Tôn Tư Mạc, có nơi chép là Tôn Tư Mạo, là một danh y lỗi lạc thời Tùy, Đường. Tương truyền ông thọ trên trăm tuổi, sống qua các triều đại nhà Chu, nhà Tùy và nhà Đường.

Thần y Tôn Tư Mạc từng hễ chữa cho ai, người đó liền qua đời
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Năm lên bảy ông bắt đầu đi học, mỗi ngày ông đã có thể đọc được hơn 1.000 chữ. Chừng 20 tuổi, ông thích đọc Lão Tử, Trang Tử và học thuyết Bách Gia, cùng kinh Phật. Lúc đó, một vị tổng quản thành Lạc Dương sau khi gặp ông đã cảm thán mà rằng: “Đây quả là một thần đồng, chỉ e cậu ta tài cao mà chức nhỏ, rất khó được trọng dụng.”

Tôn Tư Mạc nhìn thấu thói đời chỉ biết theo đuổi danh lợi, tranh đua tài phú, lòng tham vô đáy, cuối cùng chết trong sự phóng túng. Ông nói, chỉ cần tu dưỡng đạo đức; dù không mong thiện báo, mà tự có phúc báo; không mong trường thọ, mà tự kéo dài tuổi thọ.

Vào thời Chu Tuyên Vương, vương thất xảy ra nhiều biến cố, Tôn Tư Mạc tới ẩn cư trên núi Chung Sơn. Khi Tuỳ Văn Đế còn phò tá triều chính nhà Chu đã lệnh cho Tôn Tư Mạc làm tiến sỹ quốc tử, nhưng ông cáo bệnh từ chối. 40 năm thoáng chốc qua đi, nhà Đường thay thế nhà Tùy, Đường Thái Tông Lý Thế Dân lên ngôi hoàng đế.

Đường Thái Tông triệu hồi Tôn Tư Mạc về Kinh Thành, hết lần này tới lần khác ban tước vị cho ông, nhưng Tôn Tư Mạc cũng kiên quyết chối từ. Sau này Đường Cao Tông triệu hồi ông, thỉnh mời ông làm đại phu can gián, ông vẫn liêp tiếp từ chối.

Khi Tôn Tư Mạc cáo bệnh về quê, Đường Cao Tông tặng riêng cho ông một con tuấn mã và tặng lại thành ấp của công chúa Bà Dương cho ông làm nơi cư ngụ.

Truyền thuyết về đôi giày cỏ của Tôn Tư Mạc

Tôn Tư Mạc nhiều năm theo sư phụ học nghề y trên núi cao. Nhờ nỗ lực học hành chăm chỉ, cộng thêm trau dồi phẩm đức và đạo đức thầy thuốc, nên ông được sư phụ truyền thụ toàn bộ y đạo. Khi Tôn Tư Mạc sắp xuống núi, sư phụ khẩn thiết cảnh báo ông rằng: “Những việc tại nhân gian đều đã có định số, không thể vì một chút khó khăn nhất thời mà mai một nguyện vọng tế thế cứu người. Ta tin rằng con sẽ không làm ra những việc tổn hại đạo đức, hại người, làm ô nhục sư môn. Nguyện vọng ban sơ không đổi, ắt sẽ thành đại sự.”

Tôn Tư Mạc rơm rớm nước mắt cáo biệt sư phụ xuống núi, nghiêm cẩn tuân theo giáo huấn của sư phụ, toàn tâm toàn ý chữa bệnh cho mọi người. Nhưng ông chẳng được như sở nguyện. Dẫu đi tới đâu, ông không chỉ không chữa được bệnh, mà không biết tại sao hễ ông chọn chữa cho ai, thì người ấy đều không may qua đời, dù không phải do vấn đề y thuật của ông. Mọi người chỉ trích, nhục mạ ông, sau này họ xua đuổi ông như trốn tránh một thứ ôn dịch vậy. Ông không chỉ phải nhẫn chịu nỗi khổ của cuộc sống lang thang sương gió, mà còn bị dày vò với những lời đàm tiếu phong sương như dao sắc của mọi người.

Một hôm khi Tôn Tư Mạc không thể nhẫn chịu nổi nữa, bèn quay về núi than khóc với sư phụ. Sư phụ không hề trách móc ông, chỉ hiền từ nhìn ông nói: “Những nỗi khổ mà con phải chịu đựng ta đều biết. Nhưng đây chỉ là một quá trình, đợi tới khi chuyển biến mọi thứ sẽ thay đổi. Đừng nản lòng, khi nào đôi giày cỏ của con nặng 8 cân rưỡi (tương đương hơn 4 cân hiện đại) thì mọi chuyện sẽ ổn.”

Tôn Tư Mạc lại bái biệt sư phụ xuống núi. Và lần này dẫu rơi vào cảnh ngộ trước kia, ông vẫn không nản lòng, thối chí, mà khích lệ bản thân trong gian khổ.

Một lần nọ ông đi hụt vào một vũng bùn lầy, đôi giày cỏ hỏng mất, phải khó khăn lắm mới nhấc chân ra được. Ông phải dùng cỏ ven đường tạm thời buộc lại đôi giày hỏng của mình. Bện xong, đôi giày cỏ vừa to vừa nặng, nhưng do lúc đó chưa có cách nào khác, ông đành phải đi tiếp.

Chẳng bao lâu sau, một đoàn rước đám ma đi ngang qua. Tôn Tư Mạc đột nhiên để ý thấy máu vẫn nhỏ xuống từ chiếc quan tài đang khiêng. Ông bước tới, cẩn thận quan sát vết máu, sau đó đuổi theo hét lớn: “Đứng lại! Đứng lại! Người này vẫn còn cứu được, người này vẫn còn cứu được…”

Ban đầu mọi người cho rằng ông là một kẻ điên, nói năng lảm nhảm. Ông muốn họ đặt quan tài xuống, họ lại càng chẳng buồn nghe theo, bởi người dân địa phương kiêng kị đặt quan tài xuống giữa đường. Tôn Tư Mạc vừa chạy theo vừa lớn tiếng: “Người này chết vì sinh nở đúng không? Không chỉ không thể sinh nổi mà người mẹ còn bị chết vì đau đớn do không thể cầm máu? Mau mau đặt quan tài xuống, nếu không sẽ không kịp.”

Mọi người nghe ông nói đều đúng, như thể tự mắt mình nhìn thấy, bèn đặt quan tài xuống, mở nắp quan tài ra cho ông chữa trị. Tôn Tư Mạc lấy ra một chiếc kim châm, tìm đúng huyệt vị cắm vào đó. Chẳng bao lâu sau, thì nghe sản phụ hét lên một tiếng “A!” rồi tỉnh lại. Mọi người đều kinh ngạc nhất loạt vỗ tay reo hò. Đúng lúc này tiếng trẻ con khóc giòn tan cất lên, người mẹ và đứa trẻ đều được cứu! Mọi người vô cùng vui mừng.

Từ đó về sau, câu chuyện một mũi kim châm cứu được hai mạng người được lưu truyền thành giai thoại.

Cũng trong lần đó, gia đình người sản phụ mời ông về nhà, cảm tạ, bái lạy ông. Không vì làm ơn mà lợi dụng người khác, hôm sau Tôn Tư Mạc nhất quyết rời đi, cả nhà năn nỉ cũng không được, khi đi ông chỉ nhận một đôi giày cỏ. Chồng của sản phụ muốn vứt đôi giày cỏ cũ đi, nhưng Tôn Tư Mạc không nỡ. Lúc này ông chợt nhớ tới lời sư phụ, bèn tìm chiếc cân, cân lên thì vừa đúng 8 cân rưỡi.

Từ đó trở đi, điều kỳ lạ là ông không còn vướng phải những điều không may nữa, mọi người mới biết được ông xem bệnh cho ai cũng linh nghiệm. Vậy mới lưu truyền câu chuyện truyền thuyết về “Thần y giày cỏ”.

Theo Minghui.org
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: