên miên đã làm suy yếu sức mạnh mọi mặt của các thành bang Hy Lạp. Cùng với sự nổi lên của La Mã, Hy Lạp cổ đại đã rút lui khỏi vũ đài lịch sử tại thế kỉ thứ hai trước Công Nguyên.

Đương nhiên, ở đây viết rất đơn giản, nhưng trên thực tế tiến trình lịch sử cụ thể vô cùng phức tạp. Chỉ dựa trên danh sách các cuộc chiến lớn nhỏ đủ kiểu, liên tiếp không ngớt, thì cũng đủ làm người ta hoa cả mắt. Bất kể là về vị trí địa lý, hình thái xã hội, cơ cấu kinh tế hay rất nhiều phương diện khác, đều có thể phân tích những lý do bên ngoài dẫn đến sự suy tàn của Hy Lạp cổ đại. Nhưng mọi thứ đều gắn liền với lòng người. Trong lịch sử, những trường hợp mà lòng người bị ma biến, dẫn đến phán đoán và quyết sách sai lầm, cuối cùng dẫn đến hủy diệt thì rất nhiều. Vì vậy, người Hy Lạp cổ đại tưởng chừng như bị người La Mã cổ đại đánh bại, nhưng đằng sau biểu hiện bề ngoài đó, nó cũng phản ánh Thiên ý rằng, sự sa đọa dẫn đến diệt vong.

Thần thoại La Mã không có nhiều câu chuyện và truyền thuyết kỳ lạ như Thần thoại Hy Lạp, đặc biệt là ở thời kỳ đầu. Trong những ngày đầu của nền văn minh La Mã cổ đại, các vị Thần nguyên thủy không có trải nghiệm cá nhân, không có hôn nhân và con cái. Họ không giống các vị thần Hy Lạp thời mạt chút nào. Các vị thần La Mã thời kỳ đầu chỉ có Thần tính trạng thái tĩnh, mà không có hành vi, không có tính cách nhân tính hóa như trong Thần thoại Hy Lạp. Cũng bởi vậy mà không có nhiều ghi chép về hoạt động của họ. Điều này khiến người thời ngày nay hiểu về Thần thoại La Mã tương đối ít.

Khi người La Mã lấy được đất đai của Hy Lạp, họ đã tiếp thu nền văn minh do Hy Lạp để lại. Vì vậy, trong quá trình dần dần trộn lẫn văn hóa, người ta quen dùng các vị thần La Mã đối ứng với các vị thần Hy Lạp. Do đó các vị thần Hy Lạp sau này và các vị thần La Mã bị lẫn lộn với nhau, xuất hiện rất nhiều tình huống là một vị Thần dùng 2 cái tên phiên dịch.

Với sự phát triển của lịch sử và sự trộn lẫn không ngừng của các dân tộc và văn hóa, người La Mã cổ đại ngày càng chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, và dần dần họ biên tạo ra những câu chuyện… Theo quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”, La Mã cổ đại cũng tất yếu đi vào suy vong. Khi những tư tưởng bại hoại trở thành phong tục dân gian, hoặc thậm chí là các hình thức tôn giáo, thì sức tàn phá đạo đức của chúng thật đáng kinh ngạc. Ví dụ, Lễ Ma men “Bacchanalia”, được truyền từ Hy Lạp đến La Mã, đã nhanh chóng biến thành một lễ hội say rượu và loạn dâm, lại được đặt cho cái tên “thần thánh”. Cho dù sau đó nó đã bị các quan chức La Mã cấm vào năm 186 trước Công Nguyên, nhưng nó vẫn hoạt động bí mật trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, cho dù cái tên nghe hay đến đâu, ngay cả dưới cờ hiệu của “thần”, thì những thứ hủ bại sẽ không tồn tại được lâu, thậm chí sẽ bị Trời giáng tai họa. Sự hủy diệt hoàn toàn của Pompeii do băng hoại đạo đức là một ví dụ thực tế. (Xem bài: Sự diệt vong của Pompeii và bài học gửi hậu thế)

Than thoai hon loan 12
Bức “The Last Day of Pompeii” (Tạm dịch: Ngày tàn của Pompeii) mô tả cảnh người dân Pompeii khi thảm họa xảy tới, 1830-1833, họa sĩ Karl Bryullov. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Mặc dù ở đây đã nói về sự suy tàn của văn hóa, nhưng trên thực tế, văn hóa con người là có tồn tại âm và dương, có chính có phụ. Bản thân văn hóa loài người là sự pha trộn giữa tích cực và tiêu cực, khiến cho các thế hệ sau khó phân biệt giữa thiện và ác. Trong phần sau của bài viết chúng ta sẽ nói về một số phần tích cực và tươi sáng của văn hóa Hy Lạp cổ đại.

Nhiều bộ phận trong nền văn hóa Hy Lạp thời mạt thực sự đã đưa con người đến tiêu cực. Hy Lạp cổ đại thời kỳ cuối, vì đạo đức bại hoại nên đã bị hủy diệt, nhưng việc các quốc gia của nền văn minh Hy Lạp cổ đại rời khỏi vũ đài lịch sử không có nghĩa nền văn hóa đó bị tuyệt diệt. Sức sống của nó vẫn ngoan cường như cỏ dại, vẫn khởi tác dụng trong lịch sử nhân loại, thậm chí kéo dài đến ngày nay.

Có thể thấy trong lịch sử, những tư tưởng của Hy Lạp thời mạt bị người La Mã cổ đại coi như “kẻ thù” và muốn tiêu diệt. Nhưng sau khi đánh bại Hy Lạp, người La Mã dần dần chấp nhận văn hóa Hy Lạp vì sự phong phú đa dạng của nó. Cơ Đốc giáo cổ đại coi tư tưởng Hy Lạp là tà giáo, là dị giáo, và muốn tiêu diệt nó, nhưng một số nội dung trong văn hóa Hy Lạp cổ đại cuối cùng lại được gắn với các lý thuyết tôn giáo, thậm chí trở thành một phần của Thần học (Xem bài: Nhìn lại một giai đoạn hưng suy của nghệ thuật nhân loại). Sau Cải cách tôn giáo, nhiều phái nhắc lại rằng các học thuyết nên được thanh lọc, và những thứ không có trong Cơ Đốc giáo nên bị loại bỏ. Nhưng chúng đã kết hợp chặt chẽ với nhau và liên quan chặt chẽ đến văn hóa, nghệ thuật, triết học, khoa học, chính trị và nhiều phạm trù khác. Cho đến ngày nay, chúng vẫn có mối liên hệ mật thiết với hình thái chính trị, hệ thống kinh tế, khái niệm nhân văn và nền tảng văn minh và những sự việc cụ thể khác không tiện nói thêm. Ngay cả những người ủng hộ đồng tính luyến ái, giải phóng tình dục, loạn luân và các lối sống khác trong xã hội cũng truy ngược lại thời Hy Lạp và cho rằng đó là “truyền thống” được lưu truyền từ thời cổ đại… Chính như lấy bùn đất của thời xưa để bảo vệ cho bùn đất của thời nay, đều chỉ là bùn đất.

Thần thoại hỗn loạn và tư tưởng triết học truyền thống
Bức tượng bán thân của thần Zeus được khai quật ở Otricoli vào năm 1775, được tài trợ bởi Giáo hoàng Pius PP. VI. Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội Công giáo đã thu thập được một số lượng lớn các kho tàng di tích văn hóa ngoại giáo, tượng bán thân này hiện nằm trong Bảo tàng Vatican. Điều này cho thấy rõ sự xâm nhập của văn hóa Hy Lạp vào Cơ Đốc giáo. (Ảnh: Jastrow, Vatican Museums, Wikipedia, Public Domain)

Trên thực tế, nếu nhìn kỹ những tác phẩm kinh điển được truyền lại từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến nay thì sẽ thấy có nhiều học giả và triết gia Hy Lạp cổ đại rất bất bình với những Thần thoại hỗn loạn thời bấy giờ. Ví dụ, Xenophanes, một nhà triết học và nhà thơ nổi tiếng vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, rất ghét việc các nhà thơ và nhà viết kịch chuyển thể và lợi dụng Thần thoại, cho rằng họ đang báng bổ các vị Thần, và bịa ra những câu chuyện dối trá xúc phạm các vị Thần. Tín ngưỡng và sự thành kính chân chính đối với các vị Thần thời bấy giờ có thể thấy trong các trước tác nói về Socrates, hay trước tác của Plato, như trong cuốn sách “Cộng hòa” (Republic) nổi tiếng chẳng hạn. Điều này rất khác với các vần thơ của Homer và các nhà thơ cổ đại.

Đương nhiên, đây là bài viết mô tả lại sự phát triển văn hóa bề mặt từ lý thuyết thông thường, nhưng thực tế, bất kỳ sự vật bề mặt nào cũng có nguồn gốc cơ bản và lý do sâu xa. Vì vậy, đối với bộ mặt thật của lịch sử, bao gồm các hành vi cụ thể của những người tham gia lịch sử, một số điều khó có thể nói đầy đủ trong thời kỳ đa văn hóa và phức tạp này. Có lẽ phải đến khi màn sương mù tương lai tan hết thì sự thật của lịch sử mới thực sự triển hiện.

Tôn giáo và triết học

Các tôn giáo Hy Lạp cổ đại có liên quan chặt chẽ đến Thần thoại, nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau. Phần có ý nghĩa giáo huấn đạo đức của Thần thoại và văn hóa, có liên quan đến tín ngưỡng, dùng để giảng dạy con người, thuộc về tôn giáo. Còn một phần của Thần thoại thì không thuộc phạm trù này. Nói một cách chính xác, con người thời đó đều tin vào Thần nên thời đó không có thuật ngữ “tôn giáo”, cũng không có khái niệm của người hiện đại đối với tôn giáo. Tuy nhiên, để tiện cho việc diễn đạt về mặt ngôn ngữ, giới học thuật dùng từ “tôn giáo”.

Đôi khi, chúng ta cũng có thể bắt gặp một từ khác, đó là “triết học”. Triết học Hy Lạp cổ đại đương thời không phải là kiến ​​thức mà ngày nay mọi người nghĩ, mà nó giống như một số môn phái tu luyện và phương pháp tu luyện (Xem bài: Nhìn lại một giai đoạn hưng suy của nghệ thuật nhân loại). Cũng có một số học giả hiện đại so sánh triết học với các phương pháp tu hành mà Đức Phật Thích Ca và Lão Tử đã dạy. Không có nhiều sự khác biệt giữa triết học và tôn giáo cổ đại, và quan điểm này cũng có giá trị về mặt học thuật.

Lấy tư tưởng Pythagoras làm ví dụ đơn giản. Bởi vì hiện nay người ta xếp Pythagoras là một nhà triết học, nhiều người cho rằng tư tưởng Pythagoras là một trường phái triết học về học thuật. Nhưng vì lý luận của Pythagoras có chứa đựng rất nhiều quan điểm tôn giáo và Thần học, nên khi giới học thuật nói về tôn giáo Hy Lạp, trường phái triết học này lại được quy về tôn giáo.

Thần thoại và truyền thuyết Hy Lạp thường tập trung vào kể chuyện và giải trí, vì những người phàm tục quen tạo ra các câu chuyện theo logic của con người để người nghe thấy hứng thú. Trong cốt truyện, các nhà văn đã nhân tính hóa, nhân vị hóa, và thậm chí là tà ác hóa các vị Thần. Mặc dù vậy các triết gia và giáo phái ở thời kỳ cao thượng cũng không can thiệp bằng cách cấm đoán dân gian và thế tục. Lối vào đền thờ Apollo ở Delphi được khắc ba phương châm nổi tiếng: “Hãy nhận thức chính mình”, “Bất kỳ việc gì cũng không quá mức”“Bừa bãi thề thì tai họa sẽ ập đến”. Do đó đối với những việc ở thế tục thì giới tôn giáo thời đó không can thiệp.

Tất nhiên, sự tồn tại của cách lợi dụng Thần thoại cũng có nhiều tác động tiêu cực, chẳng hạn như Lễ huyền bí của người Eleusis yêu cầu kể những câu chuyện cười khiêu dâm, và tại một nghi lễ nào đó thường sẽ giao tiếp với nhau bằng những lời lẽ thô tục, v.v.. Đặc biệt là thời kỳ sau này, khi đạo đức dân chúng băng hoại, các ngành các nghề đều hỗn loạn, chẳng hạn như tình trạng dâm loạn tràn lan ở đền thờ Thần Tình yêu được ghi lại trong lịch sử.

Than thoai hon loan 06
Kiến trúc sư người Pháp Joseph Albert Tournaire phục dựng Đền thờ Apollo ở Delphi dựa trên các di tích, được vẽ vào năm 1894. (Tranh: Albert Tournaire, École nationale supérieure des Beaux-Art, Wikipedia, Public Domain)

Một đặc điểm khác của tôn giáo Hy Lạp cổ đại là rất coi trọng sự khải thị từ những lời dạy của Thần (Oracle). Bất kể họ là người cai trị hay người bình thường, khi họ gặp những sự kiện quan trọng hoặc những vấn đề khó khăn, họ sẽ đến Thánh địa (các ngôi đền của các vị Thần khác nhau) để tìm kiếm sự khải thị. Và nếu vị Thần chấp nhận lễ bái thì sẽ giáng lời Thần dụ để giải đáp. Mọi người sẽ thông qua viên tư tế hoặc lời tiên tri của người chuyên trách trong ngôi đền chuyển dịch lại theo thể văn vần, thơ ca cho người đi cầu nguyện. Theo ghi chép, lời Thần dụ của Thần Apollo ở đền Delphi được chứng minh là linh nghiệm và chính xác nhất, vì vậy nơi đây đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng cực kỳ quan trọng ở Hy Lạp cổ đại kể từ thế kỷ thứ VIII trước Công Nguyên.

Khi Thánh Socrates còn sống, lời Thần dụ ở đền Delphi đã nói rõ: “Không có người nào có trí huệ hơn Socrates”. Tuy nhiên, sự đánh giá phi phàm của lời Thần dụ đã làm dấy lên rất nhiều ghen tị. Một loạt các sự kiện dẫn đến việc Socrates bị kết tội oan. Với cái gọi là “không tôn trọng các vị Thần” “mê hoặc những người trẻ tuổi”, Socrates bị kết án tử hình sau cuộc bỏ phiếu của một bồi thẩm đoàn gồm 500 người.

Thần thoại hỗn loạn và tư tưởng triết học truyền thống
Tượng Socrates trước Học viện Athens. Tác phẩm của Leonidas Drosis và Attilio Picarelli. (Ảnh: Φωτογράφηση του χρήστη DIMSFIKAS, Academy of Athens, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Trong thời đại mà tất cả mọi người đều tin vào Thần, khi các thành viên của bồi thẩm đoàn và những người ghen ghét Socrates một cách vô lý đều tin vào sự tồn tại của các vị Thần, thì điều này vẫn không thay đổi sự thật rằng họ đã giết Thánh nhân với danh nghĩa tôn thờ các vị Thần.

Chuyện các Thánh đồ bị trừng phạt vì ham muốn ích kỷ không phải là chuyện lạ. Câu chuyện nổi tiếng nhất phương Tây là chuyện vua Herod tàn sát trẻ sơ sinh được ghi trong Kinh Thánh: Vua Herod nghe tin sẽ có một vị vua mới của người Do Thái giáng sinh. Coi đó là mối đe dọa, ông cử người đi tìm. Tuy nhiên, những người được sai đi tìm đó được các Thiên Thần nhắc nhở, thế là họ bỏ trốn mà không quay lại báo cáo với vua Herod. Vua Herod không tìm thấy Chúa Giê-su nên đã ra lệnh thảm sát tất cả trẻ sơ sinh nhỏ hơn hai tuổi tại Bethlehem, quê hương của Chúa Giê-su.

Những ví dụ như vậy không thiếu trong thời cổ đại và hiện đại, cả phương Đông lẫn phương Tây. Những người nắm quyền khi tin rằng sắp có một vị vua được sinh ra trên thế gian liền tàn sát bừa bãi, hoặc thông qua giải nghĩa những lời tiên tri để xem ai là hoàng đế trong tương lai mà giết chóc. Trong lịch sử, trong các chức sắc tôn giáo như các giám mục, sư trụ trì và các linh mục, không thiếu những kẻ tham lam và bại hoại, nhưng nhiều người trong số họ thực sự tin vào sự tồn tại của các vị Thần. Ngay cả ở những nơi phổ biến học thuyết vô Thần, nhiều quan chức tham nhũng vẫn tin vào phong thủy và những thứ khác vốn luôn bị chính quyền tuyên truyền là “mê tín”, nhưng tin vào những điều này không có nghĩa là họ sẽ không tham nhũng, hủ bại.

Nhiều ví dụ đều chỉ ra một vấn đề: nếu một người không nỗ lực để cải thiện đạo đức và tâm tính của mình, cho dù họ tin vào sự tồn tại của Thần, thì cũng không có nghĩa là họ thành người đạo đức cao thượng. Đạo đức không phải là một khái niệm có thể được đánh giá đơn giản bằng cách tin vào sự tồn tại hay không tồn tại của thứ gì đó, mà nó liên quan đến các quy tắc ứng xử và chuẩn mực của con người, cũng như tổng thể các phương diện đối nhân xử thế xuyên suốt của con người như phẩm hạnh, quan niệm, tâm cảnh. Nói đúng ra, nếu một người tin vào sự tồn tại của Thần mà bỏ qua những yêu cầu của Thần đối với đạo đức phẩm chất của con người, thì loại “tín” này giống như thật mà thật ra là giả , thậm chí là không phải là “tín” chân chính.

Các nhà hiền triết cổ đại đều là những người coi trọng đạo đức và tu dưỡng tâm tính, điều này khác biệt rất lớn với thời hiện đại. Ngày nay người ta coi kiến ​​thức và kỹ thuật bề ngoài là thước đo giá trị của con người. Ví dụ, Thales (khoảng 624 TCN-548/545 TCN), một trong “bảy nhà hiền triết của Hy Lạp cổ đại”, người hiện đại chỉ đánh giá mức độ thông thạo của ông về thiên văn và địa lý và sự tiên phong trong trường phái Milesia của ông. Từ đó ông được coi là nhà triết học đầu tiên để lại tên tuổi trong lịch sử phương Tây. Nhưng thực ra, những gì ông làm là để giáo hóa đạo đức công chúng. Những thứ mà ông nắm bắt được không phải là kiến ​​thức khoa học, mà nói vui, đó là “siêu năng lực” thì đúng hơn.

Theo cuốn sách “Lịch sử” (Histories) do Herodotus biên soạn vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, Đại hiền triết Thales đã dự đoán chính xác nhật thực toàn phần vào ngày 28 tháng 5 năm 585 TCN. Trong cuốn sách “Politics” (Chính trị) của Aristotle ​​kể về câu chuyện Thales dự đoán một vụ thu hoạch ô liu bội thu vào mùa đông năm tới. Người hiện đại đã quen gán cho những dự đoán chính xác này là do kiến ​​thức khoa học phong phú của Thales, thậm chí người hiện đại còn gọi ông là “cha đẻ của khoa học”. Nhưng tại sao người ta không nghĩ, làm thế nào một người cổ đại có thể làm được điều này vào 2600 năm trước khi mà không có sự hỗ trợ về mặt thiết bị nào và khoa học thời đó cực kỳ kém phát triển?

Thay vì, buộc chặt những việc làm này với quan niệm của khoa học, tốt hơn hết nên thẳng thắn thừa nhận nó có mang đặc trưng dự ngôn tiên tri, trên thực tế, đó cũng là để giáo hóa nhân tâm. Lấy nội dung được Aristotle mô tả làm ví dụ: Công việc của nhà hiền triết Thales ở thế tục là làm kinh doanh, nhưng vì ông đã đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian vào việc tìm kiếm chân lý và nghiên cứu triết học nên ông ngày càng nghèo hơn dẫn đến nhiều người chỉ trích rằng triết học là vô ích. Để đảo ngược nhận thức của mọi người, Thales đã dự đoán một vụ thu hoạch ô liu bội thu vào mùa đông năm tới, đồng thời độc quyền và cho thuê các nhà máy dầu ở Miletus và Chios với chi phí rất thấp. Bởi vì không có sự cạnh tranh, ông đã kiếm được rất nhiều lợi nhuận bằng cách cho thuê nhà máy dầu trong năm thứ hai. Aristotle nói rằng, Thales đã chứng minh rằng “chỉ cần các triết gia có ý muốn, thì rất dễ dàng trở nên giàu có, nhưng đây không phải là mục tiêu theo đuổi của họ.”

Than thoai hon loan 11
Nhà hiền triết Thales. (Tranh: Rijksmuseum, Picryl, Public Domain)

Từ “triết học” chữ Latin là “Philosophia”, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại “φιλοσοφία”, là sự kết hợp của “Philos” nghĩa là tình yêu, và “Sophia” nghĩa là trí tuệ, có nghĩa là “tình yêu trí huệ”. Điều này tương tự như “từ bi”“huệ ngộ” trong Phật giáo, hay “tình yêu” (love) trong Cơ Đốc giáo, chỉ là nó được thể hiện theo những cách khác nhau dưới những bối cảnh văn hóa khác nhau mà thôi. Nói cách khác, tất cả chúng đều là tu luyện theo các pháp môn khác nhau.

Người hiện đại thường quen nhìn người xưa dưới góc độ người hiện đại. Đặc biệt là một số “nhà duy vật” khi xem xét về quan điểm của Thales “nước là nguồn gốc của vạn vật”, thì đoạn chương thủ nghĩa nói rằng ông là “chủ nghĩa duy vật” mà quên đi một cách có chọn lọc lời nói của vị hiền triết này là “vạn vật đều có linh tính”.

Trên thực tế, sau khi một người tu luyện khai trí khai huệ, thì đối với vạn sự vạn vật đều có một cái nhìn sâu sắc, và có một tầm hiểu biết vượt xa người thường về cả vĩ mô và vi mô. Có thể thấy rằng 2600 năm trước, Thales đã ở trong trạng thái khai mở trí huệ.

Thales cũng tin rằng trái đất được đặt trên mặt nước, điều này gợi nhớ đến ghi chép của Phật gia rằng Núi Tu Di (Sumeru) ở trên mặt nước. Nếu chú ý một chút đến thế giới được mô tả trong kinh sách cổ xưa thì người ta sẽ ngạc nhiên trước những khái niệm rộng lớn và tất cả các chi tiết bao trùm vạn vật của nó.

Nhiều người hiện đại nói: “Tôi không hiểu tại sao người xưa lại có trí tưởng tượng phong phú đến vậy”. Họ thực sự cho rằng, những mô tả về các không gian khác trong hàng vạn cuốn kinh Phật và Đạo tạng đều là do người xưa hư cấu biên tạo nên. Cần phải biết rằng, một người có khả năng logic bình thường không thể quy kết mọi thứ vào trí tưởng tượng của người xưa, bởi vì môi trường xã hội cổ đại rất đơn giản, tư duy của người xưa cũng đơn giản hơn người hiện đại, do đó cũng không thể có khả năng tưởng tượng vượt hơn bình thường như thế được. Những nội dung chi tiết tường tận của các không gian khác, cũng như sự nhất quán nhấn mạnh của các tôn giáo trên thế giới, chính là những điều mà các nhà thuyết giáo và những người tu luyện nhìn thấy, nghe thấy và trải nghiệm.

Tác phẩm “Phaedo” của Plato ghi lại trái đất ở không gian khác được Thánh nhân Socrates mô tả chi tiết trước khi qua đời, gồm sự cấu thành của quả cầu, màu sắc của đất, sự rực rỡ của cây cối, hình dạng của đá quý và các chi tiết khác. Nhưng những đoạn văn lớn này, về cơ bản bị các học giả triết học hiện đại bỏ qua. Nhân loại được tạo ra bởi khoa học hiện đại, ngay cả những nội dung mà họ nhìn thấy tận mắt mà còn coi chúng như thể không tồn tại, thế thì làm sao họ có thể hiểu được chân lý của “tình yêu trí huệ”?

Trong cuốn “Siêu hình học” (Metaphysica) của mình, Aristotle đã giải thích sự hiểu biết về nước từ góc độ Thần thoại:

“Một số người nghĩ rằng, ngay cả những người cổ đại cách xa ngày nay, trong mô tả ban đầu của họ về Thần, cũng có những quan điểm tương tự về tự nhiên. Chẳng hạn, họ cho rằng Thần Oceanus (vị Thần cai quản đại dương sông ngòi bao quanh tất cả các vùng đất trên thế giới) và Thần Thetis (nữ thần biển cả ban đầu) là cha mẹ sáng tạo thế giới. Trong các câu chuyện, các vị Thần thường chỉ vào nước và thề, và gọi đó là “Styx” (Styx, con gái của hai vị Thần nói trên). Đối với sự vật mà nói, những gì lâu đời nhất cũng được kính trọng nhất, và nó là thứ thiêng liêng nhất được dùng để thề”.

Đoạn văn này của Aristotle đề cập đến phả hệ Thần thoại phiên bản của Homer. Styx là con gái của hai vị Thần nguyên thủy Hy Lạp, Oceanus và Thetis, cai quản sông Styx. Mặc dù thuộc về các Thần Titan cổ đại, Styx đã đứng về phía Zeus trong cuộc chiến Titan (Titanomachy). Sau chiến thắng, tên cô đã trở thành biểu tượng của sự linh thiêng và danh dự trong các vị Thần trên đỉnh Olympus, vì vậy sau này các vị Thần lấy tên Styx để thề. Theo Homer, lời thề nhân danh Styx là lời thề thiêng liêng nhất, và bất kỳ vị Thần nào vi phạm lời thề này sẽ bị trừng phạt.

Trong quan niệm của con người ngày nay, vật chất là bản thân vật chất. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu các tác phẩm của người xưa bằng quan niệm hiện đại thì sẽ hiểu sai hoàn toàn về vật chất được đề cập trong triết học Hy Lạp cổ đại. Đặc biệt bắt đầu từ thời Xô Viết, một số triết gia Hy Lạp cổ đại bị gán cho là “chủ nghĩa duy vật” một cách có chủ ý. Họ đều là người tín Thần, các vật chất và nguyên tố mà họ nói đến đều liên quan mật thiết đến các vị Thần, tuyệt đối không thể tách chúng ra thành hai thứ để xem xét độc lập được.

Than thoai hon loan 13
Aristotle đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của “Trí tuệ” hay “Trí huệ” trong Metaphysica. Trong ảnh là bức tượng “Trí tuệ” với hiện thân là một nữ Thần, bức tượng nằm tại thành phố cổ Ephesus. (Ảnh: Library of Celsus, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Quan điểm triết học tiêu biểu nhất là thuyết bốn nguyên tố của Hy Lạp cổ đại cách đây khoảng 2500 năm, tức là bốn nguyên tố cơ bản “đất, nước, lửa, khí” cấu thành thế giới. Nhiều người cho rằng đây là “chủ nghĩa duy vật”. Nếu đúng như vậy, thì ở Ấn Độ cổ vào thời Đức Phật Thích Ca cũng nói về “tứ đại” “đất, nước, lửa, gió”, chúng có giống nhau không? Nó cũng được coi là “chủ nghĩa duy vật”?

Ở Hy Lạp cổ đại, một số lý thuyết về nguyên tố đã tồn tại trong lĩnh vực tôn giáo hoặc tu hành học thuật từ rất lâu (người xưa không có khái niệm học thuật hiện đại, và việc nghiên cứu học thuật và khám phá chân lý được coi là việc tu hành đến gần đến với Thần linh). Theo ghi chép lịch sử triết học thì lý thuyết bốn nguyên tố này là của nhà triết học và thầy chiêm bói Hy Lạp cổ đại Empedocles vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Lý thuyết này được suy diễn ra từ nền tảng lý luận Thần học Hy Lạp cổ đại. Tóm lại, nó xuất phát từ bốn vị Thần chính: Thần Zeus, vị Thần Vương, hiện thân của nguyên tố “Lửa”, vì ông phụ trách bầu trời, ánh sáng và sấm sét. Thần Hera, vị Thần Hoàng Hậu, là mẹ của sự sống, nghĩa là nguyên tố “Khí”. Thần Biển Poseidon, người anh em của vị Thần Vương, tượng trưng cho nguyên tố “Nước”. Còn người anh em khác của Thần Zeus là Diêm Vương Hades cai quản cõi âm, và cũng là người thống trị các khoáng chất dưới lòng đất, vì vậy tương ứng với nguyên tố “Đất”.

Có thể thấy, các sự vật khác nhau đều được cấu tạo bởi các yếu tố vật chất này, và ở các mức độ khác nhau, có các yếu tố Thần linh khác nhau tham gia vào. Lấy một ví dụ đơn giản với các vật liệu nghệ thuật quen thuộc, chẳng hạn như bột màu. Các loại bột màu ban đầu về cơ bản có nguồn gốc từ khoáng chất dưới lòng đất và chứa các nguyên tố Đất. Trong quá trình xay nghiền bột này từ nguyên liệu thô, nó cần được nước rửa sạch, làm sạch bằng phương pháp lỏng, thêm chất kết dính, v.v., sẽ chứa nguyên tố Nước. Khi sản xuất bột màu, cần phải trải qua quy trình nung và làm khô trong khí, nên có yếu tố Lửa và yếu tố Khí tham gia. Do đó, bột màu bao gồm có Đất, Nước, Lửa và Khí tạo thành. Và vì có Thần đứng sau những yếu tố này, nên chất liệu màu có đặc tính liên hệ với Thần ở phía sau. Thế nên người xưa cho rằng những đồ vật do Thần làm ra hoặc do Thần dạy con người tạo ra, thì cần phải sử dụng cho đúng đắn, chẳng hạn như dùng để vẽ Thần linh. Người ta ca ngợi sự vĩ đại của các vị Thần thông qua các bức tranh, có thể câu thông với Thần tính trong các đặc điểm của các chất liệu màu này.

Than thoai hon loan 08
Sơ đồ của bốn nguyên tố trong không gian vũ trụ vĩ mô được vẽ vào năm 1617 bởi học giả người Anh Robert Fludd. Hình này dựa trên trái đất và bốn nguyên tố: Đất (Terra, trái đất thấp nhất trong hình), Nước (Aqua), Khí (Aer) và Lửa (Ignis) được đánh dấu từng lớp từ trong ra bên ngoài. [Lưu ý: thứ tự của bốn yếu tố sẽ khác nhau trong các lý thuyết và cấp độ khác nhau]. Yếu tố vũ trụ học cổ điển đã phổ biến trong âm nhạc cổ đại và nghệ thuật trong một thời gian dài. Bức tranh này đưa nó vào sự hài hòa của âm nhạc, mô tả rằng âm nhạc có thể thể hiện ra thiên nhiên và vũ trụ thông qua cấu trúc âm thanh cụ thể của bốn yếu tố. (Tranh: Robert Fludd, Deutsche Fotothek, Wikipedia, Public Domain)

Lý luận bốn nguyên tố đã tồn tại ít nhất hai nghìn năm trong quá khứ. Ngay cả trong thời kỳ Phục hưng, màu sắc dựa trên bốn nguyên tố có thể được tìm thấy trong hội họa của Leonardo da Vinci, so với màu sắc của Michel-Eugène Chevreul hay Jean-Georges Vibert vốn nổi tiếng trong giới nghệ thuật phương Tây cận đại, rõ ràng là cổ phác hơn nhiều.

Không chỉ nghệ thuật, mà bốn nguyên tố có liên quan đến nhiều lĩnh vực ở Hy Lạp cổ đại. Ví dụ, nhà khoa học y học đương đại Philistion (of Locri) cùng thời Plato đã áp dụng bốn đặc tính lạnh, nóng, khô và ướt mà ông rút ra từ bốn yếu tố và áp dụng vào y học, kết hợp với chủ trương của Alcmaeon vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, Alcmaeon (of Croton) tin rằng “sức khỏe con người phụ thuộc vào sự cân bằng các yếu tố” để hoàn thiện hơn nữa các lý luận về y học phương Tây cổ đại.

Ngoài 4 nguyên tố, Hy Lạp cổ đại còn có một “Nguyên tố thứ 5” (Quinta Essentia hay Quintessence) nổi tiếng, được gọi là “Aether” (Aether hay Ether). Người ta đã biết đến từ những ngày đầu tiên khi bốn nguyên tố xuất hiện, nhưng vì mọi người tin rằng Ether có kích thước siêu nhỏ, và có các tính chất khác với bốn nguyên tố nên nó không được đưa vào bốn nguyên tố. Chỉ đến thời Aristotle, nó mới được xếp vào loại nguyên tố thứ 5. Ở thời hiện đại, người ta từng cho rằng Ether là một loại sóng điện từ giả định nào đó, nhưng sau khi nghiên cứu, họ cho rằng không có bằng chứng quan sát nào chứng minh được sự tồn tại của loại chất này nên về cơ bản nó đã bị giới khoa học loại bỏ.

Nhưng trên thực tế, từ “Ether” xuất phát từ vị Thần Hy Lạp nguyên thủy Aether, người đại diện cho không gian tối cao ở Thiên giới, và không khí trong lành tươi sáng mà các vị Thần sống ở đó hít thở.

Cũng giống như gió là một hiện tượng tự nhiên ở phía bên này, và Thần Gió ở phía bên kia, một mặt của sự vật là một chất cụ thể, và mặt kia là một Thần linh. Do đó, khái niệm “Ether” có thể được hiểu là biểu hiện của vị Thần Aether ở vị thế cao nhất. Chất này được đặc trưng bởi sự hư không, vi tế, nhẹ nhàng, tinh tế, tinh khiết và mang sức nóng. Người Hy Lạp cổ đại tin rằng nó có thể thấm vào bất cứ nơi nào của không gian cho đến các phần tử cực nhỏ. Theo trình tự thời gian về sự xuất hiện của nhiều danh từ khác nhau trong lịch sử triết học, nó được các thế hệ sau gọi là “nguyên tố thứ năm”. Tuy nhiên, vì khái niệm của nó cao hơn các nguyên tố tự nhiên thông thường như Nước, Lửa và Khí, nhiều học giả cũng coi nó là nguyên tố đầu tiên trong các nguyên tố cổ điển.

Cuộc tranh luận về sự tồn tại của Ether vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, nhưng hầu hết chúng hoàn toàn bó hẹp trong khuôn khổ của vật lý hiện đại. Hạn chế này khiến người hiện đại thực sự khó hiểu khái niệm của nó trong văn hóa truyền thống. Trên thực tế, người xưa luôn coi trọng quan niệm về sự thống nhất giữa tinh thần và vật chất, cho rằng tư tưởng là vật chất nhẹ nhàng, trong sáng. Vì vậy, họ cũng tin rằng Ether tinh tế, thuần khiết và thanh tao cũng có một ý chí quy tắc nhất định, thiết lập và duy trì trật tự của vạn vật. Bởi vì, nó là biểu hiện của Thần cao tầng, tuy là vật chất rất vi mô, nhưng nó cũng có đặc tính của sự hư không.

Nếu so sánh với nền văn hóa cổ đại Á Đông, chúng ta có thể tìm thấy cái mà người hiện đại cho là “sự trùng hợp”. Có một thuật ngữ trong lý thuyết Phật giáo được gọi là “Ngũ giới” (Panca-dhatavah), cũng được gọi là “Ngũ luân”, cụ thể là “Tứ đại” gồm Đất, Nước, Lửa và Gió, cộng với “Không giới” (Akasha) là năm yếu tố cơ bản tạo nên thế giới. Sự hiểu biết ban đầu về điều này ở phương Tây đến từ Nhật Bản, vì vậy nó thường được gọi là “Godai” – đây là phiên âm của “Ngũ đại” trong tiếng Nhật.

Như chúng ta đã biết, không có các vị thần Hy Lạp như Zeus, Hera, Poseidon, Hades và Aether trong Phật giáo. Thuyết “Ngũ giới” của Phật giáo hoàn toàn bắt nguồn từ chính họ, không liên quan gì đến quá trình người Hy Lạp cổ đại suy ra 5 nguyên tố thông qua đặc tính của các vị Thần. Hơn nữa, thời điểm chung để phương Đông và phương Tây đưa ra những lý thuyết về nguyên tố này rất gần nhau, đều là vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, khi chưa có công nghệ hiện đại, phương thức vận chuyển còn rất thô sơ, thành quả về văn hóa và học thuật rất khó để truyền sang các lục địa khác. Tuy nhiên, “đại đồng tiểu dị”, “Đất, Nước, Lửa, Gió và Không” của Phật giáo cùng “Đất, Nước, Lửa, Khí và Ether” của Hy Lạp cổ đại chiếu sáng lẫn nhau. Khiến mọi người nhớ đến câu thành ngữ cuốn “Chu Dịch” “Thù lộ đồng quy”, tức các con đường khác nhau nhưng đều quy về một chỗ.

Truyền thống và sự thay đổi

Đã nói về nhiều nền văn hóa cổ xưa như vậy, cũng làm nảy sinh một chút suy nghĩ: Trong nghiên cứu văn hóa lịch sử, cần phải làm rõ một khái niệm – đó là “truyền thống” là gì. Nói chung, truyền thống có lịch sử lâu đời, vậy tất cả những gì có từ lâu đời có phải là truyền thống không?

Một đặc điểm chung có thể được nhìn thấy từ các nền văn hóa cổ đại của các quốc gia khác nhau: nhiều đạo đức và phong tục cơ bản có nguồn gốc từ Thần thoại hoặc tôn giáo. Về khai thiên tịch địa của Bàn Cổ trong Thần thoại phương Đông và mối quan hệ trong các tôn giáo phương Tây đều do các vị Thần đặt ra vào thời kỳ đầu của nền văn minh và truyền lại cho thế giới, sau đó con người coi đó như một nét văn hóa chính thống và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là cái mà chúng ta thường gọi là “văn hóa Thần truyền”.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng kỳ I: Nhà nguyện Sistine và bức "Chúa trời tạo ra Adam"
Bức “Chúa trời tạo ra Adam” nổi tiếng trên mái vòm nhà nguyện Sistine. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Nhiều nền văn hóa Thần truyền đều được luân phiên dựng lập, ban đầu là phát triển, từng bước trải qua quá trình thành, trụ, hoại, diệt, cho đến khi một nền văn minh mới xuất hiện.

Các nền văn minh mới thay thế các nền văn minh cũ, một số là do thiên tai và các yếu tố khác dẫn đến sự tuyệt chủng hoàn toàn của con người và thậm chí cả các sinh vật. Các nền văn minh khác là do chiến tranh quy mô lớn hoặc bệnh dịch quy mô lớn gây ra số lượng lớn người chết, những người sống sót dần dần từ bỏ nền văn hóa tiền sử để hòa nhập vào nền văn minh mới. Nhưng trong trường hợp thứ hai, nền văn minh cũ còn lại sẽ không biến mất hoàn toàn mà có khả năng sẽ được nền văn minh mới tiếp thu, hoặc được giữ lại làm di tích, nhân chứng lịch sử.

Ở đây có liên quan đến một vấn đề, nền văn minh trong quá khứ phát triển theo quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”, nên khi lịch sử đến giai đoạn diệt vong thì nền văn minh đó cũng bị hủy, kể cả văn hóa Thần truyền ban đầu. Có nghĩa là, trong quá trình lịch sử lâu dài, văn hóa bán Thần bán nhân dần dần bị các thế hệ sau thay đổi, thậm chí đi ngược lại. Những câu chuyện Thần thoại cao quý sẽ từ từ lệch khỏi trạng thái ban đầu khi đạo đức xã hội suy đồi, và dần dần sẽ bị xử lý và chuyển thể thành một cốt truyện thấp kém và suy thoái, và nền văn hóa bị thay đổi này đương nhiên sẽ không thể được gọi là “văn hóa Thần truyền”.

Tuy nhiên, nền văn hóa biến dị này, không còn là “văn hóa Thần truyền”, có một đặc điểm mê hoặc con người – đó là nó có lịch sử lâu đời. Khi nó được bảo tồn như một di sản lịch sử bởi nền văn minh mới, thì lịch sử của nó sẽ xuất hiện với thế giới lâu hơn thời kỳ văn hóa được Thần truyền lại trong nền văn minh mới, nhưng nó còn bại hoại và biến chất hơn cả nền văn minh mới. Tuy nhiên, loài người tôn trọng lịch sử cổ đại, nên với sự phát triển con người sẽ nhìn nhận hoặc tán thành sự bại hoại này theo một nghĩa nào đó, và hậu quả dẫn đến cuối cùng sẽ rất nguy hiểm, là điều chúng ta cần thấy rõ ngày nay.

Chúng ta hãy quay trở lại chủ đề vừa rồi: Truyền thống là gì? Đó là sự chính thống Thần truyền. Bởi vì, tính chính thống Thần truyền không bị phụ thuộc theo thời đại, mà phụ thuộc vào bản chất Thần truyền. Nói cách khác, ngay cả những nội dung mà Thần truyền lại ngày nay, cho dù nó không được tích lũy lưu giữ ở bất kỳ thời đại nào trên thế giới, thì nó vẫn là truyền thống. Ngược lại, nếu nó không phải là một thứ chính thống, thì dù nó có từ niên đại xa xưa đi chăng nữa, nó cũng không phải là truyền thống mà chúng ta nói đến. Tất nhiên, một số có thể được gọi là “Truyền thống của ma”, nhưng chúng không liên quan gì đến “Truyền thống” được đề cập ở đây.

Bài viết này chỉ giới thiệu sơ lược về một hai bọt sóng trên đại dương văn hóa, không viết một cách tổng thể và chuyên sâu, chỉ dưới góc nhìn của học thuật thông thường và không đề cập đến nhiều nhân tố hơn nữa, mục đích là để cho độc giả ở mọi tầng lớp trong xã hội, những người có quan điểm khác nhau đọc và hiểu, vì vậy không tránh khỏi những thiếu sót trong bài viết, kính mong các bạn đọc lượng thứ.

Theo loạt bài “Thần thoại hỗn loạn và tư tưởng triết học truyền thống”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Arnaud H.

Tài liệu tham khảo:

  • Aristotle, “Metaphysica”, 4th century BC
  • Aristotle, “Politics”, 4th century BC
  • Gustav Schwab, “Die schönsten Sagen des klassischen Altertums”, 1840
  • Herodotus, “Histories”, c. 430 BC
  • Hesiod, “Works and Days”, c. 700 BC
  • Jean-Georges Vibert, “La Science de la peinture”, 1891
  • Leonardo da Vinci, “Trattato della pittura”, 1651
  • Lucius Flavius Philostratus & Charles Daremberg, “Philostrate : Traité sur la Gymnastique”, 1858
  • Plato, “Apology”, 399 BC
  • Plato, “Phaedo”, c. 399 BC
  • Plato, “Republic”, 375 BC

Bình Luận