Tôn Tư Mạc (Tôn Tư Mạo), là người Hoa Nguyên, Kinh Triệu, một thầy thuốc và đạo sỹ nổi tiếng, sống qua các triều đại nhà Chu, nhà Tùy và nhà Đường. Hoàng đế Đường Thái Tông từng triệu kiến ông, lại mong muốn ban cho ông chức vị và tiền tài, nhưng Tôn Tư Mạc đều từ chối không nhận, chỉ xin được về quê. Không giữ được người, Đường Thái Tông đành ban cho ông danh hiệu là Dược Vương, gián tiếp khẳng định y thuật cao siêu của Tôn Tư Mạc.

Thần y Tôn Tư Mạc: Uống tiên đan không bằng coi trọng đức
(Tranh minh họa: Đinh Quan Bằng thời Thanh, Public Domain)

Tôn Tư Mạc để lại rất nhiều trước tác: 30 cuốn “Thiên kim phương”, lưu lại 30 cuốn “Phúc lộc luận”, 1 cuốn “Nhiếp sinh chân lục”, 1 cuốn “Chấn trung tố thư”, 1 cuốn “Hội tam giáo luận”… Tuy nhiên nổi tiếng nhất trong số đó là cuốn “Thiên kim yếu phương”, được người đời sau coi là một bộ kỳ thư, vừa là kinh điển của thầy thuốc, vừa là kinh điển của người tu Đạo.

Câu nói “Trọng đức hữu hiệu hơn uống tiên đan” cũng bắt nguồn từ cuốn sách này. Tôn Tư Mạc nói: “Trăm điều đức hạnh đều chu toàn, dẫu không dùng thuốc bổ, cũng có thể trường thọ. Đức hạnh không đủ, dẫu uống canh ngọc tiên đan, chưa hẳn đã có thể trường sinh.” (Thiên kim yếu phương – Dưỡng sinh tự).

Vì sao trọng đức lại quan trọng hơn cả tiên đan? Từ Đạo gia mà xét, con người khi sinh ra đã có “tam bảo” (ba báu vật) của sinh mệnh là: tinh, khí, thần. Ba điều này có thể hình thành nhiều “tầng bảo vệ”, chống lại những thứ tà bên ngoài xâm chiếm, trợ giúp con người dưỡng sinh, bảo vệ sinh mệnh. Trong đó, điều được gọi là “thần” mới là chúa tể thực sự của con người. “Thần” hay “nguyên thần” của con người đều có đặc tính giống nhau, thần thánh, thuần chân và thiện lương.

Vậy làm thế nào mới có thể phát huy được tác dụng của “thần”? Là con người, ít nhiều đều ôm giữ lòng ích kỷ và tư tưởng bất thiện, ngăn trở sự thiện lương thiên phú của “nguyên thần”. Những tư tâm này khiến “nguyên thần” không thể phát huy hết tác dụng bảo vệ sinh mệnh mạnh mẽ của mình. Nếu con người có thể trọng đức, trừ bỏ những tư tưởng bất hảo, như tâm ích kỷ, đố kỵ, tranh đấu, “nguyên thần” mới có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Tôn Tư Mạc cho rằng khi đạo đức thế gian tuột dốc, con người thế tục sẽ theo đuổi lợi danh, tranh đoạt, tham lam vô độ, cuối cùng phóng túng bản thân mà tự chuốc lấy diệt vong. Ông chủ trương dưỡng tính ắt phải coi nhẹ lợi danh, coi danh lợi như phù vân, lúc ẩn lúc hiện. Ông đặc biệt tôn sùng câu nói: “Điềm đạm hư vô” trong “Hoàng đế nội kinh”.

Tôn Tư Mạc nói: “Chỉ tu dưỡng đạo đức, không cầu thiện báo, ắt tự có phúc báo; không cầu trường thọ, tự sẽ được trường thọ. Đây mới là yếu lĩnh lớn nhất trong việc dưỡng sinh.”

Người trọng đức sẽ trở thành người tốt có tu dưỡng. Nếu không ngừng nâng cao tiêu chuẩn hơn nữa, khiến bản thân ngày càng trở nên tốt hơn, sẽ có thể trở về với bản tính thuần thiện, thuần chân thuở ban sơ của mình. Bởi vậy Đạo gia mới giảng: “Phản bổn quy chân”, chính là quay trở về với cái bản nguyên sinh mệnh của mình, không còn những điều xấu xa dơ bẩn nữa. Hành trình đó được gọi là tu luyện.

Theo sách cổ ghi chép, Tôn Tư Mạc cuối cùng cũng tu luyện trở thành chân nhân. Vậy nên sử sách còn gọi ông là “Tôn chân nhân”. Cũng tương truyền rằng sau khi rời khỏi nhân thế hơn một tháng, dung mạo Tôn Tư Mạc vẫn không hề biến sắc, khi mang thi thể đặt vào quan tài thì nhẹ tựa như một bộ y phục. Người ta rời khỏi nhân thế thì phần “thần” sẽ đi đâu? Mà chân nhân như Tôn Tư Mạc thì sẽ về đâu?

Một đời của Tôn Tư Mạc để lại cho hậu thế rất nhiều chân lý, cảm ngộ của bản thân, trong đó lời khuyên “Trọng đức hữu hiệu hơn uống tiên đan” của Dược Vương sẽ khiến người tầm Đạo ngày nay không khỏi suy ngẫm.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: